Bài 2: Cần hệ giá trị văn hóa dẫn đạo

Phóng viên (PV): Trên thế giới, rất nhiều quốc gia công bố hệ giá trị văn hóa và phát triển rất nhanh, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam đã được triển khai đến đâu, thưa ông?

PGS, TS Phạm Duy Đức: Đúng vậy. Trong nhiều nghiên cứu gần đây của đồng nghiệp chúng tôi đã cho thấy, Đức là quốc gia đạt được thành công nhờ có hệ giá trị dẫn đường. Người Đức có 11 giá trị như sau: Tư duy phê phán; phân cấp xã hội; chủ nghĩa khách quan; quy tắc; kế hoạch về thời gian; đúng giờ; trung thực; trật tự và đi thẳng vào vấn đề; riêng tư và ranh giới quan hệ xã hội; giáo dục; yêu nước. Ở Việt Nam, mặc dù có những định hướng phát triển văn hóa từ sớm, nhưng đến nay, công bằng mà nói thì Đảng ta vẫn chưa chính thức ban hành hệ giá trị văn hóa Việt Nam.

leftcenterrightdel

 

Biểu đồ khảo sát những giá trị văn hóa Việt Nam quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nguồn: Đề tài mã số KX.04.19/16-20

 

 

Theo tôi, có hai nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, các tiêu chí văn hóa đã được tích hợp trong những văn bản chỉ đạo của Đảng đều có sự kế thừa, phát triển. Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) cho rằng, truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam là thương nước, thương nhà, thương người, thương mình. Nghị quyết số 03-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) xác định, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) chỉ rõ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam với các đặc trưng: Dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đến Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Như vậy, trong 36 năm đổi mới thì có 22 năm Đảng ta trăn trở về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề cốt lõi, trọng yếu và cũng là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, cần có sự thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong bối cảnh sôi động của quá trình đổi mới đất nước.

Thứ hai, việc nghiên cứu các hệ giá trị ở Việt Nam đã được quan tâm ở nhiều cấp độ và bình diện khác nhau, thu hút đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức và cơ quan nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của các đề tài này đã góp phần xác định rõ vai trò, vị trí cũng như nội dung cơ bản của việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó có rất nhiều chuyên gia, nhiều đề tài, nhiều nhà khoa học đã trao đổi, đưa ra đề xuất có ý nghĩa rất thiết thực đối với vấn đề xây dựng các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam. Những trao đổi, đề xuất ấy đã đem lại một bức tranh đa diện, đa chiều về sự cần thiết cũng như luận giải về việc xác lập nội dung cơ bản của các giá trị trên. Tuy nhiên, từ nghiên cứu khoa học đến sự sàng lọc, tiếp nhận để làm cơ sở cho các kết luận chính trị, đưa vào để tổ chức thực hiện trong hoạt động thực tiễn là có sự khác nhau.

Trong thực tế, quá trình biến động các giá trị văn hóa Việt Nam xuất hiện ngày càng rõ, có những biểu hiện không mong muốn. Nổi bật nhất là sự lệch lạc về các giá trị, sự đảo lộn các giá trị, được bộc lộ trên tất cả những lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cũng như ở mọi không gian: Gia đình, nhà trường, công sở, cộng đồng. Sự biến động các giá trị đã len lỏi đến cả các cơ quan công quyền, thậm chí đến những cơ quan quyền lực cao nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, nhân tình thế thái trong xã hội Việt Nam đang trượt dốc; lòng nhân ái, tình thương, sự bao dung, nhân hậu đang có phần yếu đi.

Theo tôi, những nguyên nhân đó là đòi hỏi khách quan, đã đến lúc chúng ta phải khẩn trương tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận, đưa ra kết luận về các hệ giá trị để tổ chức triển khai trong hoạt động thực tiễn, biến văn hóa thành nguồn lực sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

leftcenterrightdel

PGS, TS Phạm Duy Đức nói về hệ giá trị văn hóa. Ảnh: ĐỨC TÂM 

PV: Rõ ràng việc công bố hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam là rất cấp thiết. Vậy ông có thể phân tích, làm rõ cơ sở khoa học của vấn đề này?

PGS, TS Phạm Duy Đức: Công cuộc đổi mới 36 năm qua đã cho chúng ta nhiều thành tựu. Việc đất nước chuyển đổi tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế-xã hội đã xuất hiện những nhân tố mới, khiến nhiều giá trị cũ bị vượt qua. Ví dụ, hiện nay chủ thể của nền văn hóa đa dạng hơn giai đoạn trước rất nhiều. Hay như cơ sở kinh tế của nền văn hóa có bước phát triển mạnh mẽ. Đó là phát triển nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hiện đại, dịch vụ tiên tiến. Môi trường văn hóa không chỉ giới hạn ở nông thôn mà đang chuyển mạnh sang đô thị hóa và phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, đô thị sáng tạo… Quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa của các quốc gia, khu vực, thế giới thông qua các hình thức giao lưu, hợp tác. Tuy nhiên, sự xâm nhập phản văn hóa dưới các hình thức khác nhau đã và đang khiến văn hóa truyền thống Việt Nam có nguy cơ mai một, biến dạng.

