Bắc Ninh – Vùng đất của lễ hội và di tích

Bắc Ninh – Vùng đất của lễ hội và di tích

(Tạp chí Du lịch) – Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Bắc Ninh xưa là xứ Kinh Bắc, một trong tứ trấn (trấn Bắc) của kinh thành Thăng Long, có vị trí quan trọng về an ninh – quốc phòng, là vùng địa linh nhân kiệt với nền văn hóa lâu đời. Với vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi, Bắc Ninh là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao, có đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng.

Mặc dù không có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên như một số tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng Bắc Ninh từ lâu đã được biết đến là vùng đất “mỹ tục khả phong”, “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống lịch sử, khoa bảng, văn hiến và cách mạng. Bắc Ninh là nơi hội tụ nhiều tinh hoa làng nghề truyền thống, những lễ hội dân gian và phong tục tập quán đặc sắc, là điểm hẹn hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Di tích Lịch sử – Văn hóa

Trong suốt chiều dài lịch sử, ít miền quê nào có được kho tàng văn hóa đặc sắc, đồ sộ như Bắc Ninh, với 1.558 di tích lịch sử, trong đó có 195 di tích cấp quốc gia, 386 di tích cấp tỉnh, 8 hiện vật, nhóm hiện vật bảo vật quốc gia…, tiêu biểu là 4 di tích quốc gia đặc biệt: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý…, mỗi di tích nơi đây đều mang những dấu ấn lịch sử quan trọng.

Đặc biệt, Bắc Ninh còn là quê hương của 4 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới: dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu, kéo co làng Hữu Chấp.

Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp có tên chữ là Ninh Phúc tự, nằm bên bờ Nam sông Đuống thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Đây là một trong ít ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc lớn, độc đáo ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ được bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay. Chùa được khởi dựng từ thời Trần Thánh Tông (1258 – 1278), được trùng tu tôn tạo lớn dưới thời Lê. Đến với chùa Bút Tháp, du khách được chiêm ngưỡng hệ thống tượng Phật đồ sộ đạt tới giá trị nghệ thuật cao như: bộ tượng tam thế, tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn. Hệ thống các mảng chạm khắc trên chùa rất đẹp và độc đáo được thể hiện trang trí ở hầu khắp các công trình kiến trúc, trên các đồ thờ tự, đặc biệt là các mảng chạm khắc trên tòa “Cửu phẩm liên hoa” bằng gỗ gồm 9 tầng rất đặc sắc. Chốn danh lam cổ tự Bút Tháp ngày nay đang là điểm đến thường xuyên của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử văn hóa của vùng quê văn hiến Kinh Bắc. Năm 2013, chùa Bút Tháp được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Chùa Dâu

Tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, chùa Dâu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Không chỉ mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, chùa Dâu còn là trung tâm Phật giáo lớn, cổ xưa nhất Việt Nam.

Chùa Dâu được khởi dựng vào những năm đầu Công nguyên là trung tâm Phật giáo lớn, cổ xưa nhất của Việt Nam, mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi bật. Hiện nay, sân chùa có tháp Hòa Phong 3 tầng cao khoảng 17m. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh (năm 1793), khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng thứ 18. Ngoài ra, còn có tượng Bà Pháo vàng, tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Chùa Dâu và hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp (Pháp Vân – nữ thần Mây, Pháp Vũ – nữ thần Mưa, Pháp Lôi – nữ thần Sấm, pháp điện – nữ thần Chớp) gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương là kết tinh của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ, tạo nên một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Với những giá trị tiêu biểu và đặc sắc, chùa Dâu được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.

Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích tên chữ là Vạn Phúc Tự, được xây dựng trên núi Phật Tích thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, cách Hà Nội 20km về phía Đông. Đây là ngôi cổ tự có kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Vào triều đại nhà Lý, nhà Trần, chùa Phật Tích là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, là nơi đào tạo nhiều hiền tài cho Đại Việt. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với những giá trị còn lưu giữ được đến ngày nay, chùa Phật tích không chỉ vinh dự được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, mà còn là nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia có một không hai trong cả nước là: đại tượng Phật A Di và hàng tượng 10 linh thú trước cửa tam quan.

Đến tham quan chùa Phật Tích, du khách không chỉ cảm nhận được sự tài hoa của các nghệ nhân xưa qua những công trình kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc đá cổ mà còn cảm nhận được thư thái trong không gian linh thiêng khi lễ Phật, hòa mình vào thiên nhiên khi leo núi ngắm cảnh rừng thông, chiêm bái pho tượng Phật A Di Đà bằng đá có kích thước lớn nhất khu vực Đông Nam Á và thưởng thức những món ăn chay bình dị.

