Bách khoa người phương Đông
Posted on by bongdentoiac
Phương Đông (東方) (khác với phương đông, phía đông) không phải là một khu vực địa lí hay từ chỉ phương hướng. Phương Đông là cụm từ để chỉ một nhóm các dân tộc có liên hệ mật thiết với nhau về ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá và nguồn gốc. Đối với Bách khoa người phương Đông, phương Đông là vùng đất của người Hán, Hoà, Triều Tiên, Việt… và những khu vực xung quanh mà nền văn hoá của nó ảnh hưởng sâu sắc. Cũng như phương Tây trong tiếng Việt là cụm từ dùng để chỉ các nước trung, tây Âu và Bắc Mĩ. Châu Phi mặc dù cũng ở phía tây nhưng không phải phương Tây.
Mục lục bài viết
Định nghĩa
Theo quan niệm chính thống, phương Đông là vùng đất của những nền văn minh châu thổ, tức là những nền văn mình hình thành và phát triển trên lưu vực các con sông. Nó thường được gọi là thế giới phương Đông (Eastern world) hay Viễn Đông (Far East) trong quan hệ với người phương Tây.
Trong tiếng Anh, phương Đông là Orient, là một thuật ngữ bắt nguồn từ từ Latin oriens nghĩa là phía đông.
Giới hạn phạm vi
Như đã trình bày ở Chủ đề:Phương Đông, phương Đông bao gồm các quốc gia: CHDCND Triều Tiên, Đại Hàn Dân Quốc, Nhật Bản, Tân Gia Ba (Singapore), Trung Quốc và Việt Nam. Đây chỉ là phương Đông trong quan niệm của chúng tôi (tạm gọi là phương Đông hẹp). Còn trên thực tế nó rộng hơn nhiều (gồm toàn bộ Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á). Suy cho cùng, phương Đông mà chúng tôi đang nói đến chính là Sinosphere.
Các khái niệm cơ bản
Sinosphere
Sinosphere hay Khu vực văn hóa chữ Hán, Khu vực văn hóa Á Đông là thuật ngữ được nhà ngôn ngữ học Mĩ James Matisoff đặt ra. Sinosphere là khu vực những nước mà người Hán chiếm đa số hoặc chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Trung Hoa. Trong tiếng Pháp, người ta sử dụng cụm từ le monde chinois (thế giới Trung Hoa) thay cho khái niệm này.
- Hán phồn thể: 漢字文化圈
- Hán giản thể: 汉字文化圈
- Bính âm (pīnyīn): Hànzì wénhuà quān
- Việt bính (Jyutping): hon3 zi6 man4 faa3 hyun1
- Giả danh (Kana): かんじぶんかけん
- Rōmaji: Kanji bunkaken
- Chữ Hàn (Hangul): 한자 문화권
- Romaja quốc ngữ: Hanja munhwagwon
- Chữ Nôm: 𥿺文化𡨸漢
- Chữ Quốc ngữ: Vòng văn hoá chữ Hán
Sinosphere còn được hiểu như một khối thịnh vượng chung kiểu Anglosphere (nhóm các nước sử dụng tiếng Anh). Các nước này thường có một số đặc điểm như: chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo, đa số người dân chịu ảnh hưởng Phật giáo, đang (hoặc đã) sử dụng chữ Hán làm công cụ truyền bá ngôn ngữ và truyền tải văn hoá.
Thế giới phương Đông
Thế giới phương Đông bao gồm: Afghanistan, Ấn Độ, Balochistan (thuộc Nam Á), Cambodia, Đại Hàn Dân Quốc, Đài Loan, Hương Cảng, Indonesia, Lào, Malaysia, Mãn Châu, Mông Cổ, Myanmar, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Tân Cương, Tân Gia Ba (Singapore), Tây Tạng (Tibet), Thái Lan, Trung Hoa đại lục, Việt Nam.
Có thể hiểu thế giới phương Đông là một sự phân biệt giữa đại chủng Á với đại chủng Âu (thế giới phương Tây).
Viễn Đông
Viễn Đông là một thuật ngữ để chỉ những vùng đất ở cực đông châu Á là Đông Á, Đông Nam Á và Viễn Đông Nga. Nó là sự so sánh với những vùng phía đông châu Âu theo khoảng cách (từ Cận Đông, Trung Đông đến Viễn Đông). Tương ứng với nó là Thái Tây (泰西), từ để chỉ các nước ở phía tây Ấn Độ theo cách nói của người phương Đông cổ.
Người phương Đông
Về các nhân vật phương Đông nổi bật, xem Trang chính.
Về các dân tộc phương Đông, xem Danh sách.
Người phương Đông (Oriental) là người thuộc các dân tộc mà địa bàn sinh sống chủ yếu là những nước được liệt kê trên kia. Tuy nhiên, nó có thể thu hẹp hơn, tức là gồm những người Hán, Hoà, Triều Tiên, Việt và các dân tộc chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn hoá mà những dân tộc này sản sinh ra. Người phương Đông cũng có thể là ngoại kiều (như Việt kiều, Hoa kiều) thuộc 4 dân tộc này.
Theo quan niệm chính thống, người phương Đông là thuật ngữ thường được dùng để chỉ những người thuộc chủng da vàng. Oriental trong ngôn ngữ của người phương Tây còn có nghĩa là hướng đông, văn hoá Á Đông. Còn trong bài viết này, người phương Đông là cụm từ để chỉ các dân tộc thuộc khu vực phương Đông hẹp, tức các dân tộc nằm trong khối Sinosphere.
