9 lễ hội tiêu biểu hấp dẫn ở Thanh Hóa – Du lịch Chào Việt Nam
Mục lục bài viết
9 lễ hội tiêu biểu hấp dẫn ở Thanh Hóa
Thanh Hóa có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hoá độc đáo.Lợi thế về địa lý, giao thông và với lòng hiếu khách của con người xứ Thanh, với những thắng cảnh đẹp và bề dày văn hóa lịch sử hấp dẫn, Thanh Hoá là điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách. 9 lễ hội ở Thanh Hóa dưới đây cho ta thấy nét văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng hấp dẫn nơi mảnh đất cực bắc miền Trung.
1. Lễ hội Lê Hoàn
Lễ hội Lê Hoàn diễn ra hàng năm từ ngày 7 – 9/03 âm lịch, tại thôn Trung Lập xã Xuân Lập – Thọ Xuân (Thanh Hoá). Lễ hội Lê Hoàn được tổ chức hoành tráng, với quy mô cấp tỉnh, nhằm tưởng nhớ tới vua Lê Đại Hành – Người đã lãnh đạo nhân dân ta đánh tan quân xâm lược nhà Tống năm 981. Với một ý nghĩa xuyên suốt là “uống nước nhớ nguồn”, phần lễ bắt đầu bằng lễ dâng hương rước kiệu tưởng nhớ công đức của Lê Hoàn và các tướng lĩnh.
Sau lễ mít tinh kỷ niệm là màn nghệ thuật sân khấu hóa, nêu bật tài năng, đức độ và công lao to lớn của vua Lê Đại Hành trong việc dẹp nội loạn, chống ngoại xâm giữ yên bờ cõi, xây dựng nền an ninh – quốc phòng vững mạnh, phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội… Những việc làm thuận lẽ trời, hợp lòng dân của nhà vua Lê Đại Hành đã góp phần làm rạng rỡ trang sử chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước của dân tộc ta. Đồng thời, đã tái hiện một trong những sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu giờ khắc lên ngôi của vị anh hùng dân tộc: Thái hậu Dương Vân Nga khoác Hoàng bào lên vai vị Thập đạo tướng quân tài ba. Sự kiện ấy cũng là sự kiện mở đầu cho sự ra đời của vương triều Tiền Lê trong lịch sử dân tộc.Trong lễ hội “Trại binh thời Lê Hoàn” sẽ được các làng văn hóa tiêu biểu huyện Thọ Xuân tái hiện lại. Ngoài ra, còn có diễn tích cày ruộng, để ghi nhớ công ơn của vua Lê Đại Hành và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian; hoạt động thể dục – thể thao khác, như thi đấu vật dân tộc, bóng chuyền, cờ tướng, kéo co…
Tham khảo thêm: 13 điểm du lịch Thanh Hóa
2. Lễ hội Lam Kinh
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại khu vực Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá nơi an táng vua Lê Thái Tổ. Nơi đây, ngày trước, theo định lệ, cứ ba năm một lần, vào ngày giỗ vua, các vua quan nhà Lê ở Ðông Kinh (Thăng Long) lại về Lam Kinh làm lễ.
Còn nhân dân địa phương hàng năm vẫn mở hội tưởng nhớ, tôn vinh người anh hùng dân tộc này.Phần lễ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: Màn trống hội (biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại), cờ hội, rước kiệu; đặc biệt là những nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại. Phần hội sẽ là các chương trình nghệ thuật tái diễn các sự kiện như: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, Vua Lê Thái Tổ đăng quang, Phát huy hào khí Lam Sơn…
Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca Đông Anh, dân ca sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc; hội trại các làng văn hoá; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê; trưng bày giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm ẩm thực của địa phương và nhiều hoạt động nghệ thuật khác như chiếu phim, biểu diễn chèo, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên…Lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống tạo nên dấu ấn của một vùng đất anh hùng đồng thời góp phần bảo tồn nền văn hoá của dân tộc.
3. Lễ hội Bà Triệu
Lễ hội Bà Triệu được tổ chức vào các ngày 20 – 23/02 âm lịch hàng năm tại xã Triệu Lộc – Hậu Lộc – Thanh hoá. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh – người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248.
Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn trên một không gian rộng theo quy trình đền, lăng, đình. Các điểm di tích ấy đều diễn ra tế lễ với nghi thức trang trọng vừa truyền thống vừa kết hợp với lễ hội đương đại. Riêng đình làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội “ Ngô, Triệu “giao quân”
Tại đền Bà Triệu chủ yếu là tế lễ, như rước kiệu, tế nữ quan. Trong phần hội không có trò diễn dân gian mà chỉ có Hội trận, khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô của bà..Tiếp sau những đại lễ, rước kiệu…còn có hát chầu văn, một hình thức âm nhạc truyền thống trong ngày lễ rất linh thiêng.
Lễ hội thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn vinh khí phách anh hùng của hậu thế đối với Bà Triệu – người nữ anh hùng của nhân dân Xứ Thanh.
4. Lễ hội rước thần cá
Lễ hội rước thần cá diễn ra vào mồng 8 tháng giêng hàng năm, tại bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy ( Thanh Hoá) – nơi có suối cá thần kỳ thú, hấp dẫn.
Lễ hội rước thần cá có từ xa xưa, được đồng bào dân tộc Mường ở xã Cẩm Lương bảo tồn, lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Lễ hội được tổ chức trang trọng, hoành tráng với ước nguyện của người dân địa phương là cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt. Mở đầu lễ hội là phần rước thần cá từ suối Ngọc – nằm dưới chân núi Trường Sinh – đưa về sân vận động của bản để làm lễ khai mạc, báo công với thành hoàng về một năm lao động sản xuất của đồng bào địa phương và những ước nguyện của năm mới. Sau đó, thần cá tiếp tục được đưa ra đền thờ ngay chân núi Trường Sinh để cúng tế. Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường bản địa như ném còn, chơi đu, đẩy gậy, kéo co và nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao như hát Xường, ru Mường, thi đấu bóng chuyền, cầu lông.
Suối cá thần Cẩm Lương là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú có từ hàng trăm năm nay bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thuỷ (cách trung tâm TP Thanh Hoá gần 100 km về phía Tây Bắc).
5. Lễ hội Pôôn Pôông
Lễ hội Pôôn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy, hay mùa gặt gọi là lễ hội mùa mừng cơm mới.
Lễ hội Pôồn Pôông theo quan niệm của người Mường là lễ cầu chúc cho mối tình chung thủy của Nàng Ờm – Bồng Hương và cũng là dịp về Mường vui vầy cùng các nam thanh, nữ tú.
Hình thức nghệ thuật diễn xướng tinh tế này đã tạo nên nét riêng biệt của cộng đồng người Mường, cuốn hút người xem hòa mình vào các trò chơi, trò diễn dân gian. Lễ hội và các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng toàn bộ những phong tục, tập quán, phương thức lao động sáng tạo, phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần của đồng bào Mường. Lễ hội gồm có 48 trò đặc sắc, như: trò chia đất, chia nước, dựng nhà, săn đuổi thú dữ, trồng tỉa lương thực, chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá, múa bông – bói bông, làm cơm mời Mường, mời bạn ăn cơm dam, uống rượu cần… Ở Thanh Hoá, vùng nào có người Mường ở là có lễ hội Pôồn Pôông. Lễ hội diễn ra có thể từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm. Đã từng có thời, lễ hội đặc sắc này bị mai một. Từ khi tỉnh Thanh Hóa liên tục 2 năm tổ chức một lần Liên hoan văn hóa các dân tộc miền núi Thanh Hóa (năm 1987), đã làm sống lại lễ hội dễ làm say đắm lòng người này. Ai đã từng đến với Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường ở Thanh Hóa cũng đều mê đắm những lời ca, điệu múa hòa trong tiếng cồng, chiêng giục giã, mời gọi, thôi thúc…
6. Lễ hội Xuân Phả
Hội Xuân Phả diễn ra vào 10/2 âm lịch hàng năm, tại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, nhằm suy tôn Đông Hải đại vương, âm phủ và Vua Đinh, Lê. Xưa kia, lễ hội Xuân Phả huy động sự tham gia của dân chúng trong 5 thôn, mỗi thôn đảm trách một trò.
Dân mỗi thôn tự chuẩn bị cờ hiệu, cờ lệnh, trống chiêng, kiệu rước, lễ vật,… và tập luyện vũ điệu riêng của mình. Đến ngày tổ chức lễ hội, các thôn rước lễ vật ra nghè. Đoàn rước có các vũ công trong trang phục “ngoại quốc”, cờ, kiệu, người hộ giá, trống chiêng vang động khắp làng. Vào sân nghè, các đoàn dâng lễ lên bàn thờ thành hoàng và trình diễn “hầu thánh” vũ điệu của thôn mình. Qua đó tỏ lòng tạ ơn vị thần bảo mệnh (Đại Hải Long Vương) vì đã có công phù trợ cho dân an, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.
