8 thiết lập bảo mật thiết bị Android cực hay mà bạn nên biết

Vấn đề bảo mật trên thiết bị Android luôn là điều mà những người sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở này nên tìm hiểu.

Bạn có chắc là điện thoại của bạn đang được an toàn? Và bạn có tự tin rằng các thông tin và dữ liệu bên trong điện thoại của bạn đang được bảo vệ một cách tốt nhất? Trong bài viết này Sforum sẽ chia sẻ với bạn 8 mẹo cực kỳ hữu ích, giúp bảo mật thiết bị Android an toàn hơn.

1. Cài đặt mật khẩu cho điện thoại

Đây là một mẹo vô cùng cơ bản nhưng hữu ích để bảo mật dữ liệu cá nhân trong máy. Tất cả các smartphone hiện nay đều hỗ trợ tính năng đặt mật khẩu cho màn hình khóa, mở khóa bằng vân tay, mở khóa bằng khuôn mặt, mở khóa bằng mống mắt,…

Việc đặt mật khẩu sẽ giúp cho smartphone của bạn tránh được sự tò mò của những người xung quanh.

2. Đặt mật khẩu cho những ứng dụng nhạy cảm

Có những trường hợp bạn cần phải cho người khác mượn điện thoại, để đảm không có ai tự ý truy cập vào những ứng dụng riêng tư của bạn, bạn nên đặt mật khẩu cho những ứng dụng đó.

Để tiến hành, bạn vào Cài đặt -> Khóa ứng dụng -> nhập mật khẩu -> chọn những ứng dụng bạn muốn khóa. Vậy là mỗi khi muốn truy cập vào ứng dụng, người dùng sẽ cần nhập lại mật khẩu này, đảm bảo những ứng dụng này được bảo mật an toàn.

3. Mã hóa điện thoại

Mã hóa dữ liệu có nhiệm vụ giữ an toàn cho các dữ liệu bên trong điện thoại Android của bạn. Bạn cần vào Cài đặt -> Cài đặt bổ sung -> Riêng tư -> Mã hóa và thông tin đăng nhập -> Mã hóa điện thoại.

4. Quản lý quyền ứng dụng

Hầu hết các ứng dụng bạn sử dụng hàng ngày đều yêu cầu quyền truy cập (sử dụng camera, micro, truy cập danh bạ, vị trí, thư viện hình ảnh…), tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể cấp quyền hoặc thu hồi lại quyền hạn bất cứ lúc nào. Khi cài đặt ứng dụng hoàn tất, bạn hãy cấp quyền cho ứng dụng theo đúng chức năng của nó.

Bạn vào Cài đặt -> Quản lý ứng dụng -> chọn ứng dụng muốn cấp quyền -> Quyền ứng dụng.

5. Hạn chế sử dụng Wifi “chùa”

Sử dụng Wifi công cộng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, dữ liệu của người dùng có thể bị thu thập một cách bí mật vào những mục đích xấu. Khi sử dụng Wifi công cộng bạn chỉ nên duyệt web, tra cứu thông tin, tránh khai báo các thông tin cá nhân như mật khẩu, tên đăng nhập, số tài khoản,…

6. Cài đặt ứng dụng từ nguồn đáng tin cậy

Phần lớn ứng dụng độc hại đến từ nhứng bên thứ ba không đáng tin cậy. Vì vậy, hãy luôn thận trọng và chỉ tải về ứng dụng từ nguồn đáng tin cậy như Google Play. Google Play Protect có thể tự động quét thiết bị Android để tìm kiếm phần mềm độc hại khi người dùng cài đặt chương trình.

Bạn cần truy cập vào Cài đặt -> Trạng thái bảo mật -> Google Play Protect -> Quét. Bạn sẽ được thông báo về bất kỳ rủi ro bảo mật nào mà Play Protect phát hiện.

7. Câp nhật hệ điều hành mới nhất

Hầu hết các hệ điều hành hay phần mềm đều khó tránh khỏi những lỗ hổng bảo mật. Chính vì vậy các nhà phát triển sẽ thường xuyên cung cấp các bản cập nhật, bản vá lỗi cho hệ điều hành để tăng cường các tính năng bảo mật và đảm bảo cho thiết bị của bạn an toàn hơn.

8. Google tìm thiết bị

Để tăng cường bảo mật cho chiếc smartphone của mình, bạn nên sử dụng tính năng Google tìm thiết bị.  Để sử dụng tính năng này, bạn cần truy cập vào trang android.com/find rồi đăng nhập vào tài khoản Google của bạn. Tại đây bạn sẽ nhận được thông tin về vị trí của điện thoại và các tùy chọn như Phát âm thanh (điện thoại sẽ đổ chuông ở mức âm lượng tối đa trong 5 phút ngay cả khi đang ở chế độ im lặng hoặc rung), Bảo mật thiết bị (khóa thiết bị và đăng xuất khỏi tài khoản Google của bạn), Xóa thiết bị (xóa tất cả nội dung khỏi thiết bị).

Đây là một tính năng hết sức hữu hiệu nếu chẳng may bạn làm mất điện thoại.

Trên đây là bài viết 8 mẹo bảo mật thiết bị Android cực hay mà bạn nên biết. Hi vọng những mẹo vặt Android nhỏ này sẽ hữu ích với bạn! Chúc các bạn thành công và đừng quên chia sẻ bài viết này nhé!