77 năm Ngày Truyền thống Ngành Văn hóa và Thông tin ( 28/8/1945- 28/8/2022)

Trước khi chưa có Đảng, từ khi còn là Tổ chức Thanh niên đồng chí hội, Bác Hồ là người chiến sĩ cộng sản đã dùng vũ khí văn hóa thông tin cùng với các đồng chí cộng sản cùng thời tuyên truyền đường lối cách mạng, kết hợp với công tác cổ động quần chúng đấu tranh dành chính quyền, tiến lên giải phóng dân tộc.

Năm 1937 đã có hàng chục tờ Báo ra đời của các Tổ chức Thanh niên, Công nhân.

Năm 1941 Mặt trận Việt Minh ra đời.

 Năm 1943 Đảng ta công bố “Đề cương Văn hóa Việt Nam”.

Trong khí thế thắng lợi ngùn ngụt như triều dâng thác đổ của Cách mạng Tháng Tám, ngày 28.8.1945, Bản Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định hình thành cơ cấu các cơ quan hành chính Nhà nước đầu tiên, trong đó có Bộ Thông tin tuyên truyền là một thành viên.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28.8.1945 làm ngày truyền thống để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực VHTT gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 77 năm qua, tên gọi cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực VHTT có nhiều lần thay đổi cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử.

 Ngày 24/11/1946, Hội nghị văn học toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập ở Hà nội. Hồ Chủ tịch khai mạc và đã nêu các nhiệm vụ của nền văn hóa mới là: Phải lấy hạnh phúc của đồng bào, lấy sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh; đồng thời phải biết tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của nền văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc – Khoa học và Đại chúng. Người chỉ rõ “Văn hóa phải hướng quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Đó là kim chỉ nam xuyên suốt cho mọi hoạt động của ngành Văn hóa thông tin.

 Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai họp vào tháng 7 năm 1948 và hội nghị cán bộ văn hóa lần thứ nhất vào tháng 2 năm 1949 được triệu tập dưới khẩu hiệu của Hồ Chủ tịch là: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh đọc bản báo cáo quan trọng về Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam, xác định rõ văn hóa kháng chiến. Vào thời điểm này Hội văn nghệ Việt nam được thành lập.

 Trong giai đoạn 1955 đến 1975, Miền bắc thực hiện hai nhiệm vụ vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa chống chiến tranh phá hoại, Miền Nam đấu tranh chống Đế quốc Pháp và Mỹ. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 109 xác định vị trí, chức năng công tác văn hóa trong đời sống xã hội, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng đối với công tác văn hóa. Bác Hồ đã nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ

 Ngày 03/01/1961 Ban bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 08 về công tác văn hóa quần chúng, đưa văn hóa đến quần chúng và hướng dẫn quần chúng hoạt động văn hóa. Phong trào xây dựng nếp sống mới được quan tâm, nhất là việc cưới, việc tang. Trong gia đình và xã hội đã hình thành phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới.

 Năm 1961, Hồ Chủ tịch đã nêu lên vấn đề: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần có con người xã hội chủ nghĩa”.

 Ngày 28/7/1965 Ban bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 104 chỉ rõ: “Các tổ chức văn hóa của nhà nước phải hướng về cơ sở mà phục vụ, phát huy tác dụng hướng dẫn, bồi dưỡng hoạt động văn hóa của quần chúng ở khắp các địa phương”.

 Ngày 25/12/1965 Ban bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 118 đã đề ra cho công tác thông tin nhiệm vụ nặng nề đó là: “Phải cổ động thường xuyên bằng các hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng có tính quần chúng rộng rãi” để “Nhà nhà đều biết, người người đều nghe”, “Làm cho mỗi người dân bất cứ lúc nào, ở đâu cũng nhận rõ được mình trong tình hình nào, phải làm gì theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

 Sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước năm 1977, ủy ban phát thanh và truyền hình Việt Nam ra đời. Tổng cục thông tin hợp nhất với Bộ Văn hóa và thông tin theo Quyết định số 99 của ủy ban thường vụ Quốc hội, đến ngày 04/7/1981 đổi lại là Bộ văn hóa theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa VIII.

 Trước yêu cầu đổi mới, ngày 16/2/1986 Bộ Thông tin được lập lại trên cơ sở giải thể ủy ban phát thanh và truyền hình và tách bộ phận quản lý xuất bản, báo chí, thông tin, cổ động, triển lãm của bộ văn hóa theo Quyết định số 34 của bộ chính trị để thống nhất quản lý các phương tiện thông tin đại chúng.

 Năm 1990, một tổ chức mới được hình thành, trên cơ sở hợp nhất cả bốn cơ quan là: Bộ Văn hóa; Bộ Thông tin; Tổng Cục Thể dục thể thao; Tổng cục Du lịch thành Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch.

 Năm 1993 Bộ Văn hóa thông tin trở lại như trước đây, với chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 81/1994/NĐ-CP của chính phủ.

 Ngày 16/7/1998 Trung ương Đảng ra Nghị quyết V (Khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Thực hiện Nghị quyết Trung ương V, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Trung ương và các cấp ra đời. Đó là sự định hướng và chỉ đạo lớn cho sự nghiệp văn hóa thông tin xây dựng nền văn minh tinh thần đưa đất nước bước vào thế kỷ XXI, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh …

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền, thành viên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (tiền thân của Bộ Văn hoá – Thông tin và nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ngày 28/8/1945 đến nay đã được 77 năm. Trải qua suốt chặng đường 77 xây dựng và phát triển, sự nghiệp Văn hóa thông tin đã từng bước trưởng thành và không ngừng phát triển đóng góp một phần quan trọng vào thắng lợi chung của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc mỹ. Ngành Văn hoá thông tin luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng, góp phần động viên tinh thần kháng chiến, kiến quốc với các phong trào tiêu biểu: “kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến”, “Tiếng hát át tiếng bom”. “Tiếng loa hòa tiếng súng”, “Phong trào xây dựng đời sống mới”… Trong cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại ấy, đã có nhiều thế hệ cán bộ, văn nghệ sĩ của ngành trong cả nước bằng ngòi bút, cây đàn, điệu múa, lời ca, tiếng hát và cả trái tim yêu nước của mình làm nên vũ khí sắc bén, tạo nên khí phách anh hùng của dân tộc để làm nên những chiến thắng vẻ vang cho đất nước. Chính trong cuộc chiến tranh vĩ đại ấy, các thế hệ văn nghệ sỹ đã trưởng thành trong khói lửa, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đã trở thành bất tử và sống mới cùng năm tháng. Nhưng cũng đã có nhiều cán bộ, văn nghệ sĩ đã anh dũng hi sinh, hoặc gửi lại một phần xương máu khi đang làm nhiệm vụ nơi chiến trường, góp phần cho hoà bình, độc lập và tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân

Truyền thống Ngành Văn hóa và Thông tin

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28.8.1945 làm ngày truyền thống để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực VHTT gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua các thời kỳ cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, lúc nào cũng có mặt những chiến sĩ văn hóa đã dũng cảm kiên cường dùng ngòi bút, tiếng hát, cây đàn và trái tim nồng nàn yêu nước làm vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Nhờ đó, văn hóa cách mạng theo các nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng đã cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu và sản xuất, làm tăng thêm sức sống tinh thần của quân và dân ta. Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đội ngũ cán bộ văn hóa – văn nghệ trong ngành Văn hóa – Thông tin đã đóng góp bao công sức, tâm huyết nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.

Trong sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn đan xen những yếu tố tiêu cực, tác động xấu đến đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến sự lành mạnh của đời sống văn hóa xã hội. Nhiệm vụ của ngành Văn hóa- Thông tin càng có nhiều khó khăn thử thách hơn. Song chúng ta quyết tâm tăng cường sự quản lý, năng động và sáng tạo trong việc chọn lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa của văn hóa thế giới để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc; kiên quyết bài trừ những loại văn hóa phẩm, lối sống kém lành mạnh đi ngược lại với xu thế văn minh thời đại.

Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế- xã hội trong tình hình mới hiện nay, công tác tư tưởng- văn hóa càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng- văn hóa luôn gay go và phức tạp. Do đó, càng đòi hỏi những người làm công tác trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền thấm nhuần sâu sắc đường lối của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, nắm vững nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thực tiễn cuộc sống và cách mạng đang vận động và phát triển, đòi hỏi chúng ta nhận thức khoa học đúng đắn, khắc phục những lệch lạc, sai sót về tư tưởng, phấn đấu xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngành Văn hóa và Thông tin huyện Yên Lập

Những thế hệ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin của Yên Lập hôm nay khâm phục và tự hào về những bậc cách mạng tiền bối những chiến sĩ xung kích đã sớm tiếp nhận, giác ngộ và truyền bá con đường cứu nước của Bác Hồ và Đảng quang vinh vào phong trào yêu nước. Để từ vườn ươm ấy hình thành nên những đoàn quân khởi nghĩa đầy hào khí quật cường đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, giành lấy chính quyền về tay nhân nhân.   

Những thế hệ đầy nhiệt huyết của ngành văn hóa – thông tin trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ngày đêm lăn lộn với công tác tuyên truyền đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh; cổ động và khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân giành được những thắng lợi vẻ vang.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ những cán bộ trực tiếp làm công tác thông tin tuyên truyền đã phối hợp một cách năng động, sáng tạo với các binh chủng và lực lượng khác để tiến hành nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ kháng chiến, động viên sức mạnh của Đảng bộ, quân và dân Yên Lập chiến đấu và chiến thắng quân thù. Trong đội ngũ những con người đáng kính ấy, nhiều đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp đã anh dũng hy sinh.

Trong những năm qua, toàn thể cán bộ ngành Văn hóa Thông tin đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Lập giao cho thể hiện qua những thành tựu nổi bật:

 Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2019 huyện Yên Lập đón nhận Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ cấp sắc người dao quần chẹt xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập”.


Đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng đã trao giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tặng hoa chúc mừng Đại diện lãnh đạo địa phương và cộng đồng người Dao xã Xuân Thủy huyện Yên Lập.

Năm 2020 huyện Yên Lập đón nhận Quyết định số 2732/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ tết nhảy của người dao quần chẹt huyện Yên Lập”


Đại diện lãnh đạo Cục Di sản đã trao Giấy chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Lễ hội, sự kiện chính trị văn hóa du lịch được tổ chức thành công. Nhiều chủ thể khác nhau đã được khuyến khích tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong đó nổi bật là lễ hội mở cửa rừng dân tộc mường xã Minh Hòa huyện Yên Lập được phục dựng năm 2014.

Một số hình ảnh lễ hội mở cửa rừng dân tộc mường xã Minh Hòa huyện Yên Lập

Năm 2014 UBND huyện hoàn thành Đề tài khoa học cấp tỉnh: “Điều tra, nghiên cứu, phục dựng và đề xuất một số giải pháp phát  huy lễ hội truyền thống dân tộc Mường huyện Yên Lập”.

 Năm 2020 hoàn thành Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh“Tư liệu hóa và phục dựng một số di sản văn hóa truyền thống điển hình của người Dao Quần Chẹt trên địa bàn huyện Yên Lập”.

Năm 2022 bảo vệ thành công thuyết minh Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Lung. Phối hợp hoàn thiện lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Mở cửa rừng dân tộc Mường” đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét chọn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phong trào Toàn dân ĐKXD ĐSVH tiếp tục phát triển sâu rộng gắn kết với “Học tập và làm theo tư tưởng phong cách đạo đức Hồ Chí Minh”. Các mô hình gia đình văn hóa, dòng tộc văn hóa, Khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp văn hoá… ngày càng phát huy vai trò tự quản của các cộng đồng dân cư, khẳng định sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong qúa trình xây dựng, củng cố và phát triển môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh.

Để có được những thành tựu về xây dựng và phát triển ngành trong suốt quá trình 77 năm qua, trước hết là do có chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng và những chính sách về phát triển văn hoá của nhà nước. Đồng thời được sự quan tâm lãnh đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin Truyền thông, sự phối kết hợp của các phòng chuyên môn và các đoàn thể; sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức trong toàn ngành.

Trong thời gian tới với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo của Huyện ủy; HĐND và UBND và sở Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin Truyền thông, sự phối kết hợp tích cực của phòng chuyên môn và đoàn thể của huyện; sự ủng hộ hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân và sự đoàn kết nhất trí cao của đội ngũ cán bộ CCVC toàn ngành, chúng ta tin tưởng rằng sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch huyện Yên Lập sẽ vững bước vươn lên những tầm cao mới, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện nhà, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển ngày càng giàu đẹp văn minh.

 

Xổ số miền Bắc