6 món ăn mang lại sức khỏe, may mắn ngày tết

Tết đến xuân về là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ, các thế hệ sum vầy ấm áp, cùng chúc nhau một năm mới an lành và cùng nhau thưởng thức rất nhiều món ăn hấp dẫn trong mâm cỗ ngày tết. Mỗi món ăn không chỉ để thưởng thức, ngon miệng, bổ dưỡng mà còn mang lại ý nghĩa may mắn cho năm mới.

Bánh chưng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc. Trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình đều không thể thiếu những chiếc bánh chưng. Những chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên. Ở miền Trung và miền Nam nước ta, bên cạnh bánh chưng, người dân còn gói bánh tét với nguyên liệu tương tự bánh chưng nhưng có hình trụ.

Bánh chưng tết còn có ý nghĩa lớn về mặt dinh dưỡng. Nhiều bạn nữ sợ ăn bánh chưng vì béo nhưng đây chính là món bánh cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể nếu ăn vừa đủ. Với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như gạo nếp, đậu xanh và thịt heo bánh chưng cung cấp cho chúng ta rất nhiều vitamin và khoáng chất.

Gạo nếp trong bánh chưng có vị ngọt tính ấm, mềm dẻo, mùi thơm, có tác dụng ích thận khí, bổ gan, làm cho gan mật lưu thông, tỳ vị mạnh lên để nuôi dưỡng toàn thân và làm mạnh gân cốt. Đậu xanh trong nhân bánh có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ tỳ vị, tim, gan, giải được các độc chất trong thức ăn, còn có vị thanh giúp cân bằng với độ béo của thịt và đồ nếp. Thịt heo có vị ngọt tính ấm, có tác dụng bổ thận tráng dương, phần thịt mỡ có tác dụng hấp thu và đào thải rượu.

6 món ăn mang lại sức khỏe, may mắn ngày tết - ảnh 1

Hạt tiêu vị cay tính đại ôn, có tác dụng làm ấm tỳ vị, kích thích tiêu hóa, giáng khí, trừ đờm, trị chứng đau bụng do hàn tích, ăn vào không tiêu hóa. Tất cả được gói trong lá dong màu xanh. Tạo nên một thứ bánh ngon tròn vị mà dù ai xa quê cũng mong được về nhà để quây quần bên nồi bánh chưng đang nấu, cùng chuyện trò mỗi dịp giao thừa đón năm mới.

Lưu ý: Những người không nên hoặc hạn chế ăn bánh chưng gồm người bị viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích hay trào ngược dạ dày thực quản, người có nguy cơ hoặc hiện đang thừa cân béo phì, bệnh thận, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, người bị mụn nhọt.

Canh khổ qua

Canh khổ qua là món ăn khá quen thuộc trong mâm cỗ ngày tết. Đúng như tên gọi của nó, món canh khổ qua có ý nghĩa hy vọng rằng những điều khó khăn, vất vả của năm cũ sẽ qua đi để trong năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi hơn.

Món canh này tương đối dễ nấu mà lại chứa nhiều chất dinh dưỡng, là món canh giải nhiệt, mát và bổ dưỡng, giúp thanh nhiệt, giải độc vô cùng hiệu quả trong những ngày nắng nóng, ăn uống nhiều dầu mỡ như ngày tết. Khổ qua không chỉ giúp làm thanh mát cơ thể và bổ sung chất xơ mà còn giúp làm đẹp da, giảm mỡ máu, hạ huyết áp, hạ đường huyết.

6 món ăn mang lại sức khỏe, may mắn ngày tết - ảnh 2

Tuy nhiên bác sĩ Vũ khuyến cáo không nên ăn quá nhiều khổ qua có thể bị đầy bụng, ăn uống khó tiêu, tiêu lỏng. Không nên sử dụng cho những trường hợp có biểu hiện hạ đường huyết vì khổ qua có đặc tính hạ đường huyết. Phụ nữ có thai không nên sử dụng khổ qua vì có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết dẫn tới sảy thai hoặc sinh non.

Thịt kho tàu

Nếu mâm cỗ ngày tết ở miền Bắc có thịt đông thì ở miền Nam lại đặc trưng là thịt kho trứng hay thịt kho tàu, với ý nghĩa thể hiện tình cảm gia đình hòa thuận, yên vui. Thịt heo thường là thịt ba chỉ (ba rọi) hoặc các phần thịt có cả nạc lẫn mỡ. Thịt được thái thành các miếng vuông to, trong khi hột vịt to tròn vành vạnh mang ý nghĩa “vuông tròn đều đặn, mọi sự bình an”.

Miếng thịt kho mềm rục có màu trắng trong của lớp mỡ và đỏ au của thịt nạc, màu nâu nhạt của lớp bì heo hầm nhừ, màu nước đường vàng ươm, sóng sánh. Hột vịt luộc chín mềm, lòng đỏ béo mịn. Kèm theo đó vị ngọt thanh của nước dừa xiêm, vị mặn đậm đà của nước mắm ngon, cay the the của những lát ớt đỏ, tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị khó quên trong khoang miệng của người thưởng thức.

