Ảnh hưởng của Phật Giáo tới văn hóa Trung Quốc

Tổng hợp và biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Phật Giáo ra đời tại Ấn Độ cách nay khoảng 2.500 năm, là sản phẩm của một cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng ở quốc gia Nam Á này.

Từ thời nhà Tần (221-206 TCN), Phật Giáo như một hệ tư tưởng, một nền văn hóa bắt đầu từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc. Đến thời Đông Hán (25-220 SCN) Phật Giáo bắt đầu phát triển mạnh ở Trung Quốc, có ảnh hưởng rộng lớn, sâu sắc tới văn hóa Trung Quốc. Kèm theo Phật Giáo còn có nhiều thành tựu văn học, nghệ thuật, thiên văn, y học, logic học … của nền văn minh Ấn Độ cũng truyền vào Trung Quốc. Ví dụ sách sử Tùy Đường có chép hơn chục tên sách y học và phương thuốc của Ấn Độ; trong Phật Giáo hệ Tạng ngữ có môn học Y Phương Minh. Những bản kinh Phật Giáo khắc gỗ mang từ Ấn Độ về đã xúc tiến sự phát triển công nghệ in ở Trung Quốc. Các ấn bản khắc gỗ cổ nhất trên thế giới nay còn giữ được đều là bản in kinh sách Phật Giáo.

Như vậy sự truyền bá Phật Giáo không chỉ mang đến Trung Quốc một tôn giáo lớn có tính toàn cầu mà còn mang đến cả một nền văn hóa lớn, có ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa Trung Quốc trên nhiều mặt.[Chính người Trung Quốc cũng thừa nhận: ảnh hưởng của Trung Quốc đối với văn hóa Ấn Độ kém xa ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hóa Trung Quốc].

Sau thế kỷ 13, Phật Giáo ở Ấn Độ dần dần tiêu vong; Trung Quốc trở thành quê hương thứ hai của Phật Giáo. Hiện nay Phật Giáo đang truyền bá trên thế giới chủ yếu là từ Trung Quốc truyền đi, gọi là Phật Giáo Hán truyền nhằm để phân biệt với Phật Giáo Nam truyền — là Phật Giáo từ Ấn Độ truyền sang Nam Á và Đông Nam Á [ví dụ Phật giáo ở Campuchia], quy mô nhỏ hơn nhiều so với Phật Giáo Hán truyền. Trung Quốc đất rộng người đông, Phật Giáo được Trung Quốc tiếp nhận và phát triển mạnh mẽ rồi từ đây truyền sang Nhật Bản, Việt Nam, bán đảo Triều Tiên, hình thành vành đai văn hóa Phật Giáo ở vùng Đông Á.

Vì sao xã hội Trung Quốc tiếp nhận Phật Giáo?

Trung Quốc thời xa xưa đã là một nước lớn có nền văn hóa phát triển hàng đầu thế giới và mang nặng bản sắc dân tộc độc đáo [nhưng người Trung Quốc lại không có một tôn giáo lớn nào của riêng mình; Nho giáo không phải là tôn giáo; trong khi người Nhật có tôn giáo bản địa là Thần Đạo tức Shinto 神道]. Vì sao Trung Quốc lại tiếp nhận Phật Giáo, một loại hình văn hóa của nước ngoài và sau đó cải tạo thành một thành phần của văn hóa nước mình? Theo các học giả Trung Quốc, ở đây có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, nguyên nhân về mặt tư tưởng.

Học thuyết đạo Phật tuy có những chỗ mâu thuẫn với nền văn hóa truyền thống cố hữu của Trung Quốc nhưng lại có những chỗ ăn nhập với nền văn hóa này. Ví dụ, chủ thể văn hóa phong kiến Trung Quốc là Nho Giáo chủ trương con người phải sống cuộc đời hiện thực tích cực, đề cao “Lễ Nhạc”, về chính trị chủ trương “đức trị”, “nhân chính” [“nhân” là thương người], đồng thời rất chú trọng giáo dục luân lý đạo đức.

