Các địa điểm du lịch ở Điện Biên (Cập nhật 02/2023)

Các địa điểm du lịch ở Điện Biên

Điện Biên

Các địa điểm du lịch ở Điện Biên

(Cập nhật 02/2023)

Cùng Phượt – Gắn liền với trận chiến Điện Biên Phủ đánh thắng Pháp năm 1954, Điện Biên ngày nay đã trở thành một địa điểm du lịch được yêu thích đối với du khách khắp mọi miền Tổ quốc. Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể, với 21 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, điển hình là dân tộc Thái, dân tộc H’Mông. Bên cạnh đó Điện Biên có nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ… Các địa điểm du lịch ở Điện Biên rất đa dạng về hình thức, từ các di tích lịch sử đến du lịch cộng đồng, từ các hình thức du lịch nghỉ dưỡng cho đến du lịch khám phá trekking (Cực Tây A Pa Chải) nên phù hợp với nhiều nhóm du khác, các bạn trẻ cũng như người trung niên.

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Tú NguyễnBá Dũng Nguyễn, yoshiiaki ishii, Hoang Duy, tùng đào duy, Minh Tran, ミンハイ, Nguyen Chat, DucTiep, Khuat Tan Hung, anhtuan070995, Van Nhu, Đào Việt Dũng, Toan Lo, AdamCohn, Tri Bui, PHOTOVIEW 360, BigBoo, Dung Tâm, Nghia Tran, Trần Kiên Trung, bigbossnd, deehong, Haf Lee, Bùi Tấm, Red Cat, Kim Trang Dao, Dũng Dương, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Mùa Vảng, Tôi An Yên, Kiệt Vũ và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ

Khu di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là một quần thể các di tích lịch sử ghi lại chiến công của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Catri.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên

Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh – Bá Dũng Nguyễn)

Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Do nhà điêu khắc Nguyễn Hải – người từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh thiết kế trên cơ sở tượng Điện Biên Phủ của ông trong thập niên 60 (1960 – 1965).

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ – tỉnh Điện Biên. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng việc thực hiện một kế hoạch khảo sát, Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn (Bộ Xây dựng) đã đề xuất chọn địa điểm đồi D1. Nằm ở vị trí trung tâm khu di tích, cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả khu vực thị xã đều nhìn thấy …

Ngày 23 tháng 2 năm 2004 tượng đài “Chiến thắng Điện Biên” được chia thành 12 phần đã được 11 chiếc xe rơmooc siêu nặng vận chuyển từ Nam Định đưa về thành phố Điện Biên.

Đồi A1

Toàn cảnh đồi A1 (Ảnh – yoshiiaki ishii)

Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sáng ngày 7/5/1954 quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1.

Hiện nay, trên đỉnh Tây Bắc của đồi A1 có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp và đều có hình mái đầu đạo. Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, sao vàng nền tròn đỏ, xung quanh là vòng tương hoa.

Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn được Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là cái hố hình phễu to bằng cái “ao đình” cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc.

Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1

Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ trên đồi A1 (Ảnh – Hoang Duy)

Nghĩa trang liệt sỹ A1, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 (thành phố Điện Biên Phủ) vài trăm mét về phía nam, được xây dựng năm 1958.

Nơi đây có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Không gian Nghĩa trang rất yên tĩnh, không khí trong lành, môi trường xanh, sạch, đẹp. Hàng ngày, nghĩa trang mở cửa từ sáng đến chiều tối để đón du khách từ các tỉnh trong nước và quốc tế viếng thăm.

Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Điện Biên

KHÁCH SẠN
Khách sạn Ruby

Địa chỉ: 43 Nguyễn Chí Thanh, Mường Thanh, Tp Điện Biên Phủ, Điện Biên

Điện thoại:
0215 3835 568
Xem giá phòng ưu đãi từ:

HOMESTAY
Homestay Muong Thanh

Địa chỉ: Hoàng Công Chất, Mường Thanh, Tp Điện Biên Phủ, Điện Biên

Điện thoại:
098 675 68 99
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
Pha Din Hotel

Địa chỉ: Số 63, Tổ 3, Thanh Bình, Tp Điện Biên Phủ, Điện Biên

Điện thoại:
0215 6558 888
Xem giá phòng ưu đãi từ:

HOMESTAY
Dien Bien Rose Villa

Địa chỉ: 80 Tổ 18, Tân Thanh, Tp Điện Biên Phủ, Điện Biên

Điện thoại:
091 135 55 77
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
Phuong Nam Hotel

Địa chỉ: Số nhà 211, Tổ 3 Phường Tân Thanh, Tp Điện Biên Phủ, Điện Biên

Điện thoại:
0215 6256 256
Xem giá phòng ưu đãi từ:

Hầm Đờ Cát

Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm Đờ Cát dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía đông. Đây là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái… Gần với Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động và diễn biến ở thung lũng Mường Thanh. Sở chỉ huy gồm:

  • Chòi canh gác số 1
  • Hầm thông tin liên lạc
  • Đài quan sát
  • Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
  • Lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
  • Đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái
  • Hầm của ban cố vấn Trung Quốc
  • Nhà hội trường
  • Hầm ban chính trị

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ

Bảo tàng Điện Biên tọa lạc tại Phố 1, P Mường Thanh, Tp Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Vào cuối năm 2003, bảo tàng Điện Biên Phủ đã tiến hành nâng cấp và chỉnh lý lại khu trưng bầy. Đến nay bảo tàng có 5 khu trưng bầy với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề sau:

  • Vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ.
  • Tập đoàn cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ.
  • Đảng chuẩn bị đường lối chỉ đạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
  • Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • Điện Biên Phủ ngày nay.

Cầu Mường Thanh

Được Pháp gọi là cầu “Prenley”, là cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, ở địa điểm cách ngã ba đường 279 hiện nay khoảng 300 m. Cây cầu là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cầu sắt Mường Thanh là chiếc cầu dã chiến được làm sẵn và vận chuyển từ nước Pháp sang lắp ghép tại Điện Biên. Toàn bộ cây cầu dài 40m, rộng 5m. Hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản không có trục giữa, sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn.

Cánh đồng Mường Thanh

Từ lâu, câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc với ngụ ý xếp hạng các cánh đồng. So với cánh đồng Mường Lò, Yên Bái; cánh đồng Mường Than, Lai Châu, cánh đồng Mường Tấc, Sơn La, cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên được đánh giá là rộng lớn nhất. Nằm trên độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20 km với chiều rộng trung bình 6 km.

Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa. Từ cuối tháng 9, lúa mùa khu vực lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khiến du khách ghé thăm ngỡ như đi giữa mùa vàng. Một cảm giác thân thuộc của cánh đồng quê Bắc Bộ trải dài ngút mắt, nhưng vẻ đẹp kiêu hùng của cánh đồng lúa bốn bề núi bọc cũng chẳng hề xen lẫn.

Không chỉ nổi tiếng về diện tích mênh mông, với điều kiện thâm canh thuận lợi, cánh đồng Mường Thanh còn mang đến cho đời những hạt ngọc thơm ngon đặc biệt với thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Hạt gạo nhỏ, có hương thơm tự nhiên, khi nấu cơm trắng, dẻo ngọt và có vị đậm đà. Hạt gạo từ cánh đồng Mường Thanh đã mang đến vẻ đẹp trù phú cho vùng đất Điện Biên vốn vang danh với những chiến công hiển hách.

Nói đến cánh đồng “Nhất Thanh” không thể không nhắc đến dòng sông Nậm Rốm đầy ắp phù sa, bồi đắp ngày ngày. Từ góc độ nào, sông Nậm Rốm cũng hiện ra như một nét vẽ xanh biếc giữa bức tranh lúa đồng rộng lớn. Hai bên bờ cây cối xanh mướt, điểm tô những chùm hoa chuối sắc đỏ lung linh, nghiêng mình soi bóng. Bắc qua sông Nậm Rốm là cầu Mường Thanh yên bình và thơ mộng. Hiện cầu chỉ dành cho xe đạp, xe máy và người đi bộ, nhiều người đến đây để tìm về quá khứ oanh liệt một thời.

Các điểm du lịch cộng đồng ở Điện Biên

Du lịch cộng đồng ngày càng được nhiều khách trong nước và quốc tế lựa chọn làm loại hình du lịch yêu thích. Đến với Điện Biên, các bạn có thể trải nghiệm du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa du lịch. Tại đây, các bạn sẽ được hòa mình vào không gian sống của bà con dân tộc thiểu số, tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, giàu sắc thái bản địa vùng cao Tây Bắc, thưởng thức những điệu dân ca, dân vũ độc đáo và khám phá văn hóa ẩm thực với những món ngon do chính người dân tại các bản chuẩn bị.

Bản Mển

Nằm nép mình giữa bạt ngàn núi đồi và ruộng nương, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Từ TP. Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 khoảng 6km về phía bắc, du khách sẽ đến bản Mển.

Nhìn từ xa, bản Mển đẹp như một bức tranh với lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Nổi bật trên nền xanh của cây cối và bầu trời là những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái đen. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi khung cảnh tuyệt đẹp, bản Mển còn có không khí trong lành, mát mẻ và môi trường xanh, sạch và đẹp.

Bản có hơn 110 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, đều là người dân tộc Thái đen. Đồng bào Thái đen ở đây sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi và dệt, thêu thổ cẩm truyền thống.

Những năm vừa qua, dân bản đã chung tay phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nếp sống văn minh, ăn sạch, ở sạch, uống sạch. Nhờ đi đúng hướng trong việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững nên bản Mển không những đã trở thành điểm du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài nước mà còn bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có nghề dệt, thêu thổ cẩm. Nếu như trước đây, phụ nữ trong bản dệt, thêu thổ cẩm chỉ để cho gia đình dùng, thì nay còn phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm thổ cẩm của bản thường là những tấm vải, chiếc khăn piêu hay chiếc túi với dòng chữ thêu “Thổ cẩm bản Mển kỷ niệm” nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của bản tới du khách.

Bản Ten

Bản Ten nằm cách thành phố Điện Biên chừng 2 km, có chừng gần 100 hộ dân với vài trăm người.Nghề chính của người dân ở đây là trồng lúa và chăn nuôi, nhưng dịch vụ du lịch đang dần trở thành nguồn thu nhập ổn định cho bà con, mặc dù chưa cao.Trong số 20 bản của toàn tỉnh Điện Biên có đội văn nghệ không chuyên, thì đội văn nghệ của bản Ten thu hút nhiều khách du lịch và cũng đắt hàng nhất. Những bài hát dân ca Thái như Xòe thương nhau, Người đẹp Mường Ten, Điệu xòe có tự bao giờ, các điệu khèn lá, khèn bè, độc tấu khèn; những điệu xòe, múa sạp do các diễn viên “cây nhà lá vườn” trình diễn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.

Bản Co Mỵ

Từ di tích lịch sử hầm Đờ Cát, xuôi theo sông Nậm Rốm về hướng tây bắc khoảng 8km, du khách sẽ tới bản Co Mỵ.

Co Mỵ theo tiếng Thái có nghĩa là cây mít. Tương truyền, khi người Thái về định cư tại bản, thấy nơi đây có cây mít to chừng vài người ôm, quả thơm ngon nên đã đặt tên bản là Co Mỵ. Năm 1945, một vụ hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi nhiều nhà sàn và cây mít cổ thụ. Đến nay, cây mít tuy không còn nhưng dân bản vẫn luôn nhớ về nguồn gốc tên gọi của bản.

Bản Co Mỵ có diện tích tự nhiên khoảng 60ha, là nơi cư trú của hơn 100 hộ dân tộc Thái, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, rau màu và chăn nuôi.

Bản Phiêng Lơi

Nằm cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 7km về phía bắc, bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) là nơi cư trú của 220 đồng bào dân tộc Thái.

Bản Phiêng Lơi có tổng diện tích tự nhiên là 112,4ha. Theo tiếng địa phương, “phiêng” nghĩa là nơi bằng phẳng, còn “lơi” là cách nói chệch đi của từ đời. Cái tên Phiêng Lơi đã nói lên mong ước định cư lâu dài của người dân khi đến vùng đất này dựng nhà, lập bản.

Cũng giống như nhiều bản người Thái khác ở Điện Biên, dân bản Phiêng Lơi làm nhà sàn hướng mặt ra sông, suối, cánh đồng. Nhìn từ xa, bản Phiêng Lơi giống như một bức tranh thủy mặc với những nếp nhà sàn truyền thống nằm san sát nhau bên dòng Nậm Rốm hiền hòa chảy suốt ngày đêm; bao quanh là núi rừng hùng vĩ trùng trùng, điệp điệp.

Từ xưa đến nay, người Thái ở Phiêng Lơi vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, đan lát và dệt thêu thổ cẩm truyền thống. Những năm qua, nhờ định hướng của tỉnh Điện Biên, bản Phiêng Lơi đã bắt đầu phát triển loại hình du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan. Đến nay, cả bản đã có 30 hộ dân tham gia loại hình du lịch cộng đồng, trong đó 15 người đã được tập huấn nâng cao nhận thức về loại hình du lịch này. Hình thức du lịch cộng đồng ở bản Phiêng Lơi không những góp phần nâng cao đời sống cho dân bản mà còn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực, lễ hội, nghề thủ công…

Suối nước nóng U Va

Khu du lịch U Va thuộc xã Noọng Luống, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15km về phía Tây Nam. U Va có địa thế núi non trùng điệp, tổng diện tích trên 73.000m2 với dòng suối khoáng nóng tự nhiên, nhiệt độ trung bình từ 76- 84 độ C.

Suối khoáng nóng có tên là “UVa” được bắt nguồn từ phiên âm chữ “Ú Vá” của người dân địa phương xã Noọng Luống. Trong đó, Ú được dịch là bà; Vá có nghĩa là cái nôi. Theo truyền thuyết, suối khoáng nóng này chính là một bà tiên nằm trên một cái nôi đẹp. Phong cảnh U Va trên là đồi núi, dưới là sông, suối, hồ. Trước năm 2002, toàn bộ khu vực xã Noọng Luống – nơi có dòng suối khoáng nóng U Va chảy qua là một bãi cỏ. Sau khi khảo sát, tỉnh Điện Biên đã tận dụng nguồn suối nước khoáng thiên nhiên, đưa lên khu vực trên đồi cao

Suối nước nóng Hua Pe

Suối khoáng nóng Hua Pe thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 5km về phía Tây Bắc. Tại đây có nguồn nước khoáng lớn với nhiệt độ thường xuyên khoảng 60°C, bên cạnh là hồ nước nhân tạo Pe Luông quanh năm lộng gió, hình thành nên điểm du lịch Điện Biên sinh thái tắm nước khoáng nóng, là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với các dịch vụ như nghỉ dưỡng, chữa bệnh ngày càng thu hút du khách gần xa.

Cửa khẩu Tây Trang

Cửa khẩu Tây Trang là một cửa khẩu quốc tế tại vùng đất bản Ka Hâu xã Nà Ư huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Cửa khẩu Tây Trang thông thương sang cửa khẩu Sop Hun (Sốp Hùn), huyện May tỉnh Phongsaly, CHDCND Lào.

Cửa khẩu Tây Trang là điểm kết thúc của quốc lộ 279 trên đèo Tây Trang sang Lào. Đây cũng là cửa khẩu được giới du lịch bụi lựa chọn nếu định mang xe máy qua và chạy dọc đất nước Lào.

Thành Bản Phủ

Thành Bản Phủ nằm ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 9 km.. Đây là một kỳ tích về xây dựng thành của họ Hoàng. Thành rộng hơn 80 mẫu. Sau lưng là sông Nậm Rốn. Tường thành đắp bằng đất, trồng tre gai vây quanh, loại tre được mang từ Thái Bình lên. Ngoài có hào sâu rộng 4-5 thước trên mặt thành ngựa, voi đi lại được. Thành có các cửa: tiền, hậu, tả, hữu. Mỗi cửa có đồn cao và vọng gác…

Đền thờ Hoàng Công Chất

Đền thờ Hoàng Công Chất được xây ở trung tâm thành Chiềng Lê (tức Bản Phủ) để thờ họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân – là di tích lịch sử văn hóa quan trọng của địa phương ghi lại công lao to lớn cửa người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất, người con của Thái Bình trong cuộc chiến tranh giải phóng Mường Thanh (Mường Then) – Điện Biên khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ.

Hồ Pá Khoang

Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 20km, nằm kề quốc lộ 279, nối thành phố Điện Biên Phủ với Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – Mường Phăng.

Hồ Pá Khoang nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ, ẩn hiện trong mây trời non nước. Vào mùa đông sương mờ buông phủ tạo một phong cảnh huyền ảo, thấp thoáng nơi xa là những dãy núi trập trùng, những nếp nhà xinh xắn. Mùa hè không khí nơi đây thật dễ chịu với những luồng gió nam mát dịu. Trong khu vực lòng hồ có các bản dân tộc Thái, Khơ mú là những dân tộc còn giữ được các phong tục tập quán, nét đặc sắc của các dân tộc Tây Bắc vốn có… Nếu có dịp đến với Điện Biên, hãy dành chút thời gian ghé thăm hồ Pá Khoang để cùng hòa mình vào thiên nhiên.

Vườn Anh Đào Mường Phăng

Nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đặt chân đến Điện Biên, đã biết tới Mường Phăng là Chỉ huy sở của quân đội Việt Nam trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thế nhưng có mấy người biết được rằng, trên một hòn đảo giữa lòng hồ Pá Khoang, xã Mường Phăng ấy, có một vườn hoa Anh Đào giờ này đang nở rộ, đánh dấu cho tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam- Nhật Bản.

Cây Anh đào xuất hiện tại Điện Biên cũng là một điều khá thú vị. Ông Trần Lệ, 66 tuổi là Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ nông lâm Mường Phăng, ông chủ của “Đảo hoa” này kể lại: Trước đây, ông có quen một người Nhật Bản trong quan hệ kinh tế về chế biến, xuất khẩu nông sản. Do biết ông là một người nghiên cứu sinh học nên bên đối tác đã đưa cho 10 hạt giống cây Anh Đào để ươm tại Việt Nam. Mặc dù có nhiều cơ sở ở một số tỉnh thành trong cả nước, song ông vẫn quyết định đưa lên Mường Phăng để trồng thử vì điều kiện thổ nhưỡng vùng đất này khá phù hợp, hơn nữa vì đây là mảnh đất lịch sử nên có nhiều ý nghĩa. Với 10 hạt giống, từ năm 2006 ông đã ươm được 9 cây, trong đó bên phía bạn xin lại 5 cây. 4 cây còn lại trồng trên “Đảo hoa”, sau 3 năm đã bắt đầu ra hoa và kết quả.

