Bài 5: Trên vũ đài cách mạng văn hóa | BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Vị trí của Giang Thanh trên chính trường Trung Quốc ngày càng trở nên đáng sợ. Sau những bài phê bình làm chao đảo giới văn nghệ Trung Quốc, Giang Thanh tiếp tục lấn sâu vào con đường chính trị, trở thành “người cầm cờ” của cuộc Cách mạng văn hóa.
-
Thủ lĩnh Cách mạng văn hóa
Từ trái qua Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình.
“Bảng tóm tắt” của Giang Thanh cùng một số người trong ê-kíp soạn thảo cuối cũng được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua và trở thành văn kiện “đầu đỏ” được in phát cho toàn Đảng.
Tiếp đó, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mở rộng đã thông qua bảng “Thông báo” – còn gọi là “Thông báo 5.16”. Đó chính là tuyên ngôn của “Cách mạng văn hóa”, là cương lĩnh tiến hành “Cách mạng văn hóa”. Trong “Cách mạng văn hóa” ấy, Giang Thanh là diễn viên sôi nổi, náo động và để lại nhiều “chiến tích” kinh khủng nhất. Giang Thanh trở thành Tổ phó thứ nhất tổ “Cách mạng văn hóa Trung ương”, sau khi tổ trưởng là Trần Bá Đạt, do Mao Trạch Đông chỉ định, bị bệnh nặng.
Sau khi “Thông báo 5.16” được truyền xuống, Bành Chân, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng và là Thị trưởng Bắc Kinh bị đình chỉ chức vụ. Bắc Kinh trở nên rối loạn với hàng loạt vụ tự sát của các quan chức khác như Đặng Thác, Điền Gia Anh. Chưa dừng lại, sau đó Giang Thanh cùng ê kíp tiếp tục soạn thảo văn kiện: “Báo cáo xin chỉ thị đấu tranh triệt để xóa bỏ sạch sành sanh đường lối đen chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, chống tư tưởng Mao Trạch Đông của Bộ Văn hóa”, tuyên bố phải “đào xới càn quét”, “triệt để tẩy sạch” đối với giới văn nghệ.
Ngày 28-11-1966 hơn hai vạn người đến lèn chặt nhà hội trường Đại hội nhân dân để cổ vũ cho Giang Thanh tại “Đại hội Cách mạng văn hóa vô sản của giới văn nghệ thủ đô”. Vậy là Giang Thanh đã lên làm “thủ lĩnh” của “Cách mạng văn hóa”.
Nữ thần phục thù
Tuy nhiên, quá khứ không đẹp đẽ gì của Lam Bình luôn làm cho Giang Thanh day dứt trong tim. Giang Thanh muốn che đậy những cái xấu đó vì biết nếu lộ ra sẽ làm tổn hại danh tiếng “người cầm cờ”. Lam Bình của Thượng Hải năm đó cần phải chết đi.
Chuyện thất bại trong việc tranh giành với Vương Oanh vai diễn của vở “Trại Kim Hoa” Giang Thanh cũng chưa quên được giận. Dưới sự chỉ đạo của Giang Thanh, gia đình của Vương Oanh bị hại cho tan nát, còn Vương Oanh thì bị bức cho đến chết dù đã trốn sâu ở một vùng xa xôi hẻo lánh. Vương Oanh bị đội thêm cho cái mũ “đặc vụ của Mỹ”, “kẻ phản bội”, “phản cách mạng”. Giang Thanh đã lệnh cho mật vụ tra khảo Vương Oanh cho đến tê liệt, toàn thân co giật, không nói được. Ngày 3-3-1975, Vương Oanh chết một cách oan uất trong tù.
Ngay cả đến ân nhân của mình Gianh Thanh cũng lấy oán trả ân. Đó là trường hợp của cô hầu Tần Quế Trinh – người theo hầu hạ Lam Bình trong thời gian cô ở Thượng Hải. Sợ cô hầu năm xưa biết quá nhiều chuyện nên Giang Thanh sai đặc vụ đưa cô vào lao tù 7 năm trời. Ngay cả Chương Dẫn, người tình cũ, lúc đó đang là Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Điện ảnh cũng bị đẩy vào con đường chết. Rồi đến Tôn Duy Thế, nữ đạo diễn Đoàn kịch nghệ thuật Thanh niên Bắc Kinh, nơi Giang Thanh từng công tác cũng bị xích tay hạ ngục. Bà bị “nhốt chặt” trong ngục cho đến chết một cách thê thảm.
