Ấn tượng văn hóa đồng bằng Nam Bộ
“Giữa thiên nhiên hài hòa, ứng xử điệu nghệ, người phương Nam đã tạo được dấu ấn miệt vườn của văn minh sông nước”.
Nghiên cứu đặc điểm, đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long để từ đó thấy được những tác động từ nhiều bình diện, góp phần hình thành đặc trưng: lịch sử, nếp sống, văn hóa, tư duy, v.v. trong con người Nam Bộ. Những đặc điểm nổi bật mang tính chất Nam Bộ này, cần phải được nghiên cứu trong tương quan thời gian – lịch sử và không gian – vùng đất, thì mới mong xác lập được những gì tiêu biểu, điển hình; đồng thời, mới hy vọng lý giải được cơ sở hình thành những nét riêng ấy.
Bằng những nghiên cứu công phu và tâm huyết, thông qua cuốn sách “Ấn tượng văn hóa đồng bằng Nam Bộ”, tiến sĩ Huỳnh Công Tín đã nêu bật những đặc trưng của người Nam Bộ qua lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán… Cuốn sách sẽ khắc họa ấn tượng khó phai trong lòng độc giả qua một số bài viết tiêu biểu như: Ấn tượng “Sông nước” qua diễn đạt người Nam Bộ; Tập tục trưng bày hoa, trái ngày Tết ở quê Nam Bộ; Tập tục qua bài vè Tết Nam Bộ; Ca dao – Dân ca An Giang; Chợ nổi ở đồng bằng; Con đường hoa kiểng Cái Mơn; Cái cười dân gian Nam Bộ và Bắc Bộ; Văn hóa Khmer Nam Bộ…