Bài 3: Công nghiệp văn hóa – ngành kinh tế mũi nhọn tương lai

Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên vừa xác định sẽ ra một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa…

Phát triển công nghiệp văn hóa – bước tiến quan trọng

Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” (the culture industry) lần đầu tiên xuất hiện năm 1944, trong cuốn sách Dialectic of Enlightenment của hai nhà nghiên cứu người Đức là Adorno và Horkneimer. Năm 1982, UNESCO cho rằng: “Công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”. Bộ văn hóa, truyền thông và thể thao Anh (DCMS) gộp chung công nghiệp sáng tạo với 13 lĩnh vực gần giống quan điểm của Việt Nam.

Hiện nay, công nghiệp văn hóa được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.

Công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới. Theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về Công nghiệp Văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015 công bố năm 2017, thì công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Cultural and Creative Industries – CCIs) có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu với  gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15 đến 29. Nhiều quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Ðộ đã trở thành thị trường CCIs lớn nhất thế giới, vượt trên cả châu Âu và Bắc Mỹ. Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng thế giới công bố năm 2019, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm cả lĩnh vực du lịch văn hóa) đối với tổng doanh thu toàn cầu là xấp xỉ 4,04% và đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới, lao động ngành có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung.

leftcenterrightdel

 Trình diễn thư pháp ngày Tết tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Một hình ảnh thú vị về công nghiệp văn hóa là trong buổi lễ bế mạc của Olympic Rio 2016, Thủ tướng nước chủ nhà của Olympic 2020 Nhật Bản đã bất ngờ xuất hiện với bộ trang phục của nhân vật trò chơi điện tử huyền thoại Super Mario, đây biểu tượng xuất khẩu văn hóa lớn nhất của Nhật Bản mang về siêu lợi nhuận. Thành công này bắt nguồn từ một chiến lược xuất khẩu văn hóa của Nhật Bản với chính sách “Cool Japan” khởi xướng từ năm 2013, trước sự khó khăn của các ngành công nghiệp ô tô, điện tử…

Công nghiệp văn hóa ở nước ta cho đến nay vẫn còn là một lĩnh vực còn rất mới mẻ. Một trong những người đầu tiên đề cập cụm từ này là đồng chí Tô Huy Rứa khi là Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương trong bài viết “Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta” đăng trên Tạp chí Cộng sản số 1-2006 đã kiến nghị: Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), công nghiệp văn hóa đã được đề cập chính thức trong Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ cụ thể.

leftcenterrightdel

Liên hoan Nghệ thuật múa rồng – Hà Nội chào mừng 1010 năm Thăng Long-Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quyên. 

Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một bước tiến rất lớn kể từ khi chúng ta xác định rõ ràng về tầm quan trọng của các ngành kinh tế sáng tạo trong tổng thể phát triển kinh tế tri thức, là văn bản pháp lý cụ thể mở đường cho sự cất cánh của các ngành kinh tế dựa trên sức sáng tạo của cá nhân của mỗi người Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng.

Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, phát triển công nghiệp văn hóa gồm 12 lĩnh vực bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Hà Nội và triển vọng phát triển công nghiệp văn hóa

Với mối quan hệ hữu cơ như hai cánh của một con chim giữa công nghệ sáng tạo và văn hóa, định hướng phát triển kinh tế số, chính quyền số ở Hà Nội hiện nay như đề cập trong bài trước sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội ra nghị quyết và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

Khẳng định tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: Phát triển văn hóa và con người Hà Nội là vô cùng quan trọng bởi đây là vấn đề không chỉ của Hà Nội mà còn cho cả nước. Để chúng ta tự hào về văn hóa, tự hào về con người Việt Nam. Vì thế Hà Nội cần tập trung vào văn hóa, trong văn hóa phải tập trung vào công nghiệp sáng tạo.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, trung tâm lớn về kinh tế và văn hóa, là mảnh đất nghìn năm văn hiến, hội tụ tinh hoa của cả nước nên đòi hỏi phải có sự đột phá trong phát triển văn hóa. Việc lựa chọn đi tiên phong trong cả nước để nghiên cứu, xây dựng các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp văn hóa là điều rất cần thiết. Đây sẽ là “điểm nhấn” quan trọng của Thành phố trong việc triển khai nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết 33 (khóa XI). Có thể khẳng định rằng khi đặt cạnh các đô thị cấp quốc gia khác, Hà Nội là thành phố hội tụ đầy đủ tiềm năng, cơ hội để trở thành một thành phố sáng tạo của Việt Nam và các nước trong khu vực. Phát triển công nghiệp văn hóa chính là con đường để văn hóa Thủ đô tham gia cạnh tranh trên thị trường văn hóa quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp nội sinh của đất nước, trở thành “quyền lực mềm” có vai trò không thể thay thế.

Nguồn lực nội sinh và Nghị quyết chuyên đề

“Văn hóa và con người Hà Nội phải trở thành nguồn lực nội sinh”, đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tại buổi gặp mặt hơn 300 đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và các vị chức sắc tôn giáo của Thủ đô, nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo ông, hiện thành phố đang triển khai “Mạng lưới sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, xây dựng Chương trình 07 của Thành ủy Hà Nội (khóa 17) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” và Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội (khóa 17) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

leftcenterrightdel

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. 

