BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ – tin mới – Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

      Nhân loại đã trải qua 3 cuộc Cách mạng công  nghiệp trong lịch sử. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu vào thế kỷ XXI trên nền tảng của cuộc cách mạng số nhưng điểm đột phá so với cách mạng công nghiệp lần thứ ba nằm ở chỗ chúng có độ phức tạp và tích hợp ngày càng cao, và do đó, làm thay đổi các xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động trực tiếp và sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực ở hầu hết các quốc gia, dân tộc. Văn hóa Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động chung ấy.

       Khái quát về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

      Thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) lần đầu tiên được đề cập tới trong một bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức năm 2012, trong đó đề cập tới việc điện toán hóa sản xuất mà không cần có sự tham gia của con người.

      Tháng 01/2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 46 được tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động”, GS. Klaus Schwab – người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới khẳng định: Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua. Đây được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT-Internet of Things); trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence); thực tế ảo (VR – Virtual Reality); tương tác thực tại ảo (AR – Augmented Reality); mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây (SMAC – Social, Mobile, Analytics, Cloud)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

      Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng, đang rút ngắn khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo.

       Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến giao lưu và tiếp biến văn hóa

      Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chứng minh tri thức khoa học (đặc biệt là tri thức nhân tạo) có sức mạnh mang tính vật chất to lớn cho phép cải tạo thế giới ở trình độ cao. Công nghệ sinh học, công nghệ nano gắn với nó là sức bền vật liệu ra đời. Sự xuất hiện người máy, tự động hóa, dây chuyền sản xuất, điều khiển học ngày càng nhanh chóng, mở rộng và trình độ cao. Nhờ công nghệ thông tin, kết nối, mở rộng tầm giao lưu, giao tiếp giữa con người với con người qua mạng internet có xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa dân tộc về văn hóa. Văn hóa có tính bản địa, tính dân tộc rất sâu sắc thì hiện nay có nguy cơ bị phai nhạt rất lớn. Cùng với nó là các nước lớn muốn thể hiện vai trò, thực hiện tham vọng về lợi ích, mục đích chính trị cũng như ảnh hưởng về văn hóa ngày càng tăng. Các nước lớn sử dụng thành tựu của cuộc cách mạng này như một công cụ hữu hiệu quảng bá văn hóa của mình phục vụ cho mục đích chính trị. Việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của một quốc gia phải đối mặt với những xu hướng ấy một cách toàn diện, trực tiếp và gay cấn nhất từ trước đến nay. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến bất cứ quốc gia, dân tộc và một cá nhân con người không thể thờ ơ, đứng ngoài “vòng xoáy” của nó. Tuy nhiên, tác động của cuộc cách mạng này không chỉ tạo ra thách thức, mà còn có cả cơ hội, thời cơ lớn. Sự kết nối nhờ thành tựu công nghệ thông tin, kỹ thuật số cũng tạo ra những cơ hội cho tiếp xúc, học hỏi được nhiều ở các nước không chỉ về thành tựu văn minh, mà còn về giá trị văn hóa một cách nhanh chóng, cập nhật.

      Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đang phải đối mặt với tốc độ phát triển nhanh chóng và sự tác động mạnh mẽ, trái chiều nhau giữa tích cực và tiêu cực từ cuộc Cách mạng công  nghiệp lần thứ tư. Vấn đề đặt ra là phải biết tận dụng cơ hội; vượt qua nguy cơ, thách thức ngay từ lựa chọn cách thức, con đường phát triển đến thực tiễn nền văn hóa Việt Nam.

       Bản sắc văn hóa dân tộc – cội rễ của “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam

      Việt Nam là đất nước có nền văn hóa lâu đời, có bề dày truyền thống hàng ngàn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng và không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc đó đã tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Trong một thế giới đa dạng về văn hóa, bản sắc quốc gia, bản sắc văn hóa của từng quốc gia, dân tộc có vai trò quan trọng trong việc phát triển và xây dựng đất nước đó từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

      Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là bản sắc của dân tộc. Nếu văn hóa còn thì dân tộc còn…

      Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại. Bản sắc văn hóa Việt Nam được biểu hiện ở lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã  –  tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.

      Bản sắc văn hóa tuy rất sâu sắc nhưng cũng không phải nhất thành bất biến, nó có thể vận động, bổ sung, phát triển để phù hợp hơn với thực tiễn sống động. Vì vậy, cần coi trọng việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại; cân nhắc, lựa chọn, tiếp thu những giá trị khoa học, hợp lý, nhân văn, tiến bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, lịch sử truyền thống văn hóa dân tộc, phù hợp với thể chế chính trị và nền tảng tinh thần của chế độ xã hội chủ nghĩa.

      Trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia (về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…) thì nguồn lực văn hóa đang được nhiều quốc gia coi là một “sức mạnh mềm” quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị trí, vai trò trên trường quốc tế.

      Thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau” ([1]).

      Các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng của quốc gia, dân tộc; đồng thời là cốt cách, vị thế, tầm vóc của cả cộng đồng dân tộc. Để hoàn thành các mục tiêu trước mắt và lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã xác định, chúng ta cần phải phát huy mạnh mẽ và toàn diện những tiềm năng, lợi thế sẵn có của đất nước, trong đó phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

       Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

       Thứ nhất, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải gắn với cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay.

      Đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, phản động hiện nay không chỉ đơn thuần thuộc lĩnh vực chính trị tư tưởng, mà còn của lĩnh vực văn hóa. Lịch sử dân tộc, đặc biệt từ khi dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam luôn gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cả về nội dung và sức mạnh truyền thông để lôi kéo con người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ nói riêng quay lưng lại quá khứ, truyền thống; tạo ra sự mơ hồ trong hiện tại và thái độ thờ ơ với tương lai dân tộc, đất nước với các hình thức khác nhau. Âm mưu chống phá được giấu khá tinh vi qua những lời lẽ, ngôn ngữ “mỹ miều”, như tự do, dân chủ, nhân quyền,… rất khó nhận thấy. Chúng không chỉ trực tiếp xuyên tạc, phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn tung hô, cổ súy cho lối sống phương Tây. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước tác động của cuộc Cách mạng công  nghiệp lần thứ tư tập trung vào nâng cao chất lượng định hướng; hiệu quả quản lý mạng xã hội và củng cố thái độ kiên quyết, nâng tầm trình độ đấu tranh, phê phán của mỗi chủ thể, con người hiện nay. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải lôi cuốn, tập hợp toàn bộ con người Việt Nam cả trong nước và ngoài nước cùng tham gia hoạt động chung một mục đích phát triển đất nước, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Có chương trình giáo dục cơ bản nâng tầm cao trí tuệ, tư duy cho mỗi thế hệ để thực hiện chiến lược lâu dài tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái trong chính trị, văn hóa.

       Thứ hai, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần bắt đầu từ mỗi con người đến toàn xã hội để không cho bất cứ ai, nhất là thế hệ trẻ, rơi vào thế giới “ảo”, lối sống “ảo”.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư rất dễ làm cho con người bị “thôi miên”, không phân biệt được cái đúng và cái sai; cái tốt và cái xấu; cái thực và cái hư; cái dân tộc và cái phi dân tộc trước thế giới mới, xa lạ – thế giới “ảo”. Kết nối mạng, mở rộng giao lưu và giao tiếp ở tất cả các lĩnh vực, phương diện làm cho con người như lạc vào cõi “mê cung”, khó làm chủ. Đặc biệt sự xuất hiện những hiện tượng mới lạ, như: đồng tiền “ảo”; thanh toán “ảo”; kinh doanh “ảo”, lối sống “ảo” càng kích thích thế hệ trẻ khó có thể thoát ra sự u mê, vô định. Một cá nhân thu mình trong phòng kín, nhưng mở rộng được giao lưu, trao đổi qua mạng làm cho quan hệ, ứng xử có tính “thực” trong môi trường văn hóa cộng đồng, xã hội mờ nhạt dần. Ngôn ngữ giao tiếp, tình cảm cá nhân bộc bạch không bị chi phối bởi cái “tinh tế”, cái chuẩn mực văn hóa, đạo đức và làm cho tính hiện thực, tính tổng hòa các quan hệ xã hội trong bản chất con người, như C. Mác đã chỉ ra, có nguy cơ phai nhạt nhanh chóng. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có xu hướng pha loãng quan hệ, sự ứng xử văn hóa, đạo đức trong cộng đồng, xã hội và xa cách dần với thuần phong mỹ tục của truyền thống dân tộc. Nhiều thói quen trong nhận thức rất dễ bị thay đổi. Những chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức được tôn thờ qua nhiều thế hệ cũng có những nguy cơ bị mai một. Con người trong cộng đồng, xã hội dần mất đi nét đẹp trong giao tiếp của “tình làng, nghĩa xóm” có tính “thực” và thay vào đó là quan hệ công việc đơn thuần. Sự giao tiếp rộng, nhưng hạn chế chiều sâu, tầm cao về “tính hiện thực của bản chất con người” và thay vào đó là quan hệ “ảo”.

       Thứ ba, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần đặt trong mối quan hệ với thực hiện chiến lược phát triển con người của Đảng và gắn với chất lượng giáo dục và đào tạo.

Con người vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của môi trường xã hội. Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì vấn đề chất lượng con người là rất quan trọng. Giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế”  (2).

      Con người trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải toàn diện cả về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tinh thần dân tộc và năng lực làm chủ khoa học và công nghệ hiện đại. Con người ấy chỉ có được thông qua giáo dục và đào tạo tương thích với trình độ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay. Vận dụng quan điểm của Đảng về “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” vào thực tiễn nâng cao chất lượng con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

       Thứ tư, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải hướng đến mục đích, nội dung nhất quán: bảo đảm được tính dân tộc, giữ gìn “bản sắc dân tộc” một cách vững chắc.

Việt Nam là một điển hình trong lịch sử nhân loại về bảo vệ, giữ gìn bản sắc, tính chất dân tộc của nền văn hóa. Ngay từ buổi đầu của lịch sử người dân Việt Nam đã phải đấu tranh với những âm mưu, hành động đồng hóa về văn hóa của các nước lớn để giữ vững độc lập chủ quyền đất nước; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tính dân tộc của nền văn hóa đã thẩm thấu sâu vào cốt cách, tâm hồn, phương thức ứng xử của mỗi con người Việt Nam qua các thời đại và tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, âm mưu đồng hóa về văn hóa của các thế lực thù địch. Trên thế giới chưa có dân tộc nào như Việt Nam, bị thống trị hơn 1.000 năm mà vẫn vùng dậy giành độc lập, tự chủ. Giải thích hiện tượng đặc thù này chỉ có thể bằng nội dung, sức mạnh của văn hóa –  bản sắc, tính dân tộc của nền văn hóa Việt Nam. Lịch sử dân tộc không cho phép con người bất lực trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Mỗi con người Việt Nam phải xác định rõ trách nhiệm đối với truyền thống dân tộc để tiếp nối lịch sử; luôn vững tin, sáng tạo vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và tiến lên ngang tầm thời đại./.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bản sắc dân tộc.

2. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

3. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, II.

5. Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, 24/11/2021, Hanoimoi.com.vn

6. Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Ngoại giao dịch và hiệu đính, Nxb.Thế giới, 2016.

[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 145 – 146.