An ninh tư tưởng là gì? Trình bày nhiệm vụ bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng?

An ninh tư tưởng là gì? Nhiệm vụ bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng? Bảo đảm an ninh văn hóa tư tưởng?

    Một trong những đặc điểm nổi bật của thế giới ngày nay là tiến trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Từ sự toàn cầu hóa về kinh tế đang lan tỏa sang tất cả các lĩnh vực khác và có tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống của các quốc gia, dân tộc, thậm chí đến cuộc sống, sinh hoạt của từng cá nhân. An ninh tư tưởng góp phần rất quan trọng trong tiến trình bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn dân tộc.

    Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

    1. An ninh tư tưởng là gì?

    Công tác tư tưởng là hoạt động có mục đích của một giai cấp, một chính đảng nhằm xây dựng, xác lập, phát triển và hoàn thiện hệ tư tưởng, là quá trình phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng trong quần chúng, định hướng các giá trị, tạo niềm tin để thúc đẩy quần chúng hành động vì lợi ích của chủ thể hệ tư tưởng. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác tư tưởng là hoạt động quan trọng hàng đầu của Đảng để hình thành và phát triển hệ tư tưởng, hình thành và phát triển Cương lĩnh, đường lối, chính sách trong từng giai đoạn, truyền bá và bảo vệ hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối, chính sách nhằm xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, xây dựng niềm tin tạo nên sự thống nhất trong Đảng và sự ủng hộ của xã hội.

    Việc xác định rõ bảo đảm an ninh tư tưởng cũng là bảo đảm an toàn dân tộc, an ninh quốc gia. Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý tưởng, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    An ninh tư tưởng trong tiếng Anh được hiểu là Ideological security.

    Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, chịu tác động từ nhiều phía, có nhiều quan điểm, nhiều chuẩn mực giá trị cũng thay đổi, và đạo đức lối sống của một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên có sự suy thoái, xem trọng lợi ích cá nhân, coi thường lợi ích tập thể, nặng về vật chất kinh tế, coi nhẹ đạo lý tinh thần, lo trước mắt, không lo mục tiêu lâu dài. Cho nên, tính tiên phong, gương mẫu, sự xả thân vì sự nghiệp chung của cán bộ, đảng viên ngày càng giảm, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, đặc biệt là nạn quan liêu, tham nhũng “văn hoá chạy chọt” gây mất dân chủ trong bộ máy Đảng và Nhà nước vẫn còn tồn tại.

    Tất cả những điều đó đều trái với bản chất của chế độ chúng ta, đây là “Giặc nội xâm” làm xoá mờ bản chất, làm mục ruỗng bộ máy Đảng và Nhà nước, là mảnh đất màu mỡ, sinh sôi nảy nở những tư tưởng lệch lạc, tiêm nhiễm dễ dàng những tư tưởng thù địch với chế độ với mục tiêu lý tưởng của Đảng ta. Từ đó, không phát huy được sức mạnh của toàn dân vốn là lực lượng cơ bản nhất, thành trì vững chắc nhất trong công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, an ninh tư tưởng nói riêng.

    2. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng:

    50 năm qua lực lượng Bảo vệ An ninh nội bộ  và văn hóa – tư tưởng (BVANNB và VH – TT) đã trực tiếp giải quyết nhiều vụ án có liên quan tới an ninh hết sức quan trọng, phát hiện và đập tan kế hoạch xâm nhập nội gián của các cơ quan tình báo nước ngoài.

    Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, đòi hỏi lực lượng An ninh nhân dân, phải giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong điều kiện toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam. Các chức năng cơ bản của Cục BVANNB và VH – TT hầu như không thay đổi. Ðó là tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh tổ chức công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh chống địch xâm nhập cài cắm nội gián, tác động chuyển hóa nội bộ, bảo vệ đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa – tư tưởng; hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ đối với lực lượng an ninh nội bộ và văn hóa – tư tưởng của các đơn vị, địa phương trong cả nước…

    Những năm gần đây, lực lượng BVANNB và VH – TT đã thực hiện tốt vai trò tổ chức tham mưu trên lĩnh vực bảo vệ an ninh nội bộ và an ninh văn hóa – tư tưởng; đã phối hợp với các lực lượng đấu tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu và hoạt động của các đối tượng từ nước ngoài xâm nhập, tác động, phá hoại tư tưởng nhằm chuyển hóa nội bộ và chống phá Nhà nước ta; lực lượng BVANNB và văn hóa- tư tưởng đã tham mưu và phối hợp với các cơ quan Nhà nước và vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống tiêu cực tham nhũng, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn nội bộ…

    Nhiệm vụ nặng nề, gian khổ và vinh dự của lực lượng Công an nhân dân được Ðảng và nhân dân tin cậy là phải bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, phục vụ có hiệu quả quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của đất nước. Phát huy truyền thống vẻ vang lực lượng BVANNB và văn hóa- tư tưởng cả nước cần tập trung thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản sau đây để góp phần ổn định chính trị, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

    Trước hết, chủ động tham mưu cho Bộ Công an đề xuất với Ðảng, Nhà nước, các ngành về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi, bảo vệ bí mật công nghệ, bản quyền. Triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng về an ninh quốc gia, tăng cường sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật, báo chí – xuất bản, giáo dục – đào tạo, y tế… Làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, phát hiện và ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chuyển hóa từ bên trong thông qua các chương trình, dự án.

