BÁNH CHƯNG _ BIỂU TƯỢNG TRUYỀN THỐNG ẨM THỰC TẾT NGUYÊN ĐÁN – LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ OCOP VIỆT NAM

Với người dân Việt Nam, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong nhà mà không có bánh chưng hẳn như sẽ thiếu đi cả cái không khí Tết. Cứ vào những ngày giáp Tết, các gia đình Việt lại có phong tục gói bánh chưng như duy trì một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời.

Theo quan niệm từ thời xa xưa, chiếc bánh chưng của người Việt có hình vuông, tượng trưng cho đất. Bánh chưng được làm từ gạo nếp với phần nhân có đậu xanh, thịt mỡ, hành, tiêu…  Tất cả được bọc trong lớp lá dong xanh mướt và được buộc chặt bằng những sợi lạt mềm dẻo với tạo hình vuông vức, đẹp mắt.

 

Song hành cùng lịch sử dân tộc, bánh chưng đã trở thành linh hồn của ngày Tết ở Bắc Bộ, cũng như món bánh Tét ở miền Nam. Nhìn chung, hai loại bánh này là như nhau, chỉ khác nhau về hình thức bên ngoài và một chút nguyên liệu tùy theo khẩu vị vùng miền. Trong cả ngàn năm đồng hóa, người Việt vẫn giữ trọn nếp nhà. Bánh chưng vẫn đi qua những mùa Tết để gắn bó tình cảm gia đình, làng xóm bền chặt hơn.

Bánh chưng gù – một đặc sản của tỉnh Hà Giang

Người Việt Nam từ xa xưa đã sống trong nền văn hóa lúa nước, phải phụ thuộc thiên nhiên rất nhiều. Vì thế, chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Không chỉ thế, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên bàn thờ cúng để thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên cùng những người đã khuất. Bánh chưng cũng là món quà biếu Tết ý nghĩa mà người Việt thường dùng để đi biếu người quen, họ hàng hoặc được bày cùng các vật dụng khác trên mâm ngũ quả ngày Tết để thể hiện cho sự tương sinh tương khắc trong ngũ hành.

Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau học cách làm bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sục, nóng hổi trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang ùa về. Cùng kể nhau nghe những câu chuyện xưa cũ rồi hít hà mùi hương thơm lừng hòa quyện từ lá dong, gạo nếp cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng – hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.

Bà Nguyễn Thị Dung bên sản phẩm của HTX Sản xuất và phân phối Bánh chưng gù bà Dung

Những chiếc bánh chưng xanh đang được được bày bán tại gian hàng hội chợ xuân 2021 “Tết cổ truyền & Các sản phẩm OCOP Việt Nam”

Và gian hàng hội chợ xuân 2021 ” Tết cổ truyền & Các sản phẩm OCOP Việt Nam ” của Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam mong muốn gửi tới thực khách hương vị của quê nhà, hương vị của gia đình trong chiếc bánh chưng qua sản phẩm Bánh Chưng bà Dung. Đây là sản phẩm OCOP 3 sao của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và phân phối Bánh chưng Gù bà Dung. Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc HTX chia sẻ: Trước năm 2018, gia đình tôi sản xuất bánh chưng Gù theo phương thức truyền thống. Đến năm 2018, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thị trường; bảo vệ uy tín và thương hiệu của làng nghề Bánh chưng Gù thôn Bản Tùy, tôi đã đứng ra vận động một số hộ trong thôn góp vốn thành lập HTX Sản xuất và phân phối Bánh chưng Gù bà Dung.

Người ta nhớ Tết như nhớ về màu bánh Tổ tiên. Bánh chưng ấy, thứ bánh dân tộc giản dị mà yêu thương của tết Việt, nó không chỉ là món ẩm thực ngày tết mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh, được ví như là một món quà của Tổ tiên người Việt truyền lại, trở thành linh hồn của ngày Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.