Tuy nhiên do trồng từ hạt, nên giống hoa đã bị phân ly, không còn giữ được màu nguyên thủy. Từ số cây giống này, ông nhân tiếp thêm 500 cây nữa đang trồng tại vườn, trong đó 40 cây của đợt đầu tiên nay đã trổ hoa. Với 5ha đất được giao, ông Trần Lệ dự kiến sẽ “phủ” toàn bộ cả một “đảo hoa Anh Đào” giữa lòng hồ Pá Khoang. Ngoài ra, ông Lệ còn trao cho Sở Nông nghiệp tỉnh Điện Biên gần 600 cây giống để nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Không chỉ trồng và nhân giống hoa Anh Đào, Công ty cổ phần Công nghệ nông lâm Mường Phăng hiện đang trồng và nghiên cứu trên 40 loài hoa khác, trong đó đã cho ra đời giống hoa Ly màu đỏ tươi mà chưa nơi nào trên thế giới có được, dự định sẽ đặt tên là Ly Mường Phăng.

Điểm văn hóa tâm linh Linh Sơn

Điểm văn hóa tâm linh Linh Sơn (Chùa Linh Sơn) được xây dựng tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, cách hầm Đờ Cát khoảng 1,5km với tổng diện tích hơn 4.600m2, bao gồm các hạng mục: Tam quan (dài 43m), đài tưởng niệm nằm trên 3 hồ nước có diện tích 63m2 được trồng sen, tòa nhà sinh hoạt văn hóa, bãi đỗ xe, khuôn viên cây bồ đề và bàn thờ Phật.

Động Pa Thơm

Động Pa Thơm thuộc xã Pa Thơm, nằm ở phía Tây huyện Điện Biên, giáp với biên giới Việt Lào. Nhân dân địa phương gọi là “Thấm Nang Lai” (hang nhiều nàng Tiên).

Động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi, cửa động hình mái vòm, cửa cao 12m, rộng 17m, mái đá nhô ra 7m. Chính giữa lối vào là một khối đá khổng lồ sừng sững giống như đầu voi đang rũ xuống. Chiều sâu động khoảng hơn 350m chạy theo hướng Nam. Động có 9 vòm lớn nhỏ, chiều ngang có chỗ rộng chừng 20m. Lối vào động giáp cửa hang có ba khối đá lớn chắn ngang nằm uốn lượn như một con trăn khổng lồ ngăn đôi động và tạo thành hai lối vào ra. Ngay từ ngoài cửa hang đã có nhiều nhũ đá với nhiều hình hài hết sức sống động, nhũ đá óng ánh, màu sắc huyền ảo, lung linh dưới ngọn nến. Các vòm động đều cao vút, mỗi vòm tựa như một tòa điện nguy nga, lộng lẫy, khối nhũ nhô lên, những măng đá đủ mọi hình tượng mềm mại từ trên mái trấn rủ xuống những tua rua óng ánh. Bên vách những khối đá như những  dòng thác lớn đang chảy, óng ánh bạc.

Ngoài giá trị thắng cảnh, Động Pa Thơm còn được gắn với những huyền thoại, truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa, làm cho cảnh quan thêm chất thi ca và trở thành địa danh du lịch hấp dẫn.

Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Điểm khởi đầu của đèo cách thị xã Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách thành phố Điện Biên khoảng 84 km. Đây cũng là một trong Tứ đại đỉnh đèo được dân Phượt tôn vinh, 3 đèo còn lại là Mã Pì Lèng, Ô Quý HồKhau Phạ.

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh

Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là “trời”, Đin là “đất”hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Người Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) và Sơn La từ xa xưa còn lưu truyền câu chuyện kể về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin. Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ hai dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.

Cầu Hang Tôm

Cầu Hang Tôm cũ trước đây từng nổi tiếng là cầu dây văng đẹp nhất Tây Bắc, nối liền Mường Lay (Điện Biên) và Phong Thổ, Sìn Hồ của Lai Châu. Sở dĩ cầu có tên Hang Tôm là do khúc sông này xưa kia có quá nhiều tôm. Cách cầu chừng 50m có một “mó” nước rất mát, tôm từ sông Đà lũ lượt lên đó đẻ trứng, cả một khúc sông dày đặc tôm là tôm. Ngày ngày bà con thay nhau lên đó bắt về ăn. Nhưng người dân quanh khu vực này có tục lệ bất thành văn, mỗi nhà chỉ được bắt chừng một tiếng đồng hồ rồi nhà khác tiếp tục.

Cuối những năm 1960, cầu Hang Tôm bắt đầu được tiến hành xây dựng. Ngày đó, chuyên gia và công nhân Trung Quốc cũng qua giúp ta làm cầu. Tuy nhiên, đến năm 1968, Trung Quốc xảy ra cách mạng văn hóa, chuyên gia và công nhân của họ rút hết về nước. Rất may khi đó hạng mục được coi là khó nhất là cáp treo đã được kéo xong, chỉ còn lại các công đoạn hoàn thiện.

Nhưng cũng phải mãi đến năm 1973, cầu Hang Tôm mới được khánh thành. Ngày đó thật sự là ngày hội lớn của hàng vạn đồng bào Tây Bắc. Hàng ngàn người từ khắp nơi cơm đùm, cơm nắm, đi bộ vài ngày đường đổ về để tận mắt được nhìn, được một lần đi qua cây cầu mơ ước.

Hang Tôm như một điểm nhấn cho vùng Tây Bắc. Cũng bởi vẻ đẹp hoành tráng và hoang sơ của cầu Hang Tôm nên những năm sau này, dân du lịch, Tây cũng như ta, đã đổ về đây, nhất là từ khi xuất hiện phong trào du lịch bụi.

