505. ☀ Tìm hiểu về văn hóa Phùng Nguyên
Văn hóa Phùng Nguyên, nền văn hóa với nền tảng nông nghiệp lúa nước đầu tiên của người Việt tại miền Bắc Việt Nam, văn hóa này cũng là khởi nguồn của thời kỳ Hùng Vương trong lịch sử của dân tộc. Văn hóa này đã đạt tới trình độ đỉnh cao về chế tác ngọc và đá, vốn có nguồn gốc từ các văn hóa đồ ngọc và đồ gốm tại vùng Dương Tử.
Do có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, nên văn hóa Phùng Nguyên đã được kế thừa những di sản của các văn hóa tại vùng này, trong đó biểu hiện rõ nhất là cổ vật bằng ngọc. Cư dân vùng Dương Tử đã tiến tới một trình độ văn minh cao độ, đã xuất hiện những nhà nước sớm và phát triển nhất trong vùng Đông Á, nên các cư dân văn hóa Phùng Nguyên không phải bộ lạc nguyên thủy, cũng như không phải có nguồn gốc từ sự phát triển tại chỗ.
Ở bài viết ngắn này chúng tôi sẽ tìm hiểu về nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên, cũng như tìm hiểu về một số vấn đề quan trọng về văn hóa Phùng Nguyên, bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ tổng hợp một số loại hình cổ vật đặc trưng của văn hóa Phùng Nguyên, nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn cơ bản về văn hóa gốc nguồn này của người Việt tại miền Bắc Việt Nam.
I. Lịch sử tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên:
1. Lịch sử nghiên cứu:
Văn hóa Phùng Nguyên lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1959 tại vùng Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, đây là vùng kinh đô của nước Văn Lang thời kỳ xa xưa, có địa thế ở nơi ngã ba sông, bởi người đàn ông có tên Nguyễn Lộc, ông đã phát hiện và thu thập những lưỡi rìu đá, sau đó đã báo cáo lên Ty văn hóa Phú Thọ, từ đó các cuộc khai quật bắt đầu được thực hiện trong ba đợt, lần đầu vào năm 1959, lần thứ hai vào năm 1961, lần thứ ba vào năm 1968, đem lại những hiểu biết quan trọng về một nền văn hóa phát triển trong giai đoạn đầu thời kỳ đồ đồng của người Việt tại miền Bắc Việt Nam. [1]
Các nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam đã phát hiện và khai quật tổng cộng hơn 50 di chỉ thuộc nền văn hóa này, nằm trong vùng trung du và đồng bằng sông Hồng. Các cuộc khai quật đã phát hiện rất nhiều di vật thuộc nhiều dạng chất liệu khác nhau: ngọc, đá, gốm, xương, sừng, trong đó kỹ thuật chế tác ngọc và đá của cư dân văn hóa Phùng Nguyên đã đạt tới độ tinh xảo. [1]
2. Văn hóa Phùng Nguyên và đồng bằng sông Hồng:
Văn hóa Phùng Nguyên xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam trong bối cảnh vùng đồng bằng sông Hồng đã mở rộng ra khá nhiều, với sự lùi dần của mực nước biển sau đợt biển tiến vào thời điểm hơn 12000 năm trước, do đó các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên đã phân bố tại nhiều vùng của đồng bằng sông Hồng, như các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình… [1]
Bản đồ thể hiện mực nước biển trong đồng bằng sông Hồng theo nghiên cứu năm 2018 của nhóm Phùng Văn Phách. [2]
3. Văn hóa Phùng Nguyên thuộc thời kỳ hậu kỳ đá mới hay thời kỳ đồ đồng?
Văn hóa Phùng Nguyên ban đầu được xác định thuộc về thời kỳ giai đoạn hậu kỳ đá mới, tuy nhiên các khám phá sau này cho thấy nền văn hóa này thuộc về thời kỳ đồ đồng, với một số cổ vật và sỉ đồng đã được tìm thấy tại văn hóa này. Các nhà nghiên cứu như Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn cũng thống nhất quan điểm cho rằng văn hóa Phùng Nguyên là khởi nguồn của thời kỳ đồ đồng tại miền Bắc Việt Nam. [1]
Mũi lao đồng của văn hóa Phùng Nguyên được tìm thấy trong địa tầng văn hóa. [Văn hóa thời đại đồ đồng Đông Nam Á và mối quan hệ của nó với Trung Quốc (东南亚青铜时代文化及其与中国的).]
4. Vấn đề nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên:
Thời kỳ văn hóa Phùng đánh dấu sự xuất hiện đột ngột của chủng Nam Mongoloid da vàng, thay thế lớp sọ cổ thuộc chủng Australoid da đen, sự khác biệt về xương sọ trong từng thời kỳ đã tạo nên những quan điểm khác nhau trong các nhà nghiên cứu Việt Nam về nguồn gốc của văn hóa này cũng như nguồn gốc của người Việt.
Sọ người của ngành khảo cổ Việt Nam được thu thập từ thời Pháp thuộc, tới khi giành lại được độc lập, thì khảo cổ học đã thu thập được tổng cộng 70 sọ người. Trong tổng số 70 sọ, có 38 sọ được xếp vào thời kỳ đồ đá, các nhà khoa học Pháp và sau đó là Việt Nam đã phân loại các sọ này ra thành các chủng Malanesian, Indonesian, Australoid hay Nam Á. Còn 32 sọ được xếp vào thời kỳ đồng – sắt, đa số lại thuộc chủng Mongoloid. Sự khác biệt trong nhân chủng của hai giai đoạn này đã tạo ra những quan điểm trái chiều trong các nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam về nguồn gốc của người Việt:
– Tác giả Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn đã cho rằng nguồn gốc người Việt là quá trình Mongoloid hóa các sắc dân Hắc chủng. (Trần Quốc Vượng & Hà Văn Tấn – Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam – Hà Nội 1963)
– Tác giả Phạm Huy Thông cho rằng đúng là có sự Mongoloid hóa trong sự hình thành người Việt, nhưng sự da vàng hóa này không nhất thiết được hiểu là Hán hóa mà là Mường hóa, Tày Thái hóa. (Phạm Huy Thông, KCH 1&2 – 1983)
– Nguyễn Ðình Khoa cho rằng nguồn gốc dân tộc Việt Nam là sự hòa đồng của các dân có nguồn gốc bản địa. (Nguyễn Ðình Khoa – Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam – Hà Nội 1976)
– Nguyễn Khắc Ngữ cho rằng Mongoloid là giống Mông Cổ (Mongol) ở phía Bắc nước Trung Hoa, nên kết luận của ông đưa ra là: nguồn gốc người Việt trước hết là các giống Malanesian, Indonesian, Australoid từ các hải đảo Thái Bình Dương vào. Dần dần những sắc dân này bị Mongoloid hóa mà ông khẳng định là Hán hóa từ phương Bắc xuống, hình thành nên tổ tiên người Việt (trang 88, sđd).
Tuy nhiên các quan điểm về nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên của các nhà khảo cổ Việt Nam không giải thích được một cách trọn vẹn nguồn gốc của văn hóa này cùng những văn hóa hậu duệ của chúng, và văn hóa Phùng Nguyên không phải có nguồn gốc từ sự phát triển tại miền Bắc Việt Nam, mà có nguồn gốc trực tiếp từ các văn hóa cổ tại vùng Dương Tử.
II. Nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên và vấn đề trồng lúa:
1. Nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên:
Văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ văn hóa cổ tại vùng Dương Tử. Vào thời điểm hơn 4000 năm trước, cư dân các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà tại vùng Dương Tử đã di cư về phía Nam theo các nghiên cứu di truyền [3][4], có nguyên nhân từ nạn hạn hán [5] diễn ra tại vùng này.
Phạm vi phân bố của văn hóa Thạch Gia Hà (2500-2000 BC) và văn hóa Lương Chử (3300-2000 BC) dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012) trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age.
Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 đã thể hiện người Việt có nguồn gốc chủ yếu là những người di cư từ Nam Đông Á về Việt Nam cách đây từ 2.700 – 4.000 năm trước [3].
Nghiên cứu gen của Hugh McColl và các cộng sự năm 2018 [4] cũng có quan điểm tương đồng với nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam hợp tác với các chuyên gia Pháp, Đức. Cả hai nghiên cứu di truyền trên đều dựa trên các bộ gen cổ và các bộ gen hiện đại.
Mô hình di cư ở Đông Nam Á thời tiền sử được xây dựng nên gồm 2 lớp từ châu Phi tới Đông Nam Á vào khoảng 30.000-60.000 năm trước và từ Đông Á di cư ngược về cách đây 2.700 – 4.000 năm. [4]
Các văn hóa cổ tại vùng Dương Tử có nguồn gốc từ cư dân cổ gốc Đông Nam Á di cư lên vùng Dương Tử, Hoàng Hà trong thời điểm hơn 12000 năm trước [6][7][8][9], là hậu duệ của các cư dân văn hóa Đông Á cổ được thể hiện ở bản đồ phía dưới.
Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển của các văn hóa cổ Đông Á của người cổ Đông Nam Á, người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á.
Thành phần cư dân chủ yếu của văn hóa Phùng Nguyên là người Nam Á [10], có nguồn gốc chủ yếu từ vùng hồ Động Đình, trung lưu vùng Dương Tử, là trung tâm của văn hóa Thạch Gia Hà.
Mô hình nhân chủng học dựa trên 16 phép đo hình thái xương sọ cho thấy cư dân văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn là người Nam Á. [10]
Như vậy thông qua các tài liệu di truyền và nhân chủng học, cư dân của văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, di cư về Việt Nam vào thời điểm hơn 4000 năm trước.
Do đó văn hóa này kế thừa truyền thống văn hóa tại vùng Dương Tử. Cư dân tộc Việt tại vùng Dương Tử đã có một trình độ phát triển văn minh cao độ, tại các văn hóa tại vùng Dương Tử cũng đã xuất hiện những nhà nước phát triển.
Tại vùng văn hóa Lương Chử ở hạ lưu sông Dương Tử, các nhà khảo cổ thế giới đã chứng minh là nơi có thể có nhà nước sớm nhất ở Đông Á, có xã hội phân tầng phức tạp với ít nhất 4 tầng lớp [11][12], có hệ thống thủy lợi sớm nhất thế giới với hệ thống đập, đê, mương dẫn nước, cung điện [13]. Cùng với đó là một hệ thống ký hiệu phức tạp và một số đã trở thành chữ viết dù công việc khảo cổ mới thực hiện được khoảng 10% [14].
Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Thạch Gia Hà có một hệ thống chính trị và một ý thức hệ để có thể tổ chức được các khu định cư quy mô lớn và ràng buộc các cộng đồng dân cư với nhau [15]. Một số học giả cho rằng Thạch Gia Hà có thể được coi là một nhà nước cổ đại do cấu trúc chính trị xã hội tương đối tiên tiến của nó [15][16]. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng có xã hội phức tạp hơn và phát triển hơn các văn hóa cùng thời ở phía Bắc [16].
Do đó cư dân tộc Việt khi di cư về Việt Nam không phải bộ lạc nguyên thủy, mà đã đạt tới trình độ văn minh cao, có tổ chức nhà nước phát triển. Khi tộc Việt về Việt Nam, trung tâm cũng được dịch chuyển về đây, tại đây cũng đã tìm thấy những chiếc nha chương bằng ngọc được chế tác tại chỗ.
2. Vấn đề trồng lúa tại văn hóa Phùng Nguyên:
Như đầu bài viết chúng tôi đã đề cập, văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa có nền tảng lúa nước, tại các văn hóa Phùng Nguyên, cùng với hậu duệ của nó là các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn đều tìm thấy những dấu vết hạt gạo cháy [16a], trực tiếp chứng minh sự tồn tại của hạt lúa và nghề trồng lúa. Tuy nhiên có một số quan điểm cho rằng văn hóa Phùng Nguyên không tìm thấy hạt lúa, cũng như có nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa Phùng Nguyên mới chỉ dừng lại ở văn hóa săn bắn hái lượm [17], tuy nhiên dựa trên bằng chứng khảo cổ, cũng như văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc trực tiếp từ vùng Dương Tử, do đó nền tảng cơ bản của văn hóa này cũng như các văn hóa nơi có cư dân tộc Việt di cư đến là văn hóa lúa nước. Lúa nước đã được chứng minh được thuần hóa sớm nhất tại vùng Dương Tử. [18]
Dấu tích lúa tìm thấy tại các di chỉ Xiaohuangshan (~9000 năm BP) (a: japonica, b: lúa dại) và Shangshan (c: lúa dại, d: japonica) (~ 11000 năm BP), tại vùng hạ lưu Dương Tử, tỉnh Chiết Giang. [18]
Tại Việt Nam, thì tại các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu cũng đã tìm thấy các vỏ trấu có niên đại C14 sớm nhất là 1400 TCN và các hạt gạo cháy có niên đại khoảng 1000 TCN (Trịnh Sinh 1998:33).
Gạo cháy và lúa ở Đồng Đậu (Nguyễn Xuân Hiển 1998)
Như vậy với các tư liệu này, chúng ta có thể khẳng định văn hóa Phùng Nguyên là nền văn hóa có nền tảng lúa nước, kế thừa từ truyền thống tại vùng Dương Tử.
III. Văn hóa Phùng Nguyên và sự kế thừa truyền thống tại vùng Dương Tử:
Theo các nghiên cứu di truyền học, thì văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ văn hóa tại vùng Dương Tử, với nguồn gốc chủ yếu hơn là từ văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng Động Đình (trung lưu Dương Tử). Các cổ vật của văn hóa Phùng Nguyên đã cho thấy sự kế thừa trực tiếp truyền thống tại vùng Dương Tử với nhiều loại hình.
1. Sự kế thừa thể hiện qua nha chương:
Nha chương là một vật biểu tượng quyền lực rất quan trọng của văn hóa Đông Á cổ, nó xuất hiện trong một vùng rộng lớn từ bắc Đông Á tới miền Bắc Việt Nam. Tại Việt Nam cũng đã tìm thấy nhiều nha chương bằng ngọc được chế tác tinh xảo, có nguồn gốc từ nha chương ngọc tại các văn hóa Đại Vấn Khẩu và Thạch Gia Hà.
Nha chương là vật biểu quyền lực quan trọng của vùng Đông Á trong giai đoạn khoảng 4000 năm trước, có địa bàn phân bố rộng từ vùng Hoa Bắc, Tứ Xuyên cho tới miền Bắc Việt Nam và Quảng Đông. Vai trò của Nha chương theo Chu Lễ thì “Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú”, nha chương có chức năng giống như một chiếc quyền trượng hay lệnh bài biểu trưng cho quyền lực của vua và tướng lĩnh dùng để điều binh khiển tướng, quan điểm này được đồng thuận bởi nhiều nhà nghiên cứu.
Nha chương tìm thấy tại văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam]
Tại Việt Nam cũng đã phát hiện nhiều nha chương tại các văn hóa Phùng Nguyên và Xóm Rền. Có nhiều ý kiến cho rằng những chiếc nha chương được nhập từ Trung Quốc, nhưng vai trò quan trọng của chúng trong thời cổ đại, nên chúng không thể được giao thương, trao đổi. Thêm nữa tại văn hóa Phùng Nguyên đã tìm thấy những công xưởng chế tác ngọc tại Gò Chè, Hồng Đà với hiện vật như hạt chuỗi, hoằng, vòng, khuyên tai, công cụ sản xuất có cùng chất liệu ngọc, kỹ thuật chế tác với Nha chương [19], đã chứng minh chúng được tộc Việt tại miền Bắc Việt Nam chế tác để sử dụng cho hoạt động chính trị, quân sự.
Nha chương có nguồn gốc từ văn hóa Đại Vấn Khẩu tại vùng Sơn Đông hơn 5000 năm trước công nguyên, khi đó chưa có chức năng đại diện quyền lực chính trị, sau đó cư dân tại vùng này đã di cư về vùng Động Đình, Dương Tử, văn hóa Thạch Gia Hà (4600 – 4000 BC) đã kế thừa Nha chương, truyền thống này tiếp tục được kế thừa tại văn hóa Phùng Nguyên khi cư dân tộc Việt di cư về Việt Nam trong khoảng hơn 4000 năm trước. Do vậy Nha Chương là vật có nguồn gốc từ truyền thống tộc Việt, không phải có nguồn gốc từ các văn hóa Tam Tinh Đôi, Nhị Lý Đầu, hay từ nhà Hạ, nhà Thương như một số nhà nghiên cứu quan niệm.
Nha chương văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Dương Việt Đông 杨越东 (2017). Bộ sưu tập và nghiên cứu ngọc văn hóa Thạch Gia Hà 石家河文化玉器收藏与研究: Nhà xuất bản Chiết Giang.]
Đây là một trong những bằng chứng chứng minh tính kế thừa của văn hóa tại vùng Dương Tử tại văn hóa Phùng Nguyên, đồng thời đây cũng là bằng chứng chứng minh về một nhà nước tại vùng miền Bắc Việt Nam. Quyền lực khi đó theo di truyền, đối chiếu với huyền sử, cũng đã chuyển về miền Bắc Việt Nam, theo nhóm Nam Á của các vị vua Hùng.
2. Đĩa bích tế trời:
Đĩa bích có nguồn gốc từ văn hóa Lương Chử, có chức năng tế trời [17], khi di cư về miền Bắc Việt Nam, cũng đã tìm thấy loại hình đĩa bích tại văn hóa Phùng Nguyên.
