5 lễ hội truyền thống tại Cao Bằng

Cao Bằng với phong cảnh núi non hùng vĩ gắn liền với các di tích lịch sử: suối Lê Nin, Hang Pác Bó, núi Các Mác, thác Bản Giốc,… Ngoài ra, Du lịch Cao Bằng du khách còn có cơ hội hòa mình vào không khí của các lễ hội vừa trang nghiêm nhưng không kém phần sôi động như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội đền Kỳ Sâm, lễ hội đên Vua Lê, lễ hội du lịch Thác Bản Giốc thường được tổ chức vào mỗi dịp đầu xuân.

1. Lễ hội Lồng Tồng

Lễ hội Lồng Tồng là một lễ hội truyền thống quan trọng nhất của người dân Tày – Nùng, có nghĩa là xuống đồng. Đây là lễ hội đầu xuân được tổ chức thường niên vào ngày mồng 4 đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch để người dân cầu Thần Nông ban may mắn đến cho dân làng, cầu cho một mùa màng bội thu, cây lá tốt tươi.

Lễ hội Lồng Tồng

Lồng Tồng là một lễ hội thuộc về nông nghiệp, được tổ chức trên một thửa ruộng lớn với những nghi thức phổ biến như dâng hương, lễ thần để bày tỏ tấm lòng thành kính. Ngay sau khi chủ lễ dắt những chú trâu mở đường cày đầu tiên trên thửa ruộng, bắt đầu cho một mùa vụ mới.  Sau khi các nghi thức diễn ra là các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, hát sli, múa võ, múa giáo,…

Cho đến ngày nay khi đời sống người dân nâng cao hơn nhưng lễ hội vẫn còn giữ được lại những nét nguyên vẹn của nó và ngày càng diễn ra sôi nổi, phong phú hơn. Các yếu tố văn hóa dân gian cũng được lưu giữ lại để giới thiệu đến du khách. Khách du lịch đến tham quan các địa điểm tại Cao Bằng vào mùa lễ hội vừa được chiêm ngưỡng cảnh đẹp lại vừa có thể tìm hiểu thêm về nên văn hóa dân tộc, đời sống người dân vùng cao, tham gia các trò chơi dân gian và thưởng thức nhiều món ăn độc đáo.

2. Lễ hội đền Kỳ Sầm

Đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao, một nhân vật lịch sử anh hùng người dân tộc Tày từng có công lao lớn trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Là người có tài thao lược, dùng binh giỏi, tự xưng mình là Nhân Huệ hoàng đế một thời đánh tan quân Tống xâm lược, Nùng Trí Cao được nhân dân tôn sùng, kính trọng và được triều đình phong tước hàm.

le hoi cao bang

Hàng năm cứ vào mồng 10 tháng Giêng âm lịch là nhân dân địa phương và cả du khách thập phương đều tấp nập đến đây dâng hương tưởng nhớ và tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống với sự tham gia của nhiều du khách. Lễ hội cũng là dịp để người dân và du khách vui xuân, vãn cảnh và hái lộc đầu năm.

3. Lễ hội đền Vua Lê

Đền Vua Lê được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia, nằm ngay trong quần thể di tích thành Nà Lữ. Đây được coi như một trung tâm kinh tế, văn hóa, quân sự của nhiều triều đại phong kiến.

le hoi den vua le cao bang

Đền Vua Lê gắn với lịch sử dân tộc ta,với những hoạt động của Đảng ta trong thời kỳ vận động cách mạng. Hàng năm cứ đến ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch là nơi đây lại tổ chức lễ hội linh đình với nhiều hoạt động dân gian phổ biến thu hút nhiều khách du lịch.

4. Lễ hội Mẹ Trăng

Là một tín ngưỡng của dân tộc Tày, lễ hội Mẹ Trăng được tổ chức để rước Mẹ Trăng, cầu cho Mẹ ban phước lành. Hàng năm lễ hội được tổ chức vào tháng Giêng cho đến trung tầm tháng ba. Theo quan niệm của người dân tộc Tày, trên mặt trăng có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên, trông coi mùa màng và giúp đỡ người dân trồng trọt cấy hái.

Cứ mỗi năm diễn ra mùa lễ hội, người dân lại lựa chọn một người phụ nữ trung niên có cuộc sống sung túc, hạnh phúc và đức hạnh làm Mẹ Trăng kèm theo 12 – 18 cô gái hóa thân thành nàng tiên trong đó hai cô xinh nhất sẽ đóng vai chị em trăng. Lễ hội được diễn ra dưới lều trăng do dân làng dựng lên. Trong lễ rước Mẹ Trăng, hai thanh niên trai tráng trong bản được lựa chọn sẽ đi đầu để mở đường cho Mẹ Trăng và các nàng tiên đi lên trời.

Sau lễ đón trăng xuống, những đêm tiếp theo sẽ làm lễ cúng Mẹ Trăng. Lễ cúng kéo dài 12 đêm với 12 Mẹ Trăng khác nhau, mỗi Mẹ sẽ lại ban một phước lành. Cuối cùng là người dân làm lễ đưa Mẹ Trăng về trời. Lễ này diễn ra trong một ngày duy nhất tại lều trăng thứ hai đặt ngay tại cổng. Mẹ trăng cùng các nàng tiên phải làm lễ chia tay và hát những điệu hát lượn chia tay quen thuộc, cầu thần trông coi đầu bản và cuối bản mở cửa cho Mẹ Trăng và các nàng trăng về trời.

5. Lễ hội du lịch thác Bản Giốc

Du lịch thác Bản Giốc đang ngày càng nổi bật và phát triển, lễ hội du lịch thác Bản Giốc được tổ chức nhằm giới thiệu các địa điểm du lịch nổi tiếng cũng như các làn điệu dân ca để thu hút thêm nhiều khách du lịch.

Lễ hội thác Bản Giốc được diễn ra ngay tại khu du lịch thác Bản Giốc để du khách vừa có thể tham gia lễ hội lại vừa có thể ngắm cảnh một trong những thác nước đẹp nhất nước ta. Phần lễ được tổ chức tại Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc với các nghi thức như rước nước thiêng từ thác Bản Giốc lên Chùa, lễ cầu quốc thái dân an,…Phần hội là chương trình văn nghệ và khai mạc với các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống, văn hóa ẩm thực địa phương, triển lãm ảnh giới thiệu địa danh, phong cảnh thiên nhiên,…