5 tựa sách cho tín đồ đam mê du lịch bụi
Du lịch theo hướng trải nghiệm, mang tính phiêu lưu, hòa mình cùng người bản địa là hành trình mang đến nhiều cung bậc cảm xúc thú vị.
Những chuyến du lịch cho bạn trải nghiệm và góc nhìn rộng mở về thế giới. Ảnh: Đinh Hằng.
Du lịch ba lô (hay du lịch bụi) là xu thế phổ biến của du khách trên thế giới.
Những cuốn sách hay về hành trình du lịch bụi của các tác giả Việt dưới đây sẽ giúp bạn mở rộng tâm hồn. Từ đó, người đọc cũng có thêm động lực xê dịch và sẵn sàng đón nhận khác biệt trong mỗi chuyến đi đánh dấu tấm bản đồ du lịch của mình.
Mục lục bài viết
Ta ba lô trên đất Á
Tác giả: Rosie Nguyễn
Ảnh: Nhã Nam.
Đây là cuốn sách đầu tiên của người Việt hướng dẫn chi tiết về cách đi lại, ăn ngủ nghỉ và kinh nghiệm du lịch châu Á.
“Hầu hết người trẻ thích du lịch bụi. Nhưng làm thế nào để có thể đi? Nếu bạn đang tự hỏi câu đó, thì tôi có tin mừng cho bạn: du lịch bụi không phải là chế tạo tên lửa. Nó dễ thôi, và không tốn nhiều tiền như ta tưởng”. Tác giả đã mở đầu cuốn sách nhỏ này một cách thẳng thắn, mộc mạc và hài hước như thế.
Ta ba lô trên đất Á giúp bạn mở cánh cửa để có cái nhìn thực tế và rõ nét hơn về phượt, để bạn biết được nên bắt đầu từ đâu và như thế nào.
Nếu bạn là người trẻ, khao khát về chuyến đi đầu tiên của mình nhưng chưa biết làm cách nào để bắt đầu? Hoặc bạn là người đã đi nhiều nơi, song chỉ đi theo tour và đang tìm hiểu về du lịch bụi? Hay đơn giản bạn là tín đồ xê dịch và muốn khám phá thêm góc nhìn của tác giả trên các hành trình có gì hay ho, mới mẻ? Vậy đây là quyển sách dành cho bạn.
Đi rong trên những múi giờ
Tác giả: Nguyễn Hữu Tài
Ảnh: Hải Thanh.
Là cuốn sách thứ 10 gắn liền với những chuyến du lịch trên thế giới của tác giả, Đi rong trên những múi giờ gồm 19 bài viết về cuộc hành trình khám phá các quốc gia nằm trải rộng trên ba châu lục Á, Âu, Phi. Nơi anh đến không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng mà có khi rất ngẫu nhiên.
Dưới góc nhìn của một người Mỹ gốc Việt hòa trộn trong mình cả hai nền văn hóa Đông – Tây, cuốn du ký mang giọng văn dí dỏm và sự chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về đời sống.
Trong sách, tác giả còn có những lý giải thú vị mà người đọc sẽ khó tìm được trên mạng xã hội. Ví dụ như vì sao dưới cái nắng đỏ lửa 40 độ, đền Baitul Mukarram vẫn mát lạnh chân trần? Chúng ta sẽ nhìn thấy gì khi đứng ở đường kinh tuyến gốc Greenwich? Đường vào kim tự tháp Kheops để chiêm ngưỡng quan tài của Pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập có gì?…
Nói về những chuyến đi của mình, tác giả gọi đó là “từng chuyến lộng lẫy thanh xuân, rực rỡ thanh xuân và nối dài thanh xuân”. Và “đi” với anh là để thỏa khao khát tuổi trẻ, “đó là một cú chạm mạnh vào bụi đất của từng xứ sở trên thân thể địa cầu”.
Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á
Tác giả: Đinh Hằng
Ảnh: Dinh Hang’s Travels.