Bàn tay của Giang Thanh không dừng lại ở đó. Sau những đòn trả tư thù, Giang Thanh tiếp tục điên cuồng đánh đổ, bức hại các công huân. Người đầu tiên chịu đòn là Đào Chú, người từng được Giang Thanh đưa lên trên trong danh sách Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc để trấn áp Đặng Tiểu Bình nhưng Đào Chú không theo những suy nghĩ của Giang Thanh nên bị gán tội “phái bảo hoàng lớn nhất của Trung Quốc, độc hành độc đoán”, làm cho cả Bắc Kinh dấy lên làn sóng điên cuồng lật đổ Đào Chú.
Giang Thanh tiếp tục cuộc truy quét khi với tay đến tận Thành Đô bắt Bành Đức Hoài, người bị xem là Hải Thụy trong suy nghĩ của Giang Thanh dù lúc này Bành Đức Hoài đã được Mao Trạch Đông phục nhiệm và đang lãnh quân ở phía Tây Nam. Bành Đức Hoài bị truy bắt và tống giải về Bắc Kinh, bị đấu tố đánh đập dã man. Cuối cùng vị tướng quân tiếng tăm lừng lẫy chiến trường phải nuốt uất hận mà chết trong tù ngục.
Vụ án để lại dấu ấn của Giang Thanh nhất có lẽ là vụ bức Lưu Thiếu Kỳ. Giang Thanh vì ghen ghét với Vương Quang Mỹ mà làm cho gia đình Lưu Thiếu Kỳ phải tan nát. Vin vào sự việc Vương Quang Mỹ khi đi thăm Miến Điện cùng Lưu Thiếu Kỳ có đeo sợi dây chuyền vàng mà Giang Thanh khép tội là theo tư sản, rồi bị đánh thành “Gián điệp tình báo chiến lược” của Mỹ. Giang Thanh kích động vợ trước và con của Lưu Thiếu Kỳ phản lại chính bố mình, vu khống Lưu Thiếu Kỳ nhiều tội không thể tưởng, làm ảnh hưởng ghê gớm đến thanh danh của vị Chủ tịch nước.
Giang Thanh lại chỉ huy vở “ác kịch” bắt Vương Quang Mỹ cho bằng được. Sau đó Lâm Bưu phán xử Vương Quang Mỹ tội tử hình “thi hành ngay”. Bản phán quyết đưa lên chỗ Mao Trạch Đông, ông phê bốn chữ “lưu lại dưới đao” mới tạm giữ được mạng của Vương Quang Mỹ. Sau đó Giang Thanh tiếp tục đánh mạnh vào Lưu Thiếu Kỳ, dựa trên những chứng cớ giả tạo biến ông thành “đại phản bội”. Lâm Bưu cũng thuận theo Giang Thanh mà phê duyệt cáo trạng.
Sau đó tại Hội nghị Trung ương 12 khóa VII họp tại Bắc Kinh, trong tình hình rất không bình thường, hội nghị thông qua nghị quyết sai lầm: “Khai trừ khỏi Đảng vĩnh viễn, hủy bỏ mọi chức vụ trong và ngoài Đảng” đối với Lưu Thiếu Kỳ. Tin đó được báo đúng vào sinh nhật bảy mươi của ông. Nghe xong, ông bị sốt cao. Cuối cùng, lúc 6g45 phút ngày 20-11-1969, vị Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chết thê thảm trong nhà ngục Khai Phong.
Đón đọc Bài 6: Đoạn cuối đời “Nữ hoàng không đội mũ”
—————————-
(*) Người dịch: Nguyễn Doanh Hải, sách do NXB CADN phối hợp với Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa phát hành.
Mạnh Minh lược ghi
Những bài đã xuất bản: