8 quy tắc an toàn khi vận hành máy móc gia công cơ khí

1. Chỉ sử dụng máy móc thuộc quyền phụ trách của mình

     Trong 8 quy tắc an toàn khi vận hành máy móc gia công thì đây sẽ là quy tắc đầu tiên cần nhớ. Ngoài người phụ trách, không ai được quyền khởi động hay vận hành bất kỳ thiết bị, máy móc nào.

     Trong trường hợp có sự cố khẩn cấp cần người vận hành thay. Người vận hành tạm thời cũng phải có vai trò, trình độ tương đương với người vận hành chính thức. Đấy là điều kiện tiên quyết để đảm an toàn cho chính bạn cũng như những người xung quanh.

2. Kiểm tra vị trí đứng an toàn

     Bất kì một thiết bị, dụng cụ hay máy móc đều có hạng mục bảo vệ an toàn lao động.  Trước khi sử dụng thiết bị, hãy kiểm tra hạng mục an toàn, vị trí đứng của mình một cách cẩn thận. Việc đứng đúng vị trí, giữ đúng khoảng cách sẽ hạn chế nguy cơ rủi ro có thể gặp phải trong quá trình vận hành máy móc như: Phoi bắn vào mắt, ánh sáng máy laser chiếu vào người, che khuất tầm nhìn máy chạy, dao phay…

     Nhiều cá nhân thường chủ quan nên không kiểm tra vị trí đứng hàng ngày. Tuy nhiên, đây là một yêu cầu vận hành an toàn bắt buộc mà bạn cần phải ghi nhớ! Điều này đặc biệt quan trọng với những loại máy như Hàn kim loại hay phay kim loại.

3. Tuyệt đối không để máy hoạt động khi không có người điều khiển

     Dù bạn đứng ngay trên máy nhưng nếu làm việc khác, hãy tắt máy ngay lập tức. Đây là một trong 8 quy tắc an toàn khi vận hành máy móc không thể quên. Chỉ một sự cố nhỏ xảy ra mà không kịp thời xử lý thì có thể gây ra những hệ lụy vô cùng đáng tiếc. Nó không chỉ gây nguy hiểm cho bạn mà còn ảnh hưởng tiến độ chất lượng sản phẩm gia công. Hoặc gây ra tai nạn cho người xung quanh và toàn hệ thống.

4. Tắt công tắc/ ngắt nguồn máy móc khi mất điện

     Mất điện khiến công việc vận hành máy móc bị ngưng trệ. Lúc này, nhiều người thường bỏ ra ngoài mà quên việc ngắt nguồn điện, tắt máy móc. Dẫn tới khi có điện lại, máy hoạt động mà không có người điều khiển.

     Vì vậy, hãy nhớ luôn tắt nguồn, ngắt công tắc khi mất điện. Điều này không chỉ hạn chế tối đa những rủi có thể gặp phải khi có điện máy tự khởi động lại mà không có người vận hành. Mà còn phòng chống cháy nổ do chập điện khi điệp áp chưa ổn định. Tránh lãng phí khi có điện vào giờ nghỉ mà không biết để dừng hoặc ngắt kịp thời.

5. Chỉ thực hiện điều chỉnh hoạt động máy khi nó đã ngừng hoạt động hẳn

     Nếu có nhu cầu điều chỉnh, thay đổi hoạt động của thiết bị, bạn cần phải ngắt động cơ. Chờ cho máy dừng hẳn mới tiến hành việc điều chỉnh.

     Nhiều người thiếu kiên nhẫn thường sử dụng dụng gậy, khăn, tay để dừng máy vội vàng. Sau đó điều chỉnh khi máy còn chưa dừng hẳn. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ bị điện giật, bị máy phay vào tay đối với các thiết bị như tiện, khoan.

6. Mặc trang phục bảo hộ phù hợp

     Sử dụng trang phục bảo hộ là vô cùng cần thiết để bảo hộ tính mạng cũng như thể chất cho người lao động. Chúng sẽ bảo vệ bạn khỏi những nguy hiểm do thường xuyên tiếp xúc với những vật sắc nhọn. Tránh được các sự cố không mong muốn trong quá trình sản xuất như bắn phoi, bắn dao, vỡ đá mài… Hoặc các yếu tố nguy hại khác như tia lửa điện, tia lửa hàn, bụi mịn kim loại, hóa chất độc hại, tia laser…

     Để đảm bảo an toàn tùy theo tính chất công việc trong xưởng, bạn cần lựa chọn và sử dụng trang phục bảo hộ phù hợp. Đồng thời, tuân thủ những tiêu chuẩn về đồng phục bảo hộ. Như không mặc trang phục quá dài, không sử dụng khăn quàng, không để tóc ra khỏi mũ… Chúng có thể bị cuốn vào động cơ và gây nguy hiểm khó lường cho người vận hành.

7. Thường xuyên bảo trì và kiểm tra máy trước khi vận hành

     Sau một thời gian sử dụng, các loại máy móc đều cần được bảo trì. Từ đó, đảm bảo nó luôn hoạt động ở trạng thái tốt nhất có thể. Vậy nên, bạn cần tuân theo lịch bảo trì định kỳ của thiết bị.

     Đặc biệt, trước khi vận hành máy hãy chú ý kiểm tra xem thiết bị có gì bất thường không. Việc bảo dưỡng kiểm tra kỹ càng sẽ giúp bạn hạn chế những nguy cơ xảy ra trong trường hợpvận hành có bất thường.

8. Treo thông báo tình trạng khi máy hỏng

     Trong quá trình vận hành, nếu phát hiện ra thiết bị có vấn đề bạn cần nhanh chóng dừng mọi hoạt động của máy. Sau đó thông báo với bên bảo trì, sửa chữa để được hỗ trợ một cách hiệu quả.

     Hãy treo bảng thông báo “Thiết bị hỏng/ Máy phay CNC đang hỏng” lên trên máy. Để chắc chắn rằng bất kỳ ai có ý định đến gần, sử dụng máy đều thấy bảng thông báo đó. Tránh họ khỏi động hoặc sử dụng gây nên những tai nạn đáng tiếc.