7. Vai trò tiên lượng của điểm Child-Pugh trên bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan điều trị bằng Sorafenib | Tạp chí Nghiên cứu Y học
Sorafenib được chấp thuận trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn bệnh tiến triển từ năm 2009, tuy nhiên không nhiều các nghiên cứu đánh giá chi tiết vai trò tiên lượng của các yếu tố tới kết quả điều trị, trong đó có tình trạng xơ gan dựa trên điểm Child-Pugh. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu mô tả trên 110 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan điều trị tại Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ 1/2010 đến 12/2018 nhằm đánh giá vai trò tiên lượng của điểm Child-Pugh đến kết quả điều trị của thuốc Sorafenib. Kết quả cho thấy Child-Pugh A (90,1%), Child-Pugh B (9,9%). Kết quả điều trị giữa 2 nhóm CP A so với CP B tương ứng: tỷ lệ kiểm soát bệnh 60,6% vs 45,5% (p = 0,352); PFS trung vị 4,7 tháng vs 2,9 tháng (p = 0,097); OS trung vị 8,7 tháng vs 2,7 tháng (p < 0,001). Kết quả OS trung vị ở CP 5 điểm, 6 điểm, 7 điểm, ≥ 8 điểm tương ứng là 10,6 tháng, 3,4 tháng, 5,9 tháng, 1,8 tháng (p < 0,001). Phân tích đa biến thấy bệnh nhân CP A có thời gian sống toàn bộ gấp 2,805 lần so với CP B (HR = 2,805, 95%CI: 1,250 – 6,290, p = 0,012). Điểm Child-Pugh là yếu tố tiên lượng độc lập tới kết quả thời gian sống toàn bộ.