App đọc báo vi phạm bản quyền Báo Lao Động, thu lợi bất chính
–
Thứ năm, 01/12/2022 21:14 (GMT+7)
Ứng dụng (app) đọc báo 24h của Công ty cổ phần công nghệ truyền thông UMedia ngang nhiên sao chép 100% các bài viết của Báo Lao Động, thu về lượt đọc, tiền quảng cáo mà không hề mất bất kỳ công sức, chi phí sản xuất nào.
Giao diện app đọc báo 24h của Công ty cổ phần công nghệ truyền thông UMedia vi phạm bản quyền Báo Lao Động. Ảnh: Trần Tuấn.
Ngang nhiên vi phạm bản quyền
Chị Phạm Thị Mai (26 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, gần đây chị được một người bạn giới thiệu app đọc báo có tên đọc báo 24h để xem tin tức.
Khi chị Mai truy cập vào app này thì xuất hiện các bài viết có gắn theo logo của hàng loạt tờ báo lớn tại Việt Nam như Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Dân Trí…
Truy cập vào đọc các bài viết trên app, chị Mai còn thấy xuất hiện các quảng cáo dẫn link game cờ bạc, xóc đĩa, kiếm tiền trên mạng có dấu hiệu lừa đảo.
Chị Mai cho biết, không hiểu các tờ báo có cho phép trang tin này dẫn link không, nhưng vào đọc thấy rất tức mắt, vì có khá nhiều link quảng cáo của các trang game, cờ bạc, cá độ bóng đá. Kích vào đọc báo là sẽ dẫn đến link của các trang quảng cáo đó ngay.
Từ phản ánh của bạn đọc, PV đã tải app này về dùng thử. Theo đó, app này hiện có hơn 500.000 lượt tải, giao diện cũng được phân thành các mục tương tự như một tờ báo với: Thời sự, Thế giới, Thể thao, Pháp luật…
Nội dung trên trang là rất nhiều các bài báo từ nhiều đầu báo khác nhau, trong đó có Báo Lao Động. Trang chủ cũng thay đổi liên tục với các bài viết mới được cập nhật tự động.
Mỗi bài viết mới đăng tải trên Báo Lao Động thì ngày lập tức bị app Đọc báo 24h sao chép y nguyên. Ảnh: Chụp màn hình.
Theo ghi nhận, sau khi Báo Lao Động có bài viết mới được đăng tải lên trang chủ thì ngay lập tức bài viết này sẽ xuất hiện trên app.
Ngoài ra, app này cũng liên kết với một web là docbao24h.me với các đầu mục không khác gì một tờ báo điện tử.
Theo thông tin trên app, đơn vị sở hữu app này là Công ty cổ phần công nghệ truyền thông UMedia, có địa chỉ tại số 33 phố Đặng Trần Côn, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP.Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Bùi Quang Minh.
Chuyện dài chưa hồi kết
Đây không phải là lần đầu tiên Báo Lao Động bị một app đọc báo vi phạm bản quyền.
Tháng 8.2021, chúng tôi từng có loạt bài phản ánh: App “đọc báo kiếm tiền” bị tố lừa đảo, vi phạm bản quyền tràn lan, phản ánh app Báo hay 24h có hành vi vi phạm bản quyền tương tự với app Đọc báo 24h đã nêu ở trên.
Không chỉ vậy, app này còn dẫn đường link tới một số website lừa đảo qua mạng khiến không ít người dân bị lừa tiền, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Sau khi Báo Lao Động phản ánh, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet chặn app “Báo hay 24h” tại Việt Nam.
Không chỉ vi phạm bản quyền, app Đọc báo 24h còn dẫn đường link đến các web, app xóc đĩa, kiếm tiền qua mạng có dấu hiệu lừa đảo. Ảnh: Chụp màn hình.
Đánh giá về thực trạng vi phạm bản quyền báo chí tại Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation – (Tập đoàn Truyền thông Lê) cho hay, hiện chưa có thống kê về quy mô tình trạng vi phạm bản quyền báo chí, nhưng có thể thấy hiện tượng này vẫn xảy ra tràn lan.
Nguyên nhân tình trạng này, theo ông Vinh, đầu tiên phải kể đến, việc copy về quá dễ dàng, hơn nhiều so với tự sản xuất. Nhiều cơ quan báo chí cũng chưa có biện pháp triệt để nào bảo vệ bản quyền của mình. Thứ hai, khi sự việc vi phạm bản quyền báo chí được phát hiện, thường không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính tòa soạn bị vi phạm cũng như cơ quan chức năng.
Ngoài ra, theo ông Vinh, với những trang, kênh không rõ địa chỉ, thuộc dạng “không có tóc”, người hoặc tổ chức bị xâm phạm bản quyền thường chọn cách “thôi kệ”.