8 chiến dịch Marketing thất bại cay đắng trong lịch sử – DigiV
Ý tưởng marketing là một thứ gì đó vô cùng trừu tượng. Không phải ý tưởng marketing nào khi bước ra ngoài đời thật đều sẽ nhận được thành công rực rỡ, mang lại doanh thu khổng lồ cho doanh nghiệp. Hãy cùng DigiV điểm qua những chiến dịch Marketing thất bại cay đắng trong lịch sử nhé!
Mục lục bài viết
1. Chiến dịch Marketing thất bại do sai thời điểm
a. Adidas – Email marketing sau cuộc thi Marathon Boston năm 2017
Sau cuộc thi Marathon Boston năm 2017, những người tham gia đều nhận được một email quảng cáo vô cùng kém duyên từ Adidas. Tiêu đề của email này là: ‘Chúc mừng, bạn còn sống sau cuộc thi Marathon Boston’
Thoạt nghe thì có vẻ bình thường, vì chúng ta cũng hay nói vậy khi hoàn thành một kỳ thi hay một khoá học nào đó nhưng đặt trong hoàn cảnh đó, câu nói này vô cùng tệ hại.
Năm 2013, một vụ đánh bom tại cuộc thi Marathon Boston khiến 3 người thiệt mạng và hơn 250 người bị thương. Tiêu đề này vô tình khơi lại sự việc đau lòng này. Adidas lập tức đưa ra lời xin lỗi cho sự việc này nhưng làn sóng phẫn nộ vẫn dấy lên mạnh mẽ. Đây được coi là một trong những chiến dịch marketing tệ hại nhất của thương hiệu này
b. Airbnb – Chiến dịch Thế giới nổi
Lại một chiến dịch marketing thất bại tệ hại nữa vào năm 2017 nhưng lần này cái tên được nhắc đến là Airbnb. Họ quảng bá về một “thế giới nổi” với hình ảnh một căn nhà nổi trên mặt nước và dòng chữ ‘Sẽ ra sao nếu bạn dành cả ngày, hay toàn bộ chuyến đi, mà không chạm chân xuống đất nhỉ.”
Nghe thì có vẻ rất nên thơ nhưng sai lầm ở chỗ chiến dịch này được phát động vào ngày 28/8/2017, đúng lúc cơn bão Harvey càn quét Houston.
2. Chiến dịch Marketing thất bại do không tìm hiểu văn hoá
a. Pepsi – Slogan khi tiến vào Trung Quốc
Khi tiến vào thị trường tỉ dân Trung Quốc, Pepsi đã đưa ra slogan ‘Pepsi bring you back to life’ (Sống lại cùng Pepsi). Đội Marketing của Pepsi không ngờ rằng câu slogan của họ lại bị dịch sang ‘Pepsi bring your ancestors back from the death’ (Đội mồ sống lại cùng Pepsi).
Trong mắt khách hàng, việc này khá buồn cười nhưng đối với Pepsi, đó là một cú tát trời giáng vào nỗ lực xây dựng thương hiệu toàn cầu của họ.
b. Panasonic – Sản phẩm tấn công thị trường Mỹ
Thương hiệu nổi tiếng của Nhật này đã từng mắc một sai lầm khi không tìm hiểu rõ văn hoá Mỹ trước khi bước vào thị trường này. Khi Panasonic tấn công thị trường Mỹ cũng là lúc Mỹ tạo ra nhân vật Woody Woodpecker, nhân vật gây sốt ở nhiều nước, trong đó có Nhật Bản. Từ việc đó, trong chiến dịch Marketing của mình tại Mỹ, Panasonic đã lấy cái tên “The Woody” để đặt cho sản phẩm của mình.