Đền Bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho là một trong những di tích cổ kính thâm nghiêm gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử và văn hiến của quê hương Kinh Bắc. Từ lâu, ngôi đền cổ này đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian vô cùng linh thiêng “cầu tài cầu lộc” và là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của nhân dân cả nước. Từ năm 1989, đền Bà Chúa Kho được nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô lớn. Hiện nay, đền Bà Chúa Kho gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc như: cổng Tam môn, Tiền tế, cung Đệ tam, cung Đệ nhị, cung Thượng (cung Bà Chúa), tòa Sơn Trang, lầu Cô, lầu Cậu, ban thờ “Cửu trùng thiên” và một số công trình phụ trợ khác. Phần lớn các hạng mục công trình được khôi phục, tôn tạo mang dáng vẻ truyền thống và làm tôn vinh giá trị của di tích.

Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương

Khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Khu di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận và cấp Bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Lăng Kinh Dương Vương được xây dựng trên bãi đất cao bên bờ sông Đuống với những hàng cổ thụ xum xuê. Cùng với lăng là hai ngôi đền được xây dựng từ lâu để thờ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ. Đền thờ Kinh Dương Vương được gọi là đền Thượng gồm hai tòa: Tiền tế và Hậu đường, kiến trúc bộ vì chồng rường, chạm tứ linh, bốn mái đao cong và đắp hình theo kiểu lưỡng long chầu mặt trời. Đền Hạ thờ Lạc Long Quân – Âu cơ có quy mô nhỏ hơn đền Thượng. Hệ thống các đồ thờ tự, đại tự, câu đối, bia ký và thần tích, sắc phong các triều vua phong kiến đã chứng tỏ việc thờ cúng các vị thủy tổ dân tộc ở Á Lữ từ rất xưa.

Đền Đô

Đền Đô được xây dựng vào thế kỷ 11 nằm ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km. Đây là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 – 1028), Lý Thái Tông (1028 – 1054), Lý Thánh Tông (1054 – 1072), Lý Nhân Tông (1072 – 1128), Lý Thần Tông (1128 – 1138), Lý Anh Tông (1138 – 1175), Lý Cao Tông (1175 – 1210) và Lý Huệ Tông (1210 – 1224). Đền được dựng trên nền đất xưa khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Trải qua thời gian dài do chiến tranh tàn phá, đền Đô đã được tu sửa và mở rộng nhưng vẫn theo đúng hình dáng và kiến trúc ban đầu. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và dân gian được kết hợp hài hòa, chạm khắc tinh xảo. Các công trình trong khu đền sắp xếp hài hòa với thiên nhiên khoáng đạt. Với những giá trị lịch sử sâu sắc, đền Đô không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa mà còn là điểm đến linh thiêng ở đất Kinh Bắc.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn nhiều di tích khác như đình làng Đình Bảng, cụm di tích đình, đền chùa Cổ Mễ, di tích núi Dinh, núi Lim – chùa Hồng Ân, đình Diềm, văn miếu Bắc Ninh, đình Xuân Lôi, chùa Đại Bi, chùa Bách Môn, đền Lý Chiêu Hoàng, đền Bà Tấm, đình làng Vọng Nguyệt, di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt, thành cổ Bắc Ninh hay làng Diềm nơi duy nhất có đền thờ vua Bà (Thủy tổ quan họ).

Lễ hội

Bắc Ninh được xem là vùng đất của lễ hội với gần 600 lễ hội truyền thống diễn ra trong năm, trong đó có nhiều lễ hội lớn, đặc sắc như: Lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, Lễ hội Kinh Dương Vương, Lễ hội chùa Dâu, Lễ hội đền Bà Chúa kho… Mỗi lễ hội là một viện bảo tàng sống về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, tập tục và những trò chơi dân gian truyền thống, là di sản quý hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Hội Lim

Hội Lim từ xưa đến nay không chỉ tái hiện những nét văn hóa độc đáo vốn có của miền quê xứ Kinh Bắc mà còn có những liền anh, liền chị với những câu hát quan họ cổ làm say đắm biết bao người. Cũng như các lễ hội truyền thống khác, hội Lim cũng có những hoạt động nghi lễ trang nghiêm, thành kính nhằm tôn vinh công đức các vị thần như lễ rước, lễ tế hay các trò hội dân gian mua vui, thi tài. Đến hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền, hát trong các tư gia, hát đối từng cặp. Khách hành hương, trảy hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương, hay tham dự các trò chơi dân gian như đu bay, chọi gà…

Lễ hội chùa Dâu

Đến hẹn lại lên, từ mùng 6 – 8/4 âm lịch, người dân 3 xã Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn thuộc vùng Dâu – Luy Lâu, huyện Thuận Thành lại náo nức mở hội rước Phật Tứ pháp. Đây là một trong những lễ hội lớn và lâu đời nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, phản ánh ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Điểm độc đáo nhất của lễ hội chùa Dâu là tục cướp nước. Hai kiệu Pháp Lôi và Pháp Vũ sẽ đua nhau chạy ra tam quan, kiệu rước nào đến trước thì sẽ lấy được nước. Người dân xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa thắng thì năm ấy được mùa còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu bọ, làm ăn trắc trở. Đây được coi là hoạt động tín ngưỡng cầu thần Nước đặc trưng của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Lễ hội đền Bà Chúa Kho

