An sinh xã hội thế giới

Vừa qua, tại TP.HCM, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị thực hiện Đề án 161 và các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN khu vực phía Nam.

Ngày 25/1/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025. Theo đó, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2019, có 9/10 Bộ, ngành phụ trách 15 lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của ASEAN tại Việt Nam và 58/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 – 2020 thực hiện Đề án.

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, việc thực hiện nội dung của Đề án 161 đã có một số kết quả đáng kể. Trong đó, công tác triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân đã được thực hiện thông qua việc nâng cao năng lực thể chế, kiện toàn cơ cấu tổ chức và cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các hoạt động xây dựng cộng đồng hòa nhập ở các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào việc tăng cường, mở rộng và thực hiện chính sách về an sinh xã hội, lao động, việc làm và các chính sách y tế, giáo dục, trợ giúp đột xuất, hỗ trợ cho người cao tuổi, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác, thúc đẩy bình đẳng giới…

Các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững đã huy động được các địa phương thực hiện thông qua nhiều hoạt động, chương trình khác nhau, bao gồm cả huy động sự tham gia của người dân về bảo vệ môi trưởng, tài nguyên và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa…

Bên cạnh đó, sau 3 năm triển khai Đề án, các hoạt động xây dựng cộng đồng năng động đã được triển khai đạt các mục tiêu đề ra với việc xây dựng một xã hội mở và thích ứng, trong đó áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, khuyến khích các hoạt động tình nguyện và thúc đẩy hình ảnh của ASEAN, xây dựng một xã hội sáng tạo đổi mới và thích ứng với việc tăng cường tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục và đào tạo, từng bước xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh trong ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, kết quả đánh giá sơ kết thực hiện Đề án 161 cho thấy sự chủ động và cam kết của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN trên nhiều phương diện.

Thứ trưởng nhận định, Đề án đã thành công trong việc lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu và rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa – xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số khoảng trống như vấn đề truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của các cán bộ, nhân dân về ASEAN nói chung và về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng; sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đúng mức; kế hoạch triển khai Đề án từ Trung ương đến địa phương bị chậm so với dự kiến; cơ chế phối hợp thực hiện còn chưa chặt chẽ ở cấp địa phương và giữa địa phương với các Bộ, ngành; còn thiếu hoặc có rất ít nguồn lực riêng biệt đảm bảo cho việc thực hiện Đề án.

Các diễn giả và đại biểu tham dự tọa đàm tại hội nghị.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thông qua các hoạt động hợp tác hướng đến con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN lấy người dân là trung tâm và có trách nhiệm xã hội, nhằm tạo sự đoàn kết sự thống nhất lâu bền của các quốc gia. Thông qua đó, xây dựng một xã hội có bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, rộng mở, nơi mà đời sống phúc lợi của người dân được nâng cao.

Tại Hội nghị, ngoài việc chia sẻ và thảo luận về các kết quả đánh giá thực hiện Đề án 161, các đại biểu còn được nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng; có thêm nhiều kiến thức bổ ích về các chủ đề quan trọng như lịch sử của việc Việt Nam gia nhập ASEAN và lợi ích ASEAN mang lại, đặc biệt là chính trị – an ninh; những lợi ích về thương mại và đầu tư của ASEAN đối với Việt Nam; ý nghĩa của Đề án 161 và sự kết nối của Đề án trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam… Đồng thời, chia sẻ về những ưu tiên trong Kế hoạch công tác khu vực của Cơ quan chuyên ngành, lợi ích đối với Việt Nam và những thách thức trong việc thực hiện; Vấn đề bạo lực học đường; Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giám sát trong ngành giáo dục; Nguyên nhân bạo lực học đường./.