Abeto giải đáp: Bảo quản bánh chưng, bánh tét thế nào để tránh nấm mốc | Nguyễn Kim Blog

Mâm cỗ ngày Tết mà thiếu bánh chưng, bánh tét thì ôi thôi, phải gọi là mất hết cả ngon. Thế nhưng 3 ngày Tết 7 ngày Xuân, phải bảo quản thế nào để bánh chưng, bánh tét không bị ôi thiu là thắc mắc của rất nhiều chị em nội trợ gửi đến Abeto. Do đó, bài viết này, Abeto sẽ hướng dẫn bạn cách bảo quản bánh chưng, bánh tét không thiu mốc, ngon suốt Tết.

Chào Abeto, mỗi độ Tết đến nhà tôi thường tự tay nấu bánh chưng, bánh tét nên số lượng bánh rất lớn và thường xuyên gặp cảnh bánh bị ôi thiu. Vậy làm sao để tôi bảo quản bánh chưng bánh tét không bị mốc đây?

Chào bạn. Muốn sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản mà bánh chưng, bánh tét không bị ôi thiu, bạn có thể tham khảo một số điều sau:

– Rửa và lau sạch lá gói bánh, nếu cẩn thận, bạn có thể trụng lá 1 lượt thật nhanh qua nước nóng để sạch vi khuẩn.

– Gói bánh vừa tay để bánh không lại gạo và ẩm mốc.

– Luộc bánh chín thật kỹ để gạo nếp nở đều.

Bánh chưng gói vừa tay, không quá chặt cũng không quá lỏng sẽ giúp bánh vừa đẹp vừa ngon

Bánh chưng gói vừa tay, không quá chặt cũng không quá lỏng sẽ giúp bánh vừa đẹp vừa ngon

– Làm ráo nước từng loại bánh sau khi luộc chín bằng cách sau:

+ Đặt bánh chưng lên mặt phẳng và đặt một tấm bìa lên bánh, rồi dùng vật nặng đè lên để ép bánh ra hết nước.

+ Bánh tét thì treo lên ở nơi thoáng mát để bánh ráo hết nước.

– Dùng đến đâu chỉ cắt đến đó và bảo quản kỹ.

– Cắt bánh bằng dao sạch, chưa qua sử dụng để tránh các thực phẩm khác bám vào sẽ làm bánh rất dễ bị thiu.

Bạn có thể dùng ngay dây gói bánh để cắt dễ dàng

Bạn có thể dùng ngay dây gói bánh để cắt dễ dàng

Bảo quản bánh chưng, bánh tét ở đâu thì tốt nhất vậy Abeto?

Nơi bảo quản tốt nhất của bánh chưng, bánh tét chính là ngăn mát tủ lạnh. Khi bảo quản, bạn nhớ thường xuyên kiểm tra xem bánh có bị nấm mốc hay không.

Ngăn mát tủ lạnh là môi trường lý tưởng cho bánh chưng, bánh tét

Ngăn mát tủ lạnh là môi trường lý tưởng cho bánh chưng, bánh tét

Trước khi ăn, bạn có thể làm nóng bằng cách đưa vào lò vi sóng hoặc nồi hấp. Ngoài ra bạn cũng có thể chiên, tuy nhiên, nếu chiên bạn chỉ nên chiên từ 1 đến 2 lần vì nếp sẽ hấp thụ lượng dầu lớn khi ăn sẽ không tốt cho sức khỏe.

Nếu bánh chưng, bánh tét đã bị mốc, chua thì xử lý như thế nào?

Bánh chưng và bánh tét là những loại thực phẩm có độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng nên thu hút sự sinh trưởng của vi khuẩn. Khi phát hiện có hiện tượng mốc trên phần lá, bạn cần loại bỏ phần lá cũ bên ngoài ra, sau đó gói lại bằng lớp vỏ mới và luộc bánh thêm 1 lần nữa. Cách làm này giúp cho bánh vừa được diệt khuẩn vừa loại bỏ được các nguy cơ nhiễm mốc và ngăn chặn nấm mốc thẩm thấu vào trong bánh.

Món bánh chưng, bánh tét chiên ăn với củ kiệu là món ăn ai ai cũng mê đó

Món bánh chưng, bánh tét chiên ăn với củ kiệu là món ăn ai ai cũng mê đó

Trường hợp mốc đã vào trong bánh, tốt nhất bạn nên cắt bỏ phần bánh bị hỏng và chiên ngay phần còn ăn được, không nên để lâu do lúc này bánh đã không còn ngon nữa và dễ tích tụ độc tố gây ra ngộ độc thực phẩm.

Hy vọng với những mẹo nhỏ này, bạn sẽ bảo quản bánh chưng, bánh tét trong những ngày Tết tốt nhất.