9 cuốn sách hay về ẩm thực Việt Nam vô cùng đặc sắc và tinh tế – Readvii

9 cuốn sách hay về ẩm thực Việt Nam giới thiệu đặc điểm văn hóa ẩm thực và những món đặc sản của từng địa phương, vùng miền Việt Nam.

Khám Phá Ẩm Thực Truyền Thống Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam, dù là những món ăn gia đình hay những món ăn đặc trưng của ẩm thực đường phố thì vẫn mang những giá trị to lớn trong đời sống của người Việt. Ẩm thực Việt ngày nay đã vượt qua khỏi những biên giới và được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Thưởng thức ẩm thực cũng giống như dấn thân vào một cuộc hành trình mà mỗi người đều có cảm nhận riêng. “ẨM THỰC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM” giúp bạn tìm hiểu và khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam từ buổi sơ khai đến nay. Đó là cả một quá trình lịch sử mà ông cha ta đã khai thác tự nhiên và cùng với nó là thực đơn bữa ăn hàng ngày bình dị của biết bao thế hệ con người.

Không chỉ thế cuốn sách còn giúp bạn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, cả miền núi lẫn đồng bằng. Dù ở đâu thì các món ăn cũng được hình thành trên cơ sở điều kiện tự nhiên của từng vùng miền và tạo thành những nét văn hóa ẩm thực riêng.

Ẩm Thực Việt Nam Và Thế Giới

Cuốn sách giới thiệu nét đặc trưng, độc đáo cũng như món ăn đặc sản của ẩm thực Việt Nam. Phân tích tính khoa học trong việc phối hợp và chế biến món ăn ở Việt Nam. Giới thiệu đặc điểm văn hóa ẩm thực và những món đặc sản của một số nước châu Âu và châu Á.

Vận dụng trong chế biến món ăn ở địa phương vá đánh giá được ưu điểm của ẩm thực từng địa phương.

Vận dụng các kiến thức về tổ chức tiệc để trình bày một bữa tiệc theo phong cách châu Âu.

Gợi ý

  • 7 cuốn sách hay về Phú Quốc chứa đựng nhiều thông tin giá trị

Gạo, Nước Mắm, Rau Muống… Câu Chuyện Ẩm Thực Việt

Hoàng Trọng Dũng từng giữ chuyên mục ẩm thực trên Tuần san Thanh Niên và báo Đà Nẵng một thời gian dài. Những bài viết đọc vô cùng cuốn hút, đọc thôi là đã có thể nhìn thấy màu sắc và ngửi thấy mùi thơm, khiến nỗi thèm muốn được tức khắc thưởng thức món ăn ấy. Tác giả đã chứng tỏ khả năng của một người biết cảm thụ từng miếng ngon tinh tế, và một kho kiến thức về ẩm thực Việt, văn hóa Việt.

Các bài báo ngắn về Bún thang Hà Nội, bún bò Nam Bộ, mì Quảng, cơm rượu Sa Pa… về bánh Hỏi, bánh Ít, về các món kho, về các món quà, về món ăn của bữa cơm thật giản dị, về các loại rau, về gia vị, về cách làm bún, bánh cuốn,… của các miền đất nước mang chứa đầy đủ những đặc điểm, những dư vị, dư cảm… của từng món ăn Việt.

Các món ăn chứa chan tình yêu của mẹ, của vợ, không chỉ là món ăn, cách ăn, còn là câu chuyện của một hạnh phúc ấm êm gia đình.Giọng văn Hoàng Trọng Dũng nồng nhiệt, sôi nổi nhưng vẫn giữ được sự mềm mại, duyên dáng. Những câu chuyện bên lề, những liên tưởng độc đáo, những ca dao, tục ngữ được được đặt đúng chỗ trong các diễn giải, không những giúp làm rõ hơn ý hướng của người viết mà còn đem lại cho ý hướng ấy sự thấm thía, thuần nhã, gần gặn. Câu chuyện ẩm thực của Hoàng Trọng Dũng đã trở thành Câu chuyện văn hóa ẩm thực.

Sài Gòn, Ồ Bỗng Ngon Ghê

Với văn phong hóm hỉnh, đôi khi bông phèng, người viết dẫn độc giả từ quán thịt chó “xôm tụ” ở hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh đến gánh hàng rong trên vỉa hè, quán phở trên đường Nguyễn Văn Đậu, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai. Cuốn sách nhỏ vừa mang chút niềm tự hào của một người chuyên ăn hàng rong: Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây; nhưng cũng phảng phất chút buồn khi trong thời đại công nghiệp, văn hóa ẩm thực Việt Nam có chút phôi phai, rồi ăn cái ngon mà nơm nớp lo hóa chất, lo ngộ độc thực phẩm.

Món Ăn Hà Nội – Hà Nội Cuisine

Người Hà Nội rất sành ăn uống, đặc biệt họ rất tinh tế trong nấu nướng, chế biến món ăn, dù là những món đơn giản, dân dã, nguyên liệu dễ kiến, dễ tìm. Món ăn Hà Nội không chỉ ngon từ cách chế biến, mà còn tinh tế từ việc nêm nếm gia vị, nước chấm cho đến bày biện sao cho đẹp mắt.