“Để thực hiện mục tiêu phát triển giai đoạn tới, thành phố xác định phải dựa vào văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ và nhân tố con người. Văn hóa và con người Hà Nội phải trở thành nguồn lực nội sinh, là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững. Thành phố đã quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định.

Đồng chí Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Chủ trương của Thành phố là tập trung vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, có tính cạnh tranh cao và năng động. Từ đó có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, du lịch… thu hút các nguồn lực để phát triển.

Theo ông Tô Văn Động, phát triển công nghiệp văn hóa là một lựa chọn hợp lý để phát huy tiềm năng, thế mạnh to lớn của Thủ đô. So với các tỉnh, thành khác, hiện nay Hà Nội đã tổ chức được một số sự kiện mang tầm quốc tế để tạo ra thương hiệu cho thành phố như: Lễ hội Âm nhạc quốc tế gió mùa; Chương trình hòa nhạc Việt Nam Arline Concert; Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội…

Du lịch văn hóa – “con gà đẻ trứng vàng”

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI) “Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” xác định: “Phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác…”. Đây là chủ trương đem lại lợi thế quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch văn hóa trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của Thủ đô cần được ưu tiên đầu tư.

Hà Nội hiện có 5.922 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 2.380 di tích được xếp hạng, chiếm tỉ lệ gần 20% cả nước; nhiều di sản nổi tiếng có giá trị nổi bật là di tích Hoàng thành Thăng Long (đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới), di tích Cổ Loa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, lễ hội Gióng (đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), lễ hội chùa Hương cùng thắng cảnh Hương Sơn.

Theo các chuyên gia, du lịch là một ngành công nghiệp không khói và rất là quan trọng đối với phát triển đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Vì thế chúng ta cần tạo ra hàng loạt các sản phẩm hấp dẫn cho Hà Nội. Để du lịch Hà Nội trở nên hấp dẫn thì phải gia tăng những giá trị về văn hoá, chứ chúng ta không thể dựa vào những giá trị mà tự nhiên mang lại.

leftcenterrightdel

Chương trình tham quan “Đêm thiêng liêng – sáng ngời tinh thần Việt”  tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp của ngành công nghiệp không khói điêu đứng nhưng có một địa điểm vẫn thu hút nhiều khách du lịch khi đến tham quan ở Thủ đô bởi cách làm sáng tạo, đổi mới, đó là Ban quản lý Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Với 45 phút trải nghiệm vào buổi tối trong không gian được coi là nơi “địa ngục trần gian” thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), du khách hiểu hơn về những năm tháng chiến đấu kiên cường của các cựu tù chính trị.

Ông Đặng Văn Biểu, Phó trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Thông qua lời kể chuyện của thuyết minh viên kết hợp với âm thanh, ánh sáng, sẽ tác động trực tiếp khách tham quan và đánh thức giác quan của người xem. Trong hành trình trải nghiệm này, luôn có sự liên kết giữa quá khứ, hiện tại. Đó không chỉ là câu chuyện về quá khứ mà còn là tạo niềm tin để gắn kết với tương lai.

Khó khăn và thách thức

Trước những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Hà Nội còn có nhiều khó khăn, thách thức để phát huy các tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển công nghiệp văn hóa như: Nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa như một “ngành kinh tế” đối với sự phát triển kinh tế – xã hội còn khá mờ nhạt; chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra khung pháp lý và khuyến khích sự phát triển của các ngành sản xuất văn hóa trong bối cảnh mới; thị trường văn hóa phát triển còn manh mún, tự phát, không chuyên nghiệp; các mô hình thử nghiệm về không gian sáng tạo, kinh doanh khởi nghiệp chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại tình trạng vi phạm bản quyền ở phạm vi rộng ở một số lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa như âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang…

Hơn nữa, Thủ đô sở hữu rất nhiều tài năng nhưng lại thiếu hụt các điều kiện để tài năng phát triển; chất lượng nguồn nhân lực trong các tổ chức văn hóa nghệ thuật còn hạn chế; thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong việc phát triển công nghiệp văn hóa; quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập kinh tế quốc tế cũng tác động đến mặt tiêu cực trong việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Đây là nhân tố tác động trực tiếp đến việc hình thành nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật và tác động đến lối sống, phong cách của người dân Thủ đô, nếu không kiểm soát tốt thị trường văn hóa sẽ bị nhiễu loạn, những sản phẩm văn hóa độc hại sẽ thâm nhập vào văn hóa Thủ đô…

leftcenterrightdel

Đội nghệ thuật trống hội (Học viện Cảnh sát nhân dân) tập luyện phục vụ nghệ thuật chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội coi công nghiệp văn hóa không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là định hướng trọng tâm phát triển ngành văn hóa hiện tại và tương lai.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ và xác định ngành văn hóa là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND Thành phố triển khai thành công chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đồng chí Tô Văn Động cho biết.

Để giải quyết những khó khăn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô, phải từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hóa. Đưa ứng dụng, công nghệ tiên tiến của thế giới vào Thủ đô, từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt trong việc hưởng thụ các sản phẩm văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên cơ sở của sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ

Xổ số miền Bắc