Tháng 11/2012 thủy điện Sơn La tích nước, toàn bộ Thị xã Mường Lay cũ trong đó bao gồm cả cây cầu Hang Tôm đã chìm sâu dưới lòng hồ Sông Đà, chấm dứt 40 năm hoạt động của cây cầu lịch sử.  Ngay gần vị trí cầu Hang Tôm cũ, một cây cầu mới được dựng lên để thay thế nhiệm vụ, cao hơn cây cầu cũ 70m.

Thị xã Mường Lay

Mường Lay là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Điện Biên nối với tỉnh Lai Châu, là mảnh đất đã trải qua bao thăng trầm lịch sử. Mường Lay hôm nay dù vẫn còn đâu đó những đau đớn của một thời quá khứ bởi sự tàn phá vô tình của thiên nhiên nhưng đang thay da đổi thịt từng ngày với công cuộc tái định cư Thủy điện Sơn La.

Trong những năm gần đây, Mường Lay đang vươn mình trong xây dựng, phát triển và đã mang dáng dấp của một đô thị ven sông. Mường Lay nằm hai bên bờ sông Đà được nối liền bởi những cây cầu dài, dưới là lòng hồ thủy điện rộng lớn đã tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Trong tương lai, Mường Lay xứng đáng trở thành trung tâm du lịch phía Bắc của tỉnh Điện Biên, là điểm dừng chân lý tưởng của hành trình Du lịch vòng cung Tây Bắc đối với mọi bạn.

Từ khi công trình thuỷ điện Sơn La được hoàn thành, mực nước lòng hồ dâng cao khoảng 213m, diện tích rộng chừng 100ha đã tạo ra cho Mường Lay một cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn, trên là núi dưới là hồ được ví như một Hạ Long trên cạn.

Với khí hậu mát mẻ và trong lành của núi rừng Tây Bắc, Mường Lay chính là nơi giao thoa của đất trời và sông núi, của quá khứ và hiện tại. Dòng sông Đà hung dữ năm xưa giờ đây trở nên hiền hòa, phẳng lặng và xanh mênh mông tạo cho người thưởng ngoạn cảm giác thật thoải mái, nhẹ nhàng và tưởng như đang giao hòa với thiên nhiên, đất trời, non nước.

Đến với Mường Lay, không nên bỏ lỡ cơ hội du ngoạn bằng thuyền trên lòng hồ, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện đậm sắc màu huyền sử kể về dòng Đà giang hung dữ xưa kia. Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, bạn có thể ghé qua đất Lai Châu để thăm và tìm hiểu về dinh thự Đèo Văn Long, thăm mô hình nuôi cá lồng của người dân bản địa. Đặc biệt nơi đây cũng luôn hấp dẫn đối với những bạn thích khám phá và ưa mạo hiểm với các hoạt động như câu cá trên sông Đà, leo núi khám phá Hang bản Bắc hay đi bộ xuyên rừng tới thăm các bản làng xa xa nằm ẩn mình bên vách núi.

Mường Lay không chỉ hấp dẫn bạn bởi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn lôi cuốn lòng người bởi nét văn hóa đa dạng và độc đáo của 9 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc nơi đây đều mang bản sắc văn hóa riêng, tạo nên một bức tranh văn hóa hết sức phong phú, đa dạng với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc trưng. Mảng văn hóa tiêu biểu nhất ở Mường Lay chính là văn hóa của dân tộc Thái trắng. Mường Lay được xem là thủ phủ của người Thái trắng ở Điện Biên, là một trong những cái nôi của điệu múa nón, múa chai, múa quạt duyên dáng đã đi vào tiềm thức con người và thơ ca.

Để hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa và cuộc sống của người dân nơi đây, bạn có thể thăm quan các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc ở phường Na Lay, sản xuất và chế biến đồ gỗ ở phường Sông Đà hay nghề đan lát đồ gia dụng ở xã Lay Nưa. Tối đến, dừng chân trong những nếp nhà sàn truyền thống, bạn có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng đắng, nộm hoa ban, gỏi cá, lạp, pa pỉnh tộp, đặc biệt không thể không kể đến món cá lăng, cá chiên và tôm sông Đà nổi tiếng khắp vùng. Hòa trong hương rượu ngô thơm ngọt, men say ngây ngất, bạn và người dân bản địa cùng theo vòng quay của điệu xòe, thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái. bạn cũng có thể cùng sống, sinh hoạt trong các gia đình để tìm hiểu phong tục tập quán của người dân nơi đây và trải nghiệm cảm giác được một lần là “người dân tộc Thái”.

Động Xá Nhè

Xá Nhè là xã nằm ở phía Nam của huyện Tủa Chùa, được nhiều người biết đến với chợ phiên Xá Nhè, rượu Mông Pê, đặc biệt còn có phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, tiêu biểu là thắng cảnh hang động Xá Nhè. Động Xá Nhè được người dân tộc Mông địa phương gọi là Khó Xo (nghĩa là hang thuốc nổ vì trước đây ở trong hang có nhiều dơi, người dân địa phương thường lấy phân dơi để làm thuốc nổ).

Động Xá Nhè nằm dưới chân một vách nui cao dựng đứng, cách trung tâm xã Sáng Nhè khoảng 1km. Động Xá Nhè nằm trong khung cảnh thiên nhiên hết sức đẹp và hùng vĩ. Màu xám thâm trầm của những khối núi đá hòa vào màu xanh của rừng, màu vàng của lúa nương những ngày vào vụ. Mặc dù động khá gần trung tâm xã Sáng Nhè song quanh động không có nhiều dân cư quần tụ. Núi non, cây cỏ vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên, mang lại cho du khách đến thăm động cảm giác như đang tự mình khám phá một nơi nguyên sơ đầy thú vị.

Động dài 700m, gồm 5 khoang lớn nhỏ khác nhau. Mỗi khoang đều có một vẻ đẹp kì bí riêng. Khoang bên ngoài có hình vòm cung, trên trần động là những khối nhũ đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi thì mềm mại, uyển chuyển như thác nước, lúc mang dáng vẻ sắc nhọn như san hô biển. Từng khối thạch nhũ như những dòng thác đang tuôn chảy với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ. Toàn cảnh khoang bên ngoài trông như một bức tranh sơn dầu khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ.

