8 ứng dụng trên Android bạn nên gỡ khỏi điện thoại ngay lập tức
Nếu bạn đã lỡ tay cài đặt 8 ứng dụng này, hãy nhanh chóng gỡ bỏ khỏi điện thoại của mình, theo MakeUseOf.
Kho ứng dụng Google Play Store trên Android thường xuyên bị phát hiện bỏ sót các ứng dụng không an toàn. Nếu không cẩn thận, bạn có thể tự khiến mình bị theo dõi, hack,…
Theo MakeUseOf, trên Google Play Store hiện vẫn có những ứng dụng vô cùng phổ biến, nhưng chúng lại tiềm ẩn nguy cơ đối với bảo mật và quyền riêng tư của người. Nếu bạn đã lỡ tay cài đặt chúng, hãy nhanh chóng gỡ bỏ khỏi điện thoại của mình!
1. QuickPic Gallery
QuickPic Gallery từng là một ứng dụng thư viện ảnh thân thiện và dễ sử dụng. Với sự hỗ trợ từ nhà phát triển, cộng với việc tung ra các bản cập nhật thường xuyên, QuickPic Gallery đã có được một lượng người dùng nhất định.
Tuy nhiên, vào năm 2015, QuickPic Gallery đã bị một công ty mua lại. Công ty này đã tải dữ liệu người dùng lên các máy chủ của họ, vụ việc bị phát giác khi một người dùng Google Plus tung bằng chứng cho thấy hàng loạt các yêu cầu DNS mới được gán cho ứng dụng này.
Sau đó, ứng dụng đã bị xoá bỏ hoàn toàn khỏi Play Store vào cuối năm 2018, nhưng được đưa trở lại vào năm 2019.
Hiện tại, trên Play Store tồn tại hàng trăm biến thể của QuickPic, và rất khó để biết đâu là phiên bản gốc. Do đó tốt nhất bạn đừng cài đặt bất kỳ ứng dụng nào có tên QuickPic.
2. ES File Explorer
ES File Explorer là ứng dụng quản lý tệp tin từng được đánh giá rất cao. Thế nhưng, đó là câu chuyện cách đây 5 năm, còn sau đó thì phiên bản miễn phí của ứng dụng này ngày càng chứa đầy quảng cáo.
Vào tháng 4/2019, ES File Explorer đã bị xoá xổ khỏi Google Play Store vì gian lận trong quảng cáo. Hiện tại, trên cửa hàng ứng dụng Google vẫn có nhiều ứng dụng mạo danh ES File Explorer tồn tại.
3. UC Browser
UC Browser là trình duyệt web dành cho Android khá phổ biến. Tuy nhiên, ứng dụng này từng bị cảnh báo vì theo dõi người dùng.
Theo đó, các nhà nghiên cứu tại Citizen Lab (Canada) từng lên cảnh báo nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân khi sử dụng UC Browser.
Ứng dụng này được cho là sẽ thường xuyên theo dõi các truy vấn tìm kiếm của người dùng, đồng thời thu thập dữ liệu bao gồm IMEI, Android ID và địa chỉ MAC của WiFi và dữ liệu vị trí.
Trước đó các cơ quan chức năng cũng cảnh báo công ty này về việc chuyển dữ liệu của người dùng về máy chủ.
4. Dolphin Web Browser
Giống như UC Browser, Dolphin Web Browser cũng từng bị cảnh báo vì theo dõi người dùng. Đáng lưu ý, ứng dụng này còn lưu cả các lượt truy cập trang web của người dùng ở chế độ ẩn danh.
Người dùng còn phát hiện, khi họ sử dụng VPN (Virtual Private Network – mạng riêng ảo), trình duyệt sẽ tiết lộ địa chỉ ISP (Internet Service Provider) của bạn.
5. Clean Master
Clean Master là một ứng dụng hứa hẹn “tăng tốc độ, tiết kiệm pin, và tối ưu điện thoại”, với 600 triệu người dùng, cùng 26 triệu lượt đánh giá 5 sao trước khi bị xoá bỏ vào năm 2019.
Theo MakeUseOf, ứng dụng này hoàn toàn không có tác dụng như hứa hẹn, bởi Android có cơ chế riêng để phân bổ RAM và đảm bảo bộ nhớ được sử dụng theo cách tối ưu nhất.
Trong nhiều trường hợp, hệ điều hành này còn cố tình nạp đầy dữ liệu vào RAM để giúp cải thiện hiệu năng cho máy.
6. CLEANit
Cũng giống như Clean Master, CLEANit cũng là ứng dụng dọn dẹp rác trên điện thoại phổ biến và được nhiều người dùng tải về thiết bị Android của mình.
Và thực tế, ứng dụng này chẳng có tác dụng gì cho điện thoại ngoài việc hứa hẹn. Việc giải phóng các ứng dụng đang chạy không giúp tiết kiệm pin hơn là bao. Ngược lại, việc xoá RAM còn dẫn đến thiết bị dùng nhiều pin hơn.
7. DU Battery Saver & Fast Charge
DU Battery Saver & Fast Charge là một ứng dụng được quảng bá là tiết kiệm pin và giúp sạc nhanh với số lượt tải xuống không phải dạng vừa.
Tuy nhiên, chẳng có ứng dụng nào có khả năng thay đổi tốc độ sạc của thiết bị bạn đang dùng. Chưa kể, ứng dụng này cũng như một cái chợ chứa đầy quảng cáo, với rất rất nhiều những quảng cáo sẽ xuất hiện trên màn hình khoá và thanh thông báo điện thoại khi bạn cài đặt.
DU Battery Saver & Fast Charge đã bị xoá xổ khỏi Google Play Store vào tháng 4/2019 vì hành vi lừa đảo quảng cáo. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tìm thấy tập tin APK của nó trên Internet, và có rất nhiều người vẫn sử dụng nó trên các thiết bị của họ.
8. Hầu như mọi ứng dụng diệt virus
Có vô vàn ứng dụng diệt virus cho Android. Hầu hết các ứng dụng diệt virus trên máy tính đều có một ứng dụng tương tự cho điện thoại.
Tất nhiên, chúng không xấu, chỉ là không cần thiết mà thôi – đó là lý do tại sao nhiều hãng tên tuổi trong lĩnh vực bảo mật đã biến diệt virus thành một tính năng nhỏ trong bộ công cụ bảo mật lớn hơn của họ.
Tuy nhiên, vẫn có một vài ngoại lệ: Nếu bạn thường xuyên cài phần mềm từ các nguồn thứ ba ngoài Google Play Store, hoặc nếu thiết bị của bạn đã root, các trình diệt virus sẽ cần thiết.
Theo Saostar