BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA CÁC TỘC NGƯỜI TRONG VÙNG DI SẢN PHONG NHA – KẺ BÀNG – Cegorn

Phía Tây Quảng Bình là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc ít người. Trãi qua nhiều thăng trầm của lịch sử và sự biến động theo thời gian… Các giá trị Văn hóa, Kinh tế và các Thiết chế xã hội truyền thống của các tộc người ở đây cũng có những thay đổi. Cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, nguồn sinh kế chủ yếu dự vào rừng, rừng là không gian sinh tồn, là nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu. Chính vì vậy, đời sống văn hóa, các phong tục tập quán, tín ngưỡng của họ luôn gắn bó chặt chẽ với rừng. Họ được xem một phần của hệ sinh thái đa dạng và phong phú bậc nhất của Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng (PN-KB) và ngược lại Di sản PN-KB không thế thiếu những mối quan hệ hữu cơ được gắn kết bởi nền văn hóa đậm bản sắc này.

Một buổi sinh hoạt văn hóa của người Mã Liềng tại xã Lâm Hóa

Quê hương của người Chứt thuộc địa bàn cư trú của người Việt ở 2 huyện Bố Trạch và Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình. Vì nạn giặc giã, thuế khóa nặng nề nên họ phải chạy lên nương náu ở vùng rừng núi, một số dân tộc Arem, Sách, Rục di cư vào các vùng sâu thuộc phía Tây của 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa, dân tộc Mã Liềng, Mày sinh sống khu vực huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và một số di cư sang huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh và nước bạn Lào. Theo một số nghiên cứu, một số dòng họ trong nhóm người dân tộc Sách, Mã Liềng thì họ đã cư trú tại vùng đất này có ít nhất trên, dưới 500 năm. Theo A.Cheon và Th.Guignard, hai nhà nghiên cứu người Pháp đã miêu tả người Chứt hết sức nhút nhát, hễ thấy người lạ là lập tức lẫn trốn, họ không có quần áo, nam nữ chỉ che mình bằng võ cây sui, ngủ chung lẫn lộn trong các hang động hoặc trong lều, họ ăn bột cây nhúc và săn bắt tôm cá, thú nhỏ trong rừng. Dưới thời thực dân pháp người Chứt bị miệt thị là “Xá lá vàng” có nghĩa chỉ ra nhóm người lạc hậu và có cuộc sống di cư. Trình độ sản xuất thấp, họ không biết dệt vải, nam giới thường chỉ đóng khố, phụ nữ mặc váy, mùa Đông họ thường mặc các áo vỏ cây.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2009 của Cục thống kê Việt nam, Dân tộc Chứt có khoảng 6.0222 người cư trú tại 23 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, Quảng Bình  có 5.095 người, chiếm 84,6% tổng số người Chứt tại Việt Nam. Người Chứt từ khi hình thành các cộng đồng cho đến nay, họ đã liên tục vật lộn để sinh tồn trước thiên nhiên khắc nghiệt để xây dựng được một cuộc sống phù hợp và thích nghi với môi trường xung quanh mình. Trãi qua nhiều thử thách, và sáng tạo trong đời sống, lao động người Chứt đã hình thành cho mình cấu trúc xã hội có nền văn hóa khác biệt, tạo nên bản sắc, phong tục tập quán, Luật tục của riêng mình và mang bản sắc riêng của người Chứt. Trong đó các nhóm Mày, Rục, Sách, Arem, Mã Liềng có ngôn ngữ khác biệt để phân biệt giữa tộc người này với các dân tộc khác.