Sau thành công của tác phẩm Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ, blogger – phượt thủ Đinh Hằng tiếp tục kể về chuyến du lịch bụi trong cuốn sách thứ hai có tên Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á.
Lật từng trang sách, độc giả có thể ngắm nhìn mảnh đất Đông Nam Á tươi đẹp qua những bức ảnh về nơi mà tác giả đặt chân đến.
Bằng những trải nghiệm tinh tế, giàu cảm xúc và tràn đầy sức sống của một tâm hồn tự do, nữ tác giả đưa người đọc dễ dàng hòa mình vào cái nắng cháy da trên đảo Koh Samui (Thái Lan), đắm mình trong bình minh trên đỉnh Ramelau (Đông Timor) hay như đang ngắm nhìn những đàn cá mập dưới đáy biển Sipadan (Sabah, Malaysia)…
Trong cuốn sách này, ta bắt gặp một Đinh Hằng vừa mạnh mẽ và tỉnh táo, vừa đam mê và nhạy cảm. Những dòng chữ kèm hình ảnh sinh động, chân thật của tác giả góp phần truyền cảm hứng, thôi thúc cả những người đọc hững hờ an phận cũng phải ngước mắt lên khỏi sách. Đặt một chuyến đi xa để thấy đời dài và rộng, thấy mình đang bước trên một cuộc viễn du.
John đi tìm Hùng
Tác giả: Trần Hùng John
Hai ấn bản của cuốn John đi tìm Hùng. Ảnh: Thụy Oanh.
Trần Hùng John – lữ khách 8X, “come from USA”, du lịch bụi với chiếc ví rỗng, đã đi qua thật nhiều con phố, huyện lỵ, thôn xóm, bản làng… dọc theo dải đất hình chữ S để được sống, trải nghiệm và cảm nhận.
Tất cả những cảm nhận sâu sắc về Việt Nam cùng những kinh nghiệm quý báu suốt cuộc hành trình dài 80 ngày, là chất liệu phong phú để anh viết John đi tìm Hùng. Cuộc hành trình nghìn dặm đã diễn ra với biết bao nụ cười, nước mắt, rủi ro, những may mắn hiếm có, rồi cả tai nạn, sự cố…
Cuốn sách đã tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khám phá bản thân qua những chuyến phượt xuyên Việt, sống chủ động hơn và không ngại thử thách.
Hẹn nhau mùa tam giác mạch
Tác giả: Hạnh My
Ảnh: Mai Anh.
Hẹn nhau mùa tam giác mạch ghi lại hành trình phượt của một cô gái trẻ trên đường đến với những cung đường phía Bắc Việt Nam.
Với những câu chữ chảy tràn như dòng suối trong ngọt, ta được dẫn dắt qua cây sa mộc bên đường, qua đèo Ô Quy Hồ mây bao quanh, qua những sóng lúa bậc thang rồi ngắm nhìn người đàn bà trên lưng ngựa… Những món ăn xứ núi, những con người, ngôi nhà và cả loài tam giác mạch nổi tiếng vùng cao lần lượt hiện lên với nét đẹp đa diện.
Ở đó không chỉ có gió mây, hoa thơm, cảnh đẹp, mà còn là những con đường gập ghềnh, hiểm trở, một bên là vực thẳm, sông sâu. Trên tất cả, hành trình ấy trở nên đáng nhớ khi có tình yêu. Đó không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình đồng bào, là tình yêu với thiên nhiên, Tổ quốc.
Từng dòng văn với dòng cảm xúc tinh tế, gần gũi như khẽ đánh thức người đọc luôn phải biết vượt lên chính mình, vượt lên con người cũ của hôm qua để thấy mình “mới” hơn trong đam mê, trong nhiệt huyết hôm nay.
Cuốn sách như ẩn chứa thông điệp rằng còn biết bao hành trình đẹp đẽ, bạn đừng nên lỡ hẹn trong những tháng năm thanh xuân tươi đẹp.
Mục Du lịch – Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.