Bài 2: Phải có chế tài đối với tài sản ảo
(HNM) – Trong quá trình góp ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, vấn đề tài sản ảo đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Pháp luật nên ghi nhận và có chế tài điều chỉnh loại tài sản này là đề xuất của nhiều người dân và chuyên gia pháp lý nhằm qua đó tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo tiền đề giải quyết những tranh chấp đang diễn ra ngày càng nhiều, giá trị ngày càng lớn.
Sôi động kinh doanh “đồ ảo”
Tại Việt Nam, Công ty An ninh mạng Bkav đã bỏ ra 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com; doanh nhân Phạm Trường Sơn, Giám đốc Công ty Kinh doanh đồ ảo Market4gamer đã phải chi 1,8 tỷ đồng mua lại hai tài khoản game của game thủ Hắc Điểu – một đại gia khác trong làng game Việt… Việc kinh doanh “đồ ảo” còn tồn tại dưới rất nhiều hình thức, trên diễn đàn game, website trực tuyến được các công ty kinh doanh “đồ ảo” lập ra. Cách thức giao dịch dù khác nhau nhưng có cùng một đích hướng đến là tài sản ảo làm ra lợi nhuận thật.
Tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến hoàn toàn có thể dẫn đến tranh chấp thực tế. Ảnh: Như Ý
Trong khi đó, tại Việt Nam, Điều 163, Bộ luật Dân sự quy định, tài sản bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”, nhưng lại không đưa ra khái niệm cụ thể về tài sản, cũng không đưa ra tiêu chí chung làm căn cứ để xác định đối tượng nào đó có phải là tài sản hay không. Không ít ý kiến cho rằng, với việc quy định tương đối mở như nêu trên, có thể hiểu tài sản ảo là một tài sản được pháp luật thừa nhận bởi ý nghĩa kinh tế của nó là hiển nhiên trong giao lưu dân sự, thể hiện qua thực tiễn nó đã là đối tượng của các giao dịch kinh tế liên quan. Theo luật gia Lê Quang Vững (công tác tại Thanh tra Chính phủ), để xác định tài sản ảo là một loại tài sản cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Xét về tính hữu dụng, tài sản ảo là một khái niệm rất rộng như tên miền internet, địa chỉ hộp thư điện tử, các loại tài khoản game online… Nhưng phổ biến nhất là tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến, tên miền. Việc kinh doanh tài sản này nếu không có chế tài đầy đủ sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Với trò chơi trực tuyến, người chơi không thể chiếm hữu tài sản ảo theo ý nghĩa pháp lý trong Bộ luật Dân sự, vì phần mềm trò chơi nằm trong máy chủ của công ty quản lý trò chơi. Một khi máy chủ trục trặc, trò chơi không vận hành thì dù đã bỏ cả vài chục triệu đồng đầu tư vào tài sản ảo, người chơi cũng có thể mất trắng. Tuổi thọ của trò chơi không phụ thuộc vào người chơi mà ở công ty quản lý trò chơi, công ty phát triển phần mềm trò chơi… Nếu các đơn vị này thấy trò chơi không còn thu lãi nữa, không muốn cung cấp dịch vụ hoặc đơn giản hơn khi người chơi phạm luật chơi, bị admin khóa tài khoản thì chủ sở hữu không thể định đoạt được số phận tài sản ảo của mình.
Giải quyết vấn đề tài nguyên mạng
Điều đáng lưu ý là, dù cho các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến tài sản ảo còn rất thiếu thì các giao dịch vẫn diễn ra hết sức nhộn nhịp. Không chỉ mua bán cung, kiếm, áo giáp ảo, tài sản ảo… trong các trò chơi game; các giao dịch mua bán, thanh toán bằng các loại tiền điện tử được thực hiện qua internet nhanh chóng, thuận tiện đang được không ít người lựa chọn. Điều này rất đơn giản, khi khách hàng vào đăng ký tài khoản sẽ được cấp một cái ví điện tử, sau đó chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng vào để mua tiền điện tử rồi có thể dùng để thanh toán ở bất kỳ nơi nào cộng đồng người sử dụng máy tính chấp nhận loại tiền ảo đấy.
Vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian vừa qua là bitcoin – một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng. Đây là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn. Thực tế đầu năm 2014, giá bitcoin đã sụt giảm mạnh sau khi hai sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật và nhà chức trách Mỹ bắt giữ 4 nhân vật bị tình nghi đã sử dụng bitcoin cho các giao dịch tội phạm. Ngày 25-2-2014, sàn Mt.Gox đã bất ngờ đóng cửa khiến hàng triệu USD của thành viên mạng lưới bitcoin đứng trước nguy cơ mất trắng. Tại Việt Nam, việc “đào” và đầu tư, sở hữu bitcoin do khai thác được trong nước là rất ít mà chủ yếu là mua qua một số sàn giao dịch. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải ra thông cáo khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; đồng thời cảnh cáo, nếu xảy ra sự cố hacker tấn công mạng hoặc bị đóng cửa… các nhà đầu tư sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại.
Tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác vì Nhà nước không bảo hộ. Nhưng xét về góc độ quản lý, khi không có hành lang pháp lý làm điểm tựa cũng có nghĩa các hoạt động giao dịch, thanh toán tiền ảo trên mạng internet không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, không được kiểm soát sẽ làm giảm vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường tiền tệ. Hình thức giao dịch này còn có thể trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng che giấu hành vi phạm tội hoặc rửa tiền…
Thực tiễn xét xử còn xảy ra một số vụ trộm cắp, lừa đảo tài sản ảo. Đó là hàng loạt sự xâm nhập trái phép vào máy game thủ để ăn cắp “đồ ảo” thu về tiền thật. Không hiếm cuộc mua bán tài sản ảo đã trở thành các vụ “cướp” tài sản. Thế nhưng việc giải quyết của cơ quan tố tụng không đơn giản vì khó định giá tài sản ảo. Vì vậy, dưới góc độ xử lý vi phạm, công nhận tài sản ảo còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết triệt để, kín kẽ các hành vi trộm cắp, lừa đảo tài sản ảo ngày càng gia tăng. Việc thừa nhận tài sản ảo cũng phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo hộ và khai thác các lợi ích của tài sản ảo ví dụ từ tên miền internet, địa chỉ hộp thư điện tử, các loại tài khoản game online, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề về tài nguyên mạng đã từng gây tranh chấp.