80 NĂM RA ĐỜI “ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” 1943-2023 – KHỞI NGUỒN CHO MỘT ĐƯỜNG LỐI ĐÚNG ĐẮN

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” là khởi nguồn cho một đường lối đúng đắn nhất quán
“Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”

 

Ra đời trong hoàn cảnh dân tộc ta, Nhân dân ta đang sống nghèo khổ, ngột ngạt một cổ ba tròng (phong kiến, thực dân Pháp, phát xít Nhật), trong tình hình nhiễu loạn và phức tạp của nhiều trường phái và triết thuyết khác nhau. “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 của Đảng với nội dung ngắn gọn, súc tích, với tính khoa học và cách mạng đã trở thành một vũ khí tư tưởng sắc bén trên mặt trận văn hóa.

Nội dung chính của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” gồm 5 phần cụ thể hóa quan điểm văn hóa của Đảng; sự gắn bó vai trò văn hóa với ý nghĩa cuộc cách mạng giải phóng; đặt ra mục đích, nguyên tắc, quan hệ của cuộc cách mạng văn hóa với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; đề ra nhiệm vụ cấp bách của người chiến sĩ văn hóa mác xít như là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cụ thể, phần 1 trình bày phạm vi vấn đề văn hóa, quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị, quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương với vấn đề văn hóa (coi văn hóa là một trong 3 mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa; không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn làm cách mạng văn hóa; lãnh đạo được phong trào văn hóa mới tạo ảnh hưởng được dư luận và tuyên truyền có hiệu quả). 

Phần 2 đề cập đến các giai đoạn lịch sử văn hóa Việt Nam, thời trước Quang Trung: văn hóa nửa phong kiến, nửa nô lệ, phụ thuộc văn hóa Trung Quốc; thời Quang Trung đến khi Pháp xâm chiếm: văn hóa phong kiến xu hướng tiểu tư sản; thời Pháp thuộc: văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản, thuộc địa. Tính chất văn hóa Việt Nam là hình thức thuộc địa, nội dung tiểu tư sản song đang nảy nở văn hóa dân chủ và trào lưu văn hóa mới.

Phần 3 trình bày những mối nguy đối với văn hóa Việt Nam… nêu rõ những thủ đoạn phát xít trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam (chính sách văn hóa của Pháp: đàn áp, mua chuộc, hăm dọa các nhà văn hóa cách mạng, ra tài liệu nhồi sọ, kiểm duyệt ngặt nghèo, liên kết với tôn giáo để ngu dân, ru ngủ, tuyên truyền chủ nghĩa ái quốc mù quáng, hẹp hòi; chính sách văn hóa của Nhật: tuyên truyền giới thiệu phô trương văn hóa Nhật và chủ nghĩa đại Đông Á, đàn áp nhà văn chống Nhật, mua chuộc nhà văn có tài) và hai giả thuyết về tiền đồ văn hóa Việt Nam (khẳng định sự thắng thế của văn hóa Việt Nam trước văn hóa phát xít). 

Phần 4 vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam: Thể hiện quan niệm người cộng sản về cách mạng văn hóa (hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành cải tạo xã hội, muốn vậy phải hoàn thành cách mạng chính trị và Đảng phải lãnh đạo cách mạng văn hóa); tính chất cách mạng văn hóa (văn hóa xã hội chủ nghĩa); quan hệ cách mạng văn hóa và cách mạng dân tộc giải phóng (cách mạng văn hóa phải dựa vào cách mạng giải phóng mới phát triển được); ba nguyên tắc vận động văn hóa (dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa); tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam (tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung).

Phần 5 nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa mác xít Việt Nam. Chống phát xít, phong kiến, nô dịch, ngu dân, phát huy văn hóa tân dân chủ, tranh đấu với những triết học Âu Á làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng; về văn nghệ, làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng, thống nhất, làm giàu tiếng nói, chữ viết, mẹo văn của ta bằng chính khả năng có được. 

Đề cương cũng làm rõ mục tiêu trước mắt của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam là xây dựng nền văn hóa mới tuy chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa. Đề cương đã xác định nền văn hóa mới của Việt Nam có 2 tính chất dân tộc và dân chủ mới, khẳng định trong giai đoạn này, nó là cách mạng và tiến bộ nhất ở Đông Dương. Đề cương văn hóa đã xác định 3 nguyên tắc vận động văn hóa ở Việt Nam thời kỳ này là: Dân tộc hóa: Chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập; Đại chúng hóa: Chống lại mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng, hoặc xa rời đông đảo quần chúng; Khoa học hóa: Chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ. 

Trong bối cảnh lịch sử đầu năm 40 của thế kỷ XX, Đề cương đã trình bày hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây là kết quả của tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm hoạt động 12 năm lãnh đạo trên mặt trận văn hóa từ khi Đảng ra đời đến năm 1943. Đây là sự nhận thức sắc bén về tình hình là những dự báo khoa học về mục tiêu, tính chất, nguyên tắc, nhiệm vụ của cuộc vận động văn hóa đương thời; là sức mạnh tinh thần vĩ đại mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đang cần. 

Những quan điểm tư tưởng cơ bản nêu trong 5 phần của Đề cương có sức thuyết phục sâu sắc, mang tính chiến đấu đã trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ, động viên giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương thời vào cuộc cách mạng giải phóng tư tưởng văn hóa cho mỗi người, mỗi tầng lớp, giai cấp và toàn dân tộc. Đồng thời, đấu tranh quyết liệt cho sự toàn thắng của cách mạng dân tộc, dân chủ, cho sự nghiệp phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít thực dân, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, với vị trí “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nền văn hóa mới Việt Nam tiếp tục phát huy sức mạnh vĩ đại góp phần đánh thắng 2 đế quốc Pháp và Mỹ, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Trong suốt 80 năm qua, những vấn đề có tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng những nội dung, giá trị cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển để từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là khởi nguồn cho một đường lối đúng đắn nhất quán “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.