Tham khảo một số công trình nghiên cứu đi trước và nhận diện các yếu tố tác động liên quan, chúng tôi đã khái quát được 7 xu hướng vừa có tác động tích cực và tiêu cực đến việc cho ra được hệ giá trị văn hóa. Một là, xu hướng từ đề cao các giá trị tinh thần, đạo đức sang đề cao các giá trị vật chất, kinh tế. Hai là, xu hướng coi trọng các giá trị tình cảm sang coi trọng giá trị pháp lý. Ba là, xu hướng dựa vào tập thể, đề cao cộng đồng chuyển sang khẳng định cái tôi, giá trị tài năng cá nhân. Bốn là, xu hướng tôn trọng kinh nghiệm, trọng lão sang đề cao tri thức khoa học, trọng tài năng, thực lực. Năm là, xu hướng trọng tĩnh chuyển sang trọng động. Sáu là, xu hướng sống theo tôn ti, trật tự chuyển sang đòi hỏi cuộc sống dân chủ, bình đẳng. Bảy là, xu hướng chuyển từ thế giới quan hướng nội đến nỗ lực hướng ngoại cạnh tranh để phát triển.

PV: Từ những phân tích trên, ông đề xuất hệ giá trị văn hóa Việt Nam gồm những giá trị nào?

PGS, TS Phạm Duy Đức: Để xây dựng được hệ giá trị văn hóa thì chúng ta phải xác định rõ quan điểm, hướng đi và nguyên tắc tiến hành. Tôi tạm quy về 3 khuynh hướng: Khuynh hướng thứ nhất cho rằng, chỉ nên đúc kết và nhấn mạnh những giá trị văn hóa đã định hình và đang tồn tại trong thực tế. Khuynh hướng thứ hai đưa ra những giá trị kỳ vọng, giá trị định hướng mà nền văn hóa Việt Nam cần hướng tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Khuynh hướng thứ ba nêu quan điểm kết hợp giữa các giá trị đang tồn tại với các giá trị định hướng nhằm vươn tới sự phát triển bền vững và có tầm nhìn xa. Tôi ủng hộ khuynh hướng thứ ba.

Theo tôi, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học thì hệ giá trị văn hóa Việt Nam sẽ gồm: Dân tộc, nhân văn, dân chủ, pháp quyền và khoa học.

Các giá trị dân tộc, nhân văn, dân chủ có nhiều nhà khoa học phân tích và các nhà chính trị đã nói đến nhiều. Ở đây, tôi chỉ phân tích về giá trị pháp quyền và khoa học, hai nội dung mà nhiều người trong xã hội quan tâm. 

Về giá trị pháp quyền: Theo tôi, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN để quản lý đất nước theo hiến pháp và pháp luật. Đây là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách. Vì vậy, cần bổ sung giá trị pháp quyền vào hệ giá trị văn hóa dân tộc. Về giá trị khoa học: Đất nước ta đang chuyển từ xã hội nông thôn, nông dân, nông nghiệp truyền thống là chủ yếu sang phát triển nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hiện đại, dịch vụ tiên tiến dựa trên thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy, đây là quá trình chuyển từ tư duy kinh nghiệm là chủ yếu sang tư duy khoa học để phát triển. Giá trị khoa học không chỉ cần thiết để phát triển sản xuất mà cần thiết để xây dựng lối sống, nếp sống, tác phong khoa học, thích nghi với quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, khắc phục những mặt yếu kém, lạc hậu, mê tín dị đoan trong xã hội. Các giá trị này có quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ, tác động hỗ trợ nhau tạo nên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

PV: Hiện nay, việc xây dựng các giá trị văn hóa Việt Nam mà ông vừa nêu vẫn đang diễn ra dù chưa có quyết định chính thức. Theo ông, giải pháp cơ bản nào để gỡ các điểm nghẽn trong quá trình xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam?

PGS, TS Phạm Duy Đức: Khi đã công bố hệ giá trị văn hóa và nhận được sự đồng thuận sẽ có rất nhiều việc cần phải làm. Trước hết và cơ bản nhất là các cơ quan chức năng cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp và thống nhất. Việc hiện thực hóa hệ giá trị mới ở nước ta hiện nay là cả một quá trình có ý thức, có chủ đích của toàn xã hội, mà kết quả phụ thuộc vào việc thể chế hóa các giá trị này thành quy phạm pháp luật, tổ chức cuộc vận động trong toàn dân để thực hành các hệ giá trị. Đồng thời, bất luận trong hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên của Đảng cũng phải trong sạch. Đảng, Nhà nước cần kiên quyết hơn, quyết liệt hơn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm sao để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Nếu cán bộ, đảng viên, nhất là các lãnh đạo của Đảng không làm gương, nói không đi đôi với làm, sống đạo đức giả, thì niềm tin của nhân dân, quần chúng vào Đảng sẽ suy giảm và hệ quả đương nhiên là sẽ tác động tới hệ giá trị của toàn xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MẠNH THẮNG – NGUYỆT MINH (thực hiện)

——————————————————

(còn nữa)