Apple làm điều chưa từng có ở châu Âu
Apple sẽ cho phép người dùng iPhone cài ứng dụng bên thứ 3, không có trên App Store.
iOS 17 sẽ là phiên bản iOS đầu tiên cho phép cài ứng dụng bên ngoài. Ảnh: New York Times.
Với Android, người dùng có thể tự do cài đặt ứng dụng từ bên ngoài chỉ với một file apk. Nhưng với người dùng iOS, cách duy nhất để tải app là sử dụng App Store mặc định của hãng.
Dù vậy, điều này sẽ sớm thay đổi, ít nhất là với người dùng châu Âu.
Theo phóng viên Mark Gurman của Bloomberg, Apple dự tính cho phép người dùng cài kho ứng dụng bên thứ 3 trên iPhone, iPad trước sức ép của Liên minh châu Âu. Sự thay đổi này sẽ xuất hiện vào phiên bản iOS 17 năm sau.
Cụ thể, một nguồn tin nội bộ cho biết các kỹ sư phần mềm và nhân viên mảng dịch vụ đang làm việc hết tốc lực để mở rộng nền tảng Apple. Trong đó, một tính năng nổi bật là người dùng có thể cài đặt các phần mềm thứ 3 trên iPhone, iPad mà không cần sử dụng kho ứng dụng App Store mặc định. Điều này sẽ giúp họ không còn bị giới hạn trong hệ sinh thái Apple và tránh mức thuế 30% mỗi khi thanh toán trong ứng dụng.
Theo Bloomberg, đây là động thái của Apple trước đạo luật chống độc quyền mới của EU, tạo điều kiện cho các nhà phát triển bên thứ 3 có chỗ đứng và nâng cao trải nghiệm người dùng. Có tên là Đạo luật thị trường kỹ thuật số toàn diện (Digital Markets Act), đạo luật chống độc quyền sẽ có hiệu lực vào năm 2024.
Quy định yêu cầu các hãng công nghệ phải cho phép cài đặt ứng dụng từ bên thứ 3 và tự do thay đổi những cài đặt mặc định. Đồng thời, các nhà phát triển phần mềm đều có quyền truy cập dữ liệu như nhau ở mọi app và dịch vụ.
Trước đó, chính quyền và các hãng sản xuất phần mềm ở khu vực này đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Apple và Google vì bành trướng quyền lực trên thị trường smartphone bằng cách mặc định cài đặt kho ứng dụng, app của mình.
Hiện hãng công nghệ dự định chỉ cho phép cài App Store bên thứ 3 ở khu vực châu Âu. Nhưng nếu đạo luật này được áp dụng ở các quốc gia khác, Apple sẽ dùng cách làm tương tự, nguồn tin nội bộ nhận định.
Người dùng sẽ có thể tải ứng dụng bên thứ 3 khi Đạo luật thị trường kỹ thuật số toàn diện (Digital Markets Act) có hiệu lực. Ảnh: New York Times.
Về phần Apple, hãng công nghệ khẳng định rằng những ứng dụng bên ngoài App Store sẽ không an toàn và ảnh hưởng đến bảo mật và độ an toàn của nền tảng. Do đó, hiện App Stores cách duy nhất để các nhà phát triển phát hành ứng dụng của mình đến người dùng.
Tuy nhiên, nếu cho phép tải kho ứng dụng bên thứ 3, Apple sẽ không còn giữ vị thế độc quyền. Điều này sẽ làm thay đổi toàn bộ thị trường ứng dụng hiện tại bởi tải kho ứng dụng bên thứ 3 đồng nghĩa với việc người dùng có thể sử dụng bất kỳ app nào, kể cả những app không có trên App Store như tựa game Fortnite từng bị Apple xóa từ năm 2020.
Bên cạnh đó, một số kỹ sư trong công ty cũng cho rằng việc cho phép kho ứng dụng bên ngoài sẽ cản trở quy trình phát triển các tính năng khác của Apple.
Do đó, tập đoàn công nghệ đang cân nhắc về một số quy định về bảo mật cho những ứng dụng phát hành bên ngoài App Stores. “Những app này cần được xác minh bởi Apple và quá trình này có thể tốn phí”, phóng viên Mark Gurman cho biết.
Không chỉ “nhân nhượng” EU, cho phép cài đặt ứng dụng từ bên thứ 3, Apple còn mở rộng API và các tính năng như kết nối NFC, công nghệ camera của mình với các nhà phát triển bên ngoài. Trong khi đó, trước đây, chỉ có ứng dụng Apple Wallet và Apple Pay mặc định trên iOS mới có quyền truy cập kết nối NFC.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn