Bài 3: Kiến tạo xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam: đặc trưng và mô hình

Kết hợp hữu cơ giữa tổ chức thực tiễn và phát triển lý luận

Đó chính là một trong những bài học lịch sử vô giá làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam, góp phần vào sự phát triển sáng tạo và bảo vệ thành công chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng nhằm vừa nâng cao trình độ lý luận vừa đẩy mạnh năng lực tổ chức thực tiễn cách mạng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Đổi mới vì chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp vô cùng khó khăn, mới mẻ, chưa có tiền lệ, thực tiễn còn đang vận động, ý kiến thường rất khác nhau. Chỉ có tiếp tục đổi mới tư duy, thực sự cầu thị, phát huy tự do tư tưởng, vừa kiên định vừa vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đi sâu vào tổng kết thực tiễn, chúng ta mới có thể từng bước giải đáp được những vấn đề đặt ra…”. 

Do đó, tổ chức tốt thực tiễn, kịp thời và thường xuyên tổng kết kinh nghiệm thực tiễn là con đường duy nhất đúng để phát triển lý luận cách mạng. Lịch sử cách mạng nước ta xác nhận: Từ thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam, Đảng ta hiện thực hóa sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm bản chất, quy luật vận động đặc thù của Việt Nam, đề ra đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo cho cách mạng Việt Nam. Và, đây là một trong những kinh nghiệm lớn làm nên bản lĩnh và sức mạnh cầm quyền của Đảng, góp phần phát triển của lý luận, đáp ứng nhu cầu nội tại của sự nghiệp đổi mới.

Trong việc tổng kết kinh nghiệm, trước hết phải bám sát thực tiễn đất nước, phát hiện, tìm tòi những hình thức, bước đi, phương pháp phù hợp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Cố nhiên, trong sự vận động đa dạng và phức tạp đó, phải nhận rõ nét bản chất nhất, xu hướng có tính chủ đạo của hiện thực chứ không phải là thực tế của một phương diện nào đó, cho dù là quan trọng. Cần kế thừa nhưng biết phủ định biện chứng nhằm bảo đảm sự nhất quán và phát triển liên tục trong quá trình xây dựng các quan điểm lý luận và thực tiễn ở nước ta. Các kinh nghiệm phải tiếp tục được khảo nghiệm trong thực tế để kiểm nghiệm, nghiêm túc tiếp thu những sáng tạo của quần chúng, của cơ sở để không ngừng phát triển, bổ sung đó theo sự phát triển của thực tiễn đất nước làm cơ sở cho việc phát triển lý luận, trực tiếp hoạch định đường lối của Đảng. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII 	Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII. Ảnh: Trí Dũng

Đồng thời, không ngừng thâu thái, phân tích và tiếp thụ có chọn lọc các kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong khu vực với thái độ thực sự cầu thị không kỳ thị, không xa lánh, với phương pháp độc lập, sáng tạo không rập khuôn và không thực dụng. Đó chính là con đường hiệu quả nhất để khắc phục sự chủ quan, duy ý chí, sự thiển cận bảo đảm sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thật sự khoa học và sáng tạo vừa đáp ứng với những yêu cầu phát triển của đất nước vừa phù hợp với xu thế vận động của thời đại, góp phần vào việc phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội. 

Toàn bộ các công việc trên đây, xét về thực chất, là nhằm tới mục tiêu xác lập một đường lối độc lập, tự chủ sáng tạo về lý luận của Đảng ta chỉ đạo thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn”. Chỉ có như thế, Đảng ta mới xây dựng thành công một đường lối chính trị sáng tạo, đúng đắn, được thực tiễn thừa nhận và chứng minh, được nhân dân ủng hộ. Đến lượt mình, chỉ qua thực tiễn lãnh đạo và tổ chức thực tiễn công cuộc đổi mới theo đường lối chính trị ấy, Đảng ta mới có thể không ngừng trưởng thành về mọi mặt, nhất là về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

Có thể nói, đất nước không thể tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách đúng hướng và bền vững, nếu thiếu sự định hướng đúng đắn, một mô hình phù hợp, con đường rõ ràng, cơ chế vận hành xã hội thật sự khoa học và hiệu quả,… thậm chí sẽ đi tới chỗ thất bại nếu cắt rời hay hạ thấp bất cứ mặt nào. Đó là một chỉnh thể vấn đề: Từ lựa chọn mục tiêu chủ nghĩa xã hội tới định hướng XHCN đến định hình, định vị chủ nghĩa xã hội và hoạch định con đường XHCN Việt Nam. Đó cũng chính là những thành tố tạo nên chỉnh thể và sự toàn vẹn của thực tiễn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Nắm vững bất biến và linh hoạt khả biến

Kế thừa, phát triển độc lập và sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát triển sự lựa chọn và phát triển con đường XHCN của dân tộc Việt Nam 93 năm qua mà ngay từ những năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai phá – và một lần nữa khẳng định, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, đem lại cho mọi người, mọi dân tộc một cuộc sống tự do, được tôn trọng và hạnh phúc: “Chúng ta cần một xã hội phát triển vì con người, không bóc lột người, không xâm phạm nhân phẩm vì lợi nhuận”.         

Bước quá độ đặc thù trong đặc thù, gián tiếp của gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội đó của Việt Nam đã không thể không in dấu ấn rất đậm nét, thậm chí chi phối nhịp đi, tốc độ cũng rất đặc thù của con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội là, tất cả của con người, do con người, cho con người và vì con người. 6 đặc trưng của xã hội XHCN mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, mà chúng ta nỗ lực xây dựng quyết tâm thực hiện mục tiêu cao cả và thiêng liêng đó. Trong 6 đặc trưng của xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng, có 3 đặc trưng trực tiếp đề cập tới con người: “Nhân dân làm chủ”, “con người được giải phóng… phát triển toàn diện cá nhân”, “các dân tộc… đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ”. Đây chính là một lợi thế so sánh, một bước tiến quan trọng trong nhận thức và hành động thực tiễn của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội so với trước đây. Con người Việt Nam vừa là chủ thể vừa là động lực vừa là mục tiêu đồng thời là thước đo sự phát triển và là mệnh lệnh phát triển Việt Nam trong thế kỷ XX và XXI.

Đó là góc nhìn đột phá, mới mẻ về nhân tố con người, trên phương diện xã hội. Nhưng chúng ta biết, toàn bộ đời sống của con người không chỉ có vậy và cũng không phải chỉ thuần túy có quan hệ con người với con người về mặt xã hội. Vì, chúng ta, với cả xương, thịt, máu và bộ não của chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên và chúng ta nằm trong giới tự nhiên, như F.Angel nói, do đó, không thể “sống bên ngoài giới tự nhiên”. Vì vậy, quan hệ giữa con người với tự nhiên là đặc tính thứ hai tất yếu cùng với quan hệ về mặt xã hội của con người.

Về yếu tố xã hội, lâu nay, thường chỉ nhấn mạnh một vấn đề: cần hạn chế phát triển dân số để giảm sức ép đối với môi trường. Thực ra, vấn đề phát triển, các yếu tố xã hội, mối quan hệ giữa con người với con người, có ý nghĩa quan trọng không kém các yếu tố tự nhiên, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Không thể giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với tự nhiên nếu không giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với con người. Kết hợp hữu cơ giữa “cái kinh tế” và “cái xã hội”, giữa “hiệu quả kinh tế” và “hiệu quả xã hội” mới đưa xã hội tới ổn định và phồn vinh. Đó là hai mặt của vấn đề phát triển hiện đại.