Người Hà Nội không có phong cách ăn tục, uống phàm, xô bồ ầm ĩ, mà tinh tế, thanh nhã. Tính cách này thể hiện rất rõ trong cách nấu nướng của các bà, các chị, các mẹ người Hà Nội. Chẳng thế mà trong cuốn Món Ăn Hà Nội – Hà Nội Cuisine của bà Nguyễn Mai Dung, một người phụ nữ Hà Nội, bà từng chia sẻ: “Những hướng dẫn ở đây là rút ra từ kinh nghiệm nấu nướng hàng ngày của bản thân, của ông bà cha mẹ: các món ăn đều không dùng mì chính, mà dùng nước mắm, tôm, cua, cá… và các loại rau củ quả theo mùa để làm ngọt nước… Tỉ lệ nguyên liệu trong từng món ăn là tính cho từng món, phần còn lại như sự gia giảm các nguyên liệu, cách bày biện cho phù hợp với số người ăn là tùy vào sự sáng tạo và khéo léo của các bà nội trợ”.

Việt Nam Miền Ngon

Là cuốn sách song ngữ Việt Anh về các món ăn Việt với minh họa màu sống động.

Tác giả đã khéo léo lồng ghép cách chế biến (đơn giản) vào mỗi phần giới thiệu món ăn, người đọc dễ dàng nhận ra văn hóa vùng miền và cảm nhận hết cái tinh tế, đậm đà của món ăn Việt.

Ẩm thực Việt Nam, dù là những món ăn gia đình hay những món ăn đặc trưng của ẩm thực đường phố thì vẫn mang những giá trị to lớn trong đời sống của người Việt. Ẩm thực Việt ngày nay đã vượt qua khỏi những biên giới và được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Thưởng thức ẩm thực cũng giống như dấn thân vào một cuộc hành trình mà mỗi người đều có cảm nhận riêng.

Gợi ý

  • 9 cuốn sách hay về côn đảo từng nổi tiếng là địa ngục trần gian ở xứ Đông Dương

Bếp Ấm Nhà Vui – Thương Món Ăn Nam Bộ

Cuốn sách là tập hợp những bài viết tản mản về nhiều món ăn đặc trưng của người dân Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây. Qua những món ăn như ba khía, canh chua, chè kiểm, bánh ướt ngọt, khoai mì nước dừa cùng với giọng văn nhẹ nhàng, tình cảm, tác giả cho người đọc thấy được những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân miền Nam Bộ. Từ đó thấy được rõ nét hơn đời sống, con người nơi đây. Đồng thời, người viết cũng muốn chuyển tải một thông điệp rằng đàn ông vào bếp là một việc đầy thú vị: “Tôi vô bếp một phần vì đam mê, một phần vì muốn những món ăn như là món quà thơm thảo.

Sự ấm áp và cái lạnh lẽo lúc nào cũng từ căn bếp mà ra. Nên từ căn bếp, tôi luôn tâm niệm phải giữ bằng được niềm vui của nhà mình ”.

Món Xưa Vị Nay – Nét Đương Đại Trong Ẩm Thực Việt

Là con út trong một gia đình có ba là người gốc Huế, mẹ là người miền Nam, Võ Hoàng Nhân được dưỡng dục với những nét đặc trưng vùng miền khác nhau. Nhờ học được cả lối sống chịu thương, chịu khó của người miền Trung quen nắng gió và tính cách hòa đồng, chân phương của người miền Nam dung dị, Võ Hoàng Nhân đã vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể trở thành một đầu bếp đa năng: ngoài những lúc vào bếp thì đôi khi anh còn làm giảng viên đại học, lúc là doanh nhân, rồi thêm cái nghề cũng hay hay mà mọi người vẫn gọi vui là “làm người nổi tiếng”: diễn viên – đầu bếp.

Nếu mở tivi lên để xem những chương trình như Cuộc chiến mỹ vị, sitcom Mỹ nhân vào bếp, Mình ăn trưa nhé hay Thiên đường ẩm thực, bạn đọc sẽ thấy ngoài nấu nướng giỏi, Võ Hoàng Nhân diễn xuất cũng chẳng kém ai. Nhưng cho dù có đa năng đến thế nào, Võ Hoàng Nhân vẫn luôn giữ trong mình một tình yêu lớn với ẩm thực. Anh đã dùng tình yêu đó để đặt bút viết MÓN XƯA VỊ NAY.

Quyển sách đầu tay được Võ Hoàng Nhân gói ghém lại trong một dung lượng vừa đủ 100 trang, với hai phần chính: Kỷ niệm trong món xưa và Thăng hoa trong vị nay. Như bất kỳ quyển sách ẩm thực nào khác, phần lớn dung lượng vẫn được dành để trình bày những công thức các món ăn. Cái khác ở đây ở MÓN XƯA VỊ NAY còn có những trang viết rất tình cảm, mộc mạc, mộc mạc như chính con người tác giả, nhờ vậy mà độc giả có thể cảm thấy như mình đang ngồi nghe tác giả kể chuyện. Chuyện mình, chuyện nghề, chuyện đời..

Món Lạ Miền Nam

Suốt những năm tháng ròng rã vật lộn mưu sinh tại miền Nam, của ngon vật hiếm nơi đất khách đã giúp Vũ Bằng vơi đi nỗi buồn hoang hoải hướng về cố hương.

Món lạ miền Nam đã ra đời như vậy, cuốn tùy bút độc đáo của Vũ Bằng về những trải nghiệm hương vị ẩm thực mà mới nghe tên thôi người ta đã cảm thấy thích thú.

Công bằng mà nói, món ngon hay không là do khẩu vị mỗi người. Mỗi miếng ngon có thể sẽ thay đổi, biến chuyển theo từng giai đoạn để vừa lòng ông thần khẩu. Nhưng đồ ăn miền Nam thì không đổi thay. Thứ hương vị làm người xa quê cảm thấy ngon lành, khang khác, nhận thức được lòng thương yêu của cõi nhân sinh ở chung quanh vì thế mà tự nhiên rõ rệt đậm đà..