Bản sắc văn hóa Việt qua lễ hội truyền thống

Đất nước Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Bản sắc văn hóa Việt được thể hiện ở nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội, trong đó có lễ hội truyền thống. 

Lễ hội ở Việt Nam tồn tại đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức, nghi thức khắp 3 miền đất nước. Ước tính ở Việt Nam có đến gần 8000 lễ hội được tổ chức hằng năm, trong đó phần lớn là lễ hội truyền thống.

Nếu hiểu “lễ hội” là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng với những giá trị nhất định thì “lễ hội truyền thống” còn bao gồm cả tính thời gian. Lễ hội truyền thống là những lễ hội có giá trị về mặt văn hóa, đã trường tồn trong lịch sử cộng đồng xã hội, được bảo lưu, phát triển, lặp lại và quảng bá không ngừng.

Hoạt động lễ hội bao gồm các hoạt động với phần lễ và phần hội. Phần “lễ” là cử chỉ của con người để tỏ thái độ tôn trọng với nhau, cũng như với các biểu trưng của tín ngưỡng. Các cử chỉ đó tạo thành phong tục trong đời sống hoặc các nghi thức trong tín ngưỡng… Còn “hội” là sự tập hợp đông người để thực hành diễn xướng, trình diễn các phong tục, tín ngưỡng, các hình thức văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật,vui chơi, giải trí, các sinh hoạt tinh thần xã hội…

Lễ hội đền Sóc năm 2018. Ảnh: Nam Nguyễn

Như vậy có thể thấy, dù là sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng nhưng bao giờ lễ hội cũng thực hiện phần “lễ”, để thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn, sống có trước có sau đối với những người đã có công lao trong suốt chiều dài lịch sử gây dựng, giữ gìn, bảo tồn phát huy nền độc lập và văn hóa của dân tộc. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được hun đúc và tiếp nối từ năm này qua năm khác, từ đời này sang đời khác, như một dòng chảy liên tục của thời gian thông qua nhiều hoạt động, trong đó có lễ hội truyền thống của dân tộc. Phần “hội” là một trong những nội dung không thể thiếu của lễ hội, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, làm cho lễ hội “mềm mại”, có “sức sống” hơn.

Lễ hội cổ truyền là những mốc đánh dấu chu trình đời sống sản xuất và đời sống xã hội của mỗi cộng đồng người. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, thời gian diễn ra các lễ hội không giống nhau nhưng thường là sau một năm, một mùa vụ thu hoạch lớn. Lễ hội có thể diễn ra trước hoặc sau. Nếu diễn ra trước nó như một nghi lễ cho sự khởi đầu để các hoạt động tiếp sau được diễn ra. Còn nếu diễn ra sau thì sẽ là lễ cảm tạ các đấng thần linh, người đã có công gây dựng, phù hộ… cho người dân được mưa thuận gió hòa, yên ổn làm ăn. Đây cũng là thời điểm người dân có nhu cầu được nghỉ ngơi, nhìn lại thành quả lao động sau một chu kỳ sản xuất.

Lễ hội còn là dịp để gắn kết cộng đồng. Lễ hội nào cũng là của và thuộc về một cộng đồng người nhất định, đó có thể là cộng đồng làng xã (hội làng), cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân tộc … Sự gắn kết cộng đồng để thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng chung ước muốn về sự bình yên, ấm no…

Mỗi một lễ hội truyền thống ở mỗi nơi đều mang một sắc thái văn hóa khác nhau, thể hiện quan niệm văn hóa, cách suy nghĩ, phong tục, tập quán mang tính đặc trưng của con người, vùng đất. Mặc dù độc đáo vậy, nhưng giá trị cốt lỗi của sự khác biệt đó vẫn hướng tới điều tốt đẹp, nhân văn. Vì vậy những lễ hội truyền thống với sắc thái văn hóa riêng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc.

Trong các lễ hội truyền thống, nhiều nét văn hóa độc đáo đã được bảo tồn, giữ gìn, quảng bá, tạo nên giá trị văn hóa của dân tộc theo trục thời gian. Vì thế, các lễ hội truyền thống dù có xuất hiện, ra đời hàng trăm, hàng nghìn năm, thậm chí vì một vài lý do nào đó bị ngắt quãng trong một khoảng thời gian nhất định thì vẫn được gìn giữ, lưu truyền đến thế thế hệ sau. Thế hệ đương đại, du khách nước ngoài có thể dễ dàng được “nhìn thấy”, “nghe thấy”, cảm nhận… những nét văn hóa từ ngàn đời của cha ông qua các lễ hội truyền thống. Thử làm phép ngược lại, nếu như không có những lễ hội truyền thống tái hiện, phục dựng, làm sống lại những nghi lễ, những nét đẹp văn hóa xa xưa… thì dù văn hóa truyền thống của cha ông chúng ta có phong phú, đa dạng đến bao nhiêu đi chăng nữa thì có lẽ thế hệ sau chỉ có thể dùng trí tưởng tượng hoặc lặn lội tìm trong văn học, sử học … trên hành trình đi tìm vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa được thấy rõ trong các lễ hội truyền thống.

Tuy nhiên, với đặc tính của văn hóa “có sự tiếp biến”, dù là lễ hội truyền thống nhưng những hoạt động, nghi lễ… của ngày xưa khi được đặt trong bối cảnh hiện nay không còn phù hợp đã có sự điều chỉnh, thay đổi. Như vậy lễ hội truyền thống dù mang trong mình những giá trị lâu đời nhưng luôn vì con người, vì cộng đồng và bắt kịp xu hướng văn minh, tiến bộ của thời đại.

Lễ hội truyền thống đã và đang tồn tại từ bao đời nay mang trong mình bản sắc văn hóa Việt như giá trị tự thân, bắt rễ sâu vào đời sống, tâm thức, tâm linh của con người. Những giá trị đó khẳng định một phần văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống ngày hôm nay. Đó là niềm tự hào, tự tôn văn hóa dân tộc đã được hun đúc và thử thách qua thời gian.