Đất nước muốn phát triển bền vững phải vì con người và do con người; kết hợp yêu cầu của sinh thái tự nhiên với yêu cầu của sinh thái văn hóa, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho mọi người và công bằng xã hội. Nghĩa là, phải nhằm tới bảo đảm tính công bằng (về phương tiện và cơ hội tìm việc làm, thu nhập, sử dụng tài nguyên và mức sống), bảo đảm tính bền vững (bảo vệ tài nguyên sinh thái) và tính vì  mọi người (không gây phân cách và xung đột xã hội, mọi người được lao động và hưởng thụ thành quả lao động của mình, được tôn trọng nhân cách…). Mỗi người phải được tạo điều kiện chăm lo cho cuộc sống của mình và của cộng đồng, tự giác chăm lo bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời sống. Phải bảo đảm sự phát triển hài hoà giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và sinh thái vì lợi ích của mỗi người và của toàn xã hội, của thế hệ hiện nay và các thế hệ mai sau, nhằm tránh cuộc tái khủng hoảng kinh tế – xã hội hoặc các cuộc khủng hoảng có tính cục bộ trên con đường phát triển.

Bởi vậy, việc phát triển mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trước mắt với tầm nhìn năm 2045 – năm của mục tiêu nước ta trở thành một nước phát triển – càng không thể không thực thi hiệu quả vấn đề này. Đây chính là một điều kiện, một nội dung, một bảo đảm để nước ta phát triển bền vững cả về xã hội và sinh thái, thể hiện ưu thế rõ rệt của chủ nghĩa xã hội. Vì xét cho cùng, giới tự nhiên và lịch sử vẫn là hai yếu tố hợp thành của một môi trường trong đó chúng ta sống, vận động và tự biểu hiện. Cải cách các khu vực xã hội, các vấn đề về môi trường phải là các vấn đề cần có vị trí cao trong chương trình nghị sự của cả Việt Nam lẫn cộng đồng tài trợ. Và nhìn một cách tổng thể có ý nghĩa chiến lược, vấn đề trên đây phải được coi là một trong những đặc trưng quan trọng của xã hội XHCN Việt Nam nhằm thực hiện bước chuyển từ một xã hội tồn tại sang một xã hội có một hệ thống cơ cấu hài hòa.

Từ xuất phát điểm như vậy, kế thừa những thành tựu lý luận và qua thực tiễn gần 11 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), càng phải nhấn mạnh và phát triển mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gồm 8 đặc trưng.

Đây là thành quả của công cuộc đổi mới, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trước hết là thành quả của đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng đã thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đó là tương lai phát triển tất yếu của Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Đây là thành quả của sự kết hợp hài hòa giữa “cái phổ biến” và “cái đặc thù,” cái chung và cái riêng để tạo nên mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Phát triển sự thống nhất trong tính đa dạng sáng tạo XHCN

Thực tiễn XHCN những năm 90 của thế kỷ XX xác nhận: Thất  bại là con đường chung, nhưng thành công lại là những con đường riêng phong phú và độc lập theo nguyên tắc chung.  

Nhìn lại 93 năm qua, con đư­ờng XHCN Việt Nam dù gập ghềnh thì hình hài, vóc dáng và hệ tố chất của nó càng hiện dần lên qua mỗi chặng đư­ờng vận động của lịch sử dân tộc. Từ con đường với tư­ cách là mục tiêu, lý tưởng tới con đ­ường là sự vận động hiện thực của đất nư­ớc để v­ươn tới mục tiêu lý t­ưởng đó; từ con đư­ờng là hiện thực còn sơ khai, giản l­ược tới con đường ngày càng rõ nét, toàn diện và hoàn thiện hơn, dẫn tới gần mục tiêu hơn, thông qua hàng loạt bư­ớc phủ định biện chứng: phủ nhận chế độ thuộc địa, nửa phong kiến; phủ nhận chế độ tư­ bản chủ nghĩa trong mỗi b­ước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phủ nhận mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu cũ… Và cứ nh­ư vậy, chúng ta bư­ớc đầu xác lập một khái niệm với nội hàm khá đầy đủ và hệ thống về chủ nghĩa xã hội: Vừa là mục tiêu lý t­ưởng, vừa là sự vận động hiện thực rộng lớn của đất n­ước vừa là một chế độ xã hội – chính trị Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại.            

Việt Nam hội tụ đủ tất cả các điều kiện để thực hiện một sự lựa chọn và phát triển lịch sử độc lập của riêng mình.

Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là sau 35 năm đổi mới, ngày càng khẳng định ý nghĩa của những tìm tòi của Đảng ta về xã hội XHCN. Thành công nổi bật nhất là, Đảng lãnh đạo dân tộc giải quyết các mối quan hệ trong quá trình vừa “đoạt lấy những thành quả do nền sản xuất tư bản chủ nghĩa làm giàu cho nhân loại mà không phải trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa”, vừa “nắm được những thành tựu của thời đại tư sản, nắm được thị trường thế giới và các lực lượng sản xuất hiện đại, và làm cho những cái ấy phải chịu sự kiểm soát chung…”.  Càng độc lập và sáng tạo càng có nhiều cơ hội phát huy sự năng động trong công cuộc đưa nước ta “trở thành điểm xuất phát trực tiếp của chế độ kinh tế mà xã hội hiện nay đang hướng tới”, nhất là trong việc “đoạt lấy thành quả” hay “mượn tiền đề của chủ nghĩa tư bản” hiện nay để thực hiện sự “rút ngắn và giảm bớt được những cơn đau đẻ” không đáng có. Sự rập khuôn, máy móc, du nhập mô hình nước ngoài một cách cứng nhắc sẽ dẫn đến thất bại. Đảng ta càng quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển cả về quy mô, tính chất và chiều sâu nền kinh tế thị trường định h­ướng XHCN và coi đây là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gắn chặt với việc bảo đảm các vấn đề xã hội, trong mỗi bước đi. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới, khi quy mô và tốc độ toàn cầu hóa kinh tế đang mở rộng và tăng tốc không ngừng, khi kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ và tạo nên những xung lực mới, những cuộc bứt phá, đảo lộn với tốc độ vô cùng lớn; khi nền văn minh chính trị và tiến bộ thế giới không ngừng phát triển… Nó đòi hỏi không chỉ sự kết tinh và phát triển toàn diện nội lực đất nước đủ mạnh sau nhịp 35 năm, tạo dựng nền tảng cho sự hội nhập và phát triển mới mà còn chủ động không ngừng thâu thái tất cả các ngoại xung lực, hướng tới sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, tương dung với xu thế phát triển của thế giới đương đại đang vận động và phát triển một cách đa dạng nhưng thống nhất một cách phức tạp khôn lường.

Hiện nay, hơn bao giờ hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

Việt Nam làm bật lên và khẳng định mục tiêu bất di bất dịch, cao cả và thiêng liêng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội gắn liền với độc lập dân tộc. Đó chính là con đường xuất phát từ thực tế Việt Nam, thực hiện bằng phương thức, bước đi đặc thù Việt Nam, kiến tạo nên xã hội XHCN mang bản sắc Việt Nam. Đó là con đư­ờng phát triển XHCN có tính chất rút ngắn biện chứng. Đó cũng chính là con đ­ường nhỏ trong con đư­ờng lớn toàn nhân loại tất yếu tiến lên chủ nghĩa xã hội; một bộ phận, một biểu hiện cụ thể của xu thế phát triển tất yếu của thời đại ngày nay – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư­ bản lên chủ nghĩa xã hội.

Và, đó cũng là bước phát triển, trưởng thành to lớn và toàn diện của Đảng trong sứ mệnh là người khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.

______

GS. TS. Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Sđd, tr.173.

Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.273.  

Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.22.  

Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đê về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.37 – 38.