Càng vào trong, động càng lộng lẫy bởi hằng hà sa số những đường nét, hình dáng do thạch nhũ, măng đá tạo nên.  Tuy đều là những tác phẩm điêu khắc tự nhiên làm từ đá nhưng vẻ đẹp của mỗi khoang động không hề giống nhau, tạo cho người xem sự thú vị và kích thích trí tò mò, đam mê khám phá. Khoang thứ 2 êm đềm với những khung cảnh giả tưởng, cách điệu như cảnh làng quê mộc mạc với sông suối, ao hồ, ruộng bậc thang…; khoang 3 nổi bật với 2 cột trụ đá to lớn mọc sừng sững giữa trung tâm động; khoang 4 nằm ở vị trí cao hơn so với các ngăn khác và phải trườn qua một ngách nhỏ mới có thể vào khám phá khoang 5, là khoang cuối cùng đồng thời cũng hấp dẫn nhất động. Quang cảnh trong khoang giống như một mê cung có ngai vàng, núi hoa cương lấp lánh. Dưới nền là những thảm ruộng bậc thang nối tiếp nhau từ gần đến xa, từ cao xuống thấp, xung quanh là các khối nhũ đá rủ xuống giống hình tượng Phật. Cả 5 khoang động với vẻ quyến rũ luôn tạo ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ cho người thưởng ngoạn. Ðứng dưới động, du khách có cảm giác như đang đứng giữa một toà lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ, hùng vĩ nhưng không kém phần lãng mạn, thơ mộng.

Tháp Chiềng Sơ

Di tích tháp Chiềng Sơ thuộc bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo thể hiện mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt – Lào. Theo truyền thuyết, Việt – Lào vốn là hai dân tộc anh em nên để minh chứng cho tình đoàn kết gắn bó ấy, hai dân tộc đã cùng nhau quyên góp xây dựng một công trình tín ngưỡng chung cho đồng bào sinh sống tại nơi đây.

Đến nay, chưa có một tư liệu lịch sử cụ thể nào khẳng định niên đại khởi dựng của cây tháp nhưng kết quả của các nhà nghiên cứu cho thấy tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV-XVI. Tháp Chiềng Sơ là công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện rõ sự tài ba và sự sáng tạo nghệ thuật của nhân dân hai nước Việt – Lào. Tháp được kiến trúc theo hình nậm rượu, dưới to và phần trên nhỏ dần. Tháp cao 10,5m, bốn mặt xung quanh chân Tháp được đặt 2 chú voi ở đằng trước và 2 chú chó ở đằng sau. Tháp được xây dựng bằng gạch và vôi vữa mật. Gạch để xây Tháp có hai loại đó là gạch chỉ loại cỡ lớn, dày dùng để xây dưới chân Tháp, còn loại gạch nhỏ và mỏng dùng để xây trên thân, ngọn Tháp.

Phía chân Tháp được xây dựng theo hình vuông  gồm nhiều tầng xếp lên nhau làm cho dáng vẻ cây Tháp thêm phần chắc chắn, ngoài lớp gạch được trát một lớp vữa, xung quanh không trang trí hoa văn. Phần thân Tháp được trang trí những họa tiết hoa văn, nổi bật là một tòa sen có sáu lớp chồng lên nhau đội lấy tòa Tháp cùng với những đường nét hoa văn chìm nổi cách điệu hình chim muông, hoa lá theo bố cục từng phần rất hài hòa. Đặc biệt hơn cả là những con rồng được đắp nổi uốn mình quanh thân Tháp, đầu và đuôi rồng chụm vào nhau tạo thành hình số tám. Những con rồng này mang trên mình lớp vảy rất đặc trưng, không giống bất cứ phong cách thể hiện nào qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam. Rồng có kích thước nhỏ như những con rắn mà văn hóa Ấn Độ giáo tôn thờ. Tất cả những họa tiết hoa văn này được bố trí hài hòa quanh thân Tháp nhằm tạo điểm nhấn và tôn lên vẻ đẹp của Tháp đồng thời tạo sức hấp dẫn và lôi cuốn người xem khi được chiêm ngưỡng di tích kiến trúc nghệ thuật này.

Từ phần chính của thân tháp trở lên trên được xây theo kiểu kiến trúc hình ống dạng hình lục giác, xung quanh là đường tiếp tuyến xen lẫn hình cánh sen chạy liên hoàn quanh thân tháp. Toàn bộ thân Tháp có 3 tầng, các mặt của mỗi tầng được xây trát phẳng theo hình lục giác không trang trí hoa văn, đặc biệt phần chính giữa của mỗi tầng được xây phình to ra trông giống hình những búp sen non. Ở giữa phần giáp nối của mỗi tầng đều được trang trí hoa văn, các hoa văn được cách điệu và đắp sẵn rồi gắn vào như: hình cánh sen, hình lưỡi mác, hình mặt trời và các hình hoa lá khác; bên trong các cánh sen và lưỡi mác có gắn những miếng gương nhỏ để khi mặt trời chiều vào tỏa ánh hào quang ra xung quanh. Tầng trên cùng (ngọn Tháp) được trang trí giống tầng dưới, chỉ khác về kích thước được thu nhỏ để tạo nên vẻ đẹp mềm mại và thanh tú của Tháp.

Tháp Chiềng Sơ tiềm ẩn nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa còn tồn tại đến ngày nay. Thứ nhất, đây là một di tích mang giá trị nghệ thuật cao về mặt kiến trúc. Kiểu dáng của Tháp kết hợp với những họa tiết hoa văn cho thấy đây là một di sản văn hóa cổ được gửi gắm những tư duy sáng tạo, những dụng ý nghệ thuật và suy tưởng về cuộc sống của những người trực tiếp xây dựng nên Tháp nói riêng và nhân dân hai dân tộc Việt – Lào nói chung.

Thứ hai, tháp Chiềng Sơ để lại giá trị lịch sử to lớn bởi đã giúp các nhà nghiên cứu tìm ra và khẳng định được lịch sử về tình đoàn kết gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc anh em Việt – Lào.

Thứ ba, giá trị về văn hóa: với sự sáng tạo tài tình, người xưa đã để lại cho thế hệ mai sau một di sản văn hóa – đó là một tòa kiến trúc Tháp cổ lộng lẫy mà ẩn chứa trong đó là nét đẹp văn hóa giữa Việt Nam và Lào đã cùng bắt tay chung ý tưởng để xây dựng nên. Sự tồn tại của tòa Tháp giáo dục thế hệ trẻ chúng ta nhìn vào di tích như soi vào một tấm gương lớn để thấy được thành quả lao động của cha ông với những nhiệt huyết, tài năng và sự đoàn kết. Mọi sự cố gắng ấy cho thấy mục đích mà cha ông ta muốn hướng tới đó là “Chân – Thiện – Mỹ”.

Tháp Mường Luân

Tháp Mường Luân là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị tham quan nghiên cứu, thuộc bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 279 về phía Nam, đến ngã ba Pom Lót rẽ tay trái đi đến Na Sang, vượt qua dốc Keo Lôm (thung gió), qua Suối Lư rồi thẳng đường đến bản Mường Luân khoảng 90 km là đến nơi.

Tháp Mường Luân được dựng ngay đầu bản dưới chân núi Hua Ta (núi đầu nguồn). Tháp kiến trúc theo hình vuông, dưới to, trên nhỏ dần, bệ tháp cao 1m, mỗi cạnh là 5,50m, xung quanh không trang trí hoa văn, được trát một lớp vữa từ dưới lên tạo thành một tòa sen cách điệu, có 6 lớp chồng lên nhau đội lấy cả tòa tháp. Toàn bộ tháp Mường Luân cao 15m được bố cục trang trí thành hai phần. Phần thân tháp từ bệ trở lên có nhiều bệ tròn vai được làm nhẵn, chồng lên nhau kết hợp với những đường nét hoa văn khắc chìm, khắc nổi thể hiện bằng những hình chim cách điệu, hình hoa lá được bố cục hài hòa. Trong phần một nổi bật nhất là hình rồng được đắp nổi chạy quanh thân cây tháp, tạo thành hình số tám kép. Bốn mặt của tháp đều thể hiện năm cặp rồng tạo cho cây tháp một dáng vẻ bề thế, vừa vững chãi, vừa có độ bền chắc khỏe.

Phần thứ hai của cây tháp có hai tầng và một ngọn tháp. Các mặt của mỗi tầng không trang trí hoa văn mà được trát vữa, vôi cát và mật mía. Mỗi phần xây phình to ở giữa, hai đầu thóp lại giống như hình quả trám. Ở giữa phần tiếp giáp của mỗi tầng được trang trí hoa văn và các họa tiết được làm sẵn bằng đất nung như đầu chim, hình cánh sen, hình lá đề, lá nhọn và hình mặt trời. Các họa tiết trang trí được kết nối với nhau tạo thành một đồ án trang trí hài hòa, bố cục chặt chẽ. Bên trong các cánh sen, lưỡi mác có gắn những mảnh gương nhỏ. Đặc biệt hình mặt trời có gắn ở giữa bốn mặt tháp cũng được gắn gương để mỗi khi ánh mặt trời chiếu vào tháp tỏa ánh hòa quang ra cả bốn phương. Giữa tầng hai và ngọn tháp cũng được thể hiện trang trí như tầng một và tầng hai nhưng chỉ khác nhau là thu nhỏ để tạo nên vẻ đẹp nhẹ nhàng, mềm mại. Màu đất nung của các họa tiết trang trí đỏ tươi, xen lẫn với màu xám trắng, xám nâu và xám đen tạo cho tháp thêm cổ kính, nổi bật trên nền xanh thẫm của núi Tây Bắc.

Tháp Mường Luân như một cô gái duyên dáng, dịu hiền đứng lặng lẽ soi mình trên dòng sông Mã trong xanh…Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật biểu trưng cho tình đoàn kết các dân tộc, đặc biệt việc xây dựng tháp còn thể hiện tình hữu nghị Việt – Lào đã gắn bó keo sơn từ lâu đời.

A Pa Chải – Cực Tây của Tổ Quốc

Trong bốn cực của lãnh thổ Việt Nam, cực Tây A Pa Chải nằm trên đỉnh Khoang La San, cách bản Tá Miếu, bản cuối cùng về phía tây của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên 6 km đường rừng, Điện Biên được xem là điểm khó chinh phục nhất. Cột mốc biên giới được xây bằng đá hoa cương có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy ba quốc gia Việt Nam, Lào và Trung Quốc.

Để đến được vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc từ Hà Nội các bạn có thể bắt xe khách Điện Biên (gửi kèm xe máy) lên tới Tp Điện Biên Phủ rồi đi tiếp vào Trung tâm huyện Mường Nhé. Từ đây vào đến Sín Thầu còn khoảng 70km. Cuối cùng, từ đồn biên phòng Apachai các bạn cần đi bộ khoảng 10km nữa mới đến được nơi.

Xem thêm bài viết : Kinh nghiệm đi phượt A Pa Chải

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, cách thành phố Hà Nội khoảng 700km về phía Tây Bắc. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng về sinh học được đánh giá vào loại lớn nhất ở Việt Nam…

Từ trên cao nhìn xuống phong cảnh núi rừng Mường Nhé giống như một bức tranh đẹp và rất có hồn. Pha lẫn trong màu xanh lục của cây rừng, màu vàng của hoa cúc quỳ cùng với màu vàng đỏ của những đoạn đường chưa được rải nhựa, trên những nếp nhà sàn, nhà lá, có kích cỡ to nhỏ khác nhau nằm rải rác bên vệ đường, ven suối và lẫn cả trong những lùm cây rậm rạp, um tùm, thấp thoáng xa xa là những ngọn núi nhấp nhô lượn sóng nối tiếp nhau cùng đua dưới ánh mặt trời.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có diện tích khoảng 310.262 ha gồm 10 xã biên giới của huyện Mường Nhé với sự cư trú của các dân tộc như: Hà Nhì, H’Mông, Khơ Mú, Mông…và gần 118.000ha đất rừng tự nhiên được bao phủ 43% , trong đó có nhiều cánh rừng nguyên thuỷ như: rừng thường xanh trên đất thấp, rừng thường xanh trên núi cao và rừng tre nứa đang được bảo tồn nguyên vẹn.

Nơi đây còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật quí, hiếm như: rùa đá, bò tót, gấu chó, tê tê, sói đỏ, cầy hương, mèo rừng…và một số loài còn được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra những tài liêu trước đây cho thấy vào những năm 80 của thế kỉ trước khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé còn 200 con voi, 300 con bò tót, 35 loài bò sát, 59 loài thú khác, 270 loài chim.

Bên cạnh đó hệ thực vật ở đây cũng khá đa dạng về chủng loại có khoảng 308 loài trong đó có nhiều loài mang giá trị đặc biệt về mặt khoa học như: chò đãi, dổi xương, chò nước, lát hoa, chò chỉ, pơ mu, trầm hương…riêng loài cây lấy gỗ đã có 112 loài, cây thuốc nam có 68 loài quý hiếm.

Với hệ thực động vật như vậy khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá vào loại đa dạng về chủng loại và lớn nhất nước ta, bởi thế bảo tồn khu rừng thiên nhiên này có ý nghĩa vô cùng to lớn cả về hệ sinh thái và cả về rừng phòng hộ sông Đà. Đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du lịch sinh thái  và nghiên cứu khoa học trong một tương lai không xa.

Chợ phiên vùng cao Điện Biên

Đến Điện Biên, du khách không nên bỏ qua một điểm du lịch mang đậm sắc màu vùng cao, đó là những buổi chợ phiên. Tại các phiên chợ ở huyện Tủa Chùa, du khách sẽ không gặp cảnh mời chào, chèo kéo mua hàng, mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ quần áo dân tộc sặc sỡ. Họ đến chợ ngoài mục đích mua bán còn là để vui với chợ, vui với khách đi chợ. Tủa Chùa có 3 chợ chính: Mường Báng, Xá Nhè, Tả Sìn Thàng. Trong không khí nhộn nhịp chợ phiên, chẳng biết tự bao giờ các đôi trai gái đã tìm thấy nhau. Họ đã dùng khèn lá, khèn môi, tiếng sáo gửi tình cảm, thả lời tỏ tình, làm quen với nhau. Họ tặng cho nhau những chiếc vòng tay, chiếc gương làm tin. Từ những buổi gặp ở chợ xuân này đã có biết bao chàng trai, cô gái thành vợ, thành chồng.

Chợ phiên Tả Sìn Thàng

Chợ phiên Tả Sìn Thàng họp vào ngày Tý và ngày Ngọ hàng tháng theo lịch âm. Sáu ngày họp một phiên, đây là nơi trao đổi, giao thương hàng hóa, nông sản của đồng bào các dân tộc thuộc 5 xã phía Bắc huyện Tủa Chùa (Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Sa Phình, Trung Thu, Sính Phình). Chợ phiên cũng là nơi thể hiện đậm nét màu sắc văn hóa các dân tộc vùng cao trong khu vực.

Xem thêm bài viết: Chợ phiên Tả Sìn Thàng

Chợ phiên Xá Nhè

Chợ phiên xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) họp ở trung tâm xã Xá Nhè được hình thành từ vài năm, cứ 6 ngày lại có một phiên chợ (chợ lùi). Đồng bào ở đây thường tính ngày chợ theo ngày âm lịch là ngày Dậu và ngày Mão.

Xem thêm bài viết: Chợ phiên Xá Nhè

Chợ phiên A Pa Chải

Chợ A Pa Chải hay còn được gọi là Chợ ngã ba biên giới nằm trên vùng đất tiếp giáp giữa huyện Mường Nhé (Điện Biên – Việt Nam) với huyện Giang Thành (Vân Nam – Trung Quốc), gần cột mốc số 3 giữa biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Được họp vào những ngày 3, 13 và 23 dương lịch hàng tháng, 6 năm trôi qua kể từ khi hình thành, chợ phiên A Pa Chải không chỉ trở thành một thói quen thân thuộc của nhiều thế hệ dân tộc, một nét đẹp văn hóa vùng biên cương mà còn là một địa chỉ hấp dẫn mời gọi du khách đến tìm hiểu, tham quan

Được thành lập từ năm 2010 với mục đích ban đầu là phục vụ nhu cầu mua sắm, giao thương của bà con hai bên biên giới. Mỗi phiên chợ thường họp từ sáng sớm đến 5 giờ chiều. Từ những ngày đầu còn đơn sơ, thưa thớt với những sạp hàng đơn lẻ, hàng hóa đơn điệu thì nay chợ đã phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bà con nhân dân cũng như du khách tham quan.

Hiện quy mô chợ không ngừng phát triển, các gian hàng bày san sát và hàng hóa rất đa dạng nhiều chủng loại. Bên kia Trung Quốc, các gian hàng cũng rất phong phú với đủ các mặt hàng đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Từ thực phẩm, giày dép, quần áo đến các sản phẩm điện tử, đồ gia dụng…Đến với phiên chợ không chỉ người Việt và người Trung Quốc mà còn có cả người Lào đến mua sắm, giao thương.

Tìm trên Google

  • các địa điểm du lịch ở Điện Biên
  • tháng 2 Điện Biên có gì hấp dẫn
  • chơi gì khi đến Điện Biên
  • phượt Điện Biên có gì
  • cảnh đẹp Điện Biên
  • địa điểm check-in Điện Biên
  • danh lam thắng cảnh Điện Biên
  • địa điểm du lịch tâm linh Điện Biên
  • đến Điện Biên nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Điện Biên

4/5 – (7 đánh giá)

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Điện Biên

ĐIỆN BIÊN

Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc dài hơn 400 km. Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa – lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài ra Điện Biên chính là nơi có địa danh A Pa Chải, Cực Tây của Tổ quốc.

Bạn có biết: Tên gọi Điện Biên do Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên. “Điện” nghĩa là vững chãi, “Biên” nghĩa là vùng biên giới, biên ải, “Điện Biên” tức là miền biên cương vững chãi của tổ quốc.

  • Diện tích: 541 km²
  • Dân số: 57.400 người
  • Vùng: Tây Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện
  • Mã điện thoại: 215
  • Biển số xe: 27