Bài viết chi tiết
Trống đồng Quảng Chính
Theo các nhà khảo cổ học, văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại trong khoảng từ thế kỷ VIII trước Công nguyên đến thế kỷ II sau Công nguyên. Văn hóa Đông Sơn ra đời là kết quả hội tụ của nhiều nền văn hóa rực rỡ trước văn hoá Đông Sơn thuộc thời đại đồng thau trong quá trình chiếm lĩnh vùng đồng bằng các con sông lớn ở miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là lưu vực sông Hồng. Phạm vi phân bố của nền văn hóa Đông Sơn trên cơ bản là trong phạm vi ở miền Bắc Việt Nam.
Sự ra đời của kỹ thuật đồ sắt đã giúp cho kỹ thuật luyện đồng thau sau này được hoàn thiện. Mọi tinh hoa văn hóa của người Việt cổ lúc bấy giờ đều tập trung vào thể hiện kiểu dáng và hoa văn trên đồ đồng. Các trống đồng được tìm thấy phần nào đã giúp thế hệ ngày nay biết nhiều hơn về lịch sử – một nền văn hóa sơ khai đã phát triển mạnh dưới thời đại Hùng Vương của người Lạc Việt.Hằng trăm di tích cùng với các di vật đồ sộ đã được phát hiện – nghiên cứu, là minh chứng sinh động cho nguồn gốc, sự phát triển liên tục từ các văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun), đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt.
Trống đồngQuảng Chính được các chuyên gia nghiên cứu khảo cổ học xếp vào loại 4, nhóm A trong hệ thống phân loại trống đồng Đông Sơn.Cho đến thời điểm hiện tại trống đồng Quảng Chính cũng là trống đồng Đông Sơn duy nhất được phát hiện ở Quảng Ninh. Trống Quảng Chính cùng với sự hiện diện của các di tích văn hóa Đông Sơn như ở Đầu Rằm, ở Quan Lạn và mộ thuyền Phương Nam, trống Pha Long đã minh chứng cho sức sống, cương vực của văn hóa Đông Sơn kéo dài trên một khu vực rộng lớn từ núi cao cho đến ven biển, khẳng định một điều chắc chắn rằng có một giai đoạn văn hóa Đông Sơn trong lịch sử của Quảng Ninh.
Mặc dù trống đồng Quảng Chính mang phong cách đặc trưng của trống Đông Sơn nhưng lại có những điểm rất độc đáo không giống với bất kỳ một trống đồng nào khác đã được phát hiện. Trống có trọng lượng 12,7kg; Kích thước: Cao 31cm, đường kính mặt: 40cm, Mặt cắt: 48cm, đường kính đáy: 54cm, điểm khác biệt là: Trong khi hầu hết tất cả các hình chạm khắc trên các trồng đồng khác đều quay theo chiều quay của trái đất và theo chiều ngược kim đồng hồ còn các hình hoa văn chạm khắc trên trống đồng Quảng Chính đều thuận theo chiều kim đồng hồ. Chất liệu của trống với thành phần hợp kim có tỷ lệ chì rất nhỏ cũng là một đặc điểm hết sức độc đáo, khác biệt, khi mà các trống đồng khác đều có tỷ lệ chì từ 10-26%…Trống được trang trí bởi nhiều loại hình hoa văn phong phú, các hoa văn trên trống được thể hiện vô cùng sinh động với đường cong là chủ đạo, trong khi các trống Đông Sơn khác chủ yếu sử dụng các đường thẳng và cong nhẹ để thể hiện các hoa văn tả thực, bố cục trang trí chặt chẽ, hợp lý với bốn phần tách biệt:
Phần 1: Mặt trống (có đường kính 40cm)được trang trí không trùng lặp với bất kỳ họa tiết của những trống đồng đã biết bởi những hình ngôi sao 16 cánh tượng trưng cho thần mặt trời và nền văn minh lúa nước; Tiếp đến là hình các chú chim hạc mỏ và đuôi dài đang sải cánh bay cùng chiều kim đồng hồ; các hoa văn đồng tâm, họa tiết hoa văn răng cưa, điểm chú ý là rìa mặt trống có 12 lỗ nhỏ cách đều nhau, là dấu vết những con kê trên khuôn đúc trống;
Phần 2: Tang trống(chu vi tang trống: 147cm) hoa văn trang trí chủ đạo là hoa văn hình học với hình bốn chiếc thuyền được chạm khắc theo dáng hình đầu chim, vòng cung uốn cong lên chuyển động từ phải qua trái. Hình thuyền trên tang trống cũng độc đáo ở chỗ mũi thuyền nằm ở phía trái, tức là hướng chuyển động của thuyền là từ phải qua trái, trong khi các trống đồng khác thì ngược lại. Trên thuyền còn chạm khắc hình người ngồi giữa thuyềnvới tư thế tĩnh, hình người ngồi mũi thuyền đang trong tư thế chèo thuyền với tóc búi, trang phục đơn sơ, hướng ngồi của người trên thuyền đều hướng về phía mũi thuyền;
Phần 3:Thân trống(chu vi thân trống 126cm, cao thân trống: 14cm) được sắp xếp rất cân đối bằng các mô típ hoa văn răng cưa, hoa văn vòng tròn tiếp tuyến liền kề, ở đây chúng ta cũng nhìn thấy 10 ô hình chữ nhật, giữa các ô được chạm khắc các chú chim Bồ Nông mỏ dài, đuôi ngắn, chân dài đứng với nhiều tư thế khác nhau, quay theo hướng từ trái qua phải. Có điều khác biệt ở phần thân trống đồng Quảng Chính, có hai con chim ở ráp hai thân trống quay mặt vào nhau trên cùng một ô.
Chântrống (chu vi chân trống: 167cm, cao chân trống: 5,3cm)có 16 lỗ nhỏ vuông cách đều nhau, để trơn không có hình trang trí.
Trống đồng Quảng Chính là hiện vật gốc, độc bản có giá trị về lịch sử, khoa học, thẩm mỹ cao với bố cục hoa văn độc đáo, cách tạo hình người, vật, động vật và hình ngôi sao 16 cánh, hình tượng chim Hạc bay xuôi theo chiều kim đồng hồ. Nghệ thuật tạo hình trên trống độc đáo, đặc trưng bởi kỹ thuật khắc chạm trên khuôn tạo ra những hình ảnh khắc chìm, nổi trên mặt trống, nó cũng thể hiện sự tinh tế khéo léo, cảm nhận thẩm mỹ của những người thợ đúc đồng thuộc giai đoạn Văn hóa Đông Sơn. Trống không chỉ là vật linh mà còn là biểu tượng tập trung nhất của những thành tựu trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội. Trống đồng Quảng Chính được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 8 năm 2019) hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh. Đây là trống đồng duy nhất đến thời điểm hiện nay được phát hiện tại Quảng Ninh, minh chứng cho việc khẳng định chủ quyền về quốc gia, lãnh thổ và văn hóa của vùng đất phên dậu Tổ quốc.
Bài viết: Tuệ Minh – Bảo tàng Quảng Ninh
Nguồn ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh