6 rào cản khi triển khai ứng dụng STEAM trong trường mầm non ở Việt Nam

GDVN- Nhiều ý kiến về những rào cản, thách thức khi ứng dụng STEAM vào giáo dục mầm non đã được các giảng viên, chuyên gia đưa ra bàn luận sôi nổi.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được trình bày tại hội thảo khoa học quốc tế “Diễn đàn giáo dục Việt Nam” lần thứ ba vừa được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nhóm tác giả gồm Tiến sĩ Bùi Minh Hải, Thạc sĩ Nguyễn Thị Luyến và Thạc sĩ Vũ Thị Hà (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) đã có nội dung báo cáo về nghiên cứu “Áp dụng STEAM vào trong chương trình giáo dục mầm non của Việt Nam giai đoạn hiện nay”.

6 rào cản khi triển khai ứng dụng STEAM trong trường mầm non ở Việt Nam ảnh 1

Theo đó, đại diện nhóm tác giả, Tiến sĩ Bùi Minh Hải đã giới thiệu tổng quan về giáo dục STEAM trong các cơ sở giáo dục mầm non ở Việt Nam những năm gần đây và định hướng một số hình thức ứng dụng STEAM vào chương trình giáo dục mầm non có hiệu quả.

Theo Tiến sĩ Hải, từ năm 2019 trở lại đây, đã có các nghiên cứu và ứng dụng STEAM vào bậc học mầm non. Trong một khoảng thời gian ngắn, tốc độ ứng dụng và phạm vi tác động của giáo dục STEAM tại các trường mầm non khá nhanh và ấn tượng. Tuy nhiên, nhóm tác giả nhận định rằng việc vận dụng STEAM vào hoạt động giáo dục trẻ chưa đạt được như kỳ vọng và tiềm năng vốn có của STEAM.

6 rào cản khi triển khai ứng dụng STEAM trong trường mầm non ở Việt Nam ảnh 2

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã chỉ ra 6 rào cản khi triển khai giáo dục STEAM trong trường mầm non ở nước ta hiện nay, bao gồm: Thiếu cơ sở vật chất; Thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu; Không có kế hoạch và chiến lược rõ ràng trong việc triển khai STEAM; Chưa đưa STEAM vào chương trình trình giáo dục của trường mầm non; Số lượng trẻ ở mỗi lớp nhiều và cơ chế quản lý thiếu linh hoạt.

Theo đó, nhóm tác giả đề xuất 3 hình thức ứng dụng định hướng giáo dục STEAM vào phát triển chương trình giáo dục mầm non, bao gồm: Giáo dục theo chu trình thiết kế kỹ thuật (EDP: Engineering Design Process), Giáo dục theo mô hình dạy học 5E Engage (Gắn kết), Explore (Khảo sát), Explain (Giải thích), Elaborate (Áp dụng cụ thể[1]), và Evaluate (Đánh giá) và tổ chức thực hiện dự án STEAM.

6 rào cản khi triển khai ứng dụng STEAM trong trường mầm non ở Việt Nam ảnh 3

Tại phần thảo luận và góp ý cùng nhóm tác giả, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương – người sáng lập hệ thống Tomato Childrens Home và I Can School chia sẻ thêm về góc nhìn của bà về những rào cản trong việc ứng dụng STEAM vào trong trường học.

Theo đó, nữ chuyên gia cho rằng một trong những rào cản trong việc ứng dụng STEAM vào trong trường học là nằm ở cách tích hợp nó vào khung chương trình. Đây là một trở ngại khá lớn đối với nhiều giáo viên.

“Nhiều trường học và giáo viên vẫn đang nghĩ việc ứng dụng STEAM vào chương trình học giống như chúng ta đang thêm một món nữa vào bàn tiệc, đó là một phép cộng cơ học; Do vậy, nhiều giáo viên thấy rằng họ không đủ thời gian để vừa dạy kịp chương trình khung, lại thêm STEAM;

Cũng chính bởi vì chúng ta nhìn theo hướng đó, nên chúng ta có xu hướng nhận định phải có phòng, trang thiết bị, hay phải thuê người có chuyên môn vào giảng dạy STEAM…”, Thạc sĩ Uyên Phương phân tích.

6 rào cản khi triển khai ứng dụng STEAM trong trường mầm non ở Việt Nam ảnh 4

Chuyên gia giáo dục cho rằng STEAM ở tuổi mầm non có thể tích hợp được vào trong hoạt động hàng ngày.

“Ví dụ, tôi từng chứng kiến một trường học tích hợp rất khéo léo bằng cách cho các em học sinh thực hiện dự án là đo bóng nắng, cụ thể bóng nắng rọi vào cửa sổ thay đổi như thế nào theo khung thời gian trong ngày.

Lấy ví dụ như vậy để thấy rằng điều quan trọng nằm ở nhà trường, giáo viên thiết kế để tích hợp STEAM vào chương trình hàng ngày như thế nào chứ không phải một thứ hoàn toàn riêng biệt và cộng cơ học”, bà nói.

6 rào cản khi triển khai ứng dụng STEAM trong trường mầm non ở Việt Nam ảnh 5

Một hạn chế khác trong triển khai giáo dục STEAM vào trong giảng dạy là sự can thiệp, tham gia của giáo viên vào các dự án. Theo đó, rất nhiều giáo viên triển khai các dự án với mục tiêu ứng dụng STEAM trong các hoạt động, tuy nhiên sự tham gia của cá nhân người tổ chức là các giáo viên dường như lại giữ vai trò chủ động nhiều hơn so với trẻ em.

Tham gia đóng góp ý kiến với nhóm tác giả, một đại diện đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Vũ Thị Thu Hằng – Chuyên viên Vụ Giáo dục Mầm non bày tỏ sự trân trọng và ghi nhận những thành quả nghiên cứu của nhóm tác giả.

Tuy nhiên, bà Hằng lại không hoàn toàn thống nhất với 6 rào cản trong ứng dụng STEAM vào giáo dục mầm non mà nhóm tác giả nêu lên. Theo đó, bà Vũ Thị Thu Hằng cho rằng 6 rào cản nhóm tác giả nêu lên gần như rời bỏ những gì bản thân chương trình giáo dục mầm non đang có và đang rất thuận lợi cho việc thực hiện STEAM tại trường mầm non.

“Có thể hỏi về 5E thì cô giáo của chúng tôi không biết, có thể dạy học dự án cô giáo chúng tôi chưa thành thục, có thể dạy học theo EDP thì giáo viên chúng tôi có thể chưa nghe bao giờ nhưng dạy học tích hợp thì giáo viên của chúng tôi hoàn toàn rất thành thục, và chương trình giáo dục mầm non hoàn toàn cho phép điều này. Bởi vì đặc điểm của giáo dục mầm non là tích hợp và thực hiện thông qua thực hành trải nghiệm thông qua học thông qua chơi”, đại diện Vụ Giáo dục Mầm non phân tích.

Do đó, trong những tìm hiểu về rào cản, bà mong muốn nhóm nghiên cứu sẽ bổ sung thêm những rào cản khác về năng lực của giáo viên, hiểu biết của giáo viên, các yếu tố về STEAM để giáo viên có thể thực hiện thuận lợi hơn:

“6 nội dung này chưa gắn với thực sự năng lực của giáo viên để hiểu về những vấn đề đang tồn tại hiện hành và giáo viên có thể thực hiện được”.

6 rào cản khi triển khai ứng dụng STEAM trong trường mầm non ở Việt Nam ảnh 6

Cũng đặc biệt quan tâm và tìm hiểu về giáo dục STEAM trong dạy học, Thạc sĩ Trần Viết Nhi – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế chia sẻ sự đồng tình với góc nhìn của Thạc sĩ Uyên Phương và bà Thu Hằng, theo anh:

“Giáo dục STEAM ở trẻ mầm non cần có sự tiếp cận khác so với ở bậc phổ thông, và phải phù hợp với hoạt động chủ đạo của trẻ ở lứa tuổi này là học thông qua vui chơi”.

Vị giảng viên trẻ nhấn mạnh đến sự linh hoạt và chủ động của giáo viên trong tiếp cận STEAM thay vì cách hiểu có phần “cứng nhắc” và tiếp nhận thụ động như hiện nay:

“Nhiều giáo viên hiện nay thừa nhận dù đã được tập huấn ở chỗ này, chỗ kia nhưng thực sự vẫn chưa hiểu triết lý, bản chất của STEAM, bản chất nghệ thuật trong STEAM và để kết nối các yếu tố đó như thế nào”.

STEAM xuất hiện ở mọi hoạt động hàng ngày của trẻ, do vậy theo Thạc sĩ Viết Nhi, việc áp dụng STEAM với trẻ mầm non cần đơn giản hóa, tránh phức tạp rập khuôn theo bậc phổ thông.

Bắc Sơn