Hàng năm, vào ngày 14 tháng giêng, đền Bà Chúa Kho chính thức khai hội. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu xuân năm mới kéo dài hết cả tháng giêng, rất đông người đổ về đền Bà Chúa Kho dự lễ. Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành một thói quen hàng năm với nhiều người. Người cầu an, cầu lộc cho gia đình nhưng phần lớn là giới kinh doanh đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho, mong cho một năm vốn liếng dồi dào, làm ăn thuận lợi. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, du khách sẽ được hòa mình trong không khí trang nghiêm của các nghi lễ tế truyền thống cùng các trò chơi dân gian truyền thống náo nhiệt như chọi gà, kéo co…

Lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích

Lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích là một trong những lễ hội truyền thống diễn ra với quy mô lớn và sớm nhất của tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội gắn liền với ngôi chùa cổ Phật Tích, di tích quốc gia đặc biệt hàng nghìn năm và câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp Tiên. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu quốc thái dân an. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có những hoạt động như chương trình biểu diễn quan họ trên thuyền, giao lưu nghệ thuật trên quảng trường Đại phật tượng, các trò chơi dân gian truyền thống.

Lễ hội đền Đô

Lễ hội đền Đô được tổ chức từ ngày 14 – 16/3 âm lịch hàng năm tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở cho một vương triều hưng thịnh, rực rỡ. Qua đó, lễ hội góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trước đây, lễ hội thường do các vị quan đứng ra tổ chức. Ngày nay, chính quyền và người dân xã hội hóa tổ chức lễ hội.

Lễ hội chùa Bút Tháp

Lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức vào ngày 23 – 24/3 âm lịch hàng năm tại chùa Bút Tháp, thuộc huyện Thuận Thành. Lễ hội gồm 2 phần, trong đó phần lễ với những hoạt động tín ngưỡng như: lễ cúng Phật, lễ dâng hương, lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, lễ cúng tổ… được diễn ra chủ yếu trong khu nội tự. Sau phần lễ là đến phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu và biểu diễn nghệ thuật chèo… Các hoạt động này không chỉ thu hút nhân dân trong tỉnh, mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao ở các tỉnh khác như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn rất nhiều lễ hội truyền thống khác như: Lễ hội Đình Bảng, Hội pháo Đồng Kỵ, Hội đình Từ Phong, Hội làng Dương Lôi…

Làng nghề truyền thống

Bắc Ninh là xứ sở của những làng nghề tiểu nông, đa canh. Trong lịch sử tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, nơi đây đã xuất hiện và phát triển hàng trăm nghề thủ công, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xứ Kinh Bắc. Ngày nay, các làng nghề như: tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, Quảng Bố hay mỹ nghệ gỗ Đồng Kỵ trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu khách tham quan, trải nghiệm và khám phá.

Ẩm thực

Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với những làn điệu quan họ ngọt ngào mà còn níu chân du khách bởi những đặc sản ngon nức tiếng như: bánh phu thê Đình Bảng – thứ quà quý mà lễ cưới nào cũng có; bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, nem làng Bùi, cháo thái Đình Tổ, gà Hồ hấp lá chanh, đậu Gù Trà Lâm, rượu Hoa Cúc… Những món ăn tuy bình dân nhưng mang đậm hồn cốt người dân Kinh Bắc.

Với những tiềm năng du lịch kể trên, Bắc Ninh hứa hẹn không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong thời gian tới mà còn là cầu nối liên kết phát triển du lịch các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Một số tour, tuyến du lịch tiêu biểu nội tỉnh Bắc Ninh

Hành trình theo địa chỉ đỏ: Khu Lưu niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ – làng nghề chạm khắc gỗ Phù Khê – đền Đô – Đình Bảng – chùa Phật Tích

Tìm về truyền thống khoa bảng vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh: Văn Miếu Bắc Ninh – đền thờ Lê Văn Thịnh – Khu di tích Lệ Chi Viên – làng nghề đúc đồng Đại Bái – lăng và đền thờ Kinh Dương Vương – làng tranh Đông Hồ

Du lịch cộng đồng – về Miền Quan họ: chùa Dạm – làng gốm Phù Lãng – làng Quan họ Viêm Xá (nơi thờ Vua Bà – Thủy Tổ Quan họ)

Văn hiến Kinh Bắc – Bắc Ninh: đền Đô – đình Đình Bảng – lăng Kinh Dương Vương – làng Tranh Đông Hồ – chùa Bút Tháp

T.T