APTOMAT CHỐNG GIẬT (ELCB) – Giải pháp bảo vệ an toàn cho gia đình – Aptomat chống giật .com

Theo thống kê của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), hàng năm cả nước xảy ra khoảng 400- 500 vụ tai nạn do điện, làm từ 200 – 300 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương. Trong đó, 70% số vụ tai nạn có nguồn gốc từ mất an toàn trong sử dụng điện tại gia đình, 15% do trục trặc trong khâu sản xuất, 5% là các vi phạm khác. Trên các công trường xây dựng, tai nạn lao động vì bất cẩn để điện giật chiếm tới 26,7% tổng số vụ và 19,1% tổng số người chết. Riêng khu vực nông thôn có 80- 85% các vụ tai nạn xảy ra thuộc lưới điện sinh hoạt…

Qua số liệu thống kê chúng ta có thể cho thấy, hiện nay nguy cơ mất an toàn trong sử dụng điện tại gia đình ở Việt Nam là rất cao. Gây ra không ít những cái chết thương tâm như: Vụ tai nạn do điện giật tại gia đình anh Nguyễn Công T. (Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), khiến con anh và người giúp việc tử vong ngay trong phòng tắm. Trong quá trình kiểm tra các thiết bị điện phòng tắm, các nhân viên điện lực phát hiện bình nước nóng tại phòng tắm đang hở điện hay vụ tai nạn điện giật vào ngày 24/1/2014 tại huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ khiến ông Đỗ Đình Khôi và con là chị Phạm Minh Nga tử vong tại chỗ do điện rò rỉ từ bình nóng lạnh. Hay gần đây nhất, khoảng 22 giờ ngày 3-5, anh Biều Văn Tân (23 tuổi, trú tại khu phố Hải Vân, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) trong lúc đóng cầu dao điện thì bị điện giật té xuống đất, mặc dù được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa, nhưng anh Tân đã tử vong sau đó….

Nguyên nhân của các vụ tai nạn do điện tại các gia đình hiện nay được xác định do rất nhiều các nguyên nhân như: Do hệ thống điện thiết kế trong nhà không an toàn, ổ cắm điện trong gia đình làm thấp, kéo điện bằng dây trần, không cho vào ghen, làm chìm trong tường nhưng dây chất lượng kém, điện bị rò dễ gây tai nạn điện giật, nhất là khi tường và nhà bị ẩm; sử dụng các thiết bị điện tử gia dụng kém chất lượng; dây điện bị hở…

Để hạn chế các nguy cơ tai nạn do điện giật trong gia đình, hiện nay trên thế giới tại một số nước đã áp dụng các quy chuẩn về việc lắp đắt các thiết bị điện an toàn. Như tại Anh, tại một số trường hợp trong hệ thống quy phạm, tiêu chuẩn điện dân dụng quy định yêu cầu các thiết bị điện đều phải có aptomat chống giật (ELCB) để bảo vệ. Trên thị trường Việt Nam hiện nay, cũng có rất nhiều các hãng nổi tiếng sản xuất aptomat chống giật như của: Mitsubishi, DoBo, National, Schneider. Panasonic.…

Hình ảnh có liên quanHình ảnh có liên quan

 

 

Atomat chống giật của hãng Mitsubishi 

Nguyên lý hoạt động

ELCB là viết tắt của Earth leakage circuit breaker hay còn được gọi tên theo các thói quen khác nhau là “Rơ le bảo vệ chạm đất”, aptomat “chống giật”, “cầu dao chống giật”. Đây là loại thiết bị làm việc trên nguyên tắc phát hiện sự chênh lệch dòng điện đi và về để có thể ngắt phía nguồn tiêu thụ nếu có sự chênh lệch giữa chúng.

Khi chập điện thì tại vị trí chập nhau sẽ sinh ra nhiệt đủ để phát cháy đối với chính dây dẫn với vỏ cách nhiệt bằng nhựa, và chủ yếu là nhiệt đó sẽ tạo ra bén lửa đối với các vật xung quanh. Dòng điện có thể tăng cao đến mức làm các aptomat (hoặc cầu chì bảo vệ) ngắt điện. Sự ngắt này sẽ làm cho dòng điện dân dụng sẽ không còn là tác nhân tiếp tục làm đám cháy mạnh thêm nữa.