Thịt kho tàu giàu dinh dưỡng, lại đậm đà dễ ăn, người già hay trẻ nhỏ, khách xa hay gần đều ăn được. Tuy nhiên, việc nấu quá nhiều thịt kho tàu, sau đó đun đi đun lại nhiều lần khiến cho chất béo trong thịt dưới tác động của nhiệt độ cao bị chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thịt kho tàu cũng là món ăn giàu năng lượng, nên những người thừa cân, béo phì, người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu thì không nên ăn quá nhiều thịt kho tàu. Khuyến cáo những người này nên chọn những miếng thịt nạc, không nên ăn nước thịt kho và chỉ nên ăn tối đa 3-4 quả trứng/tuần.

Dưa hành

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, từ bao đời câu ca này được truyền lại, đồng thời ẩn chứa sự kết hợp các món ăn để làm tăng hương sắc cổ truyền nên dưa hành không thể thiếu được trong mâm cơm ngày tết của người Việt.

“Theo Đông y, dưa là món ăn có vị cay, nóng, có tác dụng thông dương khí đào thải uế khí, giải độc, làm lưu thông khí huyết, kinh lạc; đồng thời làm ấm tỳ vị và tiêu hóa chất mỡ, giảm đau các khớp khi bị nhiễm lạnh”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Do có vị chua ngọt dễ ăn, trong thành phần lại có nhiều chất xơ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giúp gan đỡ mệt hơn khi cơ thể liên tục nạp những thức ăn dầu mỡ, nhiều đạm và chất béo như bánh chưng, thịt nấu đông, thịt kho tàu, nem ran, giò chả, nên dưa hành thường được ăn kèm để tăng khẩu vị món ăn, giảm bớt ngán, kích thích tiêu hóa, nhất là những người bị rối loạn tiêu hóa, táo bón, đầy bụng…

Tuy nhiên, dưa hành muối lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe đối với một số người, đặc biệt người mắc bệnh dạ dày, bệnh thận, tăng huyết áp hoặc phụ nữ mang thai không nên ăn.

Gà luộc

Gà luộc vàng ươm cũng là món ăn quen thuộc trong mâm cỗ ngày tết của gia đình Việt với mong muốn mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Vì thế, không biết từ khi nào, món gà luộc được chọn làm món ăn khởi đầu cho năm mới nhiều may mắn.

Theo Đông y, thịt gà có tính ôn ngọt, không độc, bổ dưỡng, lành mạnh phổi, còn chữa băng huyết, xích bạch đới, lỵ, ung nhọt, là loại thực phẩm bổ âm cho tỳ vị, bổ khí, huyết và thận.

Không đơn thuần là món ngon ngày tết dễ làm, món gà luộc còn là nguồn bổ sung các dưỡng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể. Đây là loại thực phẩm chất lượng cao, cơ thể con người dễ hấp thu và tiêu hoá, là món ăn bồi dưỡng sức khỏe tuyệt vời.

Lưu ý: Không dùng thịt gà chung với kinh giới, gây đầy bụng, khó tiêu. Người huyết áp cao hạn chế ăn da gà và lòng trắng trứng. Người bị thủy đậu, sỏi thận nên kiêng thịt gà.

Bắp luộc

6 món ăn mang lại sức khỏe, may mắn ngày tết - ảnh 3

Người Việt Nam ta có câu “Chắc như bắp” thường được áp dụng trong tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống với mong muốn khẳng định chắc chắn sự vật hiện tượng trong tương lai sẽ đạt được thành quả.

Do đó, trong những năm gần đây, mâm ngũ quả ngày tết đã được bổ sung trái bắp hoặc trưng một cặp chậu bắp trước nhà hoặc ăn bắp luộc vào ngày đầu năm với mong muốn bước sang năm mới gia đình sẽ no đủ, tràn đầy, làm việc gì cũng thành công mỹ mãn và “Chắc ăn như bắp”.

Bắp là nguồn giàu vitamin B, C, khoáng chất, chất xơ, carbohydrat,… đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như kích thích tiêu hóa, chống thiếu máu, cung cấp năng lượng, bảo vệ tim mạch. Hai loại chất chống ôxy hóa là zeaxanthin và lutein có nhiều trong bắp tốt cho sức khỏe mắt và làn da.

Bắp ăn ngon, no lâu nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, ăn lượng lớn gây đầy bụng, khó tiêu. Quá nhiều đường từ bắp cũng dễ gây ra tình trạng sâu răng, tăng đường huyết, với người mắc bệnh tiểu đường khi ăn quá nhiều bắp sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Ngoài ra, tiêu thụ nhiều bắp còn làm dễ bị bệnh nứt da, dị ứng. Khẩu phần bắp của 1 người trưởng thành là 100g hạt bắp/ngày tương đương ½ chén hay 1 trái bắp có kích cỡ trung bình, không nên ăn quá nhiều.