Ấn tượng từ một Lễ hội văn hóa tâm linh mang đậm tính nhân văn

Năm 2023, sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức trở lại và cũng là lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp thành phố. Với tinh thần phát huy truyền thống Văn hóa, Đạo pháp, Dân tộc và vui Xuân trẩy hội trên quê hương danh thắng Ngũ Hành Sơn cùng không khí trang trọng, văn minh, sự thân thiện và mến khách của người dân thành phố, các du khách thập phương sẽ nhớ mãi một Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng huyền thoại, sâu lắng, đầy nhân văn, nghĩa tình nhưng cũng thật trẻ trung, năng động.

Khởi nguyên từ một lễ hội thuần túy tôn giáo, ngày nay, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã trở thành một trong những lễ hội dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là lễ hội quan trọng của đời sống tinh thần của quý chư tôn đức tăng, ni bà con Phật tử nói riêng, người dân thành phố Đà Nẵng nói chung với những nét đặc trưng và độc đáo của mình.

Vì vậy, ở lần trở lại này, Ban tổ chức Lễ hội đã nỗ lực, không ngừng đổi mới để chương trình Lễ hội ngày càng phong phú, hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và du khách gần xa.

Lễ hội Quán Thế Âm chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Ngô Thị Kim Yến cho biết: “Năm nay, Lễ hội được tổ chức chuyên nghiệp hơn, quy củ hơn nhằm đưa lễ hội đến với đông đảo người dân, du khách và tạo thêm những cầu nối về văn hóa đối với những đất nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng, ngày càng phát huy hiệu quả những giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung, Lễ hội Quán Thế Âm nói riêng, xứng đáng với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được phong tặng”.

Trong suốt 3 ngày diễn ra Lễ hội, các đồng bào và du khách thập phương được hòa mình vào những nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo, giúp mọi người lắng nghe tiếng yêu thương tự lòng mình, hòa nhập cùng hạnh nguyện qua 32 ứng thân cứu đời của Quán Thế Âm Bồ Tát, đem đến cho đời sống người dân sự an vui, từ ái, vượt qua mọi ưu tư, phiền não của tham, sân, si…; những ứng thân và hạnh nguyện ấy đã tìm thấy trong dòng lịch sử dựng xây, giữ gìn đất nước ta.

Đan xen với các nghi lễ Phật giáo còn có nghi lễ truyền thống của nhân dân địa phương: Lễ tế Xuân; Lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân công chúa;…

Song song đó, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc: chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội; biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản; hô hát Bài chòi; các góc Trà thư kết hợp biểu diễn âm nhạc dân tộc; triển lãm mỹ thuật, tranh ảnh, thư pháp, đá cảnh; trình diễn nghệ thuật nấu ăn Món chay; hội Đua thuyền truyền thống, hội cờ làng, kéo co… đã tạo nên một Lễ hội Quán Thế Âm vừa trang nghiêm, trầm mặc nhưng cũng tràn đầy sức sống, tươi vui, rộn ràng.

Theo ông Tạ Tự Bình – Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Phó Trưởng ban tổ chức Lễ hội, bên cạnh việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe, thể hiện sự khéo léo của người chơi, các trò chơi dân gian còn góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đồng thời, đem đến cho người dân và du khách những trải nghiệm độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách đến với Đà Nẵng”.

Hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm là sống với tâm hồn vô ngã vị tha, thể hiện tiếng nói hòa bình, tiếng nói yêu thương trong lòng nhân loại. Vì thế, hình tượng Quán Thế Âm rất gần gũi với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Cũng vì lẽ đó, nghi lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn – Lễ vía đức Bồ tát Quán Thế Âm thu hút rất đông tăng ni phật tử, khách du lịch đến tham quan, hành hương. Đây cũng là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi Lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Có mặt tại chùa Quán Thế Âm từ 4 giờ sáng, Chị Nguyễn Thị Sương (người dân thành phố) và là một phật tử thuần thành cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến 19/2 âm lịch là chị đến chùa để dự Lễ và cầu mong gia đình được bình an.

