Bản chất pháp lý của hợp đồng cấp quyền người dùng cuối và hướng tiếp cận của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Do các EULA có khả năng đưa người dùng vào tình thế bị khai thác về thông tin cá nhân, bị ảnh hưởng đến quyền tài sản của mình, nên nghiên cứu này góp phần đánh giá mức độ hiệu quả của pháp luật Việt Nam hiện hành trong việc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng các chương trình phần mềm và có những giải pháp phù hợp để tăng tính hiệu quả của pháp luật, gắn với bảo vệ tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ hiện nay.

Lý thuyết về hợp đồng cấp quyền người dùng cuối

Khái niệm hợp đồng cấp quyền người dùng cuối

Theo từ điển luật học online TheLaw.Com Dictionary EULA là “Các hợp đồng liên quan đến các phần mềm dành cho người sử dụng một sản phẩm, thường là người mua phần mềm. Người dùng sản phẩm phải đồng ý với tất cả các điều khoản và điều kiện được nêu trong EULA thì mới được sử dụng sản phẩm”.

Theo đó, EULA được xem là một “hợp đồng” cấp quyền sử dụng cho các giao dịch giữa người dùng cuối từ nhà phát triển hoặc tác giả (chủ sở hữu) của chương trình khi họ mua và cài đặt các chương trình phần mềm vào máy tính của họ. Trong khi đó, khái niệm của Black’s Law Dictionary có nhấn mạnh đến đặc điểm cơ bản của một EULA là việc người dùng bắt buộc phải đồng ý hoặc chấp nhận toàn bộ các điều khoản và điều kiện mà bên cấp quyền quy định trong hợp đồng thì mới được sử dụng sản phẩm.

Các EULA được nhắc đến trong luật bản quyền hay luật sở hữu trí tuệ của các nước dưới tên gọi là “thỏa thuận cấp phép” như luật của Hoa Kỳ hay “giấy phép phần mềm” (software license) trong luật của Liên minh châu Âu (EU). Ít có quốc gia nào đưa ra một định nghĩa cụ thể của EULA trong quy định pháp luật trừ Luật Bản quyền của Australia (Copyright Act 1968). Do đó, về mặt hình thức, các hợp đồng EULA có thể được coi là đã có cơ sở pháp lý đầy đủ.

Vai trò của hợp đồng cấp quyền người dùng cuối

– EULA có vai trò bảo vệ thị trường phần mềm toàn cầu: Nhiều nhà xuất bản phần mềm máy tính cá nhân phân phối các tác phẩm của họ trên quy mô thị trường toàn cầu. Để phân phối rộng rãi, các hợp đồng được đàm phán riêng lẻ là không khả thi và EULA là một công cụ hiệu quả để đặt các điều khoản cho các giao dịch thị trường đại chúng.

– EULA cung cấp thông tin có giá trị cho người dùng cuối: Hầu hết người mua phần mềm trong thị trường đại chúng có rất ít kiến thức về quyền của họ theo luật bản quyền. Do đó, nếu không có tài liệu từ nhà xuất bản phần mềm giải thích các quyền của họ, người dùng thông thường sẽ thiếu kiến thức cần thiết để tận dụng các quyền mà họ có theo luật bản quyền. EULA thực sự thông báo cho người dùng cuối về các điều khoản và điều kiện của giao dịch tốt hơn nhiều hợp đồng tiêu dùng khác hiện nay…

– EULA giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Vi phạm bản quyền phần mềm máy tính luôn là một vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, ảnh hưởng đến doanh thu ngành công nghiệp tiềm năng, nguồn thu thuế cho chính phủ, ảnh hưởng đến số lượng việc làm… Trong bối cảnh hệ thống các quy phạm pháp luật và cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa phát huy được nhiều tác dụng ở nhiều quốc gia, giấy phép phần mềm thông qua EULA là công cụ pháp lý cho phép những nhà phát triển phần mềm bảo về sản phẩm trí tuệ của họ khi chuyển giao cho người tiêu dùng sử dụng hoặc phân phối lại phần mềm. EULA được xem là một công cụ hữu hiệu và trực tiếp nhằm tăng cường quyền của các nhà phát triển chương trình phần mềm trước sự lạm dụng mạnh mẽ của các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời sẽ hỗ trợ tăng phúc lợi xã hội và duy trì hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt đối với các thị trường đang phát triển như Việt Nam.