Trong các trường hợp sự cố đối với các thiết bị điện gây phát nhiên, nhiều khả năng là chúng làm cháy dây dẫn được bọc cách điện, do đó sẽ xuất hiện dòng điện rò ra vỏ thiết bị, và có thể chúng được truyền xuống đất. Không chỉ thế, trong các trường hợp khác thì dòng điện có nhiều khả năng rò xuống đất và làm mất cân bằng giữa dòng điện đi và dòng điện về trong một mạng điện gia đình. Vậy là ELCB có mặt để ngắt điện.

Thông thường, ELCB đã được nhà sản xuất lắp đặt sẵn bên trong máy nước nóng, tuy nhiên, để an toàn hơn, bạn cũng có thể yêu cầu nhân viên kỹ thuật lắp đặt thêm một ELCB ở bên ngoài để phát hiện các dấu hiệu rò rỉ điện ở mức độ nhỏ hơn.

Lắp đặt ELCB trong mạng điện gia đình, văn phòng

Một mạng điện gia đình (hoặc cả đối với các văn phòng) lý tưởng nhất là lắp các ELCB theo các cấp độ khác nhau theo từng mức phân nhánh của sự cung cấp điện nhằm đảm bảo phù hợp với tình trạng làm việc của chúng. Giả sử mạng điện gia đình của bạn có nhiều nhánh (ví dụ nhiều tầng trong một ngôi nhà) thì sự không hoàn hảo của hệ thống dây dẫn có thể làm cho dòng rò xuống đất tổng là lớn. Ví dụ như tầng 1 của bạn rò một ít, tầng 2 rò một ít, v.v.. và tổng lại thì dòng rò có thể vượt ngưỡng có thể gây giật đối với con người – vậy thì nếu lắp một ELCB tổng có tham số nhỏ sẽ không làm việc được – chúng luôn ngắt nguồn ngay khi được lắp vào hệ thống điện. Với một ELCB lắp đặt tại nguồn tổng (tức là đầu vào của hệ mạng điện) thì chúng cần có tham số chịu dòng điện lớn và cường độ dòng điện lệch cao nhất. Điều này nhằm giúp cho hệ thống không bị ngắt điện toàn bộ khi một ELCB nào đó ở các nhánh dưới cũng bị ngắt do có sự dò điện: Ví dụ một thiết bị nào đó bị rò điện ra vỏ hoặc một ai đó vô tình sờ vào điện ở một nhánh nhỏ thì ở nhánh tổng ELCB sẽ cắt điện, và toàn bộ sẽ mất điện. Tất nhiên rằng sự an toàn là quan trọng nhất bởi vì sự ngắt điện có thể làm bực mình, thiệt hại, nhưng cứu được một người khỏi nguy cơ điện giật thì không có giá nào so sánh được. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, bởi vẫn có cách mắc chúng mà các nhánh con có thể ngắt ở nhánh con mà nhánh tổng không bị ngắt. Vậy thì trong trường hợp này nếu bạn chỉ lắp một ELCB tại một nhánh tổng thì có nghĩa rằng hoặc bạn quá tiết kiệm, hoặc là bạn chưa hiểu biết và nhìn rộng các vấn đề (hoặc cả hai).

 

Như vậy thì cách lắp ELCB trong mạch điện gia đình là như thế nào. Tốt nhất là nên lắp một ELCB tổng với một tham số lớn về tổng cường độ dòng điện chịu đựng qua nó, có dòng rò định mức cao, lắp các nhánh con các ELCB có tham số nhỏ hơn. Cách lắp này còn giúp khoanh vùng các vùng bị rò điện mà không phải dò từng vị trí xem chỗ nào gây rò rỉ nữa.

Tuy nhiên hãy lưu ý đến các thiết bị sử dụng điện quan trọng hoặc thiết bị an ninh: Ví dụ như nguồn nuôi cho chiếc cửa cuốn của bạn và sự điều khiển từ xa, những hệ thống báo động đột nhập, những hệ thống điều khiển hoặc tự động hoá khác trong gia đình của bạn: Nếu chúng được lắp sau một ELCB thì có khả năng là nó sẽ bi vô hiệu hoá bởi ai đó muốn chúng vô hiệu (tạo ra sự rò giả bởi đấu một dây dẫn với đất với một dây ở ngoài ngôi nhà của bạn) hoặc chính bạn cũng khó có thể vào được ngôi nhà của mình bởi cánh cửa không hoạt động nữa do sự cố nào đó về điện trong khi bạn vắng nhà. Vậy thì cần có một dường dẫn điện riêng không qua các ELCB đối với các thiết bị đặc biệt như vậy.