500 Câu Hỏi Sắc Màu Văn Hóa Việt Nam

500 Câu Hỏi Sắc Màu Văn Hóa Việt Nam

Từ rất xa xôi trong lịch sử, người Việt Nam đã hội tụ và sinh trưởng trên dải đất hình chữ S nằm bên Biển Đông bao la, làm bạn với núi rừng, đồng bằng và biển cả.

Quá trình lâu dài dựng xây đất nước, kiên cường bảo vệ non sông và bền bỉ mở mang bờ cõi của lớp lớp thế hệ người Việt Nam; với bao mồ hôi, nước mắt và máu xương; mới tạo thành và trao truyền lại cho các thế hệ tiếp nối một giang sơn tươi mát màu xanh của núi rừng, đồng ruộng và biển cả mênh mông.

Và tựa như những dòng suối, dòng sông, con kênh, con rạch chảy tràn trên mọi miền đất nước, từ miền Bắc, miền Trung cho tới miền Nam, từ những đỉnh núi ngút ngàn cho đến các hải đảo xa khơi, cộng đồng cư dân 54 tộc người sinh sống trên 63 tỉnh thành của đất nước Việt Nam đã cùng tụ hội, đan cài, chung tay vun đắp bức tranh văn hóa Việt Nam.

Văn hóa Việt Nam thường được ví von như một bức tranh đa sắc màu. Bức tranh ấy được sáng tạo qua hàng ngàn năm, gắn liền với những thăng trầm trải suốt chiều dài lịch sử đất nước, dân tộc. Trên bức tranh đa sắc ấy biểu hiện cả những gam màu đậm và các gam màu nhạt, có nhiều điểm nhấn thuần sắc và càng nhiều hơn những khoảng màu lai ghép, hòa trộn…

Thưởng thức bức tranh đa sắc ấy thực không dễ dàng chút nào!

Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực địa chí, văn hóa học và lịch sử – văn hóa Việt Nam đã đưa ra nhiều phương án nhận thức và phân loại đối với từng vùng miền văn hóa cấu thành tổng thể không gian văn hóa Việt Nam.

Trong đó, phác thảo phân vùng văn hóa ở Việt Nam thành hai cấp độ là vùng vănhóa và tiểu vùng văn hóa của Giáo sư Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cùng các đồng nghiệp nhận được nhiều ý kiến tán đồng, nhất trí.

Theo cách phân chia này, tổng thể không gian văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, được tạo thành từ 7 vùng văn hóa (Đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc Bắc Bộ, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ, Duyên hải Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung và NamTrung Bộ, Trường Sơn – Tây Nguyên, Nam Bộ) và 23 tiểu vùng văn hóa (Đất Tổ – Phú Thọ, xứ Bắc, Thăng Long – Hà Nội, xứ Đông, xứ Nam, xứ Lạng, rẻo cao Việt Bắc, Tây Bắc, miền núi Thanh – Nghệ, hỗn hợp Thái – Mường, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng, Bình Định – Phú Yên, cực nam Trung Bộ, Trường Sơn, Bắc Tây Nguyên, Trung Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên, sông Đồng Nai, Sài Gòn – Gia Định, đồng bằng sông Cửu Long).

Các vùng và tiểu vùng văn hóa này có quy mô, sắc thái khác nhau, hòa hợp và đan cài vào nhau trong sự đa dạng và thống nhất. Song, trong phạm vi cuốn sách này, tác giả chỉ lựa chọn phác họa một vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên và 16 tiểu vùng văn hóa khác đã được đầu tư khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu từ lâu, có những kết quả rõ rệt, để tạo thành 17 sắc màu văn hóa rõ nét, độc đáo và có vị trí quan trọng hơn cả trong tổng thể không gian văn hóa Việt Nam.

Cuốn sách là kết quả của một quá trình dày công so sánh, lọc chọn những nét đặc sắc trong biển tri thức văn hóa mênh mông, ngút ngàn, đa dạng của các miền, vùng, nhằm giới thiệu đến độc giả những giá trị văn hóa riêng biệt, tạo nên bản sắc của từng vùng, miền đất nước.