Bài thuyết trình về “Văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên số và phương pháp đọc”
THUYẾT TRÌNH VỀ VĂN HÓA ĐỌC NHÂN NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21/4/2018
Kính thưa Ban giám hiệu, quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến! Lời đầu tiên cho phép tôi được gửi tới Ban Giám hiệu quý thầy cô cùng toàn thể các em học sinh lời kính chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất.
Để góp phần phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là “Ngày sách Việt Nam”. Và ngày hôm nay để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4, được sự đồng ý của Ban giám hiệu tôi xin trình bày bài thuyết trình của mình với chủ đề ” Văn hóa đọc trong thời đại kỉ nguyên số và kỹ năng đọc sách”. Tôi hy vọng bài thuyết trình sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho quý thầy cô và các em.
Các em học sinh thân mến!
Xưa kia ở vùng đất Chí Linh, Hải Dương, có cậu bé Mạc Đĩnh Chi từ nhỏ đã mồ côi cha, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống hàng ngày.
Mẹ ông chịu thương chịu khó dành dụm tiền mong con đi học lấy cái chữ. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi ra sức học tập. Ông chăm chỉ đọc sách, nghiền ngẫm, kể cả những lúc gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn. Không có tiền mua nến để đọc sách, thì Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thì lấy lá rừng đốt lên để học.
Với nghị lực phi thường như vậy, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng là thần đồng Nho học. Khoa thi Giáp Thìn (1304) thi hội Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình ông đỗ Trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi còn được Thiên tử nhà Nguyên phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên” của Trung Hoa và Đại Việt.
Như vậy chúng ta thấy từ xưa đến nay, muốn đi đến thành công con người cần phải có tri thức. Một trong những cách tiếp cận tri thức đó chính là việc đọc sách. Tuy nhiên để việc đọc sách thật sự có hiệu quả thì cá nhân mỗi người cần luyện cho mình có văn hóa đọc.
Vậy văn hóa đọc là gì? Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa đọc nhưng theo tác giả Chu Hảo thì văn hóa đọc là thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc như thế nào.
Thói quen đọc sách là một thói quen tốt mà chúng ta cần phải rèn luyện thường xuyên, chắc hẳn quý thầy cô và các em cũng biết điểm chung của những người siêu thành công trên thế giới thật đơn giản đó là việc giữ thói quen đọc sách: Bill Gates ông dành thời gian để đọc 50 đầu sách mỗi năm hay như tổng thống Obama ông được ví như con mọt sách trên đất Mĩ: Trong một lần phát biểu tại trường học ở bang California, ông nói mình đọc “hàng tấn sách” trong thời gian đi học, hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh một ngày Người phải đến 25 tờ báo khác nhau…….bởi theo Bác sách chính là “thuốc chữa tội ngu”
Theo thống kê mới nhất gần đây thì người dân Châu Âu, Mĩ hay Nhật Bản họ đọc trung bình từ 12 – 20 cuốn sách/năm một con số cao hơn gấp nhiều lần so với con số 0,8 cuốn/năm của người dân Việt Nam. Đây là con số quá khiêm tốn đối với một quốc gia đông dân như Việt Nam, điều này cho thấy một thực trạng đáng buồn về sự thiếu hụt “Văn hóa đọc” – nền tảng quan trọng hình thành nên những giá trị nhân văn đánh dấu sự phát triển văn minh của một dân tộc. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã dẫn đến sự thiếu hụt này?
Có thể có rất nhiều lý do dẫn đến sư thiếu hụt này như công nghệ thông tin phát triển khiến cho các bạn trẻ lạm dụng internet thờ ơ với việc đọc sách hay theo tác giả Chu Quang Tiềm ông cũng đã nêu: Thế giới ngày nay đang bùng nổ thông tin. Lượng sách in ra ngày càng nhiều khiến người ta không chuyên sâu dễ sa vào lối ăn tươi nuốt sống không kịp tiêu hóa, không biết suy ngẫm. Việc đứng trước một “rừng sách ” nó khiến bạn đọc khó lựa chọn dẫn đến lãng phí thời gian sức lực với những cuốn sách không thật có ích không gây hứng thú đọc cho độc giả.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là Bạn cần làm gì để chọn cho mình những cuốn sách hay và ý nghĩa? Trong bài bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm ông có nêu khi chọn sách cần: chọn cho tinh, không cốt lấy nhiều. Tìm đọc những cuốn sách thật sự có giá trị và có ích cho bản thân. Chọn sách phải có mục đích, có định hướng rõ ràng không nhất thời tùy hứng. Chọn sách nên hướng vào hai loại đó là Kiến thức phổ thông và kiến thức chuyên sâu.
Bên cạnh việc chọn lựa sách thì việc đưa ra một phương pháp đọc hợp lý cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng nó quyết định đến sự thành bại của người đọc sách bởi nếu lựa chọn không đúng phương pháp sẽ làm tốn thời gian vô ích và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn là đưa văn hóa đọc đến bờ vực thẳm.