    Hai là, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên  truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh, không để bị tác động tiêu cực của trào lưu tư tưởng, văn hóa, lối sống trái thuần phong mỹ tục; cảnh giác với âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch, có ý thức tự bảo vệ mình, không để địch và phần tử xấu lôi kéo.

    Ba là, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng BVANNB và VH – TT các cấp phải đổi mới tư duy nghiệp vụ, phương pháp công tác phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BVANNB và VH-TT, hoàn thiện các văn bản pháp lý về BVANNB và VH – TT phù hợp với tình hình mới. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng BVANNB và VH – TT phải có kiến thức về hội nhập, nắm vững các quan điểm chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, các quy định của ngành về bảo vệ an ninh quốc gia trong quá trình hội nhập để luôn ở thế chủ động, tranh thủ được thời cơ thuận lợi, hạn chế nguy cơ, cảnh giác phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại nội bộ của các thế lực thù địch và bọn tội phạm khác.

    3. Bảo đảm an ninh văn hóa tư tưởng:

    Trước tình hình trên, để chủ động trong công tác bảo đảm an ninh trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng, góp phần hạn chế những nguy cơ, thách thức và tranh thủ thời cơ do tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang lại, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện tốt một số chủ trương và giải pháp sau:

    Một là , cần thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về công tác bảo vệ an ninh văn hóa – tư tưởng. Phải xác định rằng công tác bảo vệ an ninh văn hóa – tư tưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng.

    Trọng tâm của công tác bảo vệ an ninh văn hóa – tư tưởng hiện nay là phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp quán triệt thực hiện đúng. Phải bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thúc đẩy giao lưu và hợp tác hóa trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao đời sống của nhân dân lao động.

    Hai là , quan tâm chỉ đạo và tổ chức thường xuyên công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống; khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, đề cao các giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống lành mạnh của người Việt Nam. Các cấp, các ngành cần tăng cường các hình thức tuyên truyền giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, niềm tự hào dân tộc; nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh kịp thời, kiên quyết làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh học tập, thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng về văn hóa, văn nghệ.

    Ba là , đầu tư phát triển, tăng cường sự chỉ đạo, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong xã hội; xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa có lập trường, tư tưởng vững vàng, có tri thức, giàu tình cảm, có đạo đức cách mạng trong sáng và lối sống lành mạnh. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ngăn ngừa các khuynh hướng “thương mại hóa”, “tư nhân hóa” hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục – đào tạo.

    Bốn là , tăng cường công tác lãnh đạo các hoạt động báo chí, xuất bản phát thanh, truyền hình, nhất là trong việc định hướng chính trị – tư tưởng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Trước mắt, cần rà soát, sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các ngành, các cấp chủ động phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh những vi phạm, sơ hở, lỏng lẻo trong quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trên các lĩnh vực này. Tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các quy định của Nhà nước về hoạt động và dịch vụ văn hóa, nhất là thực hiện pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và các địa phương. Chú trọng làm tốt công tác nhân sự các cơ quan văn hóa ở trung ương và địa phương để củng cố nội bộ thật sự trong sạch, vững mạnh.

    Năm là , các cơ quan chức năng cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, đề ra các chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng. Phối hợp tổ chức tốt cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, thực hiện phương châm tư tưởng phải đi trước một bước, không để bị động đối phó. Chủ động phát hiện các vấn đề phức tạp nảy sinh trong hoạt động và dịch vụ văn hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự để tham mưu cho Đảng, Nhà nước; kiến nghị các ngành, các cấp có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời nhằm bịt kín những sơ hở, thiếu sót, ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn xâm phạm an ninh quốc gia nói chung, an ninh trong lĩnh vực văn hóa – tư tưởng nói riêng.

    Kết luận: Trong bối cảnh chung đó, về mặt tích cực, nhờ mở rộng không gian giao lưu quốc tế, chúng ta có khả năng, điều kiện nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao sự hiểu biết về nền văn hóa thế giới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Việc giữ vững và đảm bảo về an ninh tư tưởng sẽ là yếu tố tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh đất nước.

      Xổ số miền Bắc