Bàn giải pháp phát triển Du lịch biển, đảo Việt Nam

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội thảo. 

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương và Hiệp hội Du lịch các địa phương, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, du lịch và khoảng hơn 1.000 người ở các điểm cầu trên cả nước.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3260 km và sở hữu hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ, có khoảng 125 bãi biển, nhiều bờ cát trắng và vịnh biển hoang sơ; là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch biển đảo. Nhiều địa điểm của Việt Nam được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Trong danh sách 156 quốc gia có biển, Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 27 và là quốc gia có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Cùng đó, với Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang, Việt Nam được đánh giá là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới.

Các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2010 – 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa. Năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước.

“Với những tiềm năng và lợi thế trên, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 sẽ phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Đồng thời, du lịch biển đảo đã được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng Cục Du lịch), bên cạnh những kết quả đạt được về du lịch biển đảo, vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm như: thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch biển còn thấp; thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch; tính mùa vụ còn rất cao, nhất là ở miền Bắc. Các sản phẩm du lịch cao cấp chưa có nhiều. Các nhà đầu tư còn chú trọng thu lợi nhuận ngắn hạn, chưa đầu tư dài hạn do sức ép về tài chính và muốn thu hồi vốn đầu tư nhanh. Cùng với đó là hạn chế về môi trường và nguồn lực đầu tư cho môi trường. Sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch biển đảo còn mang tính tự phát…

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Để phát triển du lịch biển đảo bền vững cần phân vùng phát triển phù hợp với đặc điểm tài nguyên và định hướng thị trường ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương và điểm đến. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp – Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.