– EULA là cơ sở để bảo vệ các quyền pháp lý của người dùng cuối: Việc hình thành và phát triển nhanh chóng tới mức độ kinh ngạc của “Thế giới Ảo”, kéo theo sự ra đời của “tài sản ảo”, sau đó phát sinh nhu cầu trao đổi và giao dịch với nhau. Việc trao đổi tài sản ảo đã gán cho tài sản ảo những giá trị về tiền tệ nhất định, là cơ sở tác động đến quyền tài sản và quyền nhân thân của người dùng cuối. Các EULA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các quyền của người dùng cuối bởi trước khi bước vào “Thế giới Ảo”, người dùng phải xác lập giao kết một EULA hoặc một điều khoản dịch Vụ, thiết lập các quyền và nghĩa vụ của người dùng và bên phát triển trò chơi. Việc đồng ý với các điều khoản của các thỏa thuận trực tuyến là nền tảng của một hợp đồng có hiệu lực và hợp thức hóa việc cài đặt các phần mềm…

Bản chất pháp lý của hợp đồng cấp quyền người dùng cuối

Bản chất hợp đồng của hợp đồng cấp quyền người dùng cuối

Các điều khoản trong EULA phổ biến hiện nay được thiết kế nhằm mục đích cung cấp cho người tiêu dùng “giấy phép” để sử dụng phần mềm thay vì sở hữu một bản sao của phần mềm. Về nội dung, các điều khoản các EULA thường bao gồm các điều khoản được sử dụng phổ biến trong các hợp đồng theo mẫu hay hợp đồng gia nhập, như quy định trọng tài, giới hạn trách nhiệm pháp lý và các quyền được truy cập thông tin người dùng.

Tuy nhiên, theo Michael Terasaki (2013), nhiều nhất vẫn là các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc cấp phép sử dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thomas Gamarello (2015) cho rằng, dù được thể hiện dưới loại hình nào thì các EULA thường bao gồm các bộ phận chính như: (1) thông báo về thỏa thuận cấp phép về đóng gói sản phẩm, (2) trình bày giấy phép đầy đủ về các tài liệu bên trong gói và (3) cấm truy cập vào sản phẩm mà không có chỉ dẫn rõ ràng sự chấp nhận. Với những bộ phận như vậy, đặc trưng của EULA chính là các nội dung này hoàn toàn được trình bày sẵn. Từ khảo sát thực tiễn, tác giả cho rằng, các EULA nên được nhìn nhận là quan hệ “hợp đồng” chứ không phải một loại “giấy phép”. Bởi lẽ một EULA không thể được xác lập chỉ dựa trên hành vi đơn phương của chủ sở hữu phần mềm, mà nhất thiết cần phải có hành vi xác nhận sự đồng ý của người dùng, hoàn toàn khác biệt với giấy phép mã nguồn mở hay GPL.

Bản chất hợp đồng theo mẫu của Hợp đồng cấp quyền người dùng cuối

Điểm chung của các hợp đồng điện tử tồn tại trên web, bao gồm cả EULA, chính là tính chất “theo mẫu” của chúng. Tất cả các dạng hợp đồng này đều được bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ, phần mềm, tự soạn thảo ra, đưa chúng lên trang web hoặc đính kèm với sản phẩm, dịch vụ được đặt bởi người mua. Người mua hàng hoặc người dùng hoàn toàn không có khả năng can thiệp vào nội dung của các điều khoản và điều kiện đính kèm sản phẩm được gửi đến. 

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, khi các khung hoặc trang web chứa nội dung các điều khoản và điều kiện của hợp đồng xuất hiện trên màn hình máy tính, màn hình điện thoại với hình thức kém hấp dẫn dường như là yếu tố làm nản lòng bất kỳ khách hàng nào. Khách hàng dù muốn tìm hiểu chúng đến đâu cũng dễ dàng nhận thấy sự thôi thúc muốn nhanh chóng sử dụng sản phẩm làm cho lu mờ đi, tác động đến quyết định giao kết hợp đồng, ngay cả khi họ chưa đọc và cân nhắc kỹ lưỡng nội dung của chúng.

Pháp luật Việt Nam liên quan đến hợp đồng cấp quyền người dùng cuối

Xét riêng các quy định liên quan đến Hợp đồng cấp quyền người dùng cuối, hiện nay cũng chưa có bất kỳ quy định nào của luật Việt Nam ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan đến giao kết này. Khái niệm hợp đồng theo mẫu được pháp luật Việt Nam quy định khá rõ tại Điều 405 Bộ Luật Dân sự 2015 và Điều 5 Khoản 3 Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng số 59/2010/QH12 (“Luật BVQLNTD”).

