Bài 31. Virut gây bệnh. Ứng dụng của virut trong thực tiễn

1. Virut kí sinh ở vi sinh vật (phagơ)

Hiện biết khoảng 3000 loại virut, kí sinh ở hầu hết vi sinh vật nhân sơ (vi khuẩn, xạ khuẩn) hoặc sinh vật nhân thực (nấm men, nấm sợi (virut kí sinh ở nấm còn gọi là Mycovirus)).
Phagơ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp vi sinh vật như sản xuất thuốc kháng sinh, mì chính, thuốc trừ sâu sinh học…

2. Virut kí sinh ở thực vật

Hiện biết khoảng 1000 loại virut gây bệnh cho thực vật

– Virut tự nó không có khả năng xâm nhập vào tế bào thực vật. Phần lớn virut gây nhiễm do côn trùng (bọ trĩ, bọ rầy,… chích), cây bị bệnh có thể truyền cho thế hệ sau qua hạt, số khác truyền qua các vết xây xát do nông cụ bị nhiễm gấy ra.

– Sau khi nhân lên trong tế bào, virut di chuyển sang tế bào khác qua cầu sinh chất nối giữa các tế bào và cứ như thế lan rộng ra.

– Cây bị nhiễm virut thường có hình thái thay đổi : Lá bị đốm vàng, đốm nâu, bị sọc hay vằn ; lá bị xoăn hay héo, bị vàng rồi rụng ; thân bị lùn hay còi cọc.

Hiện nay không có thuốc chống virut thực vật. Biện pháp tốt nhất là chọn giống cây sạch bệnh, vệ sinh đồng ruộng và tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh.

3. Virut kí sinh ở côn trùng

Virut kí sinh và gây bệnh cho côn trùng, khi đó côn trùng là vật chủ.

– Virut tồn tại trong côn trùng trước và sau khi gây nhiễm vào cơ thể khác, khi đó côn trùng là ổ chứa. Có loại virut chỉ kí sinh ở côn trùng, nhưng có loại lại vừa kí sinh ở côn trùng vừa kí sinh ở động vật có xương sống.

– Tùy loại virut mà chúng có thể ở dạng trần hoặc nằm trong bọc prôtêin đặc biệt dạng tinh thể gọi là thể bọc.

– Khi còn trùng ăn lá cây chứa virut, chất kiềm trong ruột côn trùng phân giải thể bọc, giải phóng virut. Chúng xâm nhập vào tế bào ruột giữa hoặc theo dịch bạch huyết lan ra khắp cơ thể.