Bài cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – HAVICO Tour
Mục lục bài viết
Ngày 23 tháng Chạp, các gia đình làm lễ cúng tươm tất để tiễn ông Công, ông Táo lên trời báo cáo tình hình gia đình trong năm qua với Ngọc Hoàng.
Lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, dân gian quan niệm đây là ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời. Các gia đình làm lễ cúng tươm tất để tiễn ông Công, ông Táo lên trời báo cáo tình hình gia đình trong năm qua với Ngọc Hoàng.
Năm nay, lễ cúng ông Công ông Táo 2021 năm nay rơi vào thứ Năm, ngày 4 tháng 2.
Cúng ông Công ông Táo: Chuyên gia nêu những “lưu ý đặc biệt”
Đồ chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo ngoài mâm cỗ thì không thể thiếu bộ mũ với 2 mũ có cánh chuồn của Táo ông và 1 mũ không có cánh chuồn của Táo bà. Để giản tiện, nhiều người chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.
Cùng với đó là 3 con cá chép sống, được quan niệm là phương tiện để giúp các Táo Quân chầu trời. Khi làm lễ cúng xong, người dân phóng sinh cá chép ra ao, hồ, sông…
Bên cạnh chuẩn bị lễ chu đáo, gia chủ còn quam tâm nhiều đến bài cúng ông Táo. Bởi theo quan niệm, bài cúng, văn khấn chính là lời khấn nguyện của gia đình gửi tới ông Táo để báo cáo lên Ngọc Hoàng.
Dưới đây là bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin mà các gia đình có thể tham khảo dùng trong lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nên cúng 23 tháng Chạp giờ nào?
Dân gian quan niệm, ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để báo cáo những công việc tốt và chưa tốt của gia chủ trong năm. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo, cùng với “phương tiện” là cá chép sống, để Táo quân về trời.
Về thời gian tiến hành nghi lễ quan trọng này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi chia sẻ trên Vietnamnet, ngày 23 tháng Chạp, gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo vào 2 khung giờ là 5h-7h hoặc 9-11h.
Theo vị này, 5-7h sáng 23 là giờ Mão – giờ Đại An, cúng vào giờ này ngụ ý nhờ Táo quân mang đi những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, giúp gia đạo hưng vượng. Ngoài ra, tiến hành nghi lễ cúng vào giờ này còn mang tới sức khỏe tốt lành, sự bình an trong tâm trí cho gia đình.
Còn khung 9-11h ngày 23 là giờ Tỵ, giờ Tốc Hỷ, cúng vào giờ này ngụ ý Táo quân sẽ mau chóng đem về những chuyện may mắn vui vẻ, hứa hẹn trong năm mới cả gia đình có nhiều niềm vui và sự hóa giải kịp thời cho những xui xẻo có thể gặp phải.
Chuyên gia cũng khuyên các gia đình phải làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp.
Dọn dẹp bàn thờ, tỉa chân nhang
Nhiều gia đình cũng chọn ngày 23 tháng Chạp để dọn bàn thờ trong nhà đón năm mới. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền – Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, cho biết trên báo Lao động, theo dân gian thì các gia đình thường dọn dẹp bàn thờ vào sáng 23 tháng Chạp hằng năm.
Nhà nhà chuẩn bị cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Về trình tự tiến hành, gia chủ sẽ thắp hương, đọc văn khấn xin phép, rồi tỉa bớt chân hương, chỉ nên để lại 3 chân hương. Lưu ý là với bát hương của người đã mất nhưng chưa qua 3 năm, là đàn ông thì để lại 7 chân nhang, còn đàn bà để lại 9 chân nhang, riêng bát hương quan thần linh chỉ giữ lại 5 chân nhang.
Vị chuyên gia lưu ý, dịp này các gia đình chỉ tỉa chân nhang chứ không phải thay bát hương, việc tỉa chân nhang không làm xê dịch hay xoay chuyển vị trí của bát hương. Gia chủ sẽ tỉa chân hương ở cả bàn thờ tổ tiên và bàn thờ ông Công ông Táo.
Nguồn trên cũng nêu một số lưu ý khi dọn bàn thờ như khăn và chổi phải được dùng riêng cho việc này; Ngoài nước sạch, thì dùng rượu trắng với nước gừng để lau; Với bát hương và bài vị, khi lau lấy tay giữ để không bị xoay…