Đĩa bích văn hóa Lương Chử và đĩa bích văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn; Cổ vật Phú Thọ, Nguyễn Anh Tuấn – Trịnh Sinh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005]
3. Qua ngọc:
Qua ngọc cũng là một loại hình cổ vật đặc trưng của văn hóa Đông Á cổ. Qua ngọc của văn hóa Phùng Nguyên được kế thừa trực tiếp từ qua ngọc tại văn hóa Thạch Gia Hà, đây là trung tâm của tộc Việt trong thời điểm hơn 4000 năm trước tại vùng Dương Tử.
Qua ngọc văn hóa Thạch Gia Hà và qua ngọc Phùng Nguyên. (Qua Phùng Nguyên được ghi trong thông tin của bảo tàng là qua đá, tuy nhiên qua đá có màu xám đậm khá dễ nhận biết, theo tư liệu chúng tôi tìm được (dẫn), thì qua đá có màu sắc khác hẳn so với chiếc qua này, do đó đây khả năng là một chiếc qua bằng ngọc.) [Nguồn: 1. dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn]
So sánh các cổ vật bằng gốm của văn hóa Thạch Gia Hà và văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: A. (trái) Thạch Gia Hà: 1. Bảo tàng văn minh Trường Giang, dẫn; 2. Bảo tàng Khuất Gia Lĩnh, dẫn; 3. Viện khảo cổ Trung Quốc, dẫn; 4, 5. Viện khảo cổ Hồ Nam, dẫn; B. Phùng Nguyên: Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên, Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, 2005.]
A. Đồ gốm Thạch Gia Hà; B: Đồ gốm Phùng Nguyên. [Nguồn: Thai Hâm Thành 邰鑫成, 石家河文化墓地研究 Nghiên cứu về nghĩa trang văn hóa Thạch Gia Hà, dẫn; Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên, Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội (2005)]
4. Nồi gốm cùng chạc gốm:
Sự kế thừa xuyên suốt từ thời văn hóa tại vùng Dương Tử, tới Phùng Nguyên qua tới Đông Sơn thể hiện rõ nhất qua nồi gốm cùng với chạc được sử dụng để nấu ăn, đây là đặc trưng được kế thừa liên tục trong các giai đoạn kéo dài tới khoảng 7000 năm.
Cổ vật gốm có thể nói là một loại hình đặc trưng và ít thay đổi qua thời gian, cổ vật gốm tại các vùng có sự di cư tới của các cư dân tộc Việt thể hiện sự tương đồng rất rõ. Nồi gốm cùng chạc gốm như dưới đây được tìm thấy sớm nhất tại tỉnh Hồ Bắc có niên đại vào khoảng 7000 năm TCN, sau khi họ di cư về Việt Nam thì tại văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn đều tìm thấy loại hình chạc cùng nồi gốm này.
Nồi gốm và chạc gốm tại tỉnh Hồ Bắc, thuộc di chỉ tại văn hóa sông Chengbei, tiền thân của các văn hóa tại trung lưu Dương Tử (vùng hồ Động Đình) có niên đại vào khoảng 7000 năm TCN. [Nguồn: dẫn]
Nồi gốm và chạc gốm tại các văn hóa Phùng Nguyên (A: 1.700-1.500 TCN; B: 2.000 TCN) và văn hóa Đông Sơn. (C: 800 TCN – 200 TCN) [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn lại bởi Huang Mingchong, đường dẫn]
Đồ gốm văn hóa Chengbeixi (A, 5000-3000 BC, Hồ Bắc) và văn hóa Phùng Nguyên (B, 2000 BC Việt Nam). Các loại hình gốm của văn hóa vùng Dương Tử được kế thừa đầy đủ tại miền Bắc Việt Nam. [Nguồn: 1. Fiorella Rispoli, The Incised & Impressed Pottery Style of Mainland Southeast Asia: Following the Paths of Neolithization, dẫn; 2. Hà Văn Tấn, Prehistoric Pottery in Viet Nam and Its Relationships with Southeast Asia, dẫn]
III. Văn hóa Phùng Nguyên và sự kế thừa tại các văn hóa:
1. Tiến trình phát triển từ Phùng Nguyên tới Đông Sơn:
Những người kiến tạo nên văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn đều cùng là người Nam Á, tuy nhiên tiến trình phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn có đôi điều cần phải bàn thảo.
Các cư dân tộc Việt đã di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á trong khoảng 4000 năm trước, những người di cư về Việt Nam đã kiến tạo nên văn hóa Phùng Nguyên, tuy nhiên văn hóa Phùng Nguyên chỉ có sự phát triển mạnh tới khoảng 3500 năm cách ngày nay, sau đó có sự thay đổi trong di tích và cổ vật của các văn hóa kế tiếp nó.
Vòng tay và vòng cổ bằng ngọc của văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: dẫn]
Các nghiên cứu di truyền thể hiện không chỉ một lớp di cư mà là hai lớp di cư, đều có số lượng lớn cư dân vào thời điểm hơn 4000 năm trước và 2700 năm trước ngày nay [3][4]. Đợt di cư đầu tiên là văn hóa Phùng Nguyên như chúng tôi đã đề cập, đợt di cư tiếp theo trùng với văn hóa Đông Sơn, dựa vào tiến trình phát triển các văn hóa tại Việt Nam và những biến động tại vùng Dương Tử, thì có khả năng người Việt đã di cư trở về vùng Dương Tử ở thời điểm hơn 3500 năm trước, tới thời điểm 2700 năm sau họ mới trở về miền Bắc Việt Nam [3][4].
Sau cuộc di cư lên phía Bắc, thì tại miền Bắc Việt Nam vẫn còn cư dân tộc Việt sinh sống, chỉ trung tâm văn hoá, chính trị là thay đổi, các cư dân ở lại đã được xác định tạo nên các văn hoá Đồng Đậu, Gò Mun, những biến động tại vùng Dương Tử đã thể hiện trung tâm của người Việt có thể đã được chuyển lên phía Bắc với sự di cư của tầng lớp tinh hoa.
◊ Sự hòa huyết giữa các cư dân tại vùng Dương Tử:
Người Việt có gốc ngôn ngữ và văn hóa là người Nam Á trong cả thời Phùng Nguyên và Đông Sơn, nhưng gen của người Việt ngày nay lại gần các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai, theo nghiên cứu của Hugh McColl và cộng sự, thì vào thời điểm 2700 năm trước, cuộc di cư của tộc Việt bao gồm cư dân của cả hai hệ ngữ Nam Á và tiền Tai-Kadai. [20]. Theo nghiên cứu di truyền của Hàn Quốc [21], thì người Việt có gen không bị tác động bởi dòng gen ngoài trong thời điểm trước 2500 năm trước.
Sơ đồ Admixture graph trong công trình nghiên cứu di truyền của Hàn Quốc cho thấy người Việt có nguồn gốc từ cư dân Đông Á cổ, sự tương tác giữa người Việt và các cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai diễn ra trước và trong đầu thời Đông Sơn. [21]
Qua hai nghiên cứu này, có thể đã diễn ra cuộc di cư của người Việt từ miền Bắc Việt Nam lên vùng Dương Tử, tại vùng Dương Tử thì người Việt nhóm Nam Á và người Việt nhóm tiền Tai-Kadai đã sinh sống trong một cộng đồng chung, có sự hòa huyết với nhau. Về cơ bản, người Việt Nam Á không có sự thay đổi đáng kể trong di truyền, ngôn ngữ và văn hóa, vẫn giữ cốt lõi Nam Á của mình, với 60% gen Nam Á [3], do đây là dòng văn hóa chủ đạo nên có sức ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng tộc Việt.
Tới thời điểm hơn 2700 năm trước, thì người Việt Nam Á và người tiền Tai-Kadai đã cùng di cư về vùng Lĩnh Nam và miền Bắc Việt Nam, người Nam Á di cư chủ yếu về miền Bắc Việt Nam, còn người Tai-Kadai phân bố chủ yếu tại vùng biên giới Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay. Sự hòa huyết đã diễn ra trước thời điểm 2500 năm, có nghĩa có thể cư dân thuộc hai hệ ngữ đã có sự hòa huyết khi còn ở tại vùng Dương Tử, không phải tới khi về Việt Nam và Lĩnh Nam mới diễn ra sự hòa huyết, gợi ý cho chúng ta về cuộc di cư này.
◊ Tư liệu từ tài liệu khảo cổ đối chiếu với truyền thuyết:
Vùng Động Đình là trung tâm của tộc Việt trong giai đoạn văn hóa Thạch Gia Hà, vùng trung tâm này bao gồm hai tỉnh ngày nay là Hồ Bắc và Hồ Nam, đây là vùng đồng bằng rộng lớn và màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và văn minh. Tộc Việt khi định cư tại vùng này đã có sự phát triển rất mạnh mẽ với nhiều nền văn hóa kế tiếp nhau, kết thúc với nền văn hóa Thạch Gia Hà có sức ảnh hưởng lớn trong vùng Đông Á, tuy nhiên tới hơn 4000 năm trước, thì nạn hạn hán đã làm sụp đổ nền văn minh tại đây, khiến tộc Việt phải di cư phần lớn về vùng Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á lục địa [5]. Tài liệu khảo cổ chúng tôi tìm được cho thấy có thể nhà Thương đã chiếm vùng Hồ Bắc sau thời điểm hơn 4000 năm, và đưa cư dân xuống vùng này, hình thành nên văn hóa Bàn Long Thành (Panlongcheng, 1500 – 1300 BC), đây là văn hóa có đặc trưng cổ vật và văn hóa của nhà Thương, tương ứng với giai đoạn Nhị Lý Cương (Erligang, 1510 – 1460 BC). [22]
Cổ vật văn hóa Nhị Lý Cương tại Hà Nam và cổ vật tại văn hóa Bàn Long Thành tại tỉnh Hồ Bắc. [18]
Sau đó tới thời điểm hơn 3300 năm trước, thì văn hóa Bàn Long Thành biến mất, địa bàn ảnh hưởng của nhà Thương cũng thu hẹp lại, không còn bao gồm vùng Hồ Bắc, sự thu hẹp này có thể có nguyên nhân từ cuộc chiến tranh của tộc Việt và người Hoa Hạ, khi đó trung tâm của tộc Việt có thể đã được dịch chuyển trở lại vùng Động Đình, Dương Tử.
Bản đồ biểu thị lãnh thổ của nhà Thương qua từng giai đoạn: màu đỏ đại diện cho giai đoạn Nhị Lý Đầu (Erlitou), màu vàng đại diện cho giai đoạn Nhị Lý Cương (Erligang), màu tím đại diện cho giai đoạn An Dương (Anyang). Tới thời An Dương thì vùng Hồ Bắc không còn nằm trong sự kiểm soát của nhà Thương. [Nguồn: dẫn]
Trong truyền thuyết Thánh Gióng cũng ghi lại câu chuyện các vua Hùng và người Việt đánh giặc Ân, giặc Ân đây là nhà Thương của người Hoa Hạ có địa bàn ở vùng bắc Đông Á, thời điểm diễn ra câu chuyện vào khoảng 3200-3300 năm trước, bối cảnh câu chuyện là khá phù hợp với sự xuất hiện và biến mất của văn hóa Bàn Long Thành tại vùng Hồ Bắc. Truyền thuyết này đã thể hiện rằng người Việt đã thắng trong trận chiến với nhà Thương, và theo tài liệu khảo cổ, họ đã giữ vững bờ cõi và chiếm lại vùng Hồ Bắc từ tay người Hoa Hạ. Các chi tiết này đã hỗ trợ cho nhau, giúp chúng ta có cái nhìn cận cảnh hơn về giai đoạn còn chưa rõ ràng này.
Dựa trên thực tế khảo cổ và đối chiếu với truyền thuyết, thì thời điểm 3500 năm trước có thể đã diễn ra cuộc di cư của tộc Việt trở lại vùng Động Đình, Dương Tử do sự xâm lấn của người Hoa Hạ, sau đó đã xảy ra chiến tranh với nhà Thương để chiếm lại vùng Hồ Bắc, cuộc chiến đã đẩy lùi người Hoa Hạ về phía Bắc, phải tới cuối nhà Thương thì họ mới chiếm được vùng Hồ Bắc, sau đó được nhà Chu phân phong cho chư hầu và hình thành nên nước Sở.
◊ Cơ sở từ dữ liệu lịch sử:
Thư tịch lịch sử cũng ghi lại một chi tiết về việc người Việt dâng chim trĩ trắng tới nhà Chu, chi tiết này được ghi lại đầu tiên trong Thượng thư đại truyện (Đại cáo 尚書大傳 – 大誥, TK 3 TCN), sau cũng được Tiền Hán Thư ghi lại. Truyện Bạch Trĩ trong Lĩnh Nam Chích Quái kể lại một cách chi tiết hơn: “Đời Chu Thành Vương (1042 – 1021 TCN), Hùng Vương sai bề tôi xưng là người Việt Thường đem bạch trĩ sang cống… “.
Câu chuyện này diễn ra trong giai đoạn khoảng 3000 năm cách ngày nay, thời điểm đó nếu trung tâm tộc Việt ở tại miền Bắc Việt Nam, thì chi tiết này lại trở nên thiếu cơ sở, do không gian địa lý giữa miền Bắc Việt Nam và kinh đô nhà Chu là rất xa xôi, và người Việt và người Hoa Hạ trong giai đoạn này không có quan hệ lệ thuộc như trong thời phong kiến, vậy nên nếu trung tâm của người Việt đang còn ở miền Bắc Việt Nam, thì chi tiết vua Hùng từ phía Nam cử sứ giả tới kinh đô nhà Chu để thông giao với Chu Thành Vương qua hành động cống chim trĩ trắng sẽ khó có được sự lý giải hợp lý. Nhưng nếu người Việt thời điểm đó có trung tâm ở vùng Dương Tử, thì câu chuyện sẽ có một cơ sở thực tế hơn, khi đó không gian sinh sống của hai tộc người là gần nhau, do đó có thể có sự va chạm, lưu truyền thông tin cũng như có thông giao trực tiếp.
◊ Văn hóa tại vùng Động Đình trong giai đoạn muộn:
Sau cuộc di cư của người Việt về miền Bắc Việt Nam vào thời điểm hơn 2700 năm trước, thì vẫn có một lượng nhất định cư dân tộc Việt sinh sống tại vùng Động Đình, văn hóa ở đây hoàn toàn tương đồng với văn hóa tại miền Bắc Việt Nam, sự tương đồng còn có phần mạnh hơn so với các vùng khác nếu so sánh cổ vật đặc trưng của miền Bắc Việt Nam (ít thấy tại các vùng khác) như cán dao găm hình người hay muỗng có đặc trưng Đông Sơn.
Dao găm hình người văn hóa Đông Sơn và vùng Hồ Nam. [Nguồn: 1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam; 2. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn]
Muỗng đồng tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam và muỗng đồng Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng thành phố Trường Sa, Hồ Nam, dẫn; 2. BST Kiều Quang Chẩn, Vang vọng từ trống Đông Sơn]
Sự tương đồng còn được thể hiện qua một chi tiết về văn hóa: bài Đông Quân của Khuất Nguyên, được ghi lại vào khoảng thế kỷ 3 TCN, nằm trong tập Cửu Ca, bộ Sở Từ, theo Lăng Thuần Thanh (Ling Shun Sheng, 凌純聲), giáo sư đại học Đài Loan, trong bài viết “Ký bản hiệu nhị đồng cổ kiêm luận đồng cổ đích khởi nguyên cập kỳ phân bố” 計本校二銅鼓兼論銅鼓的起源及其分佈 (đăng trong Đài Loan Đại học Văn Sử Triết học bảo, kỳ thứ nhất, 1950), các hoạt động tế lễ được mô tả trong bài thơ này tương hợp với các hình họa trên trống đồng Ngọc Lũ của người Lạc Việt tại miền Bắc Việt Nam.
Chi tiết này ủng hộ giả thiết về cuộc di cư của tộc Việt di cư trở lại vùng Dương Tử vào thời điểm 3500 năm trước, và sau đó di cư về miền Bắc Việt Nam vào thời điểm hơn 2700 năm trước, sau cuộc di cư này tại vùng Dương Tử vẫn có cư dân ở lại, qua thông tin của Lăng Thuần Thanh, có thể thấy hoạt động văn hóa của cư dân tộc Việt tại đây là giống với các hoa văn của trống đồng Ngọc Lũ, là cơ sở thể hiện các cư dân ở đây phải trực tiếp cùng một nguồn gốc với người Việt tại miền Bắc Việt Nam, bởi văn hóa tộc Việt tuy thống nhất nhưng cũng khá đa dạng, bên cạnh văn hóa chung, thì có sự tồn tại của đặc trưng riêng của từng vùng.
Ngoài dao găm hình người, thì tại Hồ Nam còn tìm thấy nhiều rìu cân xòe và rìu xéo khác. [Nguồn: Trình Năng Chung, 2015, Mối quan hệ văn hóa Đông Sơn với các văn hóa thời đại kim khí ở Nam Trung Quốc.]
Bên cạnh các cơ sở trên, thì trong cuộc di cư diễn ra vào thời điểm hơn 4000 năm trước do nạn hạn hán tại vùng Dương Tử, thì phần lớn cư dân tộc Việt đã di cư về phía Nam, tản ra Lĩnh Nam, Việt Nam, Đông Nam Á lục địa và hải đảo, do đó nếu không có cuộc di cư trở lại vùng Dương Tử, thì số lượng cư dân tộc Việt tại đây sẽ là không thực sự đáng kể, sẽ khó có khả năng diễn ra cuộc di cư tiếp theo vào thời điểm hơn 2700 năm trước.
Các thông tin dựa trên các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, lịch sử và truyền thuyết này là cơ sở để chúng tôi giả thiết về cuộc di cư lên xuống trong vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam của người Việt, người Việt có thể không phát triển một cách liên tục ở miền Bắc Việt Nam từ thời Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn, mà còn di cư trở lại vùng Động Đình, Dương Tử trong một thời gian dài trước khi trở về Việt Nam. Tuy vậy vẫn cần thêm các nghiên cứu di truyền và khảo cổ để làm rõ thêm về cuộc di cư này.
