Bản lĩnh văn hóa giúp Hà Nội vượt qua mọi thử thách – Bài 1: Văn hóa Thủ đô vẫn tỏa sáng theo thời gian
PGS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học đã từng tổng kết phẩm chất văn minh, thanh lịch của người Hà Nội biểu hiện ở sáu nội dung cơ bản là trí tuệ hàn lâm, giàu nghĩa khí, hào hoa phong nhã, nhân ái chuộng hòa bình, chừng mực vừa phải và tôn ti trật tự, tôn trọng pháp luật. Trong thực tế cuộc sống, nhất là trong đại dịch Covid-19 làm đảo lộn nhiều hoạt động của xã hội như hiện nay, điều đó vẫn không có thay đổi nhiều, chứng tỏ văn hóa người Hà Nội vẫn tỏa sáng theo thời gian.
Trước hết về chất trí tuệ và hàn lâm, văn hiến. Tố chất này được coi là nét đặc trưng nổi bật của người Hà Nội. Đặc trưng này biểu hiện qua các dấu ấn văn hóa vật thể và phi vật thể như Văn Miếu Quốc tử giám, Tháp Bút, trình độ dân trí, coi trọng nhân tài. Ngày nay, Văn Miếu- trường đại học đầu tiên của Việt Nam vẫn là “điểm hẹn” cho thí sinh Thủ đô và cả nước mỗi mùa thi.
Họ đến đây không chỉ cầu lấy sự may mắn trong thi cử mà còn để chiêm bái sự thành đạt của cha ông trong quá khứ. Bên cạnh đó, cũng là để “báo cáo” với các bậc tiền nhân rằng việc học hành thi cử, trọng chữ nghĩa của người xưa vẫn được thế hệ trẻ ngày nay nối tiếp không ngừng nghỉ. Nhân dân Hà Nội cũng như cả nước vẫn chăm chỉ rèn đức luyện tài, mang trí tuệ, tâm sức của mình ra để cống hiến cho Thủ đô và đất nước. Điều này cho thấy, cho dù thời đại thay đổi, việc khát khao khoa cử, ghi danh bảng vàng vẫn được người dân Hà Nội thiết tha và trân trọng.
Chính vì truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo mà ngày nay Hà Nội vẫn là nơi tập trung dân trí cao, nhiều trí thức, nhiều nhân tài vẫn ngày đêm miệt mài học tập, tích lũy để nâng cao kiến thức hơn nữa. Đây cũng là nơi nhân tài các nơi đổ về làm giàu thêm cho tri thức của Thủ đô. Hà Nội cũng là nơi tập trung hầu hết các cơ quan hàn lâm khoa học của cả nước.
Ở phẩm chất giàu nghĩa khí, có khí phách và tính kẻ sĩ. Biểu hiện cao độ của tính cách này là lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng, lòng tự trọng. Suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long, Đông Đô đã bao nhiêu phen chịu sự giày xéo của vó ngựa đô hộ. Người dân nơi đây cũng biết bao lần phải ngậm ngùi nuốt lệ rời đất kinh kì phồn hoa để lập nên trận địa “vườn không nhà trống” giúp triều đình tiêu diệt kẻ thù. Tới những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người dân Thủ đô lại tự giác thực hiện nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến. Ngay từ những ngày đầu chiến sự nổ ra, các gia đình trong mỗi phố đã không hề tiếc đồ đạc trong nhà. Họ sẵn sàng quẳng bàn ghế, sập gụ, hòm xiểng, cánh cửa… ra đường phố, hình thành các ụ chướng ngại, chiến lũy để cản địch. Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã trở thành biểu tượng đẹp của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô những ngày toàn quốc kháng chiến cũng như suốt chiều dài lịch sử của Hà Nội.
inh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã trở thành biểu tượng đẹp của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô những ngày toàn quốc kháng chiến cũng như suốt chiều dài lịch sử của Hà Nội.
Công nhân hỏa xa, công nhân xe điện đẩy các toa tàu ra giữa đường phố; tự vệ hạ cây, ngả cột đèn chắn các ngã tư, ngã năm. Nhân dân nội thành tản cư ra các cửa ô đã cùng nhân dân ngoại thành đào hàng chục ki lô mét hào giao thông, hàng trăm công sự chiến đấu và phòng tránh; tham gia phá hoại đường sá, cầu cống, nhà cửa… để ngăn chặn địch. Có thể nói, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược có phần đóng góp đáng kể của quân và dân Hà Nội, nhất là trong thời kỳ đầu, với kế sách “thanh dã”, “tiêu thổ kháng chiến”, bỏ lại những thành phố, thị xã, làng mạc trống không, với khẩu hiệu “tản cư cũng là cứu nước”, lên chiến khu kháng chiến hẹn ngày trở về giải phóng Thủ đô.
Suốt hai cuộc kháng chiến, bao chàng trai cô gái Hà Nội đã lên đường cứu nước, đã hi sinh xương máu và tuổi trẻ của mình vì độc lập, hòa bình của dân tộc để lại những gương sáng như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… Thời bình, công dân trẻ Thủ đô vẫn hăng hái nhiệt tình nhập ngũ, rèn luyện để khi Tổ quốc gọi họ sẵn sàng lên đường.
Chất hào hoa, phong nhã, tài tử và sáng tạo của người Hà Nội biểu hiện ở sự tài hoa, khéo léo, tao nhã và trong cuộc sống, tính chất phóng khoáng, lịch duyệt, quân tử, tinh tế, coi trọng cái đẹp và luôn sáng tạo trong cuộc sống. Xưa kia, Hà Nội đã có rất nhiều làng nghề, phố nghề, nhiều nghệ nhân đắm đuối với những nghề truyền thống. Ngày nay, dù khoa học kĩ thuật hiện đại, nhiều nghề đã mai một đi song lại có những nghề mới thể hiện sự khéo léo, thức thời của người dân Thủ đô, góp phần làm đẹp thêm cho Hà Nội bằng bàn tay tài hoa của mình.
Lòng nhân ái, chuộng hòa bình và hòa đồng với cộng đồng dân cư và các cư dân từ nơi khác đến, nhất là với người nước ngoài thể hiện ở việc ngày nay người Hà Nội không hề phân biệt “Hà Nội gốc” hay người ngoại tỉnh. Hà Nội là nơi lập nghiệp và trở thành quê hương thứ hai của rất nhiều người. Người Hà Nội luôn thể hiện là những “chủ nhà dễ mến” với khách nước ngoài. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều năm 2019 tại Hà Nội đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhiều khách nước ngoài. Với lòng hiếu khách, nhiều hình ảnh, câu chuyện ấm áp của người Hà Nội đã được lan tỏa tới bạn bè năm châu biết bao năm qua.
Năm 1999 Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á – Thái Bình Dương đã vinh dự được nhận giải thưởng của UNESCO “Thành phố vì hòa bình”. Giải thưởng này là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình; một thành phố năng động, nhưng vẫn giữ những nét truyền thống, vươn lên với sức bật mạnh mẽ. Giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” đủ để nói nên sự yêu chuộng hòa bình của người dân Thủ đô.
Những siêu thị 0 đồng dành cho người khó khăn của Hà Nội luôn là hình ảnh ấm áp
Với những phận người có hoàn cảnh nghèo khó trong bất cứ thời điểm nào cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ. Trước mỗi đợt thiên tai bão lũ xảy ra ở các tỉnh miền Trung người Hà Nội luôn dành cho bà con bị thiệt thòi sự quan tâm giúp đỡ với quan niệm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Bao chuyến xe chở hàng cứu trợ mang thuốc men, thực phẩm vào tận nơi người dân bị lũ dữ bao vây, giúp đồng bào sớm vượt qua nguy hiểm, ổn định cuộc sống và sản xuất. Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, người Hà Nội bao đợt đứng lên giải cứu, tiêu thụ nông sản cho những tỉnh bị ùn ứ sản vật địa phương vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Những hành động đẹp này của người Hà Nội đã tạo thêm sức mạnh, sự gắn kết không chỉ với chính người Hà Nội mà còn với nhiều địa phương khác.
Xưa vốn được coi là “kẻ sĩ Bắc Hà”, người Hà Nội có tính chừng mực, vừa phải. PGS Nguyễn Văn Nhật cũng từng nhận định người Hà Nội nhìn chung ít rơi vào cực đoan, quá khích, thường có thái độ trung dung, vừa phải, không ham hố, ảo tưởng, quá tham vọng, coi trọng bình an, ổn định. Ngày nay, dù cuộc sống ồn ào hối hả, dù người trẻ Hà Nội rất năng động, sáng tạo, thức thời, bắt nhịp nhanh với nhịp sống hiện đại nhưng sâu xa trong bản chất vẫn có những sự trầm lắng tĩnh tại.
Người Hà Nội có tính tôn ti trật tự, kỷ luật, tôn trọng pháp luật. Với tư cách là kinh đô, Thủ đô của nước Việt từ Thăng Long, Đông Đô đến Hà Nội, người Hà Nội chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, coi trọng lễ nghĩa, tôn ti trật tự. Cho đến ngày nay, điều này vẫn như một tấm “barie vô hình”, khiến người Hà Nội tự biết dừng đúng lúc, quy định nên tính cách con người Thủ đô. Nó cũng chính là một phần gốc rễ làm nên sự thanh lịch, duyên dáng đằm sâu trong mỗi con người.
Cùng với đó, tính kỉ luật, giám sát, phản biện cao cùng lối ứng xử văn minh được hình thành, bồi đắp rõ nét từ hiệu quả của hai bộ quy tắc ứng xử đi sâu, bám rễ vào đời sống đã hình thành nên những lớp người Hà Nội mới đầy bản lĩnh và văn hóa.
Có thể khẳng định với phẩm văn minh, thanh lịch của người Hà Nội từ xa xưa đã được gìn giữ, tiếp nối phù hợp với từng giai đoạn đã trở thành bản lĩnh văn hóa để Hà Nội vượt qua mọi khó khăn thử thách và xây dựng Thủ đô ngày một vững vàng tiến bước.