Trò Xuân Phả có năm bộ trò tiêu biểu gồm: trò Hòa Lan, trò Ai Lao, trò Chiêm Thành, trò Tú Huần và trò Ngô Quốc, mô phỏng các hoạt động của quốc gia, tộc người láng giềng đến yết kiến, tiến cống nhà vua nước Việt. Trò Xuân Phả là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn ở Thanh Hóa sau hàng trăm năm qua cho đến ngày nay./.
7. Lễ hội Làng cổ Đông Sơn
Hàng năm vào ngày 3-3 âm lịch, tại đền thờ Đức Thánh cả Lê Uy – Trần Khát Chân,TP Thanh Hóa thường tổ chức lễ hội truyền thống Làng cổ Đông Sơn để kỷ niệm ngày mất và tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh cả Lê Uy – Trần Khát Chân, một vị tướng tài vào cuối thời Lý, đã có công đánh đuổi quân Chiêm Thành.
Để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông, nhân dân đã lập đền để thờ cúng ông. Lễ hội truyền thống Làng cổ Đông Sơn được tổ chức hằng năm trong 2 ngày mùng 2 và 3-3 âm lịch, với các nghi thức: Ðội lễ, dâng lễ của các bản hội, tế lễ, dâng hương, rước kiệu… Trong khuôn khổ lễ hội, còn có giao lưu văn nghệ, các trò chơi, trò diễn dân gian. Đền thờ Đức Thánh cả Lê Uy – Trần Khát Chân là di tích lịch sử văn hóa có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia. Hiện đền thờ còn lưu giữ được 31 đạo sắc phong. Việc duy trì tổ chức lễ hội truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của di tích nói riêng và của Làng cổ Đông Sơn nói chung.
8. Lễ hội Mường Khô
Vào ngày mùng 10 tháng giêng hằng năm,nhân dân khu vực Hồ Điền,huyện Bá Thước tổ chức Lễ hội Mường Khô với các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh, tưởng nhớ, tri ân Quận công Hà Công Thái và sĩ phu yêu nước Hà Văn Mao, là một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương đã giương cao ngọn cờ yêu nước, tập hợp nghĩa quân, chống giặc ngoại xâm đã có công khai phá, dựng làng, giữ nước.
Đây cũng là dịp dâng hương cầu mong cho dân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Sau phần lễ là phần hội được tổ chức với các trò chơi dân gian, như: Kéo co, ném còn, chọi gà, đánh mẳng, đánh trống giàm, cồng chiêng, thi đấu bóng chuyền nam… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện về tham dự, cổ vũ, góp phần tăng thêm tình đoàn kết giữa các vùng miền và giúp bà con nhân dân trong khu Hồ Điền tích cực phát huy những nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
9. Lễ hội Mường Xia
Lễ hội Mường Xia là sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng độc đáo, đậm đà bản sắc và gắn với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Thái huyện Quan Sơn. Lễ hội cũng là dịp để người dân trong vùng tri ân, tưởng nhớ công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào – người có công lao to lớn tiến quân lên vùng biên viễn, diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương và mang lại cho người dân dọc biên giới phía tây Thanh Hoá cuộc sống yên lành, no ấm. Sau khi mất, tướng quân Tư Mã Hai Đào đã được nhân dân trong vùng tôn thành thần Tư Mã Pha Dùa – người giữ vía cho bản mường.
Lễ hội Mường Xia được tổ chức trang nghiêm, rước kiệu và mâm lễ từ nơi chôn “Hòn đá vía” về Đền thờ Tư Mã Hai Đào.
Điểm cúng được tổ chức tại 5 điểm: Cúng Thần mường tại Đền thờ Tư Mã Hai Đào; Cúng vía chung cho cả đất Mường Xia tại nơi chôn “Hòn đá vía” và Đền thờ Tư Mã Hai Đào…Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động thể thao đặc sắc như bóng chuyền đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, các trò diễn dân gian của địa phương như ném còn, to lẹ, đánh đu, chọi cù, đi cà kheo…Trải qua hàng trăm năm với biết bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng của Lễ hội Mường Xia vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của người Thái Mường Xia.
Lễ hội được tổ chức vào ngày 10-2 âm lịch hàng năm, thu hút hàng nghìn người dân trong vùng và khách thập phương tham dự.