‘Sau thời gian bị gián đoạn bởi COVID-19, năm nay, hay tin Lễ hội được tổ chức trở lại nên tôi rất vui mừng. Tôi đến chùa từ sớm và tìm chỗ ngồi phù hợp, gần sân khấu để có thể tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan nhân vật hóa trang Quán Thế Âm”, chị Sương bày tỏ.

Đến Đà Nẵng du lịch trong những ngày đầu tháng 3, gia đình anh Trần Minh Đức (khách du lịch đến từ Bắc Giang) tranh thủ sắp xếp thời gian đến dự Lễ và chiêm bái.

“Tôi cảm thấy may mắn khi đến Đà Nẵng du lịch cùng gia đình vào đúng dịp Lễ vía Phật Quán Thế Âm. Khung cảnh ở chùa vô cùng trang nghiêm. Hy vọng gia đình tôi sẽ có cơ hội quay trở lại Đà Nẵng vào đúng dịp Lễ hội năm sau”, anh Đức nói.

Đến chùa dự Lễ, ai cũng mang theo những ước nguyện về sự bình an. Với chị Nguyễn Thị Thanh Nhã (người dân thành phố) cũng không ngoại lệ.

“Đây là lần thứ hai tôi cùng gia đình mình tham dự Lễ hội Quán Thế Âm. Không khí lễ hội năm nào cũng nhộn nhịp và đông vui. Tôi cầu mong mọi người đều bình an và hạnh phúc sau thời gian khó khăn do dịch bệnh COVID-19”, chị Nhã chia sẻ.

Bên cạnh đó, Lễ tạ, pháp đàn, hoa đăng được thực hiện vào tối 10-3 (19-2 âm lịch), là nghi lễ Phật giáo cuối cùng tại Lễ hội Quán Thế Âm để cúng tạ sơn thủy, thổ thần và các thần linh đã phù hộ cho Lễ hội thành công.

Sau khi cúng tạ xong, những ngọn nến lồng vào hoa sen được thả xuống dòng sông, Mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người.

Người tham dự thả hoa đăng có nhiều độ tuổi khác nhau, có lẽ trải qua thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đa số lời ước nguyện mà người dân và Phật tử gửi kèm trong những chiếc hoa đăng là cầu mong sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình.

Cầm trên tay hoa đăng trước khi thả xuống sông, chị Nguyễn Thị Thảo (trú quận Liên Chiểu) mong muốn gia đình được bình an, hạnh phúc, công việc suôn sẻ.

Tương tự chị Thảo, chị Trần Anh Thư (trú quận Thanh Khê) chia sẻ: “Mình cầu cho quốc thái dân an, mọi người luôn được vui vẻ, no ấm”.

Khi đến cửa Phật, hòa vào dòng người hành Lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời – đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn mang đậm tín ngưỡng tôn giáo Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt – Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là sự kết tinh những giá trị văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống của dân tộc dân tộc Việt Nam. Tuy mang màu sắc Phật giáo song Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn lại tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

“Quan Âm mười chín tháng hai

Ngũ Hành Lễ hội ai ai cũng về”

Qua mỗi lần tổ chức, Ban tổ chức Lễ hội mong muốn du khách thập phương sẽ lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng về một Lễ hội văn hóa tâm linh mang đậm tính nhân văn của một vùng non nước sơn thủy hữu tình của thành phố Đà Nẵng. Để mỗi dịp tháng hai về, các chư tôn đức tăng, ni, đồng bào, Phật tử và du khách cùng nhau chờ đợi và quy tụ về Ngũ Hành Sơn để cùng nhau vui xuân trẩy hội trong không khí trang trọng, văn minh cùng sự thân thiện, mến khách của người dân Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.

