7 lợi ích của việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học | Horizon Tesol

Đã bao giờ bạn cảm thấy bực mình khi học sinh cứ liên tục sử dụng điện thoại trong giờ học?

Giải pháp đây rồi. Thay vì phiền muộn vì điều đó, lời khuyên dành cho bạn chính là để chúng thoải mái sử dụng điện thoại. Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, thay vì ngăn cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, giúp họ học cách sử dụng điện thoại một cách thông minh lại là giải pháp tốt hơn. Điện thoại mang lại rất nhiều lợi ích trong học tập mà dưới đây chỉ là một vài ví dụ điển hình trong số đó mà thôi:

Hãy biến điện thoại thành người bạn thân nhất để tận dụng tối đa công dụng của nó.

1. Từ điển bỏ túi tiện lợi

Dù học sinh của bạn là một học viên học tiếng Anh trình độ cao hay chỉ mới vừa bắt đầu học, họ đều có điểm chung chính là có một quyển từ diển đa năng trong tầm tay. Mọi chiếc điện thoại thông minh đều có thể được sử dụng như một quyển từ điển tạm thời mà không cần phải gắn thêm bất kì thiết bị hiện đại nào. Với mỗi từ vựng mới, học sinh chỉ cần một động tác tra trên mạng điện thoại thì lập tức họ sẽ nhận được một loạt hình ảnh về từ vựng đó đủ để có thể nhận ra nghĩa của nó là gì. Thậm chí bạn có thể khuyến khích học sinh in các hình ảnh về bài từ vựng mới và dán chúng vào một quyển sổ để biến chúng thành một cuốn sổ từ vựng học tập. Hoặc nếu thích, bạn  cũng có thể tự tra và dùng những hình ảnh đó để dạy học sinh từ vựng mới.

2. Thông tin đa phương tiện

Nếu bạn đang giảng về một bài học cụ thể nào đó, bạn sẽ dễ dàng nhận ra học sinh thường rất khó khăn khi phải tiếp thu một bài giảng đơn thuần (chỉ nghe giảng từ trong sách), đặc biệt đối với học sinh ESL (tiếng Anh là một ngôn ngữ thứ 2). Thay vào đó, bạn có thể sử dụng thiết bị công nghệ để giúp học sinh hiểu và tiếp thu những thông tin cơ bản về bài giảng khi vấp phải rào cản ngôn ngữ. Bạn có thể tìm một video về chủ đề giảng dạy và phát một trích đoạn cho học sinh xem. Bằng cách này, bạn không những có thể làm sinh động bài giảng mà còn có thể sử dụng những video này cho các hoạt động nghe hiểu tiếng Anh. Hơn thế nữa, có học sinh nào mà lại không thích xem video trong lớp học?

3. Máy quay video clip

Hầu hết các điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng đều có chức năng quay video clips.  Bạn có thể sử dụng nó như cách để thiết kế một hoạt động thú vị trong lớp học chẳng hạn cho học sinh quay lại vở kịch mà họ tự biên soạn. Nhờ đó, bạn có thể giúp học sinh cải thiện khả năng phát âm của họ thường xuyên hơn. Nhiều học sinh ESL không nhận ra họ phát âm như thế nào. Dù là người Việt hay người bản ngữ, chúng ta thường không nhận ra lỗi phát âm của bản thân. Chính vì vậy trong các hoạt động cải thiện khả năng phát âm, bạn có thể đi xung quanh và quay lại cách học sinh luyện tập phát âm với điện thoại hoặc máy tính bảng của họ. Sau khi hoàn tất, bạn có thể cho họ xem lại cách mà họ đã phát âm. Họ chắc chắn sẽ rất bất ngờ khi xem lại chính mình. Đồng thời, họ có thể xem lại các cử chỉ của ngôn ngữ cơ thể để qua đó tự sửa đổi bản thân. Nếu bạn không có thời gian quay lại tất cả học sinh, bạn có thể yêu cầu họ tự quay lại bằng điện thoại của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho phép học sinh quay phim cùng nhau và sau đó cùng phân tích cách phát âm của đối phương.

4. Phương tiện trao đổi quốc tế tiện lợi

Nếu như bạn dạy ESL ở nước ngoài, việc tạo cơ hội để học sinh thực hành đàm thoại tiếng Anh quả thực là một vấn đề nan giải. Thế nhưng nhờ vào những ứng dụng công nghệ hiện đại chẳng hạn như Skype hay Facetime, việc kết nối toàn cầu đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu bạn cần tìm những người bạn bản ngữ để trao đổi cùng các em học sinh nhưng vấn đề địa lý trở thành một rào cản, những ứng dụng công nghệ sẽ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này. Chỉ cần tìm một giáo viên đứng lớp ở nước ngoài dành ra vài phút cho học trò của họ trò chuyện qua internet với học sinh của bạn, các em sẽ có thể trao đổi về việc học, các hoạt động vui chơi, hay các bài tập được giao. Cả hai lớp sẽ có thể tích lũy cả những kiến thức học thuật lẫn đời sống.

5. Phương tiện học tập độc lập

Phương pháp học tập độc lập là một lựa chọn phù hợp cho học sinh ESL nhưng phương pháp này lại thường cần khá nhiều thời gian để chuẩn bị. Bạn có thể tranh thủ thời gian bằng cách lắp đặt một cái máy tính bảng đã cài đặt các ứng dụng cần thiết trong lớp học. Sau đó tìm các ứng dụng phù hợp với từng chủ đề trong chương trình học tiếng Anh cụ thể như phát triển từ vựng, đọc hiểu tiếng Anh, ngữ pháp và đặt tên cho chúng để phân biệt. Thậm chí nếu bạn không có các thiết bị công nghệ di động, bạn có thể in một danh sách các ứng dụng cần thiết để học sinh có thể tải các ứng dụng đó về điện thoại hoặc các thiết bị điện tử của họ. Các ứng dụng này không những giúp họ học tập hiệu quả ở lớp mà còn giúp họ học tập độc lập tại nhà.

6. Nguồn cảm hứng học tập vô tận

Khi bạn cần tìm chủ đề để học sinh tập viết hoặc nói tiếng Anh, hãy để học sinh tìm nguồn cảm hứng trên Instagram. Chỉ với một chiếc điện thoại bình thường, họ hoàn toàn có thể kết nối với mọi bức ảnh trên toàn thế giới cũng như những nơi và những người thú vị – nguồn cảm hứng vô tận của các em học sinh. Khi học sinh thảo luận với nhau về những bức ảnh, các em sẽ có cơ hội ôn lại các thì, học cách sử dụng từ vựng qua việc mô tả về con người và những phong cảnh mà họ nhìn thấy từ những bức ảnh. Với những bức tranh đa dạng, học sinh sẽ không bao giờ thiếu chủ đề để thực tập nói và viết.

7. Trợ thủ đắc lực của những giáo viên bận rộn

Đừng quên rằng công nghệ là công cụ hỗ trợ dạy học đắc lực nhất. Chúng ta có thể coi nó như “một người giáo viên bận rộn” có thể cung cấp cho chúng ta có thể tìm mọi thứ từ những bản in, giáo án và cả bản tính,… và nhiệm vụ của chúng ta chỉ là mang chúng đến lớp. Thời gian là thứ mà không một giáo viên nào có đủ. Đó là lí do mà “người giáo viên bận rộn” có mặt ở đây để giúp chúng ta lên kế hoạch giảng dạy một cách dễ dàng cũng như chia sẻ những phương pháp giảng dạy hiệu quả mà những giáo viên khác đã áp dụng.

Trích dẫn từ “You, the super teacher”.

Horizon TESOL lược dịch

Vui lòng ghi lại nguồn khi bạn trích dẫn hoặc chia sẻ tài liệu này!

Tham khảo khóa học TESOL tại đây.