Sau Giải Phóng Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách để vận động, hỗ trợ nhằm định cư và người Chứt đã được sống định cư tại các bản làng nhỏ, cuộc sống họ nhờ vào trồng trọt nương rẫy và vẫn duy trì cuộc sống săn bắt, hái lượm, đánh cá và chăn nuôi. Từ năm 2000 đến nay, các bản làng của người Chứt đã được Nhà nước hỗ trợ định canh và định cư. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, nhà nước có nhiều chương tình hỗ trọ và trợ cấp hàng thàng, lâu dần người dân thường trong chờ, ỷ lại vào các khoản trợ cấp nhiều hơn. Chính vì vậy, phương pháp hỗ trợ đó cũng đã làm thay đổi khá nhiều tập quán của họ.

Nguy cơ mai một về văn hóa các phong tục, tập quán

Một vấn đề cấp thiết đáng quan tâm là tại sao các giá trị văn hoá và bản sắc riêng của người Chứt lại bị mai một dần? Vấn đề này có thể được phân tích, nhìn nhận ở cả hai góc độ: yếu tố bên trong (nội tại) và yếu tố từ bên ngoài cộng đồng.

Trãi qua nhiều thăng trầm lịch sử, những giá trị văn hoá độc đáo của các tộc người ở Quảng Bình được “tái cấu trúc” trong những điều kiện nhất định, một số nét văn hóa đặc trưng đã bị mai một dần theo thời gian. Ngôn ngữ của người Rục, Arem, Sách, Mã Liềng có pha trộn bởi các ngôn ngữ khác. Điều đó cho thấy các giá trị văn hoá truyền thống của người Chứt bị tổn thương trên hai khía cạnh: mất dần bản sắc hoặc bị pha tạp với các nền văn hoá khác. Điều này đã gây ra tình trạng người ngoài cư xử thiếu tôn trọng và xúc phạm đối với cộng đồng, làm cho cộng đồng ngày càng tự ti với những văn hóa tốt đẹp của mình, sự tin tưởng chia sẽ và đùm bọc nhau trong khó khăn cũng ít dần. Đồng bào quên dần lịch sử cũng như những tín ngưỡng, phong tục của dân tộc mình. Những ảnh hưởng xấu đó, một phần do những tác động tất yếu trong quá trình hội nhập giao lưu tự do của du lịch, thị trường… một phần cách nhìn nhận và ứng xử không đúng mực của những người từ bên ngoài cộng đồng tác động.

Những tác động xấu do giao lưu tự do khi mà người Chứt chưa trang bị những kiến thức, thông tin để thích nghi hoặc có một thiết chế xã hội đủ mạnh nhằm hạn chế những tác động tiêu cực làm phai nhạt đi bản sắc của họ. Một phỏng vấn nhỏ già làng Cao Điện (người Mã Liềng tại bản Kè) đã nói: “E rằng phong tục tập quán của cha ông để lại cho chúng tôi sẽ bị tác động xấu của người bên ngoài vào lấy đi hết…”. Giao lưu tự do còn thách thức tính thống nhất và đoàn kết của cộng đồng: “Già đau xót lắm khi ngồi đây, bên cạnh cửa sổ nhưng già không thể dạy bảo được các cháu của già…”, Già làng Cao Mai  phàn nàn như vậy.

Chính sách pháp lý về Văn hoá đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số được chính phủ quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14 tháng 1 năm 2011 của Thủ tướng chính phủ về công tác dân tộc và thông tư số 12/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2011. Đây là 02 văn bản pháp lý quan trọng, còn hiệu lực cho đến thời điểm hiện nay. Chính sách này một lần nữa khẳng định sự nhất quán và phù hợp với Hiến pháp và Luật di sản 2009 “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”; Nghị quyết lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IX về Chính sách dân tộc một lần nữa đã khẳng định rằng các dân tộc thiểu số cần cố gắng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, luật tục, bản sắc văn hoá của mình.

