Ấm áp Tết Bunpimay của lưu học sinh Lào
Mục lục bài viết
Ấm áp Tết Bunpimay của lưu học sinh Lào
Giữa tháng 4, khi gió mùa Tây Nam thổi, bầu trời thanh cao, các dòng sông lớn dồi dào nước thì cũng là dịp nhân dân các bộ tộc Lào đón mừng năm mới- Tết Bunpimay, cầu cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc. Không về được quê đón Tết, nhiều lưu học sinh (LHS) Lào đang sinh sống và học tập tại Thái Nguyên vẫn có những hoạt động vui Tết cổ truyền dân tộc tại trường với các bạn Việt Nam , trong không khí hân hoan, thắm tình đoàn kết.
Lào là đất nước bốn mùa lễ hội. Lễ hội ở Lào hay được gọi là Bun. Nghĩa là phước, làm bun nghĩa là làm phước để được phước. Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi thức do chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh, phần hội chủ yếu là vui chơi, giải trí.
Tết cổ truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm mới, hay còn gọi là Tết Té nước) diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Vì đạo Phật ở Lào có từ lâu đời, phát triển mạnh trở thành quốc đạo, các nhà chiêm tinh học tính ngày tháng theo Phật lịch, nên năm mới bắt đầu vào tháng 4 Dương lịch.
Trong những ngày này, người dân sẽ dậy sớm lau dọn nhà cửa, chuẩn bị cơm nước và những túi nước thơm, tập trung tại các chùa dự lễ tắm Phật, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước no đủ, hạnh phúc, cầu bình an, nghe giảng đạo.
Một nét đặc sắc trong ngày Tết của người Lào chính là lễ hội té nước, buộc chỉ cổ tay để cầu may mắn cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Người Lào quan niệm, nước sẽ gột rửa những điều xấu xa, đem lại cuộc sống mới tốt lành, bình yên, thanh khiết.
Thái Nguyên là một những tỉnh có đông LHS Lào với trên 1.300 em đang học tập, nghiên cứu tại 11 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Với mong muốn tạo không khí vui tươi, vơi nỗi nhớ Tết quê nhà của LHS, hàng năm cứ vào dịp này, Hội Hữu nghị Việt Nam- Lào tỉnh lại phối hợp với các trường tổ chức gặp mặt hữu nghị, chúc Tết các em.
Hoạt động này luôn có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Lào, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào, lãnh đạo tỉnh, thầy cô và hàng trăm sinh viên Lào, Campuchia và Việt Nam…
Hai năm nay, nhiều LHS không thể về quê đón Tết cổ truyền do dịch COVID-19, nhưng các em đang sinh sống và học tập tại Thái Nguyên vẫn được đón một cái Tết ấm áp, vui tươi, đầy đủ nghi lễ truyền thống như: Lễ buộc chỉ tay, té nước, múa Lăm Vông… Các trường luôn tạo điều kiện cho các em được vui Tết, tổ chức các hoạt động vui chơi văn nghệ, thể thao để các em cảm nhận được tình cảm của thầy cô, bạn bè cũng như của người dân Việt Nam.
T.S Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thái Nguyên cho biết: Nhà trường hiện có 300 LHS Lào đang học tập. Thông lệ hàng năm, cứ từ ngày 10-16/4, thầy trò Nhà trường lại tưng bừng tổ chức chuỗi các hoạt động: Thầy dạy tốt trò học tốt, tặng quà, thi văn hóa, thể dục thể thao như múa hát, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu mây… để chào đón năm mới cho LHS Lào. Qua đó động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hai nước Việt- Lào.
Có mặt tại chương trình “Đón mừng Tết Bunpimay Lào năm 2565 và Cholchnamthmay Campuchia năm 2566” tổ chức tại trường Cao đẳng Thái Nguyên, cơ sở 1, chúng tôi cảm nhận được nét đẹp cũng như niềm vui của LHS Lào khi được đón Tết cổ truyền của dân tộc mình.
Trong những bộ trang phục dân tộc đầy họa tiết, hoa văn duyên dáng, các em say sưa biểu diễn văn nghệ, những tiết mục múa Lăm Vông vô cùng ấn tượng, được nhận những lời chúc tốt đẹp, đóa hoa tươi, các phần quà và tham gia nghi thức buộc chỉ tay cùng với bạn bè, thầy cô và các đại biểu người Việt Nam.
Các đại biểu và lưu học sinh Lào cùng tham gia nghi lễ buộc chỉ tay, một trong những nét văn hóa độc đáo trong ngày Tết Bunpimay của người Lào.
Đặc biệt, trong lễ buộc chỉ tay, tất cả mọi người ngồi quây quần xung quanh mâm cúng được chuẩn bị chu đáo, đẹp mắt với tháp chỉ, sợi chỉ kéo dài, có hoa, nến và lễ vật. Sau khi nghe thầy cúng (là một sinh viên Lào am hiểu văn hóa) thực hiện bài khấn, mọi người xung quanh tiến hành buộc chỉ cổ tay cầu phúc, cầu an, hân hoan chúc nhau những lời tốt lành, may mắn trong năm mới.
Em Xamny Thongmay, lớp K164861, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Thái Nguyên, chia sẻ: Đây là năm thứ 3 em được đón Tết tại trường, mỗi năm là một kỷ niệm khó quên khi em được tham gia các nghi lễ; các hoạt động văn hóa, thể thao trước và trong ngày Tết. Tuy xa nhà, không được hưởng không khí Tết truyền thống bên gia đình, người thân nhưng chúng em rất vui vì nhận được sự quan tâm, yêu thương từ các thầy cô, các bác Hội Hữu nghị Việt-Lào và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Chúng em luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình và hứa cố gắng học tập, rèn luyện tốt để không phụ lòng mong mỏi của mọi người.
Được biết, để chuẩn bị đón Tết Bunpimay, từ nhiều ngày trước, các sinh viên Lào đã lên kế hoạch, phân công từng nhóm tập những tiết mục văn nghệ, chuẩn bị các món ăn truyền thống, thực hiện nghi thức té nước… Riêng những sợi chỉ dùng để buộc vào tay cầu may mắn, các lễ vật riêng có cầu bình an trong ngày Tết được các em mang từ Lào sang.
Với các em, đây không chỉ là niềm tự hào, cơ hội để giao lưu, chia sẻ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình mà còn là dịp để gắn kết hơn với Nhà trường và mảnh đất Thái Nguyên.