2. Văn hóa Phùng Nguyên và sự kế thừa tại các văn hóa thể hiện trên cổ vật:
Văn hóa Phùng Nguyên có hậu duệ trực tiếp là các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho tới Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam. Tuy không phát triển liên tục tại miền Bắc Việt Nam sau thời điểm 3500 năm cho tới thời kỳ Đông Sơn, tuy nhiên các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun được phát triển và duy trì bởi các cư dân tộc Việt ở lại miền Bắc Việt Nam cũng thể hiện sự kế thừa văn hóa Phùng Nguyên. Sau đó tới thời kỳ Đông Sơn, các cổ vật đã chuyển sang chủ yếu là đồ đồng, và cũng có sự kế thừa từ truyền thống tại văn hóa Phùng Nguyên.
a. Rìu lưỡi hài:
Đầu tiên là rìu lưỡi hài của văn hóa Phùng Nguyên. Rìu đồng là một vật biểu tượng quan trọng của tộc Việt từ khi còn ở tại vùng Dương Tử, khi về tới miền Bắc Việt Nam, cũng đã tìm thấy rất nhiều loại hình rìu bằng đá và ngọc, trong đó bao gồm cả loại hình rìu lưỡi hài, là tiền thân của loại hình rìu lưỡi hài phát triển rất đa dạng của văn hóa Đông Sơn.
Rìu lưỡi hài văn hóa Phùng Nguyên và rìu lưỡi hài văn hóa Đông Sơn. Sự kế thừa trong loại hình rìu đá và rìu ngọc thể hiện một tiến trình phát triển liên tục: những người kiến tạo nên văn hóa Phùng Nguyên cũng là những người xây dựng nên văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn; Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn]
b. Vòng tay:
Vòng tay bằng ngọc có nguồn gốc sớm nhất từ thời văn hóa Lương Chử tại vùng Dương Tử, tới thời kỳ Phùng Nguyên, thì văn hóa này vẫn tiếp tục kế thừa loại hình vòng ngọc này. Văn hóa Đông Sơn kế thừa và có sự thay đổi về chất liệu, khi được chế tác bằng đồng, tuy nhiên vẫn kế thừa ý thức từ các văn hóa tiền thân của nó.
Vòng ngọc văn hóa Phùng Nguyên và vòng tay văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi báo Kiến Thức; 2. Bảo tàng Barbier-Mueller]
c. Khuyên tai bốn mấu:
Khuyên tai bốn mấu là loại hình được tìm thấy sớm nhất tại văn hóa Phùng Nguyên, loại hình khuyên tai này tiếp tục được kế thừa trong các văn hóa kế tiếp nó: Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, cũng như ảnh hưởng tới văn hóa Sa Huỳnh ở miền Nam Việt Nam. [23]
Khuyên tai bốn mấu theo từng giai đoạn: Phùng Nguyên (11,12), Đồng Đậu (8,9,10), Gò Mun (3,4,5,6,7), Đông Sơn (1,2). [23]
d. Đồ gốm:
Đồ gốm là một loại hình rất đặc trưng của các văn hóa tại vùng Dương Tử, khi di cư về Việt Nam, các văn hóa kế tiếp cũng đã kế thừa truyền thống đồ gốm tại văn hóa Phùng Nguyên.
Các loại hình đồ gốm của các văn hóa: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. [24]
Các loại hình đồ gốm kế thừa trực tiếp kể từ thời văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn. [24]
IV. Một số loại hình cổ vật văn hóa Phùng Nguyên:
1. Các loại hình đồ ngọc và đồ đá:
a. Qua ngọc và qua đá:
Qua ngọc văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi Gary Todd]
Các loại hình qua đá văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: 1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi báo Kiến Thức; 2, 3: Cổ vật Phú Thọ, Nguyễn Anh Tuấn – Trịnh Sinh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005;]
b. Các loại vòng tay, vòng cổ ngọc:
Các loại hình trang sức bằng ngọc văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: 1, 2: Cổ vật Phú Thọ, Nguyễn Anh Tuấn – Trịnh Sinh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005; 3. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi báo Kiến Thức]
Vòng tay Phùng Nguyên. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nguồn]
Vòng ngọc Phùng Nguyên. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nguồn]
3. Các loại hình công cụ lao động và vũ khí:
a. Rìu tứ giác:
Rìu tứ giác văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nguồn]
b. Bôn có vai:
Bôn có vai văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nguồn]
c. Đục đá:
Đục đá văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nguồn]
d. Mũi lao đá:
Mũi lao đá văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nguồn]
4. Rìu ngọc và rìu đá:
Các loại hình rìu đá và rìu ngọc văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Cổ vật Phú Thọ, Nguyễn Anh Tuấn – Trịnh Sinh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005]
5. Các loại hình cổ vật bằng gốm:
Bình gốm tuyệt đẹp của văn hoá Phùng Nguyên. [Nguồn: dẫn]
Các loại hình đồ gốm Phùng Nguyên. [Nguồn: Cổ vật Phú Thọ, Nguyễn Anh Tuấn – Trịnh Sinh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005]
Dọi xe sợi văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nguồn]
V. Văn hóa Phùng Nguyên và thời kỳ Hùng Vương:
Thời kỳ Hùng Vương, thời kỳ được ghi lại trong lịch sử Trung Hoa cũng như huyền sử Việt, theo huyền sử Hồng Bàng, thì thời kỳ các vua Hùng bắt đầu vào khoảng hơn 4000 năm trước, khi họ di cư về miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên quốc gia Văn Lang đã hình thành ngay từ khi còn ở tại vùng Dương Tử. Tại vùng Dương Tử đã có những nghiên cứu chứng minh sự tồn tại của các nhà nước phát triển.
Tại vùng văn hóa Lương Chử ở hạ lưu sông Dương Tử, các nhà khảo cổ thế giới đã chứng minh là nơi có thể có nhà nước sớm nhất ở Đông Á, có xã hội phân tầng phức tạp với ít nhất 4 tầng lớp [11][12], có hệ thống thủy lợi sớm nhất thế giới với hệ thống đập, đê, mương dẫn nước, cung điện [13]. Cùng với đó là một hệ thống ký hiệu phức tạp và một số đã trở thành chữ viết dù công việc khảo cổ mới thực hiện được khoảng 10% [14].
Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Thạch Gia Hà có một hệ thống chính trị và một ý thức hệ để có thể tổ chức được các khu định cư quy mô lớn và ràng buộc các cộng đồng dân cư với nhau [15]. Một số học giả cho rằng Thạch Gia Hà có thể được coi là một nhà nước cổ đại do cấu trúc chính trị xã hội tương đối tiên tiến của nó [15][16]. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng có xã hội phức tạp hơn và phát triển hơn các văn hóa cùng thời ở phía Bắc [16].
Thời kỳ quốc gia Văn Lang có thể bắt đầu từ khi người Việt còn ở tại vùng Dương Tử, sau đó các vua Hùng đã kế thừa nhà nước tại vùng Dương Tử khi di cư về miền Bắc Việt Nam. Tại vùng miền Bắc Việt Nam cũng đã tìm thấy nhiều nha chương được chế tác tại chỗ mà chúng tôi đã dẫn ở phần trên, đây là biểu tượng quyền lực rất quan trọng của văn hóa Đông Á cổ vào thời điểm 4000 năm trước.
Các nhà khảo cổ Việt Nam chưa khai quật đủ rộng và đủ nhiều để có thể xác định diện mạo của nhà nước tại miền Bắc Việt Nam, nên chúng ta mới chỉ có thể tạm xác định thông qua những di sản tại vùng Dương Tử, và sự kế thừa tại miền Bắc Việt Nam thông qua những chiếc nha chương. Với những bằng chứng này, chúng ta có thể tạm kết luận văn hóa Phùng Nguyên đã có một nhà nước, kế thừa từ vùng Dương Tử, tương ứng với sự hình thành của thời kỳ Hùng Vương trong lịch sử và huyền sử dân tộc.
VI. Kết luận:
Với những tư liệu hạn chế hiện có, chúng tôi đã tiến hành một bài khảo cứu ngắn về văn hóa Phùng Nguyên, nhằm đem lại những hiểu biết cơ bản nhất về nền văn hóa này tới người Việt. Văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa gốc nguồn gần nhất của người Việt, là tiền đề phát triển tới các văn hóa kế tục tại vùng miền Bắc Việt Nam và vùng Dương Tử.
Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, các nhà khảo cổ Việt Nam sẽ tiến hành khai quật rộng hơn các di chỉ của văn hóa Phùng Nguyên, từ đó xác định diện mạo của nhà nước cũng như trình độ văn minh của cư dân tộc Việt tại đây. Đây là một vấn đề rất quan trọng, giúp chúng ta có những hiểu biết toàn diện và chặt chẽ hơn về văn hóa cổ của người Việt và tộc Việt.
Lang Linh
Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Kim Thau, Lịch sử phát hiện và nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên.
[2] Phùng Văn Phách (chủ biên), Sự hình thành và phát triển châu thổ sông Hồng trong giai đoạn Holocene, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ.
[3] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[4] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88
[5] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China
https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China
[6] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768
[7] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545
[8] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.
[9] Chuan‐Chao WANG Shi YAN Zhen‐Dong QIN Yan LU Qi‐Liang DING Lan‐Hai WEI Shi‐Lin LI Ya‐Jun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1759-6831.2012.00244.x
[10] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2. https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia
[11] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/
[12] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.
[13] Bin Liu, Ningyuan Wang, Minghui Chen, et al. (2017). Earliest hydraulic enterprise in China, 5,100 years ago. Proceedings of the National Academy of Sciences; 114(52):13637-42.
https://www.pnas.org/content/114/52/13637
[14] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
https://www.researchgate.net/publication/332595714_On_determining_the_nature_of_Liangzhu_liangzhu_symbols
[15] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.
[16] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.
[16a] Hà Văn Tấn. (1994). Viện Khảo cổ học, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam.
[17] Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt – người Mường. NXB Tri Thức.
[18] Yunfei Zheng, et tl (2007), Characteristics of the short rachillae of rice from archaeological sites dating to 7000 years ago.
https://www.researchgate.net/publication/250967454_Characteristics_of_the_short_rachillae_of_rice_from_archaeological_sites_dating_to_7000_years_ago
[19] Nguyễn Kim Dung, Truyền thống chế tạo đồ ngọc ở Việt Nam thời tiền sử, Tạp chí KHẢO CỔ HỌC số 4 năm 1998, tr.23-40.
[20] Kim J, Jeon S, Choi JP, Blazyte A, Jeon Y, Kim JI, Ohashi J, Tokunaga K, Sugano S, Fucharoen S, Al-Mulla F, Bhak J. The Origin and Composition of Korean Ethnicity Analyzed by Ancient and Present-Day Genome Sequences. Genome Biol Evol. 2020 May 1;12(5):553-565. doi: 10.1093/gbe/evaa062. PMID: 32219389; PMCID: PMC7250502.
[22] Ruiliang Liu, A. M. Pollard, Jessica Rawson, Xiaojia Tang, 2019, Panlongcheng, Zhengzhou and the Movement of Metal in Early Bronze Age China.
https://www.researchgate.net/publication/337567322_Panlongcheng_Zhengzhou_and_the_Movement_of_Metal_in_Early_Bronze_Age_China
[23] Hán Văn Khẩn, Thử tìm hiểu mối quan hệ của người Phùng Nguyên với những cư dân cùng thời ở Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.
[24] Ha Van Tan, Prehistoric Pottery in Viet Nam And Its Relationships with Southeast Asia.
Mục lục bài viết
Chia sẻ với bạn bè:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…