Bà Rịa – Vũng Tàu có lễ hội gì?
Bà Rịa – Vũng Tàu ngoài nổi tiếng với phong cảnh biển xanh hữu tình, ẩm thực đặc sắc thì nơi đây còn có các lễ hội ấn tượng. “Bà Rịa – Vũng Tàu có lễ hội gì?” Bài viết dưới đây là những lễ hội đặc trưng của vùng đất này. Nếu có dịp tới thành phố biển này bạn đừng bỏ qua nhé.
2
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành – Vũng Tàu
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành Cùng với lăng ông Nam Hải và đình thần Thắng Tam, miếu Bà Ngũ Hành tạo thành một quần thể kiến trúc di tích và lễ hội tập trung tại khu đình thần Thắng Tam.
Miếu Bà Ngũ Hành được xây dựng vào năm Nhâm Thìn thế kỷ 19 tức năm 1832. Sau đó, vào năm 1845 – 1846, nơi này này được vua Thiệu Trị tặng cấp 4 đạo sắc Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng Thần. Năm 1850, miếu lại được vua Tự Đức tặng cấp 2 đạo sắc Thiên Y A Na Thần Nữ Thượng Đẳng Thần và Thủy Long Thần Nữ Thượng Đẳng Thần.
Miếu Bà Ngũ Hành có rất nhiều ngày cúng lễ hàng năm. Trong đó, lớn nhất và cũng thu hút nhiều người tham gia là lễ hội Cúng Bà – Nghinh Bà được tổ chức trong ba ngày là 16, 17 và 18 tháng 10 âm lịch.
Với sự góp mặt của chủ lễ, học trò và đông đảo dân làng, lễ Nghinh Bà được bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 16 tháng 10. Kiệu, bàn thờ cũng được bài trí đẹp mắt cùng trầu cau, hoa quả, rượu trà, cờ ngũ hành, chiêng trống, đoàn múa lân… Mọi người cùng khởi hành ra miếu hòn Bà, bãi Sau để nghinh Bà về Miếu Ngũ Hành bắt đầu cúng lễ.
Sau phần lễ là hát bội với các vở Phan Thế Ngọc đả lôi đài, Sở Văn cứu giá, xử án phi giao, tôn soái Dương Kim Huệ, mai trắng xe duyên… Cũng trong buổi chiều của ngày cúng lễ đầu tiên, ban quý tế sẽ tổ chức lễ đại bội.
Đến khoảng 3h chiều, lễ trình tuồng sẽ diễn ra, sau đó là bóng rỗi, múa mâm vàng, mâm bạc dâng Bà.
Miếu Bà Ngũ Hành ngày càng thu hút đông đảo dân cư Vũng Tàu và nhiều du khách thập phương, trở thành địa điểm du lịch lý thú, làm giàu thêm phong tục truyền thống tốt đẹp của địa phương. Lễ hội Vũng Tàu này đã và ngày càng trở thành điểm tựa tinh thần, nơi giao lưu văn hóa, khơi dậy và gắn kết tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của nhân dân.
3
Lễ nghinh Ông Nam Hải – Vũng Tàu
Lễ hội nghinh Ông là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân Vũng Tàu và là dịp quan trọng nhất để ngư dân tri ân Cá Ông (cá voi) vị cứu tinh mỗi lúc tàu, thuyền gặp nạn trên biển. Lễ hội diễn ra từ ngày 15/8 – 18/8 âm lịch tại Khu di tích đình thần Thắng Tam thuộc phường 2, Tp. Vũng Tàu. Đây là lễ hội mang nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của nhân dân thành phố biển, nó không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa đánh bắt được nhiều tôm cá mà còn là dịp để cho ngư dân và du khách thập phương thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn”.
Hàng năm, vào dịp giữa tháng 8 âm lịch, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu lại được tổ chức tại Đình thần Thắng Tam và một số khu vực. Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu gồm 2 phần: Lễ và hội. Phần lễ diễn ra với các nghi lễ chủ yếu như: cầu ngư, Nghinh Ông, lễ rước, cúng giỗ tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, cúng tế Ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội, trình diễn tuồng cổ.
Theo thường lệ hàng năm, đúng 5h30’ sáng, đoàn rước kiệu Nghinh Ông trên biển xuất phát với nhiều ghe, thuyền của ngư dân được trang trí cờ hoa lộng lẫy, trống chiêng uy nghiêm khởi hành từ Bãi Trước đến mũi Nghinh Phong. Tại đây, đoàn tiến hành lễ thỉnh long vị Ông Nam Hải, cúng biển cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau khi đã làm xong các thủ tục trên biển đoàn thuyền bắt đầu đưa Ông về đất liền.
Ngay sau lễ khai mạc, Ban tổ chức gióng 3 hồi trống, 3 hồi chiêng làm hiệu lệnh cho đoàn lân sư rồng thực hiện nghi thức “ Khai nghinh thủy tướng” rước kiệu nghinh ông về đình thần Thắng Tam. Lễ rước có hình tượng cá Ông bằng giấy dài khoảng 10m. Đội ngũ tham gia rước Ông gồm nhiều người đóng các vai quan hầu mặc khăn đóng áo dài trang trọng, theo sau là đoàn quân sĩ, ngư phủ tháp tùng.