Nhưng Khổng Tử không hề quan tâm tới vấn đề “Tử (chết)”. Trong khi đó toàn bộ lý luận Phật học lại tập trung vào nỗi khổ cuộc đời và sự giải thoát nỗi khổ đó; trên thực tế Phật Học là lý luận về sống và chết. Như “luân hồi”, “nghiệp cực”, “nhân duyên”, “nhân quả”, “ba kiếp [tam thế]”, là những thứ không có trong văn hóa cố hữu của Trung Quốc. Phật học đã có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng triết học Trung Quốc. Thái độ thờ ơ của Phật Giáo đối với các ham muốn thế tục đã mở đường cho quan niệm “Tồn thiên lý, diệt nhân dục”[i] của trường phái triết học có tên “Lý Học” của Trung Quốc.[ii]

Mặt khác, Phật học cũng có nhiều điểm thống nhất với văn hóa truyền thống cố hữu Trung Quốc, có tác dụng bổ khuyết lẫn nhau. Ví dụ triết học tư biện [triết học chỉ suy luận đơn thuần mà không dựa vào kinh nghiệm và thực tiễn] của Lão Trang (Đạo Gia) ăn nhập với lý luận Không Tông[iii] của Phật Học… “Phổ độ chúng sinh”, “Nhân ái”, “Tích cực vi nhân”, “Đạo Trung Dung” vừa không khổ hạnh cũng không ngu dốt tham lam [nguyên văn chữ Hán: “ngoan tham”] mà Phật Học đề xướng hầu như chẳng xa cách bao nhiêu với “Nhân nghĩa”, “Trung thứ”, và “Đạo Trung dung” của Nho Giáo.

Thứ hai, nguyên nhân về mặt xã hội.

Sau khi Phật Giáo truyền vào Trung Quốc, tuy rằng có xuất hiện sự kiện một số vương triều Trung Quốc bài xích, đàn áp Phật Giáo, nhưng về cơ bản tầng lớp thống trị phong kiến Trung Quốc ra sức đề cao Phật Giáo. Ở đây có một số nguyên do trực tiếp về chính trị. Ví dụ Nữ hoàng Võ Tắc Thiên có nhiều việc làm trái với Nho Giáo, bị các nhà Nho chê trách, bà ta phải lấy các kinh điển Phật Giáo làm chỗ dựa thần học để lên ngôi. Hoàng đế Tùy Dạng [giết cha để cướp ngôi vua], Minh Thành Tổ [cướp ngôi vua của cháu là Huệ Đế], các vị vua cướp ngôi này cũng có tâm lý tương tự như vậy khi họ tôn sùng Phật Giáo. Thời Nam Bắc Triều và Tùy Đường, trong xã hội Trung Quốc lưu truyền rộng rãi lý luận được tầng lớp cai trị cổ súy: “Mọi chúng sinh đều có Phật tính”, “Đốn ngộ thành Phật”. Ví dụ Tống Văn Đế và Lương Vũ Đế Nam Triều đều ra sức đẩy mạnh tuyên truyền thứ lý luận đó. Đấy chỉ là hiện tượng bên ngoài, thực ra phía sau đều có mục đích chính trị.

Trong mấy trăm năm sau khi ra đời, Phật Giáo luôn luôn chỉ đường dẫn lối cho đời sống thế tục và tinh thần của mọi người, gắn liền với đời sống hàng ngày của mọi người. Vì thế rất nhiều cao tăng đại đức vừa là nhà hoạt động tôn giáo lại vừa là nhà văn, nghệ sĩ, thầy thuốc, nhà thiên văn…, kết quả làm cho Phật Giáo có ảnh hưởng lớn tới văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Ảnh hưởng của Phật Giáo đối với văn hóa Trung Quốc

Văn hóa truyền thống của Trung Quốc chịu ảnh hưởng rất lớn của các loại tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo. Ảnh hưởng này rất toàn diện: các lĩnh vực triết học, ngôn ngữ, thi ca, tiểu thuyết, thư pháp, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, v.v… đều chịu ảnh hưởng sâu rộng của Phật Giáo.

Ảnh hưởng đối với triết học.

Bản thân triết học của Phật Học ẩn chứa những tri thức rất sâu xa, có những kiến giải sâu sắc độc đáo trong quan sát đời sống con người, đưa ra sự phản tỉnh có lý trí về loài người, phân tích các khái niệm. Triết học cổ đại Trung Quốc kết mối duyên bền vững với Phật Giáo. Huyền Học ở thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc Triều trước tiên làm môi giới truyền bá Bát Nhã Học của Phật Giáo, sau đó giao tiếp hòa hợp với Bát Nhã Học, cuối cùng bị Bát Nhã Học thay thế. Trong hai đời Tùy-Đường, tuy Nho, Thích, Đạo đều cùng phát triển nhưng nói cho đến cùng, Phật Giáo là trào lưu tư tưởng lớn mạnh nhất. Thời kỳ cuối Đường, đầu Tống, chỉ có Thiền Tông thịnh hành nhất, chi phối giới tư tưởng. Lý Học Tống Minh trên phương thức cấu tạo Bản Thể Luận “Lý nhất phân thù”, phương thức tu hành “Minh tâm kiến tính”rõ ràng đều hấp thu thành quả tư duy của Phật Giáo.

