4 mô hình văn hóa doanh nghiệp trên thế giới – Clibme.com – Thư viện kiến thức Kinh tế – Tài Chính
Một trong những yếu tốt cốt lõi làm nên thành công của một công ty chính là văn hoá doanh nghiệp. Đây cũng là khía cạnh được quan tâm hàng đầu bởi mỗi ứng viên khi tìm kiếm một môi trường làm việc mới. Vậy hiện nay trên thế giới đang tồn tại phổ biến những mô hình văn hóa doanh nghiệp nào? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Nội dung bài viết
- I. Văn hóa doanh nghiệp là gì ?
- II. Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp
- III. 4 mô hình văn hóa doanh nghiệp trên thế giới hiện nay
- 3.1 Mô hình văn hóa doanh nghiệp gia đình
- 3.2 Mô hình văn hóa doanh nghiệp tháp Effiel
- 3.3 Mô hình văn hóa tên lửa dẫn đường
- 3.4 Mô hình văn hóa doanh nghiệp lò ấp trứng
I. Văn hóa doanh nghiệp là gì ?
Có rất nhiều khái niệm về văn hóa doanh nghiệp được đưa ra nhưng nhìn chung có thể định nghĩa Văn hóa doanh nghiệp là tập hợp những giá trị và chuẩn mực về niềm tin, hành vi, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi người trong công ty cùng công nhận, suy nghĩ và hành động như một thói quen.
Văn hóa doanh nghiệp giống như tính cách và đời sống tinh thần của con người, ảnh hưởng đến lối sống, hành vi của người đó. Xây dựng văn hóa công ty quyết định sự thành bại và tồn tại lâu dài của mỗi doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp như tấm áo nhận diện của một công ty đối với bên ngoài, cũng là trụ cột vững chắc cho mỗi nhân viên.
II. Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp. Nếu cơ sở vật chất và trang thiết bị là “phần xác” của doanh nghiệp, thì văn hóa doanh nghiệp là “phần hồn” của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của doanh nghiệp, góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của doanh nghiệp.
Có thể bạn không biết rằng: Những cái tên nổi tiếng thế giới như IBM, Kodak, General, Digital Electronics trong thời gian ngắn đã đánh mất vị trí số 1 của mình. Còn nhiều công ty, tập đoàn như Toyota, Nissan, Masishuta, LG lại thành công vang dội trong và ngoài nước, mạnh mẽ vượt qua bao đối thủ, làm thức tỉnh sự chủ quan của nhiều brand lớn. Bí mật ở đây đó là cuộc cách mạng văn hóa trong doanh nghiệp.
Một số lợi ích làm nên tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp có thể tóm gọn như sau:
- Văn hóa doanh nghiệp tạo bản sắc, nhận dạng riêng của tổ chức, phân biệt tổ chức này với tổ chức khác.
- Văn hóa doanh nghiệp giúp thu hút ứng viên cho tuyển dụng.
- Văn hoá doanh nghiệp giúp cho nhân viên của công ty biết được vai trò của mình với doanh nghiệp.
- Văn hóa doanh nghiệp giúp kết nối toàn bộ nhân viên trong công ty. Tạo nên khí thế của một tập thể vững mạnh.
- Văn hóa doanh nghiệp giúp khích lệ tinh thần, động lực làm việc của mỗi người, giúp mọi nhân viên vượt qua mọi thử thách, khó khăn của công ty.
III. 4 mô hình văn hóa doanh nghiệp trên thế giới hiện nay
Trên thế giới đã hình thành nhiều mô hình văn hóa doanh nghiệp nhưng nhìn chung có 4 mô hình văn hóa doanh nghiệp tiêu biểu.
3.1 Mô hình văn hóa doanh nghiệp gia đình
Khi nói đến gia đình là chúng ta nghĩ ngay đến mái ấm thân thuộc, mang tính nhân văn đầy thiêng liêng. Trong mô hình văn hóa doanh nghiệp gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên trực tiếp gần gũi nhưng có thứ bậc trên dưới, như trong gia đình.
Người lãnh đạo giống như “người cha”, giàu kinh nghiệm và có quyền hành lớn đối với nhân viên – “người con”. Kết quả là sự hình thành doanh nghiệp hướng quyền lực, trong đó người lãnh đạo giữ vai trò như người cha biết việc gì cần làm và biết điều gì tốt cho con cái. Đây là loại quyền lực hết sức thân thiện, ôn hòa không hề có tính đe dọa, áp lực.
Quan hệ gia đình trong doanh nghiệp khá lâu bền và ổn định. Mô hình này quan tâm đến sự phát triển con người hơn là khai thác năng lực con người. Người thực hiện quan trọng hơn công việc thực hiện. Khi có mâu thuẫn thì người lãnh đạo cần khéo léo, không được chỉ trích công khai.
Ưu điểm: Mô hình này mang đến sự gắn kết giữa cá nhân với công ty nhờ lòng trung thành và truyền thống văn hóa. Giải quyết tốt nhu cầu của khách hàng và nhân viên.
Nhược điểm: Mô hình này không phù hợp với công ty có quy mô lớn.
Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp có môi trường khép kín, tập trung nền văn hóa bản địa.
Nhiều tập đoàn vận hành theo mô hình này: Hàn Quốc, Ai Cập, Ý, Singgapore va điển hình là Nhật Bản. Đa số doanh nghiệp Nhật Bản xây dựng theo mô hình văn hóa gia đình. Đạo đức trong công ty là tình cảm yêu thương đúng mực giữa các thứ bậc khác nhau, người trẻ tuổi được nâng niu, còn người nhiều tuổi được kính trọng, Các công ty Nhật Bản cung cấp giá rẻ cho nhân viên, giúp nhân viên chỗ ở, con cái đến trường, quan tâm đến mọi người trong gia đình nhân viên.
3.2 Mô hình văn hóa doanh nghiệp tháp Effiel
Đây là mô hình thiên về nhiệm vụ và tôn trọng thứ bậc. Tháp Eiffel có độ dốc đứng, cân đối, hẹp ở đỉnh, rộng ở đáy, chắc chắn. Đây là biểu tượng của bộ máy chính thống với phân chia lao động theo vai trò và chức năng.
Hệ thống cấp bậc trong tháp khách quan dựa trên pháp lý khác hoàn toàn với mô hình gia đình, đòi hỏi mọi người tuân thủ các quy định của công ty. Vai trò ở cấp độ trong hệ thống được xếp loại theo các mức độ dễ- khó, phức tạp hay trách nhiệm khác nhau với mức lương tương ứng. Do vậy đảm bảo sự công bằng, khách quan để đánh giá năng lực và thăng tiến.
Ưu điểm: Văn hóa doanh nghiệp lúc này sẽ thiết lập nên các quy tắc và chính sách đồng nhất giữ cho tổ chức cùng phát triển. Mục tiêu dài hạn là sự ổn định kết hợp các nhiệm vụ ngắn hạn hiệu quả, kiểm soát quy trình, công cụ chất lượng tạo ra kết quả. Do đó, việc quản lý nhân sự phải sẽ tập trung vào KPIs và hiệu suất.
Nhược điểm: Cách tiếp cận rất khô khan này không tạo ra cảm hứng hoặc dám thử nghiệm, điều này có thể dẫn đến việc thiếu niềm đam mê hoặc khó chịu từ các nhân viên vì môi trường quá cứng nhắc.
Đối tượng phù hợp: Các công ty thiên về quản trị bằng sức mạnh, quyết đoán. thường là các công ty về sản xuất…
Mô hình tháp Effiel được áp dụng mạnh mẽ ở Đức. Người Đức không thích sự bất ngờ, họ đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc kinh doanh và sự vận hành có tổ chức từ trên xuống để hạn chế các tình huống phát sinh trong quá trình hoạt động
3.3 Mô hình văn hóa tên lửa dẫn đường
Đây là mô hình thiên về nhiệm vụ và phân quyền trong 4 mô hình văn hóa doanh nghiệp. Nó chú trọng đến sự bình đẳng ở nơi làm việc và định hướng vào công việc, tạo ra một môi trường làm việc năng động và sáng tạo và chấp nhận rủi ro.
Mô hình này hướng nhiệm vụ do đội ngũ hay nhóm dự án thực hiện. Họ phải làm bất cứ điều gì để hoàn thành nhiệm vụ. Các nhóm làm việc sẽ cần người lãnh đạo, chịu trách nhiệm từ khâu hình thành cho đến lúc hoàn thành. Những nhóm này sẽ cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia để đạt được mục tiêu. Giá trị nhân văn của mô hình này thể hiện ở cách thức làm việc và kết quả đóng góp.
Ưu điểm: Mô hình này thiên về sự sự sáng tạo và đổi mới. Việc tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ được coi là thành công đối với các doanh nghiệp này. Do đó, thúc đẩy sáng kiến cá nhân và tự do sáng tạo của mỗi nhân viên trong công ty.
Nhược điểm: Mô hình tên lửa rất tốn kém do phải thuê các chuyên gia. Nhóm có xu hướng làm việc tạm thời, mối quan hệ không còn khăng khít khi dự án kết thúc và các phương tiện thực hiện sẽ ngừng hoạt động. Văn hóa thị trường có thể khiến nhân viên bị thiếu phương hướng và trách nhiệm.
Đối tượng phù hợp: Các doanh nghiệp làm theo dự án hoặc làm theo nhóm
Mô hình này được rất nhiều doanh nghiệp làm dự án ưa chuộng. Ví dụ như cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia đã sử dụng nhóm dự án để thăm dò vũ trụ. Mỗi nhân viên đều có trách nhiệm và quyền hạn ngang nhau.
3.4 Mô hình văn hóa doanh nghiệp lò ấp trứng
Trong 4 mô hình văn hoá doanh nghiệp thì mô hình này thiên về con người và bình đẳng. Điều này mô tả văn hóa doanh nghiệp như một lò ấp trứng để các thành viên tự phát huy khả năng và tự tạo mối quan hệ. Nhân viên được thỏa sức sáng tạo, không bị gò bó, ép buộc theo bất kỳ lề lối nào, phát huy khả năng tự học hỏi, tự nghiên cứu, tự hoàn thiện bản thân hơn.
Mô hình này có cấu trúc tối giản nên hệ thống thứ tự cấp bậc được tinh giản đáng kể. Người nắm quyền ra lệnh là những cá nhân nghiêm khắc, có những ý tưởng gây hứng thú một cách tự nhiên và nguồn cảm hứng khơi dậy từ tầm nhìn xa đã cuốn hút người khác làm việc với họ.
Ưu điểm: Đem lại sự sáng tạo, phát huy khả năng của mỗi nhân viên Phong cách tổ chức văn hóa doanh nghiệp của họ sẽ dựa trên sự cạnh tranh.
Nhược điểm: Sự cạnh tranh giữa nhân viên khiến mọi người thấy áp lực.
Đối tượng phù hợp: Các công ty thiên về sáng tạo, công nghệ, thiết kế, marketing…
Facebook có thể được coi là một điển hình mẫu cho văn hóa lò ấp trứng. Dựa trên lời khuyên răn nổi tiếng của CEO Mark Zuckerberg: Di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ các nhân viên không bị ràng buộc bởi quy trình, quy định mà có thể tự phát triển bản thân.
Xem thêm các tài liệu có liên quan:
3 kinh nghiệm “xương máu” khi đàm phán với đối tác Trung Quốc
Hội nhập văn hoá và bài học của 4 công ty đa quốc gia
6 Bí kíp quản trị đa văn hoá tại doanh nghiệp hiệu quả
7 nét độc đáo trong văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản
Sinh viên thực hiện: Đỗ Thị Ánh
Mã sinh viên: 20050022
Mã lớp học phần: INE3104 5