Ngoài ra còn có câu lạc bộ lân – sư – rồng đã biểu diễn nhiều màn múa rồng uốn lượn đẹp mắt, dàn trống, chiêng, nhạc ngũ âm nổi lên rộn ràng đường phố, xen lẫn nhiều màu sắc của cờ, hoa, trang phục đủ màu sắc tạo không khí lễ hội vô cùng nhộn nhàng náo nhiệt thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách.
4
Lễ hội Dinh Cô – Vũng Tàu
Lễ hội Nghinh Cô nằm trong hệ thống lễ hội thờ Mẫu – Nữ thần tiêu biểu của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng đây không đơn thuần chỉ thờ Mẫu – Nữ thần mà là sự kết hợp của lễ hội Cầu Ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu – Nữ thần của cư dân địa phương.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 10 tháng 02 âm lịch hàng chục ngàn người ở khắp các miền quê tề tựu về Dinh Cô (Thị trấn Long Hải – Bà Rịa – Vũng Tàu) tham dự lễ hội. Đây là lễ hội không thuộc loại lâu đời nhưng lại được coi là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân ven biển Nam Bộ. Lễ hội diễn ra ở Dinh Cô, dưới mom núi Thùy Vân thuộc ấp Hải Sơn, thị trấn Long Hải huyện Long Đất. Người dân địa phương thường gọi đây là lễ hội Dinh Cô.
Trong ngày lễ. Dinh Cô được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm, có chăng đèn kết hoa. Các nhà trong vạn ghe đều đặt bàn hương, trên có nhang đèn, bánh trái, mâm xôi… ban đêm có treo đèn lồng. Các tàu thuyền của ngư phủ đều đậu ờ bến, mỗi chiếc đều treo đèn giấy nhiều màu, kết hoa từ mũi đến lái, kể cả cột buồm. Những chiếc thuyền ghe từ các làng cá như Long Hải, Phước Hải, Phước Tỉnh, Vũng Tàu và một số thuyền ghe từ miền Trung vào đều trở nên rộng lẫy. Vì thế, ban đêm ở đây hiện ra cảnh nhộn nhịp huy hoàng của hội hoa đăng. Thuyền ghe nào ở đây cũng hướng mũi vào trước Dinh Cô thực hiện nghi thức “Chầu Cô”.
Một nghi thức khác xuất hiện trong lễ hội Nghinh Cô là lễ phóng sinh. Người ta mua chim để trong lồng và tổ chức thả chim ra, tương tự việc phóng sinh vào các ngày rằm hay mồng một mà nhân dân một số nơi vẫn làm.
Trong những ngày diễn ra lễ hội Nghinh Cô ở Bà Rịa – Vũng Tàu có các đoàn hát về diễn tuồng và hát bội. Các vở diễn cũng có nội dung giống như các vở diễn trong lễ Nghinh Cô. Ngoài ra, người ta còn tổ chức múa lân sư rồng, múa bông (mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc) và các trò chơi dân gian khác như thi bắt cá, bắt lươn và các môn thi đua thuyền, đua thúng… Các trò chơi dân gian này thường thu hút đông đảo thanh niên ngư dân trong lòng tham gia. Vì vậy mà trò chơi này thường diễn ra rất hào hứng và sôi nổi vì sự cổ vũ nhiệt tình của người xem, giúp cho lễ hội thêm phần náo nhiệt và hấp dẫn.
Có thể nói nét độc đáo của lễ hội Nghinh Cô Long Hải chính là sự hội tụ, ngưng đọng của nhiều dòng, nhiều nét đẹp văn hóa và hương vị riêng của mọi miền. Và trong khoảnh khắc của không khí lễ hội thiêng liêng và tin cẩn này, người dự hội có cảm giác khoảng cách giữa thần linh và đời sống dân dã dường như không còn nữa. Chính sự quy mô và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự lê hội Nghinh Cô đã tạo ra một diện mạo và tác động tích cực đối với lễ hội khác ở địa phương và trong vùng.
5
Lễ hội Trùng Cửu – Vũng Tàu
Lễ hội Trùng Cửu Vũng Tàu không linh đình, phô trương nhưng rất trang nghiêm, thành kính, thể hiện nét văn hóa của đạo ông Trần, một đạo giáo rất đặc biệt ở Vũng Tàu.
Người dân ở thành phố Vũng Tàu từ đời này qua đời khác truyền lại nguồn gốc lễ hội Trùng Cửu – lễ hội Vũng Tàu tưởng nhớ ông Trần. Truyện kể rằng, xa xưa, xã Long Sơn có ông Lê Văn Mưu, là người tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa thất bại, ông Lê Văn Mưu đưa gia đình về ẩn náu ở phía đông núi Nữa, lập nên ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn).