Ngay trong triết học Trung Quốc cận đại, Phật học cũng chiếm địa vị khá quan trọng. Triết học cận đại Trung Quốc bắt đầu từ phái Cải lương (phái Duy tân) của giai cấp tư sản. Lương Khải Siêu từng nói “Các nhà Tân Học cuối đời Thanh hầu như chẳng ai không có quan hệ với Phật Học” (xem: “Thanh đại học thuật khái luận”). Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và Đàm Tự Đồng là những người như vậy. Có thể nói ai không hiểu triết học Phật Giáo thì rất khó hiểu được hình thái cụ thể của triết học Trung Quốc sau Ngụy Tấn. Dĩ nhiên Phật Giáo là hệ tôn giáo duy tâm nhưng Phật Giáo dùng các thủ pháp phân tích cảm giác, khái niệm, thuộc tính vật chất để luận chứng quan điểm duy tâm của mình, chứa đựng không ít nội dung tinh vi, tư biện, rất nhiều phương pháp phân tích logic và quan điểm biện chứng. Tất cả đã làm cho triết học cổ đại Trung Quốc thêm sâu sắc và phong phú. Ngoài ra thuyết vô thần duy vật của Trung Quốc cổ đại bao giờ cũng phát triển trong cuộc đấu tranh với thuyết hữu thần duy tâm. Về mặt này, Phật Giáo đúng là đã có tác dụng như một giáo trình phản diện.

Ảnh hưởng đối với văn học

Tăng cường nội dung quốc ngữ. Tại Trung Quốc sau đời Hán, các học giả chỉ tôn sùng cổ học, rất ít người dám sáng tác mới, nếu có sáng tác thì cũng vẫn chỉ dùng từ ngữ cổ. Khi kinh Phật bắt đầu được dịch ra Hán ngữ, ngoài những danh từ dịch âm (phiên âm) ra, mới đầu khi dịch nghĩa cũng nặng về dùng từ cổ; về sau qua nghiên cứu lâu dài đã cảm thấy các từ ngữ cổ rất khó tương thích với nghĩa mới, cho nên các học giả đã sáng tạo từ ngữ mới. Điều đó vô hình trung đã xúc tiến quá trình làm phong phú nội dung Hán ngữ. Bộ “Phật học Đại từ điển” ngày nay tuy chưa thu lượm đủ toàn bộ các danh từ mới trong kinh Phật, nhưng ai đã đọc từ điển này đều hết lời khen ngợi.

Biến đổi ngữ pháp và thể văn. Kinh Phật dùng thể văn khác với các sách thông thường của Trung Quốc cổ đại, nổi bật nhất là rất ít dùng các chữ chi, hồ, giả, dã, hỉ… cũng ít dùng các mỹ từ, câu văn mỹ miều. Đồng thời kinh Phật dùng nhiều văn pháp đảo ngược nhưng lại ít dùng hình dung từ. Trong các thiên kinh Phật, tản văn và thi ca thường đan xen với nhau.

Phát triển phong cách nghệ thuật văn học. Từ Lục Triều đến Lưỡng Tống, Phật Giáo phát triển mạnh, nhiều nhà thơ kết bạn với giới tăng lữ, sáng tác thi ca bắt đầu chịu ảnh hưởng của Phật Giáo. Các thi sĩ nổi tiếng như Thổ Duy, Bạch Cư Dị, Liễu Tông Nguyên theo đạo Phật, nhiều tác phẩm của họ chứa đựng tư tưởng Phật Giáo. Sau Đường Tống, Thiền Tông phát triển mạnh, nhiều người đưa Thiền vào thơ, như bài thơ “Quá Hương Tích tự” [Đi thăm chùa Hương Tích] của Thổ Duy… Ngoài ra trong giới tăng sĩ cũng xuất hiện những người dùng thơ để giảng đạo. Thơ của họ tự nhiên, thanh thoát, lời dễ hiểu mà ý sâu sắc, có ảnh hưởng lớn tới phong cách thơ thời ấy. Ví dụ Thổ Phạn Chí đời Đường, Phật Ấn đời Tống là hai thi tăng nổi tiếng. Bài thơ [ta gọi là bài kệ] “Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài. Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”[iv] của Lục Tổ Huệ Năng là một tác phẩm kinh điển về thơ Thiền.