Tuy nhiên, đối với cách thực hiện giao kết các hợp đồng theo mẫu thì các quy định của Luật BVQLNTD chỉ giới hạn một số các điều khoản bị cấm, bao gồm các điều khoản loại bỏ toàn bộ trách nhiệm của bên soạn thảo hợp đồng và quyền khởi kiện của người dùng (Điều 16); trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và cho người dùng thời gian hợp lý để quyết định ký kết (Điều 17); và trách nhiệm công bố hợp đồng mẫu đối với các hợp đồng thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (Điều 18).

Trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không bao gồm loại hợp đồng EULA. Vì thế, các quy định hiện hành hầu như khó có thể ràng buộc được trách nhiệm của bên phát triển phần mềm trong trường hợp bên phát triển phần mềm quy định các điều khoản liên quan đến tự ý chặn tài khoản hoặc hủy chương trình mà không cần lý do rõ ràng.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có quy định xử phạt đối với trường hợp các công ty trò chơi trực tuyến tự gỡ bỏ chương trình mà không báo trước ít nhất 90 ngày, tự ý chặn người dùng không theo thỏa thuận hoặc điền kiện đã công bố.

Tuy nhiên, luật cũng cấm việc quy đổi vật phẩm ảo thành tiền, như vậy việc báo trước hay không cũng không giải quyết được các lợi ích vật chất mà người dùng cuối bị thiệt hại. Ngoài ra, việc chỉnh sửa các điều kiện và điều khoản trong EULA để người dùng chấp thuận không thể cản trở nhà sản xuất đưa vào EULA các điều khoản bất lợi cho người dùng, bởi xu hướng bỏ qua các quy định này để tiếp tục sử dụng chương trình, buộc người dùng không có sự lựa chọn nào khác là chấp nhận đồng ý.

Hiện nay, luật không cụ thể hóa cho tất cả các EULA mà chỉ nhắc đến 2 trường hợp là các dịch vụ mạng xã hội và trò chơi điện tử trực tuyến. Hơn nữa, các quy định này đều đứng dưới góc độ xử lý vi phạm hành chính, chứ không đứng dưới góc độ hợp đồng để xử lý, do đó, khá nhiều các vấn đề có khả năng ảnh hưởng đến quyền của người dùng nhưng vẫn có thể hợp pháp nếu đã được người dùng cho phép hay đồng ý trước qua các EULA…

Kết luận và đề xuất kiến nghị

Dưa trên các kết quả nghiên cứu, tác giả xin đưa ra một số hướng kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý của Việt Nam về quản lý EULA. Cụ thể:

Thứ nhất, pháp luật cần công nhận EULA là một hợp đồng giữa người dùng cuối và nhà sản xuất phần mềm, góp phần vào việc bảo vệ quyền lợi người dùng cuối trong các giao dịch trên mạng internet. Đây là cơ sở để bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người dùng cuối, thay vì chỉ đứng dưới góc độ cấp phép sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ theo thỏa thuận cấp quyền thông thường.

Thứ hai, xây dựng cơ sở pháp lý và kỹ thuật mang tính mặc định để kiểm soát các hợp đồng EULA.Với đặc tính giao kết đặc biệt, người dùng cuối dường như dành rất ít thời gian để đọc, nghiên cứu và hiểu các EULA trước khi họ đồng ý chấp nhận giao kết các điều khoản và điều kiện trong các thỏa thuận này. Bên cạnh đó, sẽ không có một cách thức nào hiệu quả hơn để bảo vệ quyền lợi cho người dùng bằng cách xây dựng một số các cơ chế mặc định cho EULA, nghĩa là luật cần xây dựng chi tiết hơn các điều khoản bắt buộc và điều khoản cấm trong các EULA…

Thứ ba, công nhận quyền tài sản đối với các tài sản ảo phát sinh trong quá trình sử dụng chương trình trên mạng trên cơ sở tùy thuộc vào loại chương trình và thỏa thuận EULA mà xem xét công nhận các quyền tài sản của người dùng cuối. Nếu công nhận tài sản ảo thì có thể bảo vệ tài sản ảo thông qua các EULA bằng cách phân loại các chương trình phần mềm. Nếu pháp luật tiếp cận theo hướng này, quyền tài sản của người dùng sẽ được đảm bảo. 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2020), Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

2. Bộ Công Thương (2019), Sách trắng Thương mại Điệt tử Việt Nam năm 2019;

3. Clayton P. Gilltte (2005), Pre-Approved Contracts for Internet Commerce, 42 Hous.L.Rev. 975, 975-76;

4. Jason T. Kunze (2008), Regulating Virtual Worlds Optimally: The Model End User License Agreement, 7 Nw. J. Tech. & Intell. Prop. 102;

5. Joseph. M. Perillo (1993), Corbin on contracts, (rev. Ed. 1993).