Các dân tộc chính
Có 4 dân tộc có thể xem là quan trọng nhất của phương Đông hẹp với nhiều nét tương đồng về văn hoá so với phần còn lại. Đây cũng chính là 4 dân tộc có trình độ phát triển cao và có nhà nước riêng.
1. Hán (thường được biết đến với tên người Hoa): là nhóm dân tộc có dân số đông nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực phương Đông cả về văn hoá, lịch sử lẫn ngôn ngữ. Người Hán có mặt ở hầu khắp các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á nhưng sinh sống chủ yếu ở vùng trung tâm của Đông Á.
2. Hoà: là dân tộc đông thứ 2 ở phương Đông và là dân tộc phổ biến nhất trên quần đảo Nhật Bản (nên thường gọi là người Nhật).
3. Triều Tiên (thường được gọi là người Hàn): là dân tộc phổ biến nhất trên bán đảo Triều Tiên.
4. Việt (thường được gọi là người Kinh): là dân tộc đông nhất trên bán đảo Đông Dương.
Các dân tộc khác
Dân tộc khác ở đây là chỉ các dân tộc có quan hệ hoặc chịu ảnh hưởng về văn hoá, ngôn ngữ với những dân tộc chính nêu trên.
Theo ngôn ngữ
Các dân tộc nói tiếng Hán: người Mãn, Hồi, Đông Can… (xem bài người Hán).
Các dân tộc thuộc ngữ tộc Nhật Bản: người Lưu Cầu (sinh sống chủ yếu trên quần đảo Lưu Cầu phía nam Nhật Bản).
Các dân tộc thuộc ngữ chi Việt: tức là các dân tộc sử dụng ngôn ngữ được xếp cùng nhóm với tiếng Việt. Họ có thể có cùng nguồn gốc với người Việt hay thậm chí là một nhánh người Việt.
– Người Mường: dân tộc đông thứ 2 trong ngữ chi, sinh sống ở miền bắc Việt Nam và Lào.
– Người Chứt: là tên gọi chung của 7 tộc người là Sách, Mày, Rục, Mã Liềng, Arem, Xơlang, Umo ở Việt Nam. Ở Lào, dân tộc này có thể là những nhóm người như Bo, Mày hay Maleng.
– Người Thổ: một dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Ở Lào, còn một số nhóm người thuộc ngữ chi Việt như Kri (nói tiếng Kri); Phóng, Liha và Tum (nói tiếng Cuối); Ahơ, Phon Sung (nói tiếng Thà Vựng).
Ở Việt Nam còn có người Nguồn là 1 dân tộc chưa chính thức, được tạm xếp vào nhóm người Việt.
Người Thái: là một nhóm dân tộc có liên hệ với nhau về nhiều mặt (tương tự nhóm người Hán). Trong đó, người Thái ở Thái Lan là phổ biến nhất. Về căn bản, người Thái ít chịu ảnh hưởng của văn hoá Á Đông và có thể xem là dân tộc chính thứ 5 (nhưng biệt lập) của người phương Đông.
Các sắc tộc thuộc ngữ chi Thái: là các sắc tộc nói tiếng Thái và ngôn ngữ lân cận.
– Người Tráng: sinh sống chủ yếu ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, người Nùng cũng được xếp vào nhóm người Tráng.
– Ở Thái Lan: Kaleun.
– Ở Lào: Kongsat.
– Ở Cambodia: Kula.
– Ở Việt Nam: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày.
– Ở Trung Quốc: Bố Y.
Theo văn hoá, lịch sử: ngoài 4 dân tộc chính, còn một số dân tộc quan trọng có thể kể đến là Chăm, Dao, Di, Hồi, Lưu Cầu, Mãn, Miêu, Mông Cổ, Nùng, Tạng, Tày, Thái, Tráng…
Một vài thông số (phương Đông hẹp)
Thông số chung
- Toạ độ: 1°17′B – 45°33′B và 73°30′Đ – 153°58′Đ
- Múi giờ: từ UTC+5 đến UTC+9
- Diện tích: hơn 10,53 triệu km²
- Dân số: khoảng 1,8 tỉ người
- GDP danh nghĩa: gần 20 nghìn tỉ USD
- Thu nhập (theo GDP danh nghĩa): gần 11 nghìn USD/người
Khác
Xem thêm phần Top. Về các chủ đề phương Đông nổi bật, xem phần Mở rộng
Đặc điểm
+ Chịu ảnh hưởng của 3 tôn giáo chính: Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo Đại thừa.
+ Chịu ảnh hưởng đới khí hậu gió mùa (trừ Singapore và phần phía tây Trung Quốc)
+ Chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn hoá Trung Quốc
+ Có nhiều điểm giống nhau về cách đặt tên (tên người, địa danh)
+ Cùng đón Tết Nguyên đán (trừ Nhật Bản)
+ Lúa gạo là nguồn lương thực chính
+ Sinh sống chủ yếu tại lưu vực các con sông và duyên hải đông Thái Bình Dương
+ Sử dụng chữ Hán như một hệ thống chữ viết chính thức (trừ Việt Nam, Triều Tiên)
+ Sử dụng đũa để ăn
+ Thuộc đại chủng Mongoloid (da vàng)
và nhiều đặc điểm chung khác.
Tham khảo
- Global communication without universal civilization, tập 1 – Guy Ankerl (2000)
Filed under: Bách khoa, Cập nhật không thường xuyên |