Thuơng hiệu Nhật Bản này đâu biết rằng Woody tiếng lóng có nghĩa là ‘cậu nhỏ cứng’. Chiến dịch Marketing thất bại này đã để lại bài học lớn cho Panasonic cũng như mọi doanh nghiệp khi muốn thâm nhập thị trường nước ngoài.
c. Dolce & Gabbana – DG Loves China
Một trong những chiến dịch quảng cáo mang lại hậu quả nặng nề nhất phải kể đến Dolce & Gabbana. Năm 2018, D&G tung ra quảng cáo khởi động chiến dịch ‘DG loves China’. Trong quảng cáo đó, cô người mẫu Trung Quốc đã dùng đũa để thưởng thức các món ăn của Châu Âu.
Biểu cảm của người mẫu cùng dòng chú thích; ‘có phải nó nhỏ quá không?’ đã tạo ra làn sóng tẩy chay mạnh mẽ tại thị trường tỉ dân. Mặc dù thương hiệu đã lên tiếng xin lỗi nhưng D&G vẫn không lấy lại được vị thế như trước trên thị trường Trung Quốc.
3. Chiến dịch Marketing thất bại do chủ đề gây tranh cãi
a. Sony – Playstation Portable trắng
Đầu tiên có thể kể đến quảng cáo phân biệt chủng tộc của Sony năm 2006 nhằm quảng cáo cho sản phẩm Playstation Portable trắng.
Hình ảnh người phụ nữ da trắng với vẻ bề trên bóp hàm người phụ nữ da màu như nô lệ với dòng chữ ‘Playstation Portable – Thời của Trắng đang đến’ đã gây nên làn sóng phẫn nộ cho cộng đồng da màu.
Sony cố vớt vát cho chiến dịch Marketing thất bại của mình bằng lời giải thích, ‘Đây chỉ nhằm mục đích làm tương phản giữa các màu của sản phẩm.’
b. Dove – Body Positive Packaging
Dove thông qua chiến dịch ‘Real Beauty’ đã được ghi nhận là một trong những chiến dịch truyền thông xuất sắc nhất. Tuy vậy, không phải nhãn hiệu này sẽ không mắc sai lầm. Chiến dịch Body Positive Packaging được đánh giá là một trong những chiến dịch Marketing thất bại nhất.
Trong chiến dịch này, Dove tung ra những sản phẩm giới hạn được thiết kế như cơ thể phụ nữ với những hình dạng khác nhau. Những người phụ nữ cảm thấy bị xúc phạm. Cơ thể họ bị coi như đồ vật. Không những thế họ còn bị ‘bắt’ chọn chai nào có hình dạng giống mình. Quả là một nước đi quá sai của Dove.
c. Pepsi – Black Lives Matter
Pepsi đã kết hợp với Kendall Jenner để tạo ra một quảng cáo gây phẫn nộ nhất của mình. Giữa làn sóng Black Lives Matter, Pepsi đã nghĩ ngay ra một quảng cáo lợi dụng tình thế này. Họ mời Kendall Jenner tham gia làn sóng và bảo cô nàng hoà giải đám đông đang phẫn nộ với hàng rào cảnh sát ngay giữa phong trào Black Lives Matter bằng cách tặng một lon Pepsi cho một viên sĩ quan!
Quảng cáo này bị chế giễu đến nỗi Sáu tháng sau, chủ tịch của PepsiCo, Brad Jakeman, đã từ chức và nói với Ad Age rằng đây là trải nghiệm đau đớn nhất trong sự nghiệp của mình.
Tổng kết
Trên đây là những chiến dịch Marketing thất bại được lưu lại trong lịch sử. Qua những chiến dịch Marketing thất bại nói trên, DigiV mong doanh nghiệp có thể tránh được việc bị lặp lại những lỗi sai tương tự, lựa chọn thông điệp, màu sắc,hình ảnh,… chính xác để Marketing các sản phẩm của mình.
DigiV là 1 Digital Marketing Agency chuyên cung cấp các dịch vụ được “may đo” kỹ càng cho từng khách hàng, từ thiết kế website, quản trị nội dung Fanpage, tới 1 gói giải pháp tổng thể toàn diện để thúc đẩy kinh doanh số cho doanh nghiệp thông qua đa nền tảng và đa kênh. Hãy lớn mạnh trong thời đại 4.0 cùng DigiV!