Tuy vậy việc thực hiện chưa đạt được những mục tiêu cao đẹp đó. Có thể nhận diện được những hạn chế trong tiếp cận có sự tham gia của người dân; chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững cộng đồng khó có thể đạt được trong hoàn cảnh như vậy. Đó là những vấn đề cấp thiết cần kêu gọi đến những người làm công tác phát triển; các nhà hoạch định chính sách; các nhà tài trợ nhất là đối với các tổ chức hỗ trợ phát triển vùng Di sản PN-KB; và lời kêu gọi tới tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn Hóa của Liên Hợp Quốc) để có được nguồn lực hỗ trợ, có được giải pháp tích cực giảm thiểu những tác động ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, văn hóa của các cộng đồng dân tộc trong vùng Di sản. Điều này không chỉ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết trước mắt, mà còn giúp cho các chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo đúng hướng phát triển bền vững và có hiệu quả.

Tiềm năng và cơ hội cho người Chứt.

Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn – nơi có diện tích che phủ rừng đứng thứ 2 trong cả nước, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Phía Tây Quảng Bình nằm trong hệ thống khu Bảo tồn thiên nhiên thế giới PN-KB; Khu bảo tồn Hin Nậm Nô (nước bạn Lào) là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc ít người (Dân tộc Khùa, Mày, Sách, Rục, Ma coong, Arem, Vân Kiều, Mã Liềng) họ được xem như một chủ thể trong hệ sinh thái tự nhiên, tạo nên một bức tranh sinh thái và văn hóa đa dạng, nếu được khai thác tốt nó sẽ làm cho hệ thống Du lịch Quảng Bình phong phú và có nhiều màu sắc hơn. Tuy nhiên hiện nay, vai trò người dân khu vực này tham gia vào hoạt động Du lịch rất ít, có thể nói là chưa có; các Công ty khai thác Du lịch khu vực PN-KB chưa xem họ là một nguồn lực tiềm năng để khai thác hoặc họ cũng nghĩ rằng người dân tộc sẽ không làm được gì đối với du lịch. Vì vậy, trách nhiệm các bên tham gia khai thác tiềm năng trong vùng Di sản cần quan tâm và chia sẽ lợi ích chung theo mô hình Đồng quản lý, Đồng khai thác và đồng hưởng dụng.

Cuộc sống chủ yếu của đồng bào dân tộc chủ yếu dựa vào rừng tự nhiên. Rừng là không gian sinh tồn và cung cấp lương thực, thực phẩm chủ yếu. Vì vậy, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống thường gắn bó chặt chẽ với rừng, họ có rất nhiều lễ hội liên quan đến quản lý rừng: Lễ hội Đập Trống (Cúng thần rừng) của người Macoong (Thượng Trạch, Bố Trạch) hằng năm họ dùng cá đánh bắt trong suối cấm để làm lễ; Lễ cúng  thần cây to của người Mã Liềng (Tuyên Hóa); lễ cơm mới, lễ cúng rừng trước mùa khai thác sản phẩm tự nhiên ở rừng…là những nét văn hóa đặc trưng có liên quan chặt chẽ đến rừng của các nhóm dân tộc ít người nơi đây. Với đặc điểm tiềm năng đó có thể phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc một cách chủ động bằng các dịch vụ du lịch cộng đồng trong vùng Di sản.

Những yếu tố văn hóa của người Chứt có giá trị đảm bảo yếu tố sinh tồn trong quẩn thể PN-KB. Chính vì thế, cần xác định họ phải được tồn tại trong một không gian sinh tồn với nguồn tài nguyên rừng cần được đảm bảo. Việc bảo tồn văn hóa cần được kết hợp chặt chẻ giữa phát triển Du Lịch – Văn Hóa – Tài nguyên thiên nhiên. Thiết nghĩ, các chương trình hỗ trợ phát triển, Bảo tồn và Du lịch cộng đồng hoặc các dự án đầu tư tại khu vực các dân tộc ít người sinh sống trong các vùng lõi, vùng đệm của khu vực Vườn Quốc gia PN-KB cần quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp từ gốc – nghĩa là cần lấy giá trị Văn hóa truyền thống của các dân tộc làm nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của chính họ.

Châu Văn Huệ

Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và phát triển.