Sáng tác tiểu thuyết cũng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo, xuất hiện nhiều tiểu thuyết viết về cảm ứng, báo ứng chí quái, như “U Minh Lục” của Lưu Nghĩa Khánh. Về sau, loại tiểu thuyết chương hồi cũng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo về đề tài, nhân vật và tình tiết. Xuất hiện những tiểu thuyết hoàn toàn lấy Phật Giáo làm đề tài, như “Tây Du Ký”, “Tề Công Truyện”. Các tiểu thuyết “Thủy Hử Truyện”, “Hồng Lâu Mộng” cũng có màu sắc Phật Giáo đậm đà. Đặc biệt trong dân gian xuất hiện vô số truyền thuyết, câu chuyện lấy đề tài là Phật Giáo.

Ảnh hưởng đối với nghệ thuật

Ảnh hưởng với kiến trúc. Kiến trúc cổ Trung Quốc tuy không thực dụng như kiến trúc phương Tây nhưng cố đạt tới sự tinh vi mỹ quan. Chịu ảnh hưởng của kiến trúc Phật Giáo nguyên thủy Ấn Độ, kiến trúc chùa chiền ở Trung Quốc càng chú trọng mỹ quan tinh tế, trang nghiêm hùng vĩ. Đặc biệt kiến trúc các tháp Phật ở Trung Quốc càng tiêu biểu cho tinh thần kiên nghị Phật Giáo, đem lại cho mọi người cảm giác thiêng liêng, cao cả.

Ảnh hưởng với hội họa, điêu khắc.  Hội họa và điêu khắc Phật Giáo càng thể hiện rõ ảnh hưởng của Phật Giáo. Đặc biệt, nghệ thuật điêu khắc hang động [chạm trổ, trang trí, vẽ bích họa, biến hang đá thành điện miếu thờ tôn giáo] từ Ấn Độ, Tây Tạng theo chân Phật Giáo truyền vào Trung Quốc. Vẽ bích họa và chạm trổ hang đá là nghệ thuật Phật Giáo chủ yếu của Ấn Độ cổ đại.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú từ các nguồn tiếng Trung.

—————-

[i] “Tồn thiên lý, diệt nhân dục” được coi là danh ngôn của Chu Hy (1130-1200, đời Nam Tống), một nhà đại Nho chịu ảnh hưởng của Phật Giáo và Đạo Gia. “Thiên lý” được hiểu là đạo Trời, là quy luật của muôn vật, tức chính đạo. “nhân dục” là sự ham muốn của con người. Câu này có thể hiểu là “Giữ gìn đạo Trời, diệt mọi ham muốn của con người”.

[ii] Lý Học (Neo-confucianism): Một trường phái triết học TQ ra đời vào thời Lưỡng Tống (960-1279), còn gọi là “Đạo Học”, là “Nghĩa lý chi học” (học thuật về nghĩa lý), được coi là hệ thống triết học hoàn thiện nhất của TQ cổ đại, đỉnh cao của văn hóa Nho học. Lý Học lấy học thuyết Nho Học làm trung tâm, có kết hợp triết lý Phật Học và Đạo Gia, đến cuối đời Nam Tống được coi là triết học chính thống của phong kiến TQ.

[iii] “Không Tông”, ta còn gọi là “Tánh Tông”, một trong hai tông phái lớn của Phật giáo Đại Thừa Ấn Độ, cho rằng hết thảy đều là “Không”, dựa vào lý luận của Bồ Tát Long Thụ và Đề Bà, còn gọi là Tam Luận Tông, Bát Nhã Tông.

[iv] Lời dịch của Tuệ Sỹ: “Bồ đề vốn không cây, Gương sáng chẳng phải đài, Xưa nay không một vật, Bụi bặm bám vào đâu?” Xem “Thiền Luận” (bộ Trung), trang 60-61, Daizetz teitaro Suzuki, Tuệ Sỹ dịch, An Tiêm xuất bản, Saigon, Việt Nam, 1971.