Sinh sống và làm việc tại Việt Nam được 3 năm, đến Đà Nẵng lần này, anh Michael (du khách đến từ Đức) hào hứng hòa mình vào dòng người đông đúc và không khí rộn ràng của Lễ hội.

“Tôi đã đến Đà Nẵng rất nhiều lần. Tôi cũng từng nghe bạn của tôi kể về Lễ hội Quán Thế Âm và đó là lí do hôm nay tôi có mặt ở đây. Tôi ăn chay được 14 năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến các nghi lễ tôn giáo và tôi cũng rất thích thú các hoạt động, trò chơi truyền thống tại Lễ hội. Người dân địa phương rất thân thiện, hòa đồng và thật sự khiến tôi bất ngờ bởi sự mến khách và tốt bụng”, anh Michael chia sẻ.

Cùng con gái đến tham quan Thư viện Vạn Hạnh vừa được khai trương trong dịp Lễ hội năm nay, ông Nguyễn Thanh Trường (khách du lịch đến từ Quảng Ngãi) không khỏi bất ngờ trước những đầu sách được trưng bày tại đây cũng như không khí chùa Quán Thế Âm dịp Lễ hội.

“Đây là đầu tiên tôi đến Đà Nẵng và tình cờ trúng dịp Lễ hội Quán Thế Âm. Không khí rất rộn ràng và lực lượng an ninh có mặt ở tất cả các khu vực để đảm bảo an ninh trật tự nên chúng tôi cũng khá yên tâm”, ông Trường bày tỏ.

Trở lại chùa Quán Thế Âm sau 30 năm, ông Nguyễn Thanh Sơn (khách du lịch đến từ Kiên Giang) quyết định ở lại Đà Nẵng thêm 3 ngày để tham dự hết các hoạt động của Lễ hội Quán Thế Âm.

“Đi từ đầu đường Sư Vạn Hạnh vào là đã thấy không khí Lễ hội rộn ràng và công tác chuẩn bị khá chu đáo. Đặc biệt, công tác an ninh được đảm bảo, mình không bị người buôn bán hàng chèo kéo hay chặt chém. Đó là điều mà tôi thích nhất khi tham dự Lễ hội”, ông Sơn nói.

Với mục tiêu tổ chức Lễ hội đặc sắc, văn minh với tiêu chí “5 Không”: Không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; Không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; Không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; Không chèo kéo khách, nâng giá, ép giá; Không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan, Ban tổ chức Lễ hội đã thành lập Tiểu ban An ninh – Trật tự, Vệ sinh – Môi trường và Y tế do Phó Giám đốc Công an thành phố làm Trưởng Tiểu ban với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan để bảo đảm vừa phát huy các giá trị đặc sắc của Lễ hội truyền thống vừa đảm bảo tính văn minh.

Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, Công an thành phố bố trí 11 Tổ công tác. Trong đó, có 3 tổ tuần tra kiểm soát, 4 tổ chốt chặn, 2 tổ thường trực bảo đảm an ninh trật tự, 2 tổ bảo đảm an ninh trật tự đua thuyền và xe hoa với tổng quân số thường trực gần 200 cán bộ chiến sĩ.

Cùng với đó, phối hợp với Công an quận Ngũ Hành Sơn, Công an phường Hòa Hải tiến hành phân luồng, điều tiết giao thông; khảo sát tại các vị trí tập trung đông người để lắp đặt camera phục vụ công tác kiểm soát tình hình, bảo đảm an ninh trật tự nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra một cách trang nghiêm, an toàn cho du khách thập phương và người dân tham gia lễ hội.

Các Tổ kiểm tra liên ngành cũng liên tục ra quân kiểm tra, rà soát các gian hàng kinh doanh nước giải khát, thực phẩm tại lễ hội, không để tình trạng vị phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chèo kéo khách, ép giá. Hàng hóa tại các quầy ăn cũng được niêm giá công khai để người dân biết và chọn món ăn phù hợp.

THỦY THANH – THANH THẢO