Lúc sinh thời, ông Lê Văn Mưu thường ở trần, búi tóc, đi chân đất và làm việc suốt ngày nên người dân thường gọi là ông Trần. Khi ông mất đi, người dân vùng này hình thành một tín ngưỡng dân gian gọi là đạo ông Trần hay ông Nhà Lớn.
Hàng năm, cứ vào dịp mồng 9/9 âm lịch, người dân Long Sơn và những người theo đạo ông Trần tụ hội về Nhà Lớn để làm lễ cầu an và tưởng nhớ công đức khai dân lập ấp của ông Trần. Vì tổ chức ngày mồng 9/9 âm nên lễ hội mang tên là Trùng Cửu.
Không có hát múa, rước sắc linh đình, lễ hội Trùng Cửu chỉ có những dòng người thành kính dâng hương, cầu nguyện. Tuy nhiên, chính sự đơn giản ấy, lễ hội Vũng Tàu đã thu hút hàng ngàn tín đồ và du khách mỗi năm. Toàn bộ lễ hội chỉ là hai ngày dâng lễ mặn và chay.
Vào ngày mồng 8/9 âm lịch, người dân tại địa điểm du lịch Vũng Tàu sẽ tiến hành lễ Tiên Thường kỉnh mặn. Đây là lễ cúng các đồ mặn – sản vật của bà con nhân dân từ nhiều nơi mang đến cúng lễ.
Đến Trùng Cửu, bạn sẽ dễ dàng nhận ra đâu là khách thập phương và đâu là người theo đạo ông Trần trong lễ hội. Bởi những người theo đạo ông Trần đều mặc quần áo bà ba đen, tóc búi củ hành, đi chân đất, mô phỏng theo đúng phong cách giản dị của ông Trần khi sinh thời.
Đến ngày 9/9, tiến hành Chánh giỗ kỉnh chay, tức là chỉ cúng đồ chay. Khách du lịch cùng người dân theo đạo từ Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre… cùng vào dâng hương, cầu nguyện bình an và thành tâm tưởng nhớ đến công đức ông Trần.
Du lịch Vũng Tàu dịp tháng 9 âm lịch, bạn đừng bỏ qua lễ hội Vũng Tàu thú vị này. Đến lễ hội Trùng Cửu, bạn sẽ được hòa mình vào không gian kiến trúc độc đáo của Nhà Lớn và cùng khách muôn phương hiểu về một tín ngưỡng dân gian bình dị mà sâu sắc.
6
Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo – Vũng Tàu
Dân gian có câu “ Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” để nói đến ngày giỗ của Đức Thánh Trần và Thánh mẫu Liễu Hạnh. Nên hàng năm vào ngày 20/8 Âm lịch, tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, TP. Vũng Tàu (số 68, Hạ Long, Phường 2) đều diễn ra lễ giỗ Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Đây là nghi lễ được UBMTTQ TP. Vũng Tàu tổ chức hàng năm theo tập tục dân gian, cũng là dịp để tưởng nhớ và ghi ơn một vị tướng tài của dân tộc được đông đảo nhân dân và du khách đến tham dự.
Lễ giỗ được tổ chức với những nghi thức cúng tế truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, đã được gìn giữ từ đời này sang đời khác tại địa phương. Trong nghi thức chính lễ, các đại biểu, nhân dân và du khách đã cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của một vị tướng tài, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc đồng thời dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ Đức Thánh Trần. Cũng theo nghi thức truyền thống, những lễ vật dâng cúng sau đó được chia lộc thánh. Lễ giỗ diễn ra trong 3 ngày và kết thúc vào ngày 21/8 Âm lịch.
Hưng Đạo Đại Vương là con An Sinh Vương Trần Liễu và bà Nguyệt phu nhân. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo gắn với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhân dân Đại Việt. Sinh thời, Hưng Đạo Đại Vương luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chăm lo mối đoàn kết dân tộc, dạy tướng sĩ phải hòa thuận, trên dưới một lòng. Đại Vương mất ngày 20/8 năm Canh Tý (1300) tại dinh thự Vạn Kiếp nay thuộc xã Chí Linh (Hải Dương).
Sau khi mất, ông đã được vua Trần phong tặng: “Thái sư thượng phụ quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương”, nhân dân đã tôn ông là Đức thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi. Hơn 700 năm qua, Hưng Đạo Đại Vương đã ngự trị trong tiềm thức của nhân dân như một người cha, một vị thánh của dân tộc bên cạnh mẫu Liễu Hạnh. Ngày giỗ của Đại Vương, khắp đất nước, ở đâu có đền thờ Đại Vương, ở đấy đều tổ chức giỗ. Dịp này, nhân dân thập phương, bá tánh về, tập hợp dâng lễ vật và thắp hương để tưởng nhớ đến Đại Vương, vị anh hùng dân tộc.
Sau bài viết này bạn đã nắm được Bà Rịa – Vũng Tàu có lễ hội gì rồi chứ? Các lễ hội này thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây, đồng thời cũng là cách để chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển nền du lịch địa phương. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Bà Rịa – Vũng Tàu thật thú vị nhé