5 lĩnh vực kinh doanh trong ngành du lịch

5 lĩnh vực kinh doanh trong ngành du lịch

Kinh doanh du lịch có thể hiểu là các hoạt động kinh doanh sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng,… Khi du khách có nhu cầu trải nghiệm du lịch và tìm đến công ty kinh doanh du lịch, công ty sẽ “bán” cho khách hàng những trải nghiệm, cảm giác hay sự hưởng thụ trong chuyến du lịch.. Cùng tìm hiểu xem có những loại hình trong kinh doanh du lịch.

1. Kinh doanh du lịch lữ hành

Là mảng kinh doanh đặc trưng trong kinh tế du lịch. Sản xuất, lưu thông (mua, bán) và lên kế hoạch, tổ chức, thực hiện chương trình du lịch trên thị trường để thu về lợi nhuận, lợi ích kinh tế. Bên cạnh kinh tế, mảng kinh doanh du lịch lữ hành còn đảm bảo việc giữ gìn bản sắc phát huy đa dạng văn hoá dân tộc, an ninh xã hội, hòa bình quốc gia và giao lưu bạn bè quốc tế.

5 lĩnh vực kinh doanh trong ngành du lịch - Ảnh 1

Các công ty kinh doanh lữ hành thường kết hợp với các điểm tuyến và khu du lịch từ đó xây dựng các chương trình bao gồm tất cả dịch vụ cho một chuyến đi: vé, bảo hiểm, lưu trú, ăn uống, phương tiện, hướng dẫn viên,… để cung cấp cho du khách hàng. Việc kinh doanh lữ hành của các điểm đến và khu du lịch chỉ thực hiện khi và chỉ khi có sự hợp tác của các công ty lữ hành. Như vậy nguồn khách của điểm du lịch và khu du lịch mới có lượng ổn định và sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn với số lượng nhiều hơn.

Kinh doanh du lịch lữ hành được tiến hành theo chu trình 4 bước sau:

  • B1: Xây dựng, sản xuất sản phẩm (Xây dựng chương trình)
  • B2: Tiếp thị, ký kết các bản hợp đồng du lịch.
  • B3: Tổ chức thực hiện theo đúng hợp đồng du lịch.
  • B4: Quyết toán theo đúng hợp đồng du lịch.

2. Kinh doanh lưu trú, khách sạn

Là hoạt động kinh doanh mục tiêu cung cấp các dịch vụ cho thuê nơi ngủ nghỉ và các dịch vụ bổ sung khác trong quá trình lưu lại tạm thời tại các điểm và khu du lịch, nhằm mục đích tạo ra sự tiện nghi, thoải mái cho khách hàng. Thông thường kinh doanh lưu trú và dịch vụ bổ sung là hoạt động kinh doanh chính, mũi nhọn của hầu hết khách sạn và cũng là hoạt động hút vốn đầu tư lớn nhất trong ngành khách sạn. Tuy nhiên, hiện nay các loại hình cơ sở lưu trú trong các khu du lịch ngày càng đa dạng hơn, phát triển, phù hợp hơn với các loại địa hình khác nhau. Chúng ta có thể biết đến như là: Camping, Motel, Bungalow, Homestay …

Kinh doanh cơ sở lưu trú là những hoạt động cơ bản trong hoạt động du lịch, đóng vai trò vừa là một sản phẩm du lịch mang lại kinh tế, vừa là điều kiện cơ sở vật chất để phát triển hạ tầng du lịch tại địa phương.

3. Kinh doanh ăn uống, nhà hàng

Bên cạnh hoạt động kinh doanh lưu trú, kinh doanh ăn uống cũng là một hoạt động quan trọng của các điểm và khu du lịch. Đối tượng phục vụ của dịch vụ này không chỉ dành cho khách du lịch mà còn đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách vãng lai hoặc khách hàng khác. Doanh thu từ kinh doanh ăn uống chỉ đứng sau doanh thu từ kinh doanh lưu trú.

5 lĩnh vực kinh doanh trong ngành du lịch - Ảnh 2

4. Kinh doanh vận chuyển

Kinh doanh vận chuyển là hoạt động du lịch gắn liền với phương tiện vận chuyển khách du lịch. Phương tiện vận chuyển là một nhân tố quan trọng tạo nên loại hình du lịch dựa trên tiêu chí của chính nó. Đối với khách du lịch quốc tế thường họ di chuyển trên các máy bay, hay tàu biển liên quốc gia (các phương tiện này do ngành khác quản lý).

Các hãng du lịch lớn ở những nước phát triển thường có các hãng vận chuyển riêng. Đối với khách du lịch nội địa, phương tiện đi lại phổ biến là ô tô chất lượng cao để phù hợp với điều kiện địa hình và thời gian lưu trú. Kinh doanh vận chuyển ít nhiều cũng chịu ảnh của hoạt động du lịch. Vào mùa vụ du lịch, phương tiện vận chuyển hoạt động với tần suất cao và ngược lại, lúc trái vụ hoạt động với tần suất thấp.

5. Kinh doanh dịch vụ bổ sung

Là một phần quan trọng trong hoạt động du lịch. Sở thích và nhu cầu của khách du lịch tăng nhanh hơn so với sự cung cấp các dịch vụ ở những cơ sở đón tiếp khách. No thúc đẩy các cơ sở đón tiếp hàng năm phải mở rộng các thể loại dịch vụ mà trước hết là các loại dịch vụ bổ sung gồm:

  • Dịch vụ làm giàu thêm sự hiểu biết: quảng cáo, triển lãm, thông tin,…
  • Dịch vụ làm sống động hơn cho kỳ nghỉ và thời gian nghỉ: vui chơi, giải trí. Tổ chức tham gia lễ hội, trò chơi dân gian,…học những điệu múa dân tộc, nấu món đặc sản, bida, bowling,…
  • Dịch vụ làm dễ dàng việc nghị lại của khách: Những thủ tục đăng ký hộ chiếu, visa, giấy quá cảnh, mua vé máy bay, thủ tục hải quan, tuyến điểm du lịch, đăng ký vé giao thông, mang vác đóng gói hàng lý,…
  • Dịch vụ tạo điều kiện thuận tiện trong thời gian khách nghỉ lại: Phục vụ trang điểm, ăn uống tại phòng, trang bị 1 số thiết bị như tủ lạnh, ti vi, dụng cụ nấu ăn,…
  • Dịch vụ thỏa mãn những nhu cầu đặc biệt của con người: Cho thuê hướng dẫn viên, phiên dịch, thư ký, xưởng nghệ thuật, các dịch vụ in ấn, dụng cụ thể thao, hoà nhạc,…
  • Dịch vụ thương mại: Mua sắm vật lưu niệm, vật dụng sinh hoả, mua hàng hoá hiếm có tính chất thương mại.

Như vậy, kinh doanh dịch vụ bổ sung ra đời muộn hơn so với các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác, nhưng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh nói riêng và du lịch nói chung. Việc cung cấp các dịch vụ bổ sung đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của khách du lịch, kéo dài hơn mùa du lịch, tăng doanh thu cho ngành, tận dụng triệt để hơn cơ sở vật chất sẵn có, còn chi phí tổ chức cung cấp dịch vụ bổ sung không đáng kể so với lợi nhuận thu được.

Đối với các nhà kinh doanh lữ hành, dịch vụ bổ sung được xem như chất xúc tác kích thích sự hành động của du khách chọn tour du lịch của công ty mình. Nếu doanh nghiệp lữ hành nào khai thác tốt các thế mạnh về sự phong phú, khác lạ, độc đáo của dịch vụ bổ sung khi tiếp thị thì nguồn khách sẽ có hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Tăng dịch vụ cũng có nghĩa là tăng thêm việc làm cho người lao động. Xu hướng hiện nay là chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ. Điều này có nghĩa là các dịch vụ bổ sung tạo ra thêm việc làm, đồng thời gián tiếp tạo nên sự chuyển dịch đó.

Mặt khác, sự đa dạng trong kinh doanh các dịch vụ bổ sung là cơ sở cũng như tiêu chuẩn quan trọng để xếp hạng các cơ sở lưu trú. Hiện nay, có rất nhiều cơ sở kinh doanh du lịch cạnh tranh và thu hút khách chủ yếu dựa vào thế mạnh của các dịch vụ bổ sung này nhằm thu hút khách công vụ, thương gia,…

Ngoài ra còn có các lĩnh vực kinh doanh du lịch khác như:

Kinh doanh hàng lưu niệm: Bán các đồ lưu niệm, đặc sản địa phương…

Kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dành cho trẻ em, người lớn, đặc biệt các khu du lịch ngày nay có đưa thêm vào những trò chơi mang cảm giác mạnh…