Lê Quý Đôn đã từng nói: “Đọc sách không cần nhiều, đọc một chữ đem áp dụng làm việc được một chữ, thế là được.” bởi vậy khi đọc sách chúng ta cần: Đọc cho kĩ, đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến thuộc lòng. Đọc với sự say mê, ngẫm nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy và kiên định mục đích. Đọc phải có kế hoạch, hệ thống, không đọc tràn lan. Khi đọc nneen đọc sách về kiến thức phổ thông và kiến thức chuyên sâu.
Có thể coi việc đọc sách không chỉ là việc học tập tri thức mà còn là chuyện rèn luyên tính cách, chuyện học làm người. Phải chăng vì thế mà Maximgorki đã từng nói: “ Hãy yêu sách! Nó là nguồn kiến thức. Chỉ có kiến thức mới là con đường sống chỉ có nó mới có thể làm cho chúng ta trở thành những con người kiên nghị, chính trực, khôn ngoan, có khả năng thành thật yêu mến con người, tôn trọng lao động của con người và thành tâm khâm phục những thành quả tuyệt vời do công trình lao động động vĩ đại liên tục của con người làm nên.
Quý thầy cô và các em thân mến!
Một vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản V.I. Lê Nin có một câu nói vô cùng nổi tiếng mà tôi rất tâm đắc và nó đã trở thành châm ngôn sống và khát vọng sống trong tôi đó chính là: “Ăn có thể nửa bữa, ngủ có thể nửa đêm, nhưng không thể đi hết nửa đường chân lý và yêu nhau chỉ bằng một nửa con tim”.
Tôi là một cán bộ thư viện cũng giống như quý thầy cô và các em ngồi đây, tôi ăn món mình thích, lấy người mình yêu và làm điều mình muốn. Và ngày hôm nay ngay tại vị trí này ở đây tôi đang mong muốn được truyền lửa cho các em về tình yêu sách và “Khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các em”, còn các em nhưng chủ nhân tương lai của đất nước thì công việc và nhiệm vụ của các em là gì ạ? Đó là các em hãy ra sức học tập, rèn luyện đạo đức, nâng cao tri thức thông qua việc đọc sách, chỉ có điều đó thì các em mới có hành trang tri thức để sẵn sàng vững bước vào đời.
Hiện tại khi tôi đang đứng tại vị trí này tôi đã trở thành một cán bộ thư viện, vậy các em có muốn được đứng ở vị trí này như tôi, hay các em mong muốn được đứng trên bục giảng như các thầy cô giáo của mình…? Muốn làm được điều đó thì các em hãy đến với mái trường Tiểu học Thắng Sơn đến với thư viện trường Tiểu học Thắng Sơn tôi xin được khẳng định rằng các em sẽ không bao giờ phải tiếc nuối khi đã tin tưởng trao gửi và gửi gắm tương lai của mình vào đó. Vì ngoài việc được học tập trên lớp các em còn được tham gia rất nhiều các hoạt động bổ ích trong đó có hoạt khám phá thế giới mới thông qua việc đọc sách báo hàng tuần tại thư viện.
Vâng thưa các bạn (em), chúng ta hãy bằng trí tuệ, bằng sức trẻ, lòng nhiệt thành hãy cùng chung tay để phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta và phát triển văn hóa đọc của trường Tiểu học Thắng Sơn. Hãy cho tôi biết các bạn học sinh trường Tiểu học Thắng Sơn đang ở đâu ạ? Các bạn (em) có đồng ý với tôi là sẵn sàng ra sức thi đua học tập, chung tay góp sức chăm chỉ đọc sách để đưa văn hóa đọc của Trường Tiểu học Thắng Sơn lên một bước tiến mới không ạ. (học sinh trả lời). Vâng tôi xin cảm ơn câu trả lời của các bạn (em).
Bằng những hành động thiết thực để phát triển văn hóa đọc được sự đồng ý của ban giám hiệu sau đây tôi xin phát động phong trào ủng hộ sách thư viện với chủ đề “ Góp 1 cuốn sách nhỏ đọc ngàn cuốn sách hay”. Mỗi em học sinh sẽ ủng hộ thư viện một cuốn truyện thiếu nhi hoặc truyện đạo đức còn sử dụng được không rách nát và các em có thể ghi tên vào cuốn truyện mà mình đem tặng cho thư viện để luôn nhắc nhớ mình rằng sách luôn là người bạn thân thiết nhất của chúng ta và chỉ có đọc sách mới đem lại cho các bạn những thứ mà các bạn muốn.
Bài thuyết trình của tôi đến đây là hết. Tôi xin trân trọng cảm ơn quý thầy cô và các em đã chú ý lắng nghe.