An Giang: Điểm đến tuyệt vời cho du khách

Tất cả những điều đó đã làm nên một mảnh đất An Giang với vẻ đẹp “non nước hữu tình”, là điểm du lịch thu hút du khách gần xa.

Trần Ngọc

Mảnh đất màu mỡ cho du lịch

An Giang có đồng bằng kết hợp đồi núi khá độc đáo, tạo nên nhiều cảnh quan đẹp cuốn hút du khách. Tỉnh có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc với mùa nước nổi kéo dài 3 – 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm) đã hình thành nên tập quán sản xuất sông nước tạo điều kiện cho địa phương phát triển loại hình du lịch sông nước và du lịch sinh thái miệt vườn.

An Giang còn có khoảng 14.000 ha rừng với các hệ sinh thái đa dạng và phong phú, nhiều hệ động thực vật có giá trị. Các thảm thực vật rừng tập trung ở khu vực đồi núi “thất sơn” tạo nên nhiều cảnh quan đẹp, thích hợp cho các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá tự nhiên.

An Giang là nơi quy tụ tinh hoa văn hóa độc đáo của 4 cộng đồng dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer với nhiều đặc trưng văn hóa truyền thống khác nhau hình thành nên bức tranh văn hóa nghệ thuật sinh động, nhiều màu sắc. Đến An Giang, du khách có thể tìm hiểu rất nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, tiêu biểu như: làng nuôi cá bè Châu Đốc, nghề dệt lụa ở Tân Châu, nghề rèn ở Phú Mỹ (Phú Tân), nghề vẽ tranh trên kính ở Long Điền B, nghề mộc chạm trổ ở Chợ Thủ (H.Chợ Mới)… Đồng thời, những ai muốn khám phá kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của An Giang thì có thể chọn đến 27 di tích cấp quốc gia và 48 di tích cấp tỉnh với nhiều đặc sắc. Với 41 lễ hội, từ lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng, tiêu biểu như: lễ hội Bà Chúa Xứ, lễ hội Chol Chnam Thmay, lễ Đôn Ta, lễ hội đua Bảy Núi, nếu có dịp tham gia, ai cũng sẽ thấy hấp dẫn, lôi cuốn.

Trần Ngọc

Về văn hóa ẩm thực, An Giang có những nét riêng khi có sự hòa hợp trong văn hóa ẩm thực của 4 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, với những món ăn mang hương vị đặc sắc, đặc trưng của địa phương như: mắm, khô và các sản vật mùa lũ… là điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách đến tỉnh này.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Dấu Ấn Việt (Vietmark), nhận xét: “An Giang là vùng đất còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tôi rất thích những cánh đồng lúa bát ngát và những lợi thế để phát triển du lịch miệt vườn mà chỉ An Giang còn giữ được có thể khai thác du lịch được. Nếu địa phương đầu tư tổ chức các sự kiện lễ hội mang tính dài hơi, nhiều ngày hơn để thu hút khách lưu trú thì du lịch của tỉnh còn phát triển thêm”.

Du lịch bật dậy sau Covid-19

Theo thống kê của Sở VH-TTDL An Giang, giai đoạn 2013 – 2020, ngành du lịch An Giang đón gần 56 triệu lượt khách; doanh thu ngành du lịch đạt hơn 25.000 tỉ đồng.

Trần Ngọc

Sau một năm ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến lượng du khách giảm, năm 2022, ngành du lịch An Giang có chuyển biến mạnh mẽ nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tỉnh đã đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch và trong các dịp lễ, tết; các khu, điểm du lịch trong tỉnh đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, chuẩn bị chu đáo, nâng cao chất lượng dịch vụ để đón khách du lịch.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, cho biết: “Năm 2022, An Giang vui mừng, phấn khởi đón hơn 7,3 triệu lượt khách đến tham quan du lịch. Doanh thu ước đạt hơn 4.600 tỉ đồng, vượt xa so với kỳ vọng ban đầu sau khi dịch bệnh được khống chế. Toàn tỉnh An Giang hiện có hơn 15 khu, điểm tham quan du lịch. Trong đó có Khu du lịch Quốc gia Núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm, Điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư là những điểm du lịch thu hút, được du khách trong và ngoài nước biết đến cùng nhiều điểm tham quan du lịch khác trải khắp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh có hơn 15 doanh nghiệp lữ hành, hơn 90 cơ sở lưu trú đón khách du lịch trong nước và quốc tế với chất lượng, dịch vụ luôn được du khách đánh giá cao”.

Trần Ngọc

Tỉnh An Giang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%. Phấn đấu doanh thu từ hoạt động du lịch giai đoạn 2021-2025 đạt 27.800 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2025 tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 7.000 tỉ đồng. Đến năm 2030 tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu GDP chung của tỉnh tăng lên khoảng 13%.

An Giang là vùng đất giàu tài nguyên du lịch. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động du lịch kèm theo sự đồng hành quyết tâm làm du lịch của các doanh nghiệp, công ty du lịch và sự hiếu khách của người dân đã góp phần tạo ấn tượng cho du khách đến tham quan, từng bước giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.