Ẩm thực của người Tây Nguyên
12 đoàn nghệ nhân của 12 huyện, thành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng thực khách và du khách tham dự Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V – năm 2022 vừa diễn ra tại Đơn Dương bằng những món ăn truyền thống đậm vị cao nguyên.
Món cơm nấu trong ống lồ ô vô cùng đặc sắc của người bản địa Tây Nguyên
Ẩm thực, một thành tố quan trọng, góp phần làm nên nền văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc K’Ho, Mạ, Chu Ru, M’Nông. Mỗi món ăn, thức uống được các nghệ nhân K’Ho, Mạ, Chu Ru và M’Nông chế biến, bài trí, giới thiệu với những người yêu văn hóa – con người Tây Nguyên tại ngày hội cho thấy cộng đồng các dân tộc nơi đây có nền ẩm thực khá phong phú. Điều đó thể hiện qua những món ăn độc đáo, mang đậm vị núi, hương rừng. Món đầu tiên phải kể, đó là món cơm nấu trong ống lồ ô. Món ăn này chỉ xuất hiện trong những sự kiện đặc biệt của gia đình, hoặc cộng đồng dân bon. Để cơm ngon, thơm, dẻo, nghệ nhân phải dày công chọn ra những hạt gạo nếp to, mẩy, trắng, rồi vo gạo thật sạch, đem ngâm với nước khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau đó, đổ gạo vào ống lồ ô, thêm nước cho ngập gạo, cời bếp cho đỏ lửa và nấu. Trong quá trình nấu, phải xoay ống lồ ô liên tục, cũng như giữ cho ngọn lửa cháy không to quá hoặc nhỏ quá để cơm chín đều. Món cơm nấu trong ống lồ ô có vị thơm đặc trưng, ăn rất lạ miệng.
Món thịt xông khói nướng cũng là món ăn phổ biến trong những lần dân bon có hội. Các nghệ nhân cho biết: “Trước kia, thịt xông khói là thực phẩm dự trữ của người bản địa Tây Nguyên. Mỗi khi nhà có khách quý, hay dịp hội Tết, người Tây Nguyên lại lấy loại thịt này ra nướng trên than củi rực hồng để ăn và đãi khách. Thịt xông khói nướng thường được chấm với muối giã ớt xanh cay xé lưỡi. Nay, vấn đề chợ búa đã trở nên thuận lợi, người bản địa Tây Nguyên không cần tích trữ các loại thịt bằng cách treo lên gác bếp nữa, chỉ việc ra chợ mua những thớ thịt tươi ngon rồi mang nướng”. Tương tự, người Tây Nguyên còn có món gà nướng, cá khô nướng, đọt mây rừng nướng…, bên cạnh món rau rừng vô cùng hấp dẫn, khiến ai ăn dù chỉ một lần cũng sẽ nhớ mãi cái hương vị đặc trưng của chúng. Tất nhiên, trong Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V – năm 2022, rượu cần là thức uống lên men không thể thiếu của người bản địa Tây Nguyên. Người Tây Nguyên luôn coi rượu cần là thức uống để gắn kết các thành viên trong cộng đồng, gắn kết cộng đồng này với cộng đồng khác, gắn kết dân bon với các thế lực siêu nhiên.
Trong không khí ngày hội, việc ăn uống đối với người bản địa Tây Nguyên mang rất nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu no bụng, thỏa mãn thị hiếu ẩm thực, còn đáp ứng nhu cầu về tình nghĩa cộng đồng dân tộc, quan hệ giữa con người với con người, quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Ẩm thực của người Tây Nguyên là một phần không thể tách rời của tín ngưỡng người Tây Nguyên. Nó mang nhiều yếu tố tập truyền độc đáo, kết nối người sống với người chết, gắn kết giữa con người với thần linh, bên cạnh việc thể hiện sự sẻ chia, tình đoàn kết, cố kết trong cộng đồng. Các món ăn, thức uống của người bản địa Tây Nguyên K’Ho, Mạ, Chu Ru, M’Nông… trên đất Lâm Đồng bao giờ cũng mang một ý nghĩa thiêng liêng và hết sức trang trọng.
Thực khách và du khách tham dự Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V – năm 2022 tại Đơn Dương đã quá ấn tượng vì được thưởng thức, trải nghiệm, cảm nhận những món ăn, thức uống đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, cũng như được tận hưởng trọn vẹn những âm thanh cồng chiêng ma mị, những điệu xoang đặc sắc của con người Tây Nguyên, để rồi tự hẹn với lòng rằng: Nhất định sẽ có mặt trong Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI – năm 2023 sẽ được Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Lâm Hà tổ chức tại thị trấn Đinh Văn.